(GÓC KHUẤT CHIẾN TRANH
Thớt 4:
LỮ ĐOÀN NHẨY DÙ 305 VÀ LỰC LƯỢNG ĐỔ BỘ ĐƯỜNG KHÔNG VIỆT NAM)
III/ Biên niên sử của Lực lượng nhẩy dù, từ sau khi Lữ đoàn nhẩy dù 305 bị giải tán vào năm 1967)
(12): Tham gia chiến dịch Mậu Thân năm 1968, qua lời kể của của phi công máy bay IL-14.
Tút 3: Xuất kích
(Bắt đầu từ đây, danh xưng ‘TÔI’ là danh xưng của bác Thọ).
---- ---- ---
1/ Đợt 1, đêm 7/2/1968.
Khoảng 15 giờ ngày 6/2/1968, chúng tôi đưa máy bay từ Tường Vân (Trung Quốc) về hạ cánh xuống sân bay Gia Lâm rồi vào thẳng nhà ga nhận lệnh chiến đấu. Nhưng thời tiết càng về chiều càng tồi tệ, máy bay không thể cất cánh.
Đến 16 giờ ngày 7/2, có lẽ do yêu cầu khẩn cấp của chiến trường, nên mặc dù thời tiết rất xấu, các tổ bay vẫn được lệnh xuất kích. Đồng chí Phan Khắc Hy thay mặt Quân chủng xuống động viên và tiễn chúng tôi ra tận máy bay.
Tôi nhớ như in hình ảnh anh Bang - Đại đội trưởng, sôi nổi đi trước tôi mấy bước. Thấy tay tôi đút túi quần, anh hỏi: “Có lạnh không? Lấy khăn dù của tớ quấn cổ cho ấm!”. Tôi từ chối vì thực sự không lạnh. Giá như vào lúc ấy, tôi nhận tấm khăn dù của anh Bang trao thì bây giờ tôi vẫn còn giữ được hơi ấm của người Đại đội trưởng quý mến, giản dị, chân tình, vô cùng thương yêu chiến sĩ của mình.
Đêm đó cả 6 tổ đều xuất kích.
Tốp đầu 3 chiếc bay vào ném bom đồn Mang Cá (Huế).
Sau đó 10 phút, tốp thứ hai cũng gồm 3 chiếc cất cánh bay vào Phước Tích thả dù tiếp viện vũ khí, chất nổ.
Mỗi tốp bay theo đội hình hàng dọc, mỗi chiếc cách nhau 5 phút để dễ dàng cơ động và hỗ trợ nhau.
Vì thời tiết quá xấu, lại liên tục phải tránh máy bay địch và các loại hỏa lực của địch bắn lên từ mặt đất nên sau khi tiếp nhận mục tiêu, không thể xác định được vị trí chuẩn.
- Tổ anh Trung thả hàng lệch mục tiêu 20 km,
-Tổ anh Hoàng Liên bị trúng đạn, cạn xăng phải hạ cánh khẩn cấp xuống Thọ Xuân, Thanh Hóa;
--- ---- ----
(Ghi chú của Baoleo:
Khi đó, máy bay của anh Hoàng Liên còn nguyên bom đạn trong máy bay do chưa kịp ném. Vì vậy, khi hạ cánh bắt buộc xuống Thọ Xuân, thì từ phi công trên máy bay – cho đến nhân viên phục vụ mặt đất = = >> đều són đái ra quần. Vì như vậy là vi phạm nguyên tắc an toàn bay ở mức độ cao nhất. May mà nhờ ơn các cái, nên máy bay đã không nổ tung).
--- ---- ----
-Các tổ khác trở về an toàn;
-Riêng tổ anh Kế, Mẫn, Châu, Minh, Tê lâm nạn, và đã ra đi mãi mãi.
Trận đầu chưa giành thắng lợi, lại bị tổn thất một tổ bay, nhưng không ai tỏ ra nao núng.
Xuất phát từ thực tế của chuyến bay đêm 7/2 và ý kiến của anh em, anh Bang đề nghị từ trận thứ hai, khi vào đến Huế, nếu không thấy mục tiêu chính là đồn Mang Cá thì căn cứ vào tình huống tại chỗ, xin cho phép oanh tạc hai mục tiêu phụ: căn cứ Tà Cơn và cảng Cửa Việt.
