Hôm nay ngày 23 tháng giêng năm Hy Ninh thứ 9 [1/3/1076].
Giao Chỉ chiếm thành Ung Châu, Tô Giam chết. Sau khi Trương Thủ Tiết bại, giặc bắt sống được mấy trăm người, giặc biết được quân phương Bắc giỏi đánh thành, dùng lợi lớn dụ dỗ, sai chế thang mây 雲梯, lúc đem ra đánh thành, bị quân Giam đốt phá. Lại dùng da súc vật sống che để làm công cụ vượt hào, chờ lúc vượt qua, Giam đợi đúng lúc quân [ Giao Chỉ] ngoi lên từ miệng hào, cho phóng hỏa đốt từ giữa hào. Giặc kế cùng, muốn rút quân đi. Nhưng chúng lại biết tin viện binh chưa tới. Giặc họp lại, [ bàn kế là] có thể dùng đất để tấn công, bèn sử dụng hàng vạn bao đất, chất vào chân thành như núi, trong khoảnh khắc cao đến mấy trượng. Giặc trèo trên bao đất xông vào, thành bị vây hãm. Giam cố sức đốc suất quân lính bị thương cưỡi ngựa ra đánh, nhưng sức không địch nổi. Giam nói:
- Ta vì nghĩa không chết vào tay giặc.
Bèn trở về công đường trong thành, đóng cửa, ra lệnh cả nhà 36 người cùng chết trước, để thi thể vào hố, rồi phóng hỏa tự thiêu. Giặc đến, tìm Giam cùng di hài người trong gia đình, nhưng không tìm thấy.
Quân Giao Chỉ giết quan lại, binh lính, thổ đinh, cư dân hơn 5 vạn người, cứ 100 người làm 1 đống, gồm hơn 580 đống. Cộng với số bị giết tại hai châu Khâm, Liêm, ước [ tính] hơn 10 vạn người, rồi hủy thành lấp xuống sông. Ung Châu bị vây 42 ngày, Giam gắng sức đôn-đốc tướng sĩ cố thủ, lương tích trữ đã hết, lại gặp năm đại hạn, sông suối đều khô cạn, người mất mùa đói khát, phải uống nước dơ bẩn, mắc phải nhiều bệnh như bị kiết lỵ, số người chết gối đầu nhau, nhưng không có ai làm phản cả. Giam giận Thẩm Khởi 沈起, Lưu Di 劉彞 [ vì những sai lầm mà] gây nên nạn giặc, Di lại ngồi một nơi, xem thành mất không cứu, muốn liều chết dâng sớ tâu lên, nhưng đường sá tắc nghẽn không thông, bèn ghi tội của Di yết bảng giữa chợ, mong đạt đến được triều đình.
Trước kia, con Giam là Tử Nguyên 子元, làm Ty hộ tham quân tại Quế Châu, đưa cả nhà đến Ung Châu thăm cha. Lúc sắp trở về, [thì] nhận được tin giặc Giao Chỉ đến đánh, Giam cho rằng giữ thành mà để cho người nhà đi ra khỏi thành, [người ta] nhìn thấy sẽ bị chê là muốn tránh giặc, nhân tâm sẽ chia lìa, nên chỉ sai một mình Tử Nguyên về Quế Châu, riêng vợ con ở lại, rồi đến lúc thành mất đều cùng chết hết.
Lúc Giam đã chết, giặc Giao mưu đánh Quế Châu, quân tiên phong đi được vài xá 舍 (đơn vị chiều dài ngày xưa, khoảng đường quân đi trong một đêm gọi là xá, khoảng 30 dặm), có kẻ thấy đại quân từ phía Bắc đi xuống Nam, hô rằng:
- Tô Hoàng Thành 蘇皇城 đốc suất mang quân báo oán Giao Chỉ.
Quân giặc sợ, bèn mang quân về nước. Sau này người châu Ung Châu lập đền thờ cho Giam, hàng năm cầu cúng. [ Lời tác giả: tham khảo Tư Mã Ký văn: tháng Giêng ngày 21 giặc đánh phá Ung Châu, ngày 23 chúng quay về các bản động. Xem lại các bản Thực Lục thì là ngày 23 tháng Giêng giặc đánh phá Ung Châu, nay viết theo Thực Lục.Chưa thấy bản nào ghi chép giặc quay về bản động ngày nào, nên đang khảo cứu lại. Khảo xét kỹ ngày quân Giao Chỉ vây hãm Ung Châu, Tống Sử ghi là ngày Mậu Thìn, Đông Đô sự lược cũng đối chiếu như vậy].