Vụ land của NH Gia Định đã kết thúc. Các cụ xem ở đây:
http://www.vnmedia.vn/newsdetail.asp?newsid=173052&catid=26
(VnMedia)- Với sự tham gia của Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương, ngày 27/8, những rắc rối kéo dài nhiều tháng xung quanh mùi khó chịu trên chiếc xe ôtô Land Cruiser BKS 52U-1651 mà ngân hàng Gia Định mua của Toyota Việt Nam đã được giải quyết ổn thoả.
Ngày 28/8, VnMedia đã trao đổi với ông Bạch Văn Mừng, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương, để làm rõ hơn về kết quả của buổi thương lượng này:
Vụ việc chính thức khép lại
Thưa ông, xin ông cho biết kết quả của buổi làm việc giữa TMV và NH Gia Định được Cục quản lý cạnh tranh đứng ra làm trọng tài giải quyết ngày 27/8 ?
Cục quản lý cạnh tranh đã nhận được hồ sơ khiếu nại của ngân hàng Gia Định (GDB) liên quan đến chiếc ôtô Land Cruiser BKS 52U-1651 mà GDB đã mua của Toyota Việt Nam (TMV) qua đại lý An Thành. Với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD), Cục Quản lý cạnh tranh đã làm việc cụ thể với GDB. Sau đó để đảm bảo thông tin đa chiều và khách quan, Cục cũng có buổi làm việc với TMV. Trên cơ sở trao đổi với cả hai bên, GDB là bên khiếu nại, còn TMV là bên cung cấp sản phẩm, bị khiếu nại, Cục Quản lý cạnh tranh đã đề nghị một buổi làm việc trực tiếp với cả hai bên vào ngày 27/8/2009.
Tại buổi làm việc này có đại diện của cả GDB, TMV và nhà phân phối của TMV. Phía GDB đã trình bày những vấn đề mà họ thấy cần phải nêu lên với TMV xung quanh chiếc xe, cũng như trình bày yêu cầu mà GDB mong muốn được giải quyết. Phía TMV cũng trình bày ý kiến của mình xung quanh vấn đề của chiếc xe. Trên tinh thần thiện chí cùng nhau giải quyết vấn đề, sau khi trao đổi với sự tham gia của Cục Quản lý cạnh tranh, GDB và TMV đã thống nhất được phương án giải quyết vấn đề này, đảm bảo quyền, lợi ích và thoả mãn yêu cầu của cả hai phía, coi như vụ việc khiếu nại đã chính thức kết thúc.
Nếu đại lý thiện chí, cầu thị, vụ việc có thể giải quyết sớm hơn
Mấu chốt của rắc rối nằm ở điểm nào, thưa ông ?
Tại buổi làm việc với hai bên, chúng tôi đã trao đổi để làm rõ do đâu mà vụ việc kéo dài, các cơ quan công luận cũng lên tiếng...Thực ra GDB với tư cách NTD cũng muốn mua được chiếc xe tốt phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, họ không muốn mua phải chiếc xe xấu, không muốn phải khiếu nại. Phía TMV với tư cách là nhà sản xuất, một thương hiệu có uy tín, cũng muốn cung cấp ra thị trường, cho người tiêu dùng những sản phẩm tốt nhất có thể, không muốn những sản phẩm lỗi để rồi bị kéo vào những cuộc khiếu nại vừa mất thời gian, công sức, và trong chừng mực nào đó còn ảnh hưởng tới uy tín...Cho nên cả hai bên đều thấy rằng sự việc là bất khả kháng và không ai muốn.
Tuy nhiên, tôi cho rằng vấn đề còn có thể giải quyết ở mức đơn giản hơn. Nghĩa là ngay khi phát hiện ra vấn đề, nếu nhà phân phối được uỷ quyền của TMV có cách tiếp cận, cách giải quyết hợp lý, thiện chí, cầu thị...thì vấn đề có thể giải quyết được nhanh hơn. Ở đây cũng có vấn đề TMV là nhà sản xuất nhưng việc cung cấp sản phẩm phải thông qua một chuỗi hệ thống phân phối, trong đó có các công ty phân phối, đại lý uỷ quyền; có thể thông tin ban đầu của người sử dụng không đến ngay được với TMV mà qua nhiều lớp khác nhau, cách thức tiếp cận vấn đề chưa được hoàn hảo..., làm cho tình hình có thể không quá phức tạp nhưng lại diễn biến phức tạp hơn, gây ra bức xúc nhất định cho cả hai phía.
