2- Thư gửi vua Anh (George III, 1760-1820)
Thư này viết bắt đầu vụ tàu Armide của Nguyễn ÁNh, giao cho Barisy đi công cán ở ngoại quốc, bị tàu Anh bắt. Vụ việc xẩy ra trước tháng 4 năm 1798 (vì thư của Olivier gửi Lefèbvre ngày 10/4/1798, có câu: "Barisy, thuyền trưởng tầu Armide, bị người Anh bắt, hàng hoá chở trên tầu bị bán hết..."
Ánh bèn sai Olivier (đi công cán ở Ấn Độ) phải điều tra rõ sự kiện này và tường trình cho Ánh biết. Olivier gửi thư cho ông Aguiton, chắc là người có trách nhiệm của chính phủ Anh về vụ việc này. Lá thư này tóm tắt toàn bộ sự việc mà Olivier đã điều tra được, đồng thời nói rõ đường lối chính trị trung lập của Nguyễn Ánh trong vùng bán đảo Ấn Độ, đang có tranh chấp gay go giữa Anh và Pháp. Ngoài ra, Olivier cũng đánh vào tinh thần thượng tôn Luật Pháp của người Anh, yêu cầu Anh giải quyết vụ việc đúng Luật.
Từ khi Pháp xảy ra cách mạng 1789, vua Louis XVI bị lên đoạn đầu đài; trong suốt thời gian 13 năm, 1789-1802, vua Anh George III dẫn đầu Âu Châu trong cuộc chiến chống lại nước Pháp Cách Mạng. Kể từ năm 1796, sự giao dịch với người Anh ở Ấn Độ của Nguyễn Ánh bị gián đoạn, có thể vì nước Anh đã chọn giao thiệp và bán vũ khí cho vua Cảnh Thịnh. Đến năm 1798, sự kiện tầu Armide của Nguyễn Ánh bị tàu Anh chiếm đoạt, đã khiến Ánh quyết định liên lạc với vua Anh, thuyết phục Anh không những bán vũ khí cho mình, mà còn ngừng bán vũ khí cho Tây Sơn. Lá thư dưới đây nằm trong mục đích và bối cảnh khó khăn đó.
"Thưa bệ hạ,
Khoảng cách phân chia nước tôi với nước của Bệ Hạ, từ trước đến nay, đã không cho phép tôi liên lạc trực tiếp với Bệ Hạ. Mặc dù rất muốn, nhưng tôi đã không dám mạn phép, nếu như không có vụ việc liên quan đến viên trấn thủ vịnh Bengale của Bệ hạ, (vụ Anh chiếm tầu Armide) tạo ra dịp này. Dưới thời người Hoà Lan (cầm đầu ở đây), hàng năm tôi đã gửi thuyền đến Batavia, Malacca và tới cả Ấn Độ để mua khí giới và các thứ quân nhu khác mà tôi cần. Từ khi những hạm đội vinh hiển của bệ hạ đã lấy được những đất là chấp hữu của Hoà Lan ( Nguyên văn: possessions hollandaises), tôi vẫn tiếp tục gửi như thế. Những tướng tá và quan trấn thủ Malacca đều đã biết thuyền kỳ của tôi và họ không làm trở ngại gì. Chỉ từ năm 1796, hoà khí này mới bị gián đoạn. Bệ Hạ sẽ thấy trong lá thư kèm theo, tôi viết cho viên toàn quyền ở vịnh Bengale của Bệ Hạ về vụ việc này. Thanh danh lừng lẫy về sự công minh của Bệ Hạ khiến cho tôi hoàn toàn tin tưởng sự khiếu nại của tôi sẽ đạt kết quả. Để Bệ Hạ lưu ý hơn nữa, tôi sẽ xin nói một câu về tôi.
