Ở đây em cam đoan có nhiều cụ chắc nghe ai bảo "ở Tây học nhàn cực" . Các cụ không hề kiểm chứng thông tin, mặc định là thông tin này đúng rồi suy ra ở Việt Nam học nặng, học sinh Việt Nam bị quá tải. Trên đây cũng rất nhiều người có khi không dạy con một ngày nào cũng lên kêu gào, chém gió về giáo dục.
Ở VN hết lớp 12 là vào năm nhất đại học, ở Mỹ hay Úc thì họ có năm dự bị đại học. Vậy thì phải so sánh lớp 12 ở VN với dự bị đại học ở Mỹ nó mới chuẩn. Cấp 3 ở Mỹ có học đạo hàm, vi phân, tích phân nhưng chỉ cho những học sinh có hứng thú hoặc muốn vào các trường đại học yêu cầu phải học môn đó (optional courses).
Vậy, nếu các cụ ở Việt Nam, các cụ không muốn vào đại học chuyên ngành kĩ thuật, các cụ có thể bỏ phần này trong toán cấp 3. Các cụ vẫn đủ điểm tốt nghiệp để có bằng cấp 3 đi làm nghề, hoặc vào đại học chuyên ngành xã hội.
Sau khi em xem sách bọn Sing, bọn Mỹ học, em chẳng hiểu sao chúng nó có thời gian học hết những cái đó. Toán Sing thì trình độ K (mẫu giáo) đã học cộng trừ phạm vi 100 có nhớ, lớp 1 đã học phép nhân, chia phạm vi 40, trong khi VN mình lớp 2 mới học. Bọn Tây, Sing nó còn có môn Khoa học, mầm non chúng nó đã biết làm thí nghiệm cây cần gì để sống, trong khi thằng cu lớp 7 nhà em mới học. Lớp 1 bọn tư bản đã học về âm thanh, chuyển động, lực (tức là phần mở đầu của vật lý). Nước ta lớp 6 mới có môn vật lý.
Sách văn học cấp 2 (grade 7) thì dày gần 700 trang khổ to (sách Mỹ) trong khi Việt Nam có 300 trang (cả 2 tập) khổ nhỏ. Ngoài ra trong năm chúng nó phải đọc các tác phẩm văn học dày cộp (4-5 quyển) mà phải đọc toàn văn trong khi VN mình học trích đoạn.
Cái em thấy Việt Nam mình kém đó là phương pháp học và xây dựng chương trình hợp lý. Em ví dụ sách toán lớp 2, 1 bài về phép nhân 2, 1 tiết luyện tập sau đó sang bài nhân 3 luôn. Học sinh không có đủ thời gian luyện tập để thẩm thấu kiến thức. Hay như sách Mỹ, họ dạy rất chắc về hàng chục, hàng đơn vị, không biết bao nhiêu bài luyện tập về nội dung đó, thế là khi sang cộng trừ có nhớ họ học rất nhàn, giúp học sinh nắm được bản chất phép cộng trừ có nhớ. Trong khi đó, toán Việt chỉ học kĩ năng cộng có nhớ (56+49 chẳng hạn. Sách VN dạy rằng: 6 + 9=15, viết 5 nhớ 1,...). Hay như học về số âm và giá trị tuyệt đối, họ có các bào toán tính độ cao 1 ngọn núi có phần chìm dưới nước và phần nổi, ...Tức là toán Mỹ dạy bản chất, ứng dụng trong khi toán VN ở nội dung này dạy kĩ năng tính toán. Các nội dung khác của Toán em chưa bàn tới vì chưa xem đến. Em đang mày mò dạy 2 thằng cu nhà em học thôi.
Nói thật, em chán nghe cái luận điểm "Việt Nam học nặng". Về nội dung chương trình em khẳng định VN học không hề nặng, có khi còn nhàn. Cái chúng ta thua là phương pháp học và việc xây dựng chương trình học hợp lý để học sinh tiếp thu được lượng kiến thức khổng lồ.