Tháng Giêng năm thứ 6 [1073], Tiêu Chú thôi giữ Quế Châu. Thiên tử hỏi Chú sách lược đánh [ Giao Chỉ] hoặc giữ, Tiêu Chú từ chối, nói rằng:
- Trước đây thần có ý như vậy, vì vào lúc đó dân quân khe động 1 người có thể chống lại 10, vũ khí, áo giáp sắc bén, những người thân tín có thể lấy tay chỉ để điều khiển. Nay binh giáp không hoàn bị như đường thời, những người tâm phúc chết quá nửa, mà người Giao Chỉ sinh sôi tập luyện lại được giáo huấn cả 15 năm; bảo rằng dân chúng không đầy 1 vạn người, sợ là chuyện xằng bậy nói láo.
[vua Tống ra lệnh] Xem xét địa phận biên giới, phủ dụ dân chúng, chuẩn bị canh phòng, lại xem xét các đường giao thông từ đời Đường đã từng dùng. Khu mật viện dâng tấu, nói:
- Năm Bính Tuất [1046], khu mật viện kiểm các đường thủy lục dùng từ đời Đường vào Giao Chỉ. Cả thảy có 16 chỗ. 16 chỗ ấy gồm phần lớn những ải khó đi. Chỉ có 4 đường có khả năng. Từ năm Bính Ngọ [1006], Thiệu Dục sau khi đi sứ Giao Chỉ về đã hiến các bản đồ vẽ bốn đường thủy lục từ Ung Châu vào Giao Chỉ.
Giao Chỉ tiếp đất [ biên giới] dọc theo biên thùy đầy núi rừng hiểm trở. Đường giao thông bằng bộ khó khăn. Đường bể dễ dàng hơn nhiều, vì các cửa bể Khâm, Liêm cách biên giới chung chỉ một vài ngày. Vả lại từ cửa sông Bạch Đằng đến châu Vĩnh An giáp hải phận Khâm Châu, có rất nhiều đảo [có lẽ là vịnh Hạ Long]. Những đảo lớn, vô số đảo nhỏ ngăn một giải nước khá yên lặng trước bờ bể.
Đường thủy từ Khâm Châu vào Giao Chỉ thì từ Khâm Châu, thuyền đi hướng tây-nam, một ngày đến châu Vĩnh An, theo trại Đại Bàn [Kế Bào, Vân Đồn] thuộc Ngọc Sơn tới Vĩnh Thái, Vạn Xuân [Vạn Kiếp, sông Lục Đầu], liền tới kinh đô Giao Chỉ, thuyền đi mất 5 ngày.
Còn đường bộ từ Ung Châu tới kinh đô Giao Chỉ, thì từ trại Vĩnh Bình thẳng xuống phía nam, vào huyện Quang Lang 光桹 thuộc Giao Chỉ. Đường qua hai con sông nhỏ Ô Bì và Đào Hoa 桃花 [ sông Thương ngày xưa 2 bên bờ trồng rất nhiều hoa đào, nên người Trung Quốc sang nước ta gọi là sông Đào Hoa, đến thờ nhà Lê vẫn còn, nên trong dịp đi sứ năm 1683, viên sứ thần nhà Thanh là Lư Anh Nhân khi qua sông đã làm bài thơ rất hay có câu: đầu bờ mặt nước hoa lồng ánh hoa], đến sông Nam Định 南定 [tức là sông Kỳ Cùng, sông Thương, Sông Cầu]. Đường đi 4 ngày thì đến.
Ở phía Tây đường chính lộ ấy, còn có 2 đường. Một đường từ trại Thái Bình vào, qua sông La thuộc động Đan Đặc thì tới Lạng Châu. Đường ấy đi mất 6 ngày mới tới [ kinh đô Giao Chỉ]. Một đường từ trại Ôn Nhuận thuộc đạo Hữu Giang có 12 trạm, đi mất 12 ngày [ tuyến này có lẽ là Cao Bằng -Bắc Cạn- Thái Nguyên???].
Lại tâu rõ về việc buôn bán qua lại biên giới với Giao Chỉ:
Trại Vĩnh Bình 永平 kề Giao Chỉ, chỉ cách bằng một sông bé mà thôi. Phía bắc sông có dịch trạm Giao Chỉ [như là đại diện thương mại ở đất Tống]. Phía nam sông có đình Nghi Hòa 沂和. Đều là chỗ buôn bán trao đổi, do chúa trại Vĩnh Bình cai quản. Người Giao Chỉ đem các vật quí vì đường bộ khó chở như các thứ hương, ngà, sừng tê, vàng, bạc, tiền, đến đổi lấy các thứ vải, vóc. Chỉ có muối là hàng nặng. Muối chỉ dùng đổi lấy vải thường mà thôi. Muối đóng thành sọt, mỗi sọt 25 cân. Vải dệt ở huyện Vũ Duyên, khổ hẹp. [ Có lẽ đây là khu vực buôn bán ở biên giới Lạng Sơn].
