Em thấy một số cụ mợ học HSK, nên em chia sẻ một chút đánh giá cá nhân về một số ưu nhược điểm của việc học HSK cũng như một số kinh nghiệm học, ngõ hầu có thể giúp các cụ mợ khắc phục cải thiện nhanh hơn, HSK có một số điểm mạnh trong đó có 1 điểm là nhanh hình thành khả năng giao tiếp, cái này có tác dụng tâm lý rất lớn đối với người học, nhưng là con dao 2 lưỡi, dễ thành nhanh nhưng dễ ngộ nhận năng lực. Về nhược điểm, học HSK em thấy có 2 nhược điểm đặc trưng: 1 là văn viết yếu, đọc hiểu yếu do nghiêng về nghe nói để lấy khả năng giao tiếp, 2 là thời gian thường ngắn, nhiều thói quen sử dụng và nghĩa gốc không hiểu sâu, phần này những người học bài bản thường ít mắc phải do có thời gian đọc từ điển và học ngữ pháp đủ lâu, đây là những đặc trưng em nhận thấy từ những người học HSK.
Vì thế, kinh nghiệm học để chắc kiến thức là các cụ mợ nếu mới học hoặc học HSK thì nên chăm viết, chăm đọc từ điển và xem ví dụ trong từ điển, nên dành thời gian đọc Từ điển Hán Việt và Từ điển tiếng Việt, như thế mới có thói quen tay trong khi viết, tăng khả năng nhớ chữ và nghĩa của chữ, bớt được một số ngộ nhận và hiểu được mối quan hệ đặc biệt giữa tiếng Trung và tiếng Việt, khi hiểu được sẽ học và sử dụng tiếng Trung được một cách uyển chuyển và tự nhiên hơn. Trước đây hồi em mới bắt đầu học, em đọc từ điển Thiều Chửu và Từ điển Hán Việt vào các ngày cuối tuần, tập viết và đọc hiểu vào các ngày trong tuần, đọc hiểu bài nào thì viết lại bài đó tối thiểu là 1 lượt, có thể học đi học lại như thế 2, 3 ngày cho 1 bài đọc hiểu. Nghe nên học vào lúc nhẹ nhõm nhất, có thể thông qua bài hát, có thể thông qua đoạn phim ngắn, nhưng nên biết rõ nội dung lời, nhìn nội dung lời, đây là cách học tiếng Trung qua bài hát, mức hiểu ở mức tạm ổn nhưng rèn được phản xạ. Nói thì có thể nhẩm trong đầu trước, một kỹ năng đơn giản là thử tự nói như đang nói với người khác ở khung cảnh riêng tư, nó sẽ giúp mình có được sự tự nhiên khi đưa biểu cảm vào câu nói, mô phỏng lại một số câu trong một số đoạn phim, xem youtube đã qua sàng lọc, không xem các clip mang tính review vì cảm xúc thường bị đẩy lên thái quá, mất tự nhiên mà lại dễ bị ảnh hưởng.
Trong 4 kỹ năng nghe nói đọc viết, 2 kỹ năng đầu tiên nhanh chóng khẳng định 1 con người học ngoại ngữ, nhưng em thấy thực chất đó là 2 kỹ năng thấp hơn 2 kỹ năng sau là đọc và viết, đây là quan điểm riêng của em đối với tiếng Trung. Nguyên nhân là vì Nghe và Nói tồn tại dưới dạng không cụ thể, nghe và nói tồn tại dưới dạng âm thanh, không lưu trữ lâu để khảo cứu, không bị ước thúc quá nhiều, tồn tại tình huống đồng âm dị tự, đặc biệt là đa phần có thể hàm hồ cho qua. Nhưng Đọc và Viết là kỹ năng tồn tại song song với dạng lưu trữ được, khảo cứu được, phân tích được và mổ xẻ được rất nhiều, không vướng vào các trường hợp không xác định, nó phân biệt đúng sai một cách chắc chắn, nó có thể cho người ta thấy hàm ý nhiều lớp của nó. Một trong những ý nghĩa của việc tập viết là nó là hành động cụ thể và với việc rèn luyện nhiều lần theo nguyên tắc tập luyện 10 ngàn lần, việc nhớ chữ và nghĩa sẽ khác hẳn. Một ý nghĩa khác hơi khó giải thích là đầu ngón tay nối liền với tim và não, độ linh hoạt của 10 ngón tay tương xứng với độ thông minh và khả năng xử lý đa tình huống của tim và não, do vậy, viết càng nhiều càng tốt, ngày xưa một học kỳ em cũng viết tầm 80-100 trang sổ, bạn em có người 1 học kỳ còn tiêu đến 3 quyển như vậy, bây giờ công việc của chị ấy là dịch một số văn bản về pháp luật trong 1 cơ quan nhà nước, tiếng Trung ở mức cao, những bạn năm xưa lười viết giờ đa phần tiếng Trung thoái hoá và đang làm những công việc liên quan rất ít đến tiếng Trung hoặc sử dụng tiếng Trung vô cùng ít (dù nó là cả một quá trình thay đổi nhưng nó rõ ràng có ảnh hưởng, em sẽ nói cụ thể hơn trong dịp khác).