Đã hơn hai trăm hai mươi năm, tiền nhân của tôi trị vì an bình đất Nam Hà, cho đến khi có nội loạn, và cuộc chiến với Bắc Hà, đất Nam Hà của chúng tôi mới hoàn toàn bị xâm chiếm. Nhờ trời, tôi được nối ngôi, và sau nhiều gian khó, với sự hậu thuẫn của dân tộc, tôi đã chiếm lại được gần nửa phần lãnh thổ. Bệ hạ hẳn không thể không biết đến mối thiện cảm lớn lao mà ngày trước Louis XVI, vua Pháp nay đã ra người thiên cổ, đối với tôi. Chính vị vua lớn này, với lòng tốt nổi tiếng của ông, đã tiếp đón con trai tôi trong lúc nguy nan. Chính ông đã chăm sóc và gửi nó về cho tôi với đầy ân huệ. Thêm vào đó, còn viện trợ lớn cho tôi đã gửi về Ấn Độ; sự trợ giúp này, vì bất hạnh không đến được tay tôi, bởi trời không chứng giám. Nếu vị quân vương này trị vì lâu dài và may mắn hơn, thì có lẽ tôi đã được yên bình từ lâu trên toàn thể lãnh thổ của tổ tiên tôi. Lòng biết ơn thấm đậm khiến tôi ngậm ngùi rơi lệ, mỗi khi nhớ đến đạo đức và tấm lòng cao thượng của vị quân vương này, tôi muốn tỏ lòng mến thương đối với ông, nhưng hoàn cảnh riêng của tôi và nhất là sự ngàn trùng xa cách khiến, chỉ để lại những ước muốn suông cho con cháu của hoàng gia trứ danh này. Lòng tôi chỉ thực thụ được an ủi nếu họ lấy lại được di sản của tiền nhân. Tôi cũng biết rằng Bệ hạ, rất thân với vua Louis XVI. Tôi thường được nghe kể rằng, ở thời kỳ còn thịnh, vua Pháp đã có Bệ Hạ là người bạn trung thành nhất, là người nhiệt tâm bảo vệ ông nhất và ngay cả khi ông đã bị tội ác cướp đi, bệ hạ vẫn hết sức cố gắng để trả thù cho ông. Thưa bệ hạ, niềm vinh quang mà nước Anh có được qua thái độ này của bệ hạ, không chỉ kích thích niềm thán phục của cả Châu Âu, mà còn làm rạng ngời những tán thành của chúng tôi ở tận viễn Đông này. Tôi dám mong rằng, như người thợ săn ngại bắn sẻ động rừng, Bệ hạ, vì lòng kính mến vua Louis XVI, sẽ vui lòng chiếu cố đến nỗi bất hạnh của tôi mà coi tôi là bạn. Việc hay nhất mà bệ hạ có thể làm được cho tôi trong tình trạng hiện nay, là ra lệnh cho các quan trấn thủ khác nhau của bệ hạ ở Ấn Độ, để họ cho phép những phái viên của tôi có thể mua được tất cả các thứ khí giới và chiến cụ mà tôi cần nhất. Nếu tôi có thể mua được từ mười đến hai mươi nghìn súng (Nguyên văn: fusils de munition) tốt, tôi nghĩ là cũng đủ. Cách đây mấy năm, phái đoàn ngoại giao của Bệ Hạ gửi sang Trung Hoa, đã ghé vào một trong những cửa biển Nam Hà (phái bộ Macartney, sứ thần Anh đầu tiên ở Trung Quốc, ngừng lại ở Đà Nẵng từ 14/5 đến 16/6/1793, dưới triều vua Cảnh Thịnh, đã được Barrow ghi lại trong hồi ký, xem chương 4, Barrow) không may cho họ, họ đã chỉ gặp được bọn thần dân nổi loạn của tôi, và chúng hãy còn đang chiếm giữ phần đất này của triều đình tôi. Nếu may mắn được gặp họ, tôi đã không quên tỏ cho họ biết lòng kính trọng sâu xa của tôi đối với Bệ Hạ. Chỉ còn một mối quan ngại mà tôi cần thông báo với bệ hạ, là những nhà buôn lớn ở Ấn Độ, vì ham lời, đi bán khí giới cho bọn phản loạn, chúng đã nghiền nát dân tộc tôi từ hơn hai mươi năm nay. Làm như vậy tức là cứu kẻ tán ác, là nối giáo cho giặc. Tôi khẩn khoản xin Bệ Hạ vui lòng cho lệnh nghiêm cấm để bọn giặc bị tiêu diệt một cách đích đáng. Xa cách Bệ Hạ muôn trùng, tôi đã không thể nói thẳng hết như được cùng diện kiến."
