Đây, em hầu các cụ đang bảo vệ ý kiến bằng con mắt có độ lùi 40 năm lịch sứ nhé
Theo Nhật ký Han-đơ-man (Haldeman)[1] ngay trước chiến dịch Lai-nơ-bắc-cơ II (Linebacker II), bất chấp những hục hặc, Kít-xinh-giơ (Kissinger) đã tán thưởng Ních-xơn (Nixon) về quyết định ném bom hủy diệt Hà Nội là “thượng sách”. Kít-xinh-giơ cho rằng Ních-xơn sẽ công thành danh toại nhờ những “hành vi thú tính không thể đoán trước” (brutal unpredictability)…
Nhưng gần bốn thập kỷ sau, tác giả các bài báo nổi tiếng từ những năm 70 của thế kỷ 20, về Lai-nơ-bắc-cơ II (chiến dịch đánh phá Hà Nội, Hải Phòng bằng không quân chiến lược Mỹ 12 ngày đêm cuối năm 1972) là Đa-na Đren-kốp-xki (Dana Drenkowsky) và Lét-xtơ Grao (Lester Grau) đã công bố nghiên cứu của mình về chủ đề này, nhan đề “Rập khuôn và đoán trước được” (Patterns and predictability), phân tích các đánh giá của các phía về chiến dịch Lai-nơ-bắc-cơ II[2]. Công trình được xem như tổng hợp các góc nhìn từ ba phía rọi vào đoạn kết cuộc chiến trên bầu trời Hà Nội.
Các tác giả Đren-kốp-xki và Grao cho hay, Bộ chỉ huy Không quân chiến lược Mỹ (SAC) “mắc những sai lầm nghiêm trọng, chịu những tổn thất nặng nề trong một chiến dịch được xem là thất bại”.
Đòn tập kích không gây bất ngờ
Hôm nay nhìn lại, các tác giả cựu phi công Mỹ như D. Đren-kốp-xki, E. Tin-phoóc (E. Tilford) và cả M. Mác-san (M. Marshall) về cơ bản nhất trí với các cựu chuyên gia Liên Xô, như Thượng tướng, Giáo sư, Tiến sĩ A. Hiu-pơ-nen (A. Hiupenen), rằng trong một quyết định chiến tranh dốc toàn lực (all out – ý nói sử dụng một quy mô lực lượng lớn) như Lai-nơ-bắc-cơ II, huy động toàn bộ sức mạnh không quân của Mỹ, nhưng lại sử dụng các sơ đồ ném bom và các đường tiếp cận vào đánh phá khu vực trung tâm đồng bằng Bắc Bộ đã biến thành “lối mòn”, bởi các máy bay ném bom chiến thuật của Mỹ (đội hình đi đánh phá, kể từ giữa năm 1972 đã xuất hiện cả B-52, thường thưa hơn, mỏng hơn so với Lai-nơ-bắc-cơ II) trong suốt 6 năm liền kể từ đầu chiến tranh phá hoại đường không chống miền Bắc. “Việc Mỹ vẫn sử dụng các thủ đoạn tác chiến, trình tự bay cố định, cho phép Việt Nam dân chủ cộng hòa có thể phòng thủ tốt hơn, thậm chí là thành công, chống lại cuộc đại không kích Lai-nơ-bắc-cơ II, tháng 12-1972”…
“Kế hoạch của Không lực Mỹ là tỉ mỉ, chu đáo, nhưng rất dễ bị đoán ra, buộc đội hình máy bay Mỹ tuân thủ biểu đồ chiến dịch mẫu... Cất cánh, hành trình bay, tác chiến điện tử, hoàn thành thời gian bay dự kiến đều đoán trước được. Các chiến thuật đánh phá là cố định nên đối phương dễ nắm bắt. Công nghệ của Mỹ tạo ra một mức độ khó khăn cho Bắc Việt, nhưng cách áp dụng lại vẫn là có thể dự đoán được. Chính công nghệ cao nhưng mang tính dự đoán được của Mỹ đã giúp cho Bắc Việt chống trả hữu hiệu”.
