Em chã bình nuận gì, dưng mà thử tìm tiểu sử sự nghiệp của Tiến sĩ Hùng thì thấy cũng là con nòi cháu giống, ngó qua các bài đã đăng thì nhiều vô kể, em copy tạm một bài hầu các cụ đọc chơi ợ
====================
TS Khuất Việt Hùng: “Hoan hô”đường sắt cao tốc?
26/05/2010 09:27:32
- "Dự án này muốn thành công phải có được tinh thần giống như tinh thần giải phóng dân tộc, nếu không thì đừng làm".
LTS: Bee nhận được bài viết dài 11 trang của TS Khuất Việt Hùng - một chuyên gia nhiều lần xuất hiện trên truyền thông về những vấn đề nóng của giao thông - với tựa đề “Đường sắt cao tốc Bắc - Nam, kỳ vọng và thách thức”, trong đó thể hiện rõ tác giả “nhất trí cao” với “Báo cáo đầu tư Xây dựng Công trình Đường sắt cao tốc Hà Nội - TP.HCM” (chúng tôi xin được gọi tắt là BCĐT) do Liên danh tư vấn Việt Nam - Nhật Bản thực hiện nghiên cứu.
Do khuôn khổ của trang báo có hạn, và vì còn có nhiều điểm không đồng thuận với những luận điểm phân tích trong bài viết, chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ, trao đổi với TS Hùng về đường sắt cao tốc (ĐSCT)....
Đường sắt cao tốc tốc độ sẽ ngang máy bay?
Hơi ngạc nhiên là trong khi có nhiều ý kiến không đồng tình với việc nghĩ tới xây dựng ĐSCT vào thời điểm này thì ông lại có quan điểm ủng hộ gần như tuyệt đối?
Lúc đầu tôi phản đối dữ dằn, đến mức bên tư vấn Nhật bảo không thể làm việc được. Con người ta trải qua một quá trình nhận thức. Khi vỡ lẽ ra, tôi nhận thấy ĐSCT có thể giúp chúng ta thực hiện được giấc mơ giàu đẹp cho đất nước
Bạn nói tôi có quan điểm ủng hộ hoàn toàn dự án này là chưa hẳn đúng. Theo quan điểm của tôi việc xem xét ra chủ trương về dự án vào thời điểm này là phù hợp. Như vậy mới có khả năng để hoàn thành tuyến đường sắt cao tốc Bắc-Nam vào khoảng năm 2040.
Là một người sử dụng dịch vụ giao thông, nếu cần đi nhanh người ta có thể lựa chọn máy bay, tại sao lại cần đường sắt cao tốc? Trong khi giá vé theo như tính toán - giữa đường sắt cao tốc với máy bay cũng không chênh lệch nhau là mấy?
Hiện nay, nếu tính một lộ trình (Hà Nội - TP.HCM và ngược lại mất đến 5,5 tiếng (2 tiếng để bay, 2 tiếng để đi từ nội đô tới sân bay, một tiếng làm thủ tục). Có nghĩa là tốc độ của ĐSCT sẽ bằng máy bay trong lúc vận tải được nhiều hơn.
Với địa hình phát triển theo chiều dài và hẹp, cái cần được vận chuyển với tốc độ nhanh và nhiều không phải là con người mà là hàng hóa? Trong khi vận chuyển đặc trưng của ĐSTC là con người, thưa ông?
Hiện nay, đường vận tải ven biển nếu chạy bình thường sẽ mất 36 đến 72 tiếng; tàu hàng chạy Bắc Nam mất khoảng 48-72h; đường sắt vận chuyển hàng hóa chạy tốc độ cao nhất là 120km/h.
Chúng ta có thể hình dung thế này: Một khi có ĐSCT, một lượng lớn hành khách lựa chọn phương tiện này để đi; tuyến đường sắt hiện tại được giảm tải nhiều tuyến tàu chở hành khách sẽ nhường chỗ cho tàu hàng, bớt được tình trạng tàu hàng phải nằm lại hàng tháng, hàng tuần trên các đường ray rẽ để chờ đường. Như vậy tàu hàng sẽ có nhiều cơ hội để tăng vận tốc lên.
Nhưng tại sao không mở rộng, nâng cao khả năng vận tải của đường sắt hiện tại?
Chúng ta phải tin vào lựa chọn của những người làm nghiên cứu, đó là những người chân thành.
Đường sắt cao tốc có sắp xếp lại được đô thị?
"Lúc đầu, tôi đã phản đối dữ dằn dự án này" - TS Khuất Việt Hùng. Ảnh VNE
Như nhiều người hình dung, ĐSCT sẽ phải có hai bức tường chắn khu biệt với khu dân cư. Có nghĩa là không gian càng bị phân cắt, nói theo cách nói dân dã là đất đai càng bị phá nát?
Phá nát đất nước này không phải đường sắt mà là đường bộ. Đường sắt là hấp lực đẩy phát triển mật độ cao, đường bộ là động lực đẩy phát triển phân tán.