Cảnh Hưng năm thứ 59, ngày 13, tuần trăng 10 ( ngày 20 tháng11 năm 1798).
Như vậy, công lao của các sỹ quan Tây là không nhỏ để giúp Nguyễn Ánh đánh Tây Sơn, đbiệt là việc mua bán vũ khí. Sau này Minh Mạng sợ lộ, nên ra sức tiêu hủy mọi tài liệu liên quan đến giai đoạn này. Các bức thư, chỉ dụ của Ánh chỉ còn lưu lại bản tiếng Pháp mà thôi.
Chỉ dụ cho M. Gibsons ( 1 sỹ quan người Anh khác)
"Lệnh cho Gibsons, Cai đội chất trực hầu đang phục vụ dưới trướng, điều khiển Loan phi tiên tầu của hoàng thượng, vì công chuyện của hoàng thượng, lái tới Tranquebar cho Barisy, Khâm sai cai đội thiềng tín hầu. Xong nhiệm vụ, y bán chiếc tầu này, cùng với những hàng hoá trên tầu để mua hai chiếc tầu khác lớn hơn, chở đầy súng đạn và chiến cụ mà những đại lý của hoàng thượng sẽ chu cấp; mang cả về đây. Tuyệt đối không được bất cẩn, để được xứng đáng với lòng tin của hoàng thượng. Khâm tai đặc chỉ."
Cảnh Hưng năm thứ 59, ngày thứ 13, tuần trăng thứ 10 (ngày 20 tháng 10 năm 1798)
Chỉ dụ cho Barisy
"Lệnh cho Barisy, Khâm sai cai đội thiềng tín hầu, phục vụ dưới trướng, tức thì sang ngay Ấn Độ, đem theo năm lá thư của vua, trên tầu Loan phi tiên tầu của hoàng thượng. Xong nhiệm vụ, y khởi tố viên trung tá hải quân Anh của tầu Nom-Such tên là Thomas, về vụ chiếm tầu Armide của hoàng thượng. Y đòi phải bồi thường cho sự xúc phạm đến tầu của nhà vua và buộc phải trả lại những thư từ và giấy tờ quan pháp của vua, mà trung tá Thomas đã ăn cắp. Y bắt phải hoàn lại giá tiền chiếc tầu Armide và những hàng hoá chứa trên tầu, cả vốn lẫn lời. Y trao tất cả số tiền này tận tay những đại lý của hoàng thượng là Hanops và Stevenson, đại thương gia ở Tranquebar, để mua một chiếc tầu, khí giới và chiến cụ khác. Y chở ngay về đây. Y phải chấp lệnh này một cách triệt để và phải mau lẹ hoàn thành nhiệm vụ."
Kính cẩn nhận lệnh.
Cảnh Hưng năm thứ 59, ngày 13, tuần trăng 10 (20/10/1798).
Ánh sai Gibsons chỉ huy tầu Loan Phi, chở đồ sang Tranquebar (chắc vì Loan Phi là tầu lớn, Barisy không thể điểu khiển một mình được) bán cả tầu lẫn hàng hoá, để mua hai tầu lớn hơn, và chở vũ khí súng đạn vua đã đặt mua của các đại lý tại đây đem về Việt Nam.
Tàu Loan Phi là tàu đại hiệu, vua cho lệnh đóng vào tháng 2-3 năm 1793, cùng với các tầu: Long Ngự, Long Thượng, Long Hưng, Long Phi, Bằng Phi, Phượng Phi (Bằng Phi, Phượng Phi đã có từ năm 1784), Hồng Phi, Loan Phi, Ưng Phi. Nay sai bán Loan Phi đi để mua tàu khác, vậy, tàu, thuyền do nhà vua sản xuất ra, không chỉ dùng vào việc chiến tranh mà còn đem bán ở nước ngoài. Điều này chứng tỏ giá trị của thuyền tàu nước ta thời đó.