2/ Đợt thứ 2, đêm 8/2/1968.
Xuất kích 4 tổ bay vì máy bay tổ anh Hoàng Liên đang sửa chữa.
Riêng tổ anh Võ Minh Chung, là tổ mà tôi đã cùng bay đêm 7/2 thì anh Nguyễn Văn Nùng thay anh Sầm làm lái phụ, còn về phần mình, mặc dù lúc đó bị cảm nhẹ, tôi vẫn xin anh Bang được tiếp tục tham gia vì ít nhiều đã quen cách bay, nhưng anh nói: “Để cậu Hồi bay thay. Thọ giữ gìn sức khỏe cho tốt rồi bay tiếp. Chiến dịch còn dài, chỉ sợ thiếu lực lượng, lo gì?”.
Nhưng cũng vì thời tiết quá xấu nên các tổ bay buộc phải trở về.
3/ Đợt thứ 3, đêm 10/2/1968.
Vẫn gồm 2 tốp, 4 tổ bay giống như đêm 8/2.
Các tổ bay ra đi với tinh thần cảm tử, quyết tâm cao độ.
Vào tới khu vực tác chiến, anh em không sợ nguy hiểm, quần đảo sục sạo bằng mọi giá tìm mục tiêu. Nhưng yếu tố bất ngờ không còn, địch tăng cường hỏa lực mặt đất và khống chế trên không; đặc biệt, thời tiết quá xấu đã gây khó khăn rất lớn cho việc thực hiện nhiệm vụ.
Đêm đó, tổ anh Võ Minh Chung, anh Nùng, anh Hồi, anh Phú, anh Thường đã không trở về.
4/ Đêm 12/2/1968, đợt xuất kích thứ tư và cũng là cuối cùng.
Chỉ còn xuất kích được 3 tổ, gồm:
- Tổ anh Bang, An, Tiếp, Đắc, Tụ.
- Tổ anh Ba, Luyến, Vận, Tuyên, Công.
- Tổ anh Trung, Sửu, Kính, Sen, Quý và 2 (4) đồng chí thả dù.
Nhưng trong đêm đó, chỉ có tổ anh Trung trở về, tổ của các anh Bang và anh Ba đã mãi mãi ra đi.
Chỉ một tuần ngắn ngủi tháng 2/1968, lực lượng bay của Đại đội IL-14 bị thiệt hại nghiêm trọng. 20 đồng chí của 4 tổ bay đã anh dũng hy sinh. Đó là những chuyến bay chiến đấu chi viện chiến trường miền Nam đầu tiên và cuối cùng của Đại đội IL-14.
6/ Những chiếc máy bay có thể bị rơi ở đâu?
Có thể nghĩ đến những phương án sau:
6.1/ Vùng núi Đô Lương, Nghệ An:
Ngay vào hồi đó đã có tin đồn một máy bay của ta bị bắn rơi, nhân dân nhặt được phích nước Rạng Đông và súng AK. Nếu đúng thì có thể là máy bay của tổ anh Võ Minh Chung, bị nạn đêm 10/2/1968.
6.2/ Vùng núi phía tây Huế - Quảng Trị như Lao Bảo, A Sầu, A Lưới, Phước Tích:
Khu vực này có hỏa lực bắn lên rất mạnh, hầu như tổ bay nào cũng hứng đạn.
Năm 1968, chúng tôi đã nghe đồn có máy bay ta rơi ở phía tây Huế, nhưng không ai để ý. Đến nay tin đồn đó đã được chứng minh. Tuy vậy, hai chiếc mới được phát hiện này là của tổ nào, thuộc tốp nào thì vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn.
Trong cuốn băng video “Đi tìm đồng đội” của Đoàn 919 tiến hành tháng 7/2005 thì trong chiếc máy bay bị rơi ở A Lưới, từ số hài cốt được gói và chôn trong một bọc, anh em đi tìm mộ đã chia ra làm 8 phần để tượng trưng cho 8 đồng chí, trong khi trên thực tế, mỗi tổ bay lúc đó, nếu là ném bom thì chỉ có 5 người, tiếp tế thì có 7 người.