Nói cho cùng, đất nước cần có đường. Đường sắt sẽ giảm tải cho đường bộ. Việt Nam cần năng lực vận chuyển hành khách và vận chuyển hàng hóa đủ lớn.
Khi có đường sắt cao tốc, kịch bản cho vận tải hàng hóa bằng đường sắt hiện hữu và đường thủy sẽ thay đổi. Đường sắt cao tốc sẽ giúp Việt Nam sắp xếp lại toàn bộ hệ thống đô thị.
Tôi khẳng định 100%, nếu có quyền, tôi sẽ lựa chọn đường sắt cao tốc là xương sống của đất nước.
Ông nói ĐSCT có thể giúp sắp xếp lại đô thị. Cụ thể như thế nào?
Đó là một quy luật của sức hấp dẫn. Đường sắt cao tốc, với khả năng tiếp cận chiến lược mạnh như thế, một lần dừng có thể vài nghìn hành khách. Từ đó thúc đẩy việc có cơ sở hạ tầng kết nối. Khi đó đáng ra phải làm đô thị quay sang hướng này, nhưng vì có đường sắt cao tốc, làm lại quy hoạch đô thị để lấy đường sắt cao tốc làm trung tâm.
Có dư luận nói rằng, để hoàn thành dự án lớn, nửa thế kỷ nữa mới xong, nợ thế hệ khác chịu, nhóm nghiên cứu chỉ làm một việc là vay được tiền nghiên cứu?
Hoàn toàn có quyền đặt ra suy nghĩ như vậy, điều nó là nên, thậm chí nên công khai với dư luận. Nhưng không làm dự án này thì làm dự án khác, những dự án nhỏ hơn. Chỉ có điều, những cái đó nhỏ, các quyết định “dễ đút túi” nên không bị phân tích nhiều như thế này.
Chúng ta phải tin là Việt Nam có lãnh đạo sạch
Nói gì thì nói, khi người ta tính một dự án, phải tính đến chi phí, nguồn thu, thời gian bao lâu. Có nhiều ý kiến rằng, lộ trình phát triển của ĐSCT mà nhà đầu tư đưa ra là duy ý chí, và khó thực hiện so với khả năng tài chính, kỹ thuật, quản lý dự án ở VN?
Tôi ủng hộ dự án nhưng không đồng ý lộ trình của mà báo cáo đầu tư đặt ra.
Theo tôi, nên chia ra từng đoạn nhỏ làm dần, đừng đụng đến trục chính vội. Làm các đoạn ngắn khả thi về kinh phí và kỹ thuật. Hãy bắt đầu bằng Hà Nội - Hải Phòng, Biên Hòa-Vũng Tàu. Đó sẽ là hai tuyến mẫu, nếu làm nhanh sẽ xong vào năm 2015, vì hiện tại đã có nghiên cứu khả thi.
Chúng ta phải làm sao khi xây xong hai tuyến này sẽ làm chủ công nghệ xây dựng, đóng toa xe, còn đầu máy thì nhập. Chỉ sau đó bắt đầu mở ra làm các khúc khác: Hà Nội, Nha Trang, Phan Thiết..., đóng được đầu máy, mua động cơ Nhật. Sau đó Nha Trang - Vinh..., cả tuyến sẽ hoàn thành vào năm 2045.
Nếu làm dần theo cách này, chúng ta sẽ chủ động, sẽ xây được 60% hệ thống đường ray, đóng được 60% số toa xe.
Người ta sẽ nói ông quá lạc quan?
Thành công của dự án là điều có thể xảy ra hoặc có thể không xảy ra. Chúng ta có quyền nghi ngờ nhưng không có quyền bác bỏ nếu chúng ta chưa cho họ cơ hội để nghiên cứu kỹ và trình bày kỹ hơn. Ngày xưa, đội VN Tuyên truyền Giải phóng quân có 34 người, có ai hình dung ra đội quân ấy sẽ lớn mạnh và làm nên chiến thắng Điện Biện Phủ lẫy lừng chỉ sau một thập kỷ.
Và dự án này, muốn thành công phải có được tinh thần giống như tinh thần giải phóng dân tộc, nếu không thì đừng làm.
Vậy theo ông, có tinh thần giải phóng dân tộc như vậy trong thời điểm này?
Sẽ là có nếu có một người lãnh đạo quyết tâm làm và họ sạch. Nhưng vấn đề là mình phải tin, Ấn Độ là một đất nước tham nhũng kinh khủng, nhưng người Ấn Độ xây Metro ở New Deli nhanh nhất thế giới vì có một người quản lý dự án giỏi.
Chúng ta có quyền tin người Việt Nam mình có nhiều người tốt. Chúng ta có quyền tin người Việt mình thông minh, đủ năng lực học hỏi. Và trên hết, chúng ta có quyền tin rằng VN sẽ có một vị lãnh đạo sáng suốt, mạnh mẽ và sạch. Và chúng ta có toàn quyền đòi hỏi một thể chế giám sát đặc biệt đối với dự án này.
Lương Bích Ngọc (thực hiện)
Bài báo trên bee.net.vn
Xuất bản lúc:26/05/2010 09:27:32