Mấu chốt của vấn đề, theo tôi, là trong hoạt động sản xuất kinh doanh, bất cứ doanh nghiệp nào cũng có thể có khiếm khuyết. Điều quan trọng nhất là đứng trước khiếm khuyết đó thì cách tiếp cận của doanh nghiệp, cách ứng xử, giải quyết vấn đề như thế nào. Doanh nghiệp cần phải tiếp cận trên tinh thần thiện chí, cầu thị, có trách nhiệm thì các vấn đề có thể giải quyết được nhanh, triệt để, không mất quá nhiều thời gian, công sức.
Thiện chí là yếu tố tiên quyết
Qua vụ việc này, với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD, ông có lời khuyên gì với NTD cũng như những khuyến cáo gì với các nhà sản xuất để tránh những vụ việc rắc rối tương tự có thể xảy ra ?
Tôi nghĩ những vấn đề tranh chấp phát sinh giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng rất dễ xảy ra. Để giải quyết việc này cần sự thiện chí từ cả hai phía, trên tinh thần nhìn thẳng vào vấn đề, nếu như lỗi của bên nào thì bên đó cố gắng khắc phục. Khi đã có thiện chí, các bên sẽ tránh được những 'cuộc chiến' kéo dài, công văn qua lại...
Trong trường hợp cảm thấy hai bên khó có tiếng nói chung thì chúng ta đã có hệ thống luật pháp, cơ quan Nhà nước bảo vệ người tiêu dùng để tiến hành giải quyết tranh chấp này. Các cơ quan Nhà nước với chức năng của mình sẽ giải quyết vấn đề một cách trung thực, khách quan, đảm bảo công bằng lợi ích hai bên. Nhiều khi việc hoà giải thương lượng đó tốt hơn thay vì các bên văn bản qua lại, đổ lỗi, tranh cãi...
Cục Quản lý cạnh tranh là cơ quan thuộc Bộ Công Thương, là cơ quan chịu trách nhiệm thực thi luật pháp về bảo vệ quyền lợi NTD luôn sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp và người tiêu dùng giải quyết tốt nhất những tranh chấp và đảm bảo lợi ích của hai bên. Tôi cho rằng khi giải quyết tốt tranh chấp này thì đảm bảo cả hai bên cùng thắng, không có chuyện quá nặng nề người này thắng, người kia thua. Doanh nghiệp cung cấp sản phẩm dịch vụ chưa hoàn hảo thì nhận thấy để cải tiến, thay đổi, hoàn thiện công nghệ ...- đó cũng là thắng lợi. Người tiêu dùng cũng có thể thắng lợi ở những khía cạnh khác.
Có rất nhiều cơ quan Nhà nước, từ hành pháp, tư pháp; rồi đến các hiệp hội, phương tiện truyền thông....tham gia bảo vệ quyền lợi NTD, vậy theo ông khi có rắc rối NTD nên tìm đến cơ quan nào ?
Thông thường khi có tranh chấp, cách thức tiếp cận đầu tiên giữa các bên là tự thương lượng, hai bên có thể giữ kín tranh chấp. Trường hợp thương lượng trực tiếp không thành thì có thể tìm đến cơ quan quản lý Nhà nước thuộc hệ thống hành pháp để hoà giải. Nếu hoà giải không thành thì vụ việc có thể đưa ra toà dân sự, tuy nhiên khi đó sẽ tốn rất nhiều thời gian, mọi trình tự, thủ tục phải theo đúng quy định của Bộ Luật Tố tụng dân sự.
Vai trò của báo chí rất quan trọng
Thực tế có nhiều vụ việc, nếu không có sự tham gia của báo chí thì vụ việc sẽ không được giải quyết nhanh chóng...
Theo tôi, bảo vệ quyền lợi NTD là công việc chung của toàn xã hội, trong đó tự người tiêu dùng cần tìm hiểu để tự bảo vệ, nhà sản xuất có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi NTD thông qua việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ đạt chất lượng, yêu cầu; các tổ chức xã hội, nghề nghiệp cũng tham gia bảo vệ; các cơ quan quản lý Nhà nước...và đương nhiên có vai trò rất quan trọng của các phương tiện truyền thông như báo nói, báo hình, báo viết, báo điện tử.... Các phương tiện truyền thông đã góp phần giúp người tiêu dùng hiểu quyền của mình, hướng dẫn họ có những lựa chọn cách giải quyết tốt hơn, đồng thời thông tin các trường hợp vi phạm, cảnh báo với NTD cũng như biểu dương doanh nghiệp làm tốt...
Ở đây có điều tôi suy nghĩ, khi biểu dương cũng như khi đưa tin về khuyết điểm, điều chưa tốt của doanh nghiệp thì nên điều tra kỹ lưỡng, đảm bảo khách quan cho các bên.
Xin cảm ơn ông !
Quỳnh Trang (thực hiện)