Trong phim cho thấy những viên đạn cối được lấy ra từ xác máy bay này hình như không có hạt nổ, tức là đạn an toàn thuộc máy bay tiếp tế. Theo cảm nhận của tôi, chiếc máy bay trong cuốn băng này nhiều khả năng là của tổ anh Kế, bị nạn đêm 7/2/1968.
Nghe tin khu vực này còn một chiếc nữa nên rất mong các đồng chí có trách nhiệm cho tổ chức tìm hiểu cặn kẽ hơn để chúng ta cùng xác minh hai chiếc này thuộc tốp bay nào, từ đó có thể xác định rõ thuộc tổ bay nào.
6.3/ Vùng Cửa Việt, phá Tam Giang:
Ngay năm 1968, chúng tôi đã nghe đồn: đài địch đưa tin có MiG Bắc Việt bị rơi ngoài biển Cửa Việt, phá Tam Giang.
Nhiều người kháo nhau, máy bay ta tìm mục tiêu đánh tàu, hạm đội địch thì bị bắn rơi xuống biển.
Phải chăng với ý chí tìm bằng được kẻ địch để tiêu diệt, tốp thả bom của anh Bang hoặc anh Ba đã dũng cảm săn lùng tàu giặc tại vùng biển này và đã hy sinh vào đêm 12/2/1968? Tôi nghĩ nhiều khả năng nhất là tổ anh Bang bị nạn ở khu vực này, bởi lẽ hằng ngày, tính cách của anh Bang là trầm tĩnh nhưng mạnh mẽ. Có thể vì vậy, khi tiếp cận Mang Cá, do thời tiết quá xấu, tổ của anh đã quay ra vùng Cửa Việt tìm đánh tàu giặc và đã lâm nạn tại đây.
6.4/ Cũng không loại trừ khả năng máy bay bị đâm vào núi trên chặng bay Mường Xén - Lao Bảo, dọc theo hai bên sườn của dãy Trường Sơn.
Lâu nay, trong tôi luôn vọng về từ đâu đó tiếng gọi thiêng liêng của đồng đội. Nhất định anh em sẽ giúp chúng ta có sức mạnh, gặp may mắn, chỉ cho chúng ta nơi anh em nằm để chúng ta sớm gặp, đưa anh em về với đồng đội, với gia đình. Vấn đề ở chỗ, chúng ta phải bắt tay vào công việc càng sớm càng tốt vì lớp chúng tôi chỉ còn lại 3 người khỏe mạnh. Tôi nay cũng đã về hưu nhưng vẫn còn khỏe, xin sẵn sàng tự lo cơm gạo, khăn gói lên đường với các đồng chí. Rất mong nhận được tin tức của bạn bè xa gần về những chiếc máy bay này
7/ Danh sách những đồng chí tham gia trực tiếp Chiến dịch Mậu Thân 1968 hiện còn sống:
1. Hoàng Liên, nguyên Đại đội phó IL-14, tổ trưởng tổ bay. Đã về hưu, hiện ở tại 65/2 Phan Xích Long, Phú Nhuận, Tp.HCM.
2. Trần Hữu Thọ, dẫn đường. Đã về hưu. Hiện ở tại 25 Cửu Long, P.2, Tân Bình, Tp.HCM.
3. Nguyễn Văn Sửu. Lái phụ cho tổ anh Trung. Nay đã về hưu, già yếu. Hiện ở tại Khu TT Đoàn bay 919, Gia Lâm, HN.
4. Lê Ngọc Chuyền: Địa chỉ như trên.
5. Nguyễn Bình Sen: Địa chỉ như trên.
6. Vũ Đức Sầm. Hiện ở Hải Hưng (?)
7. Đỗ Xuân Khương. Đã chuyển công tác từ lâu, nay không rõ chỗ ở.
8. ... Quý: Đã chuyển ngành từ lâu, không liên hệ được.
Riêng các đ/c Hoàng Ngọc Trung, Đinh Chí Linh đã hy sinh trong những chuyến bay sau này.
Như vậy hiện nay 8 đồng chí còn sống.
---- ---- ----
(hết tư liệu từ bác Thọ) --------
+++Hình minh hoạ
- Một tổ bay IL-14 trước giờ lên đường
- Lính dù của Lữ đoàn nhẩy dù 305, lên máy bay IL-14 trong một lần huấn luyện