Chính Mỹ bị bất ngờ
Các chi tiết gây bất ngờ về chiến dịch, chiến thuật cho phía Mỹ gây tốn kém giấy mực. Chẳng hạn, các nguồn Mỹ cho rằng bộ đội phòng không Việt Nam đã bắn khoảng 1000 quả đạn tên lửa SAM-2 trong toàn Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”, tuy nhiên, kết toán của Liên Xô về hạng mục này[3] khẳng định chỉ có 244 quả tên lửa đã được bắn. Để phát hiện những tốp F-4 phát nhiễu đóng giả đội hình B-52, các trắc thủ Việt Nam làm động tác phóng tên lửa giả và những “quả đạn giả” này hẳn đã làm thiết bị của Mỹ đếm lầm…
Loại B-52 được cải tiến nhằm che mắt các ra-đa hiện đại hơn của đối phương, theo Tin-phoóc, bất ngờ mất tác dụng, vì chúng (B-52G “đời mới”) bị phát hiện bởi những ra đa “cổ lỗ” thuộc thế hệ đầu nhưng vẫn được “giữ tốt dùng bền”, bên cạnh các trang bị tác chiến điện tử hiện đại khác, nhờ những “bàn tay vàng”, tinh thần vượt khó, tính cần kiệm và óc sáng tạo của bộ đội Việt Nam (nhận định của chuyên gia Liên Xô, một số tác giả phương Tây).
Còn cả những bất ngờ vượt xa cấp chiến thuật là Mỹ đã phát hiện những thông tin chiến dịch của Lai-nơ-bắc-cơ II đã bị đối phương biết được, hoặc giải mã… Theo tác giả Đren-kốp-xki, đó là do xu thế người dân Mỹ, tới năm 1972, xem cuộc chiến tranh Việt Nam là phi nghĩa (unjust war), tất dẫn đến chiến bại. Kết quả là nhiều rò rỉ đã xuất hiện trên báo chí ở Mỹ, thậm chí xảy ra trao bí mật cho phía đối phương (như vụ bắt một nhân viên của Cục cơ yếu Hải quân Mỹ)[4].
Nhưng bất ngờ lớn nhất với Mỹ, mà đến nay các nghiên cứu quốc tế chưa nêu bật được, là những cuộc vây bắt “hung thần” B-52 ngay từ năm 1966 khi “rồng lửa” đã mang cả đội hình chiến đấu cấp trung đoàn đã vào tận các tọa độ lửa ở Khu 4 và Trường Sơn để xây dựng cơ sở cho một chiến lược “đánh B – 52”, bất chấp những quan ngại của nhà sản xuất tên lửa SAM về bảo đảm kỹ thuật – hậu cần… Trí óc và sự quả cảm không tả xiết trong kỳ công “vào hang bắt cọp” (chữ dùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh) này sẽ chín muồi thành cuộc “nghênh tiếp dữ dội” (violent welcome) đầy bất ngờ trên bầu trời Hà Nội, dành cho cách kỷ niệm Noel 1972 của quỷ Xatăng.
Địa ngục trên khoảng trời hẹp
E. Tin-phoóc, sắc sảo cả về chiến thuật, chính trị - ngoại giao, lẫn về cuộc đấu trí giữa phe diều hâu và phe phản chiến ở Mỹ thời Ních-xơn, đã viết:
“Hàng năm trời B-52 đơn phương ném bom xuống các cánh rừng không được lực lượng phòng không đối phương bảo vệ ở miền Nam,… các chiến thuật thấp kém và một đô (dose - lượng) khá mạnh của sự quá tự tin đã làm cho vài đêm đầu tiên của Lai-nơ-bắc-cơ trở thành ác mộng cho các kíp bay B-52
Cho đến tháng 11-1972, khi chiếc B-52 đầu tiên bị SAM bắn rơi trên bầu trời Nghệ An, vẫn nhiễu tin, rằng chiếc B-52 này bị MIG bắn rơi, hoặc thậm chí rơi vì trục trặc kỹ thuật…
Vì thế lực lượng không quân chiến thuật Mỹ được lệnh vây hãm các sân bay của miền Bắc, thậm chí “trực” trên không trung, để tập trung đánh các MIG vừa cất cánh, hoặc bay về sau khi tác chiến.
Ních-xơn cũng chắc mẩm đã cô lập được Hà Nội khỏi các đồng minh đứng đầu khối “Đỏ”. Xích gần Mát-xcơ-va (Moscow) và nhất là khai phá được quan hệ với Bắc Kinh vừa là điểm nhấn năm 1972 giúp ông ta tái đắc cử, có thể dùng làm đối trọng chống sự ủng hộ mạnh chưa từng có của nhân loại tiến bộ đang dành cho Việt Nam.
