Lời văn của cụ Đốc đơn giản, dễ hiểu, thuộc loại bình dân sử liệu cho nam phụ lão ấu . Hơi tiếc là tư tưởng vẫn đi theo lối mòn sáo rỗng. Tỷ như:
"Chiêu Thống là ông vua chỉ quen trả thù vặt, chả biết làm việc gì lớn cho dân cho nước. Chỉnh nhận xét ông không phải là không có lý."
Thực ra, mọi vấn đề đều có nguyên nhân. Chiêu Thống Đế sinh ra và lớn lên trong một hoàn cảnh bi đát. Ông nội bị áp chế, cha bị giết, anh em và bản thân bị giam trong ngục từ nhỏ. Ông chìm vào quên lãng và chỉ được lôi ra từ nhà ngục vì một duyên may khi kẻ thù của gia đình ông [họ Trịnh] đang tan rã nên các phen phái tranh giành cần một biểu tượng cho hoàng gia. Thành thử khi nắm quyền nếu quả ông có một chút khắc bạc hơn bình thường cũng không phải là điều đáng ngạc nhiên. Ðó là lý do sâu xa khi ông ra lệnh đốt và phá huỷ một số cung điện của chúa Trịnh mà bị cho rằng “nhỏ nhen hẹp hòi” hay mối căm tức ngấm ngầm khi thấy anh em Tây Sơn cũng lại đi vào con đường lấn lướt của một thứ chúa mới. Nói chung, Cuộc đời Chiêu Thống Đế cũng như chiếc ngai vàng của nhà Lê những năm sau cùng chỉ là một chiếc lá giữa dòng, mặc cho nước cuốn tới đâu thì cuốn, không thể nào cưỡng lại được.
Vua là một người ham học, tỏ ra có năng lực trị nước: Ngay tháng ba năm Chiêu Thống nguyên niên (Ðinh Mùi, 1787) đã mở thi chế khoa. Lối thi này là lối thi mới gồm 10 khoa, phỏng theo cách thức của Tư Mã Quang nhà Tống kén chọn nhân tài dựa trên đức độ, tiết tháo, mưu trí và sức khỏe, thông minh, công bằng, tinh thông kinh sử, bác học, văn tài, khéo xét xử, giỏi tài chính, thuế khóa, hiểu biết pháp luật.
Theo Nghệ An Ký thì:
Tháng 3 năm Chiêu Thống thứ 1 (1787), Vua xuống chiếu tiến cử các kẻ sĩ hiền lương phương chính. Vua cho Lịch tôi [Bùi Dương Lịch] sung chức cung phụng sứ ở Viện Nội hàn. Vua ham học kinh sách, quan kinh diên cứ 6 ngày đến giảng một lần, còn trong Viện Nội hàn mỗi ngày giảng một lần. Lịch tôi còn được ân sủng vào thẳng điện Tập Hiền, để sẵn sàng khi vua hỏi. Mỗi khi được vào hầu vua thì vua thường khăn áo chỉnh tề, cho ngồi bàn trà, quyền chúc hợp ca. Em thứ hai vua Hoàng Nhị Ðệ là Hiền [Ðiền] quận công Lê Duy Trù cũng rất yêu kính, mỗi khi tôi vào hầu vua trở ra, đều mời về nhà riêng để giảng nghĩa kinh.
Vua là người có ý thức tự chủ. Khi Hiển Tông Vĩnh Hoàng Đế sắp mất có trối lại là “Sau khi ta nhắm mắt rồi, truyền nối là việc trọng đại, cháu [Lê Duy Kỳ] nên nhất nhất bẩm báo để Nguyễn Văn Huệ biết…” Thế nhưng khi vua Hiển Tông qua đời, vua tự phát tang rồi nối ngôi sau mới báo cho Nguyễn Văn Huệ biết. Ông còn nói: “Lên ngôi ngay ở trước linh cữu là theo lễ đấy”. Và đúng là việc này không có gì sai trái vì Nguyễn Huệ là người ngoài, không thể can thiệp vào những việc của triều đình Bắc Hà.
