Theo em nếu tư hữu hóa khối trường chuyên, trường công chất lượng cao quá sớm, sẽ làm sụp đổ chất lượng giáo giục công, và khiến các gia đình không có điều kiện ngày càng khó tiếp cận giáo dục chất lượng cao nhưng giá rẻ. Lý do:
- TS. Thành lấy ví dụ chuyên Ams2 để khái quát hóa là học sinh chuyên toàn các em nhà có điều kiện là giả thiết mang tính ngụy biện. Giả thiết này đánh vào tâm lý bất công xã hội, nên được nhiều người ủng hộ, mặc dù chẳng có số liệu gì chứng minh cho chuyện đó. Theo em biết, hiện tại cả nước có gần trăm trường PTTH chuyên. Trong đó các em học sinh đều là học sinh năng khiếu và xuất thân từ nhiều tầng lớp xã hội khác nhau. Rất rất nhiều em trong đó là nhà không phải khá giả, thậm chí là nhà nghèo. Nếu tư hữu hóa trường chuyên, thì dựa vào danh tiếng trường chuyên có từ trước, tư nhân sẽ biến các trường này thành kiểu trường first class, học phí cao. Lúc đó khả năng các em học sinh học giỏi nhà nghèo vào được các trường này hầu như bằng không. Chỉ một số em may mắn được học bổng thì may ra mới có cơ hội. Và số lượng này chỉ cùng lắm là 5% so với hơn 50% hiện nay (50% này là em tính theo bình quân phân bổ các giai tầng xã hội của các em học sinh hiện nay, kể cả khối trường chuyên). Trong luận điểm của TS Thành có nói về trường Olympia. Ai cũng biết trường này mức học phí thế nào. Vậy nếu bây giờ trường Ams là trường Olympia, xin hỏi bao nhiêu em học sinh Ams có đủ khả năng đóng học phí (theo mức của trường Olympia) để theo học tiếp?. Vậy điều này có tạo nên một bất công xã hội khác?.
- Kinh tế VN chưa phát triển như các nước phát triển khác, để có thể đầu tư giáo dục công rộng khắp, dàn trải. Do đó, nếu đẩy mạnh tư hữu hóa giáo dục quá sớm, biến các trường công chất lượng cao thành trường tư sớm, thì sẽ gây chênh lệch chất lượng giáo dục giữa khối trường công và trường tư. Dẫn tới tình trạng, chỉ nhà có điều kiện, con em mới có điều kiện học những trường tư chất lượng cao, con nhà nghèo sẽ phải học khối trường công chất lượng thấp (do trường công chất lượng cao đã bị tư hữu hóa hết). Điều này sẽ đi ngược lại tiêu chí mà TS. Thành nói là muốn công bằng xã hội.
Theo em những gì TS Thành và một số người ủng hộ nêu lên gần đây không phải là quá vô lý. Nhưng chưa phải lúc này. Nếu tư hữu hóa giáo dục quá sớm khi kinh tế chưa phát triển tương xứng sẽ dẫn tới tình trạng bất công trong giáo dục. Cái này cũng tương tự như việc tư hữu hóa các bệnh viện công đầu ngành hiện nay. Có rất nhiều bệnh nhân nghèo đã và đang được cứu chữa từ những bệnh viện công đầu ngành, nhưng nếu đó là bệnh viện tư, liệu họ có còn được cứu chữa với chi phí như vậy?. Giáo dục và Y tế là 2 ngành cần được bao cấp trong thời điểm này để đảm bảo công bằng xã hội. Quá trình tư hữu hóa khối trường công chất lượng cao chỉ nên xảy ra khi nền kinh tế đã thực sự trưởng thành, đầu tư công cho giáo dục đủ mức độ sâu và rộng, mức sống người dân đã được nâng cao, cấu trúc xã hội ổn định, các ngành nghề, dù là thấp trong xã hội vẫn đủ có mức sống tốt.