Có thể nói 4 kỹ năng thì Nghe và Nói giúp hình thành lớp vỏ nhanh, nhưng nó không sâu sắc, còn Đọc và Viết hình thành lớp lõi và lâu hơn rất nhiều, nhưng nó chắc chắn và sâu sắc, về lâu về dài việc hình thành lớp lõi sẽ quyết định việc có theo đuổi sử dụng tiếng Trung lâu dài hay không. Theo thay đổi của thời cuộc do công nghệ nghe nhìn ngày một phát triển, Nghe và Nói được đánh giá cao và được đa số theo đuổi, còn Đọc và Viết dần bị coi là thứ yếu, nhưng trong những trường hợp quan trọng và quyết định, Đọc và Viết vẫn là thứ quan trọng nhất, giúp một người sử dụng ngoại ngữ giải quyết được vấn đề của mình. Do đó, em vẫn kiến nghị nên bắt đầu từ Đọc và Viết, tăng kiến thức và cuối cùng là nâng cấp Nghe và Nói, điều này đặc biệt có lợi cho những người ra nước ngoài, khi cụ mợ vào môi trường của ngoại ngữ, môi trường sẽ giúp kỹ năng Nghe Nói mạnh lên từng ngày, nhưng nếu Đọc Viết mà yếu, nó liên đới với kiến thức liên quan của cụ mợ, cụ mợ sẽ rất vất vả khi phải Nghe và Nói về mảng liên quan đó, cảm giác ù tai và tim đập hỗn loạn đó là cực kỳ YOMOST, nó sẽ khiến cụ mợ tỉnh ra và giác ngộ được vấn đề nhưng nhiều khi nó sẽ khiến cụ mợ có những xử lý rất không chuyên nghiệp.
Một kinh nghiệm khác cũng rất quan trọng mà em thấy nên chia sẻ, nếu các cụ mợ đang mới bắt đầu sẽ có thể rút ngắn được nhiều thời gian hơn, đây cũng là hướng mà em đang hướng cho F1, tức là song hành với học ngoại ngữ thì tìm hiểu về một số chuyên ngành liên quan bằng tiếng mẹ đẻ luôn, như vậy khi cụ mợ hiểu về nội dung mà mình muốn nói thì việc sử dụng ngôn ngữ cũng dễ dàng hơn. Như F1 nhà em, dù nó học tiếng Anh và tiếng Anh của em thì lẹt đẹt, nhưng thi thoảng cả 2 hay ngồi nói về đoạn văn mà nó học, em để nó trình bày lại bằng tiếng Việt, nói ra nghĩa mà nó hiểu, cách nói xuôi nhất mà nó có thể chuyển đổi về tiếng Việt được, chưa nói với nó đó là phiên dịch, rồi em sửa cho nó cách dùng từ, cách đảo vế lên trước về sau, vì về cơ bản em chỉ khác với nó về chủng loại ngoại ngữ, chứ kỹ năng phải có của người sử dụng ngoại ngữ thì tương tự. Vấn đề này đối với người mới học mà chưa vì mục đích phục vụ công việc cụ thể nào sẽ tương đối mơ hồ và khó xác định do các cụ mợ chưa biết dùng nó vào mục đích cụ thể nào, vậy hãy bắt đầu với các lĩnh vực mà cụ mợ thích, để cái yêu thích nó dẫn dắt động lực tìm kiếm cho cụ mợ, đối với các cụ mợ đang có mục đích học để dùng cho công việc, điều em nói ở trên sẽ phù hợp hơn, nhưng đôi khi các cụ mợ cần có 1 quyển từ điển chuyên ngành hoặc có thời gian để đối chiếu trên mạng hay một người có kinh nghiệm để trao đổi. Trong các nguồn đối chiếu trên mạng thì Wikipedia là một hướng tiếp cận đầy hiệu quả do nó có khả năng chuyển đổi kết quả sang nhiều ngôn ngữ khác nhau, em trước đây sử dụng wikipedia cho những khái niệm lạ, ngành hẹp, tuy có lúc không đầy đủ nhưng nó cũng cho mình thêm nhiều từ khoá để tìm kiếm rộng hơn, khi tìm kiếm nên duy trì song song 2 bộ công cụ là google và baidu, đối chiếu qua lại nhiều lần qua các kết quả hình ảnh, kết quả web thông tin để có kết quả chính xác nhất có thể. F1 nhà em hiện cũng đang theo hướng này, nhưng em vẫn đang hướng nó chỉ sử dụng bách khoa thư mở này cho những gì thuộc về khoa học tự nhiên, không áp dụng hoàn toàn cho các mảng thời sự xã hội, một số vấn đề còn cần phải né tránh wikipedia. Việc có một người hoặc nhiều người có chuyên ngành đó hay trao đổi cùng với mình cũng là một hướng đi hiệu quả, họ sẽ làm thầy của mình về mặt chuyên môn, đổi lại khi mình học được từ vựng liên quan mình cũng chia sẻ với họ, đối với dân kỹ thuật, nhiều khi họ rất thích như vậy, giữa dân kỹ thuật với nhau, dù không biết tiếng hoặc biết lõm bõm, với cách trình bày riêng như vẽ của họ, rất nhanh các bên có được hiểu biết lẫn nhau, làm việc như vậy rất hiệu quả và ghi nhớ rất lâu.