Em thấy loanh quanh chốt lại là cụ muốn đi để bọn trẻ đi học sướng hơn. Em không hiểu trẻ con bên Đức đi học sướng hơn bên Việt Nam chỗ nào, nếu bên này cụ có điều kiện cho các cháu học trường tư, trường quốc tế thì cũng được phục vụ như thượng đế ah.
Đúng là giờ trường quốc tế, trường tư thục ở Việt Nam có chất lượng tốt. Nhưng như cụ nói nếu có điều kiện cho các con theo học thì OK, nhưng không phải ai cũng có điều kiện và không phải lúc nào cũng có điều kiện, bởi có thể thu nhập không được đảm bảo và ổn định. Lúc đó cho con vẫn theo trường quốc tế hay không theo cũng là một vấn đề phải cân nhắc không đơn giản.
Còn học ở Đức nói riêng hay ở EU nói chung có những ưu điểm gì thì có khá nhiều cụ mợ đã chia sẻ trên đây, nhưng em cũng điểm lại 1 số ý theo quan điểm chủ quan của em:
- các con được nhà nước tạo mọi điều kiện để được chăm sóc thể chất, được đi học và tham gia các hoạt động xã hội.
- các con được giáo dục để nâng cao ý thức, tính tự giác, khả năng tự lập, được học bơi, học các khóa tự phòng vệ trước các nguy cơ,... Những điều này thì các trường chất lượng cao ở Việt Nam cũng dậy dỗ, nhưng đa phần chỉ những gia đình có tài chính mạnh thì mới có điều kiện tiếp cận được.
- các con luôn có cơ hội được phát hiện năng khiếu, đam mê về tất cả các lĩnh vực từ văn hóa, nghệ thuật, thể thao,... đồng thời cũng được nhà nước tạo mọi điều kiện để phát triển năng khiếu, nuôi dưỡng đam mê cho tới khi các con đạt được thành quả.
- các con luôn được cả xã hội quan tâm, bảo vệ, nhưng cũng không phải là bao bọc một cách thái quá, mà luôn để cho các con hiểu được quyền và trách nhiệm của các con qua từng thời kỳ phát triển.
- các con luôn được đảm bảo để có được điều kiện học tập và nghiên cứu tốt nhất có thể, được tập luyện và đào tạo chuyên sâu với đám mê, mà cũng không phụ thuộc vào hoàn cảnh gia đình.
- khi các con đủ 18 tuổi, các con đã được trang bị một lượng hành trang khá cơ bản về kiến thức, kỹ năng, hay tay nghề,... để có thể đưa ra nhiều lựa chọn phù hợp khi bước vào đời. Có người đi làm luôn, có người học tiếp lên đại học, có người theo đuổi tiếp những đam mê, năng khiếu,... nhưng gần như không ai bị xã hội bỏ quên. Thậm trí có những người lười biếng, chỉ thích ăn, không thích làm, thì xã hội cũng sẽ lo cho những thành phần đó để không gây gánh nặng cho gia đình và làm bất ổn cho xã hội.
Tất cả những điều trên và rất nhiều, rất nhiều những điều nữa, thì giáo dục ở bất kỳ xã hội nào cũng đều cố gắng để thực hiện, để nuôi dạy thật tốt đối với thế hệ sau. Nhưng không phải xã hội nào cũng có điều kiện để đảm bảo phổ cập và áp dụng cho toàn bộ trẻ em mà bất kể gia đình giàu hay nghèo, sống ở nơi heo hút hay ở thành phố phát triển.
Em chia sẻ như trên để thấy rằng trong công cuộc nuôi dưỡng, chăm sóc và dạy dỗ trẻ em, các gia đình ở bên này được hỗ trợ rất nhiều từ chính quyền