Khi anh em Tây Sơn rút về thì của cải trong kho tàng bị họ vét sạch, không sót một mảnh đồng, một tấc sắt, cùng mọi thứ chất đầy xe chở về Nam. ...Khi ấy từ Thanh Hoa trở ra, vua sai quan trấn giữ, chỉnh đốn kỷ cương triều đình. [Lê quý dật sử]
Vua sai phế bỏ những cơ cấu chồng chéo của phủ chúa ngày trước, như lục phiên, để trả quyền hành về cho lục bộ, thống nhất chính lệnh. Vua đặt chức Bình chương chính sự và cơ quan Khu mật viện xứ theo quan chế Tống triều [hiểu lễ]
Trong khi Côn quận công Trịnh Bồng, con Toàn Vương, tỏ ra nhu nhược và là con rối của đám tướng sỹ, vua ngược lại rất kiên quyết. Dư đảng họ Trịnh là Ðinh Tích Nhưỡng và một số cựu thần xu thời lại nài ép vua Lê phong vương cho Trịnh Bồng. Vua nói: "Ngày trước nhà ta suy vi, nhờ được họ Trịnh khuông phù, rồi quyền bính về họ Trịnh, việc tế lễ vì [về] ta. Ðó là một thời. Nay mệnh trời đã đổi, tổ tông thiên hạ ở cả một mình ta, một nước hai vua hà nên lấy đó làm lệ. Vả lại họ Trịnh đã được rồi, họ Trịnh lại tự để mất đi, chứ nào ta có phụ gì họ Trịnh?" Ðược mấy ngày, Ðinh Tích Nhưỡng đem quân vây điện, cầm súng tuốt gươm. Các tôn thất và quan đại thần sợ sinh biến, khóc lóc, khuyên van mãi vua mới bất đắc dĩ phong Bồng làm Yến Ðô Vương.
Vua là người dũng cảm. Khi tiết chế Vũ Văn Nhậm đem binh ra cướp nước, vua sai Đạt quận hầu, chỉ huy quân Hổ bôn, đứng giữa sân lớn tiếng gọi, tụ tập bọn thị vệ, quan nội thị. Vua thân cưỡi voi, dẫn vài trăm quân sang doanh Bằng Công bàn chuyện. Đến nhà Bằng công Chỉnh, Chỉnh đội khăn xếp mặc áo thanh cát ra khóc lạy, đón vua. Vua tư thế rất đàng hoàng, ngồi ghế tréo chính giữa nhà, bọn hộ tùng đều mặc giáp cầm gươm đứng hầu xung quanh. [Phe chống đ.ả.ng Tây Sơn ở Bắc Hà- Hoàng Xuân Hãn]
Trận Mục Sơn [Kinh Bắc] Ngày mồng 4 [tháng Chạp] quân Tây Sơn kéo đến, vua Lê sai hoàng đệ đem hoàng thái hậu, vương phi và nguyên tử theo đường phía bắc chạy lên Lạng Sơn, còn nhà vua mặc áo giáp, cưỡi ngựa đi đầu có ý đích thân chống giặc, các quan nội thị cưỡi ngựa đeo kiếm đi chung quanh. Các bề tôi, nội thị can ngăn, vua mắng là hèn nhát. Bùi Dương Lịch nắm cương ngựa can rằng:
– Việc binh chiến không thể lường được, xin bệ hạ hãy lấy xã tắc làm trọng, chớ có khinh địch.
Vua miễn cưỡng nghe theo, cho ngựa đứng sau trận khoảng 3 dặm. Dương Tuấn đem quân giữ bên phải, Nguyễn Hữu Chỉnh đem quân giữ núi bên trái. Rất tiếc trận này quân Lê ít ỏi, còn quân Bắc Giang ô hợp nên bại trận. Quân Tây Sơn dàn hàng ngang tiến lên, Nguyễn Hữu Du [con Chỉnh,
Nghệ An Ký viết là Hoằng] bị giết, hai con và cháu của Dương Tuấn [thổ hào Bắc Giang] cũng tử trận. Nguyễn Hữu Chỉnh bị bắt giải về Thăng Long xé xác, bêu ở cửa thành. Vua Lê chạy sang Bảo Lộc, các bề tôi mỗi người một ngả. Ðầu năm sau, thổ hào ở Hải Dương đón Vua về Giáp Sơn.
Chiêu Thống Đế trẻ tuổi [hình mang tính minh họa] mặc giáp cưỡi ngựa đi trước đích thân chống giặc