Sụp đổ thần tượng
Đòn phủ đầu với ba B-52 bị SAM bắn rơi tại chỗ, hai chiếc nữa bị bắn hỏng nặng ngay đêm đầu (số liệu của Mỹ) đã làm các nguyên soái Không quân Mỹ bị choáng váng. Tin này có vẻ đã bị giấu nhẹm, vì đến ngày 20-12 (sáu B-52 bị bắn rụng, một chiếc khác bị hỏng nặng, vẫn theo số liệu của Lầu Năm Góc mà nhiều học giả Mỹ cho là không đáng tin) mới xuất hiện các ghi chép của Chánh văn phòng Nhà Trắng về sự “đau lòng nhức óc” của P (President – tổng thống Ních-xơn) trong một Nhà Trắng như tối sầm dưới sức đè những tổn thất quá lớn về B-52. Đâm lao phải theo lao, Ních-xơn ra lệnh tiếp tục ném bom, nhưng ở quy mô nhỏ hơn và chuyển hướng không kích ra ngoài Hà Nội để tránh SAM-2. Đến đây đã có thể xem Lai-nơ-bắc-cơ II đã thất bại về chiến lược, tan ảo mộng chiến thắng, giúp làm nguội cái đầu nóng của ông chủ Nhà Trắng. Tác giả Đren-kốp-xki viết: “Đêm 22 rạng ngày 23-12, trên đà thắng của bộ đội phòng không Hà Nội, không một cuộc không kích nào nhằm vào mục tiêu chính là Thủ đô của Việt Nam. Thay vào đó, 30 chiếc B-52 tiến công Cảng Hải Phòng, nơi được bảo vệ về phòng không kém hơn”.
Không quân Mỹ sau ngày Noel tỏ ra biết thay đổi chiến thuật và kế hoạch không kích, thực ra là rút ngắn thời gian không kích và đánh phá các địa bàn xa Hà Nội, nhưng máy bay Mỹ vẫn tiếp tục bị bắn rụng như sung. Thậm chí, B-52 rơi không phải do một salvos (loạt đạn tên lửa) mà chỉ do một quả SAM-2 “đồ cổ” trên bầu trời Sơn La.
Sách báo thời chiến của Mỹ ghi nhận một sự suy sụp về tinh thần chưa từng có trong các đơn vị Không quân Mỹ. Một đỉnh điểm của nó là có tới 9 chuyến bay B-52 bị đình chỉ đêm 26 rạng ngày 27-12, do trục trặc “cơ khí”. Đây là những “vết thương” từ các cuộc “dạo chơi” những đêm trước trên bầu trời Hà Nội, hay còn cả những cảm nhận “mở nắp buồng lái như mở cửa nhà mồ” của các tay lái “Pháo đài bay”?
Bất ngờ vẫn tiếp tục sau khi Mỹ đã tuyên bố chấm dứt ném bom miền Bắc vào đúng ngày cuối cùng của năm dương lịch 1972, vài B-52 sẽ còn bị SAM-2 bắn rụng tiếp trên chiến trường nam vĩ tuyến 20, cách xa các đầu mối tiếp tế - bảo dưỡng.
Chôn vùi mộng xâm lăng
Theo hồi ký Kít-xinh-giơ, ngày 6-1-1973 Ních-xơn đã chỉ thị cho Kít-xinh-giơ trở lại Pa-ri (Paris), phải đạt cho được một giải pháp dù đối phương đưa ra những điều kiện nào (whatever temrs available), với bộ dạng hoàn toàn khác ngày thường (belying his image – makers; ý nói không còn tỏ ra hùng hổ được nữa). Tổng thống Mỹ nhấn mạnh sẵn sàng chấp nhận trở lại văn bản đã thỏa thuận tháng 10-1972[6]. Lai-nơ-bắc-cơ (người cứu bóng trước khung thành) II quả là một quyết định thú tính đầy bất trắc trong mắt nhân loại, nhưng chịu thất bại vì đã bị Việt Nam “bắt bài”.
-------------------
[1] The Haldeman Diaries Inside the Nixon White House, băng CD.
[2] “Rập khuôn và đoán trước được: đánh giá của Liên Xô về chiến dịch Linebacker II”, của Dana Drenkowsky và Lester Grau (PATTERNS AND PREDICTABILITY: THE SOVIET EVALUATION OF OPERATION LINEBACKER II).
[3] Nguồn: chú thích 2, tr.33.
[4] Nguồn: chú thích 2, tr.36.
[5] Sách Triển khai lực lượng không quân Mỹ ở Việt Nam: đã làm được gì và tại sao? (Setup: What the Air Force Did in Vietnam and Why; NXB Air University Press, 1991, tr. 255 - 256).
[6] Những năm ở Nhà Trắng/ White House Years, Hồi ký Henry Kissinger, NXB Little, Brown and Company, 1979, trang 1.462.