Trên biên giới trại Cổ Vạn và châu Tô Mậu, cũng có một Bạc Dịch Trường 舶驛場 [như kiểu khu thương mại quốc tế] nhỏ. Thường, thổ dân hai bên tới buôn bán ở đó. [ khu vực Móng Cái bây giờ].
Một Bạc Dịch Trường khác ở trại Hoành Sơn, vì đó là chỗ tụ tập các nhà buôn ở xa đến, từ Quảng Nguyên [Cao-bằng] và từ các đạo Đặc Ma, nước Đại Lý [Vân Nam]. Châu Quảng Nguyên sản xuất nhiều vàng, bạc, đồng, chu sa, diêm tiêu. Ấy là những hóa vật rất được chuộng. Các nhà lái buôn lớn, quê ở Quảng Châu, cũng tới đó cất hàng Quảng Nguyên
Bạc Dịch Trường lớn nhất gần biên thùy ở Khâm Châu. Trường ấy ở ngoài thành, tại trạm Giang Đông [nay là Phòng Thành Cảng]. Người nước Giao Chỉ đi thuyền đến đó buôn bán. Lái buôn hạng nhỏ có các phường chài, đem cá, sò đến đổi lấy vải; có nhà buôn tới mua giấy bút, gạo vải. Sự buôn nhỏ ấy, hằng ngày vẫn có, không cần xin phép riêng.
Đến việc buôn to, thì phải có viên tri châu Vĩnh An [ Giao Chỉ] gửi thông điệp cho viên Tri Khâm Châu trước, rồi nhà buôn mới được đem hàng hóa vào. Các hàng của Giao Chỉ có: vàng, bạc, tiền đồng, trầm hương, thục hương, sinh hương, trân châu, ngà voi, sừng tê. Về mặt Trung Quốc, các đại thương nhân ở vùng Thục [Tứ Xuyên] một năm tới một lần, đem gấm Thục tới đổi lấy hương chở về Thục. Buôn như vậy rất to, mỗi lần trao đổi có hàng nghìn quan tiền.
Về cách thức buôn bán:
Hai bên đem hàng mặc cả cùng nhau. Hồi lâu mới định giá. Lúc định giá rồi, thì không được thương nghị với ai nữa. Đó là một lệ ai cũng theo, giá người mặc cả đầu đã định, thì trời đất cũng không bằng, nghĩa là ai trả cao bao nhiêu, cũng không được bán nữa, vì lúc ngã giá, phải nhờ quan cân hương và giao gấm. Hình như các hàng ấy phải để sẵn ở công sở. Quan thuế đánh thuế hàng Trung Quốc mà thôi, cứ một quan tiền thu 30 đồng.
Lúc hai nhà buôn gặp nhau, mời nhau uống rượu làm vui, lâu rồi mới nói đến buôn bán. Trong lúc mặc cả, những tùy cơ mà trả thêm dần dần đến lúc giá gần bằng nhau, rồi đến ngang nhau. Người Trung Quốc thường ép giá. Họ sai người nhà làm nhà ở, buôn bán lặt vặt để cấp [dịch vụ cho người Việt], rồi họ ở đó mãi, cứ ngâm giá cho người [Việt] mỏi mệt, phải bán rẻ. Nhưng những nhà buôn kia [Việt] có nhiều người ngoan cố, không nhúc nhích, cầm vững giá lâu, làm cho ta khốn đốn. [ Đa số] người Giao vốn thực thà, vì vậy, người Trung Quốc [hay] cân hàng một cách gian trá, đến mức [ Triều đình nhà Lý] đã 3 lần sai sứ sang Khâm Châu để thử lại cân. Vì hay bị lừa, nên người [ Việt] cũng trở nên dối trá. Gần đây, người Vĩnh An rất gian giả. Vì nhà buôn ta [Tống] bán cho chúng thuốc giả, chúng [bèn] đúc lẫn đồng vào vàng bạc; hương thì tẩm muối cho nó chìm [ giả trầm hương] hoặc đổ chì vào những lổ hổng trong hương. Nhà buôn ta đều bị lừa.
Có một Bạc Dịch lớn lập ở Vân Đồn. Ấy là đảo lớn ở ngoài hết nhóm ấy. Đảo hình dài, hướng đông bắc tây nam. Phía nam đảo ấy có một đảo nhỏ ngăn thành một lối vào, gọi là cửa Vân Đồn. Có thuyền ba ngoại quốc Trảo Oa 爪哇 [Java, Indonesia], Lô Lạc 纑犖 [người dịch không rõ nước nào] và Xiêm La 暹羅 tới Hải Đông [miền Quảng Yên] xin ở lại buôn bán. Giao Chỉ bèn lập những trang ở trên các đảo, đặt tên là Vân Đồn, để mua bán châu, báu, hàng hóa và dâng phương vật. Địa vị Vân Đồn rất lợi. Mà ở đó bể lặng, nước sâu, thông với các châu: Khâm, Liêm, Quảng, và với các nước miền đông và nam, rất tiện.