Thư gửi cựu toàn quyền Malacca
"Cai đội Gibsons đã giao lại cho công binh xưởng của ta tất cả những vật dụng mà y được những chủ tầu chất hàng cho, ta thấy có ít lưu huỳnh quá. Ta tiếc nhất là không thấy súng trường (Nguyên văn: fusils de munition) mà hiện nay ta cần nhất. .. Còn về chiếc tầu Armide, mà viên đại uý Thomas đã chiếm đoạt một cách bất công như thế, ta đã viết thư cho Anh hoàng và cho chính phủ trung ương ở Bengale..."
Cảnh Hưng năm thứ 59, ngày 13, tuần trăng 10 (20/11/1798)
Thư này chắc nói về một trong những chuyến đi trước đây của Gibsons, về giao hàng, nhưng Ánh không bằng lòng cho nên trong lá thư này, có ý trách, đồng thời nói đến chuyện tầu Armide.
Thư gửi toàn quyền Anh ở Ấn Độ
Các hạ,
Quả nhân rất ngạc nhiên khi biết tin chiếc tầu Anh Nom-Such, do thuyền trưởng Thomas cai quản, đã bất chấp luật nhân quần, chiếm chiếc tầu Armide, do Laurent Barisy, một trong những cai đội của ta, chỉ huy, mà ta đã gửi đến những hải cảng khác nhau ở Ấn Độ để mua khí giới và quân nhu cho ta. Người thuyền trưởng này, tưởng y là kẻ mạnh nhất, có thể coi thường tất cả, đã hạ cờ của ta xuống và treo cờ Anh lên hay thế; y đã, không biên bản, không có phán định của toà án hải quân, đem bán chiếc tầu này, cùng với hoàng hoá chuyên chở, và lấy sạch số tiền thu được. Y đã, bất chấp công pháp, bất chấp luật của các quốc gia, khinh thường luật xã hội, chận thư có quốc ấn niêm phong mà ta gửi cho tướng Anker, trấn thủ Tranguebar và cho ông Couperus, trước đây là trấn thủ Hoà Lan ở Malacca. Lối hành xử bất chấp này không hề bị trừng phạt: những lời khiếu nại nhiều lần của thuyền trưởng Barisy lên tướng chỉ huy và lên hội đồng hoàng gia Anh ở Bengale đều vô hiệu. Ta không cần nói, các hạ cũng biết rằng, ta không ngờ một cách ứng xử như thế. Cho tới bây giờ, ta chưa bao giờ có chuyện hiềm khích với một quốc gia Tây phương nào. Nếu ta có giao thiệp với một vài hạm đội đến đây, cũng là để tạo cơ hội thuận tiện cho họ, khi hoàn cảnh cho phép. Ta viết thư này cho các hạ để hỏi vì lý do gì mà các hạ cho phép thuyền trưởng Thomas hành xử kiểu hải tặc như y vừa làm. Ta yêu cầu các hạ bồi thường cho hải hạm của ta theo luật pháp Anh đòi hỏi trong hoàn cảnh tương tự. Ta yêu cầu phải trả lại những thư từ và giấy tờ quan pháp của ta để trên tầu Armide. Thêm nữa, ta đòi hỏi, phải bồi thường giá chiếc tầu này và hàng hoá chuyên chở, cả vốn lẫn lời, theo đúng giá cả mà luật pháp quy định. Vệ uý Olivier và cai đội Barisy được ta trao thẩm quyền để theo dõi việc này cho tới khi hoàn toàn thoả đáng. Ta mong các hạ, tin rằng, sở dĩ ta viết thư cho các hạ về việc này là chỉ vì lòng lính trọng sâu sắc của ta đối với hoàng đế Anh quốc.Các hạ phải thấy rằng nếu ta muốn bồi thường bằng luật bù trừ, ta chẳng thiếu gì phương tiện.
Cảnh hưng năm thứ 59, ngày 13, tuần trăng 10 (20/11/1798)
Ánh khôn ngoan quá, thư gửi cho cấp dưới thì thái độ cương quyết, gửi cho vua thì mềm mỏng, nhã nhặn, nên may cho Ánh là viên toàn quyền Anh này xem thư xong nổi giận, ra lệnh cho tập trung chiến hạm đến Nam Hà : “ dạy cho tên tiểu vương 1 bài học” thì có lệnh của vua Anh yêu cầu trả tàu cho Ánh, giải quyết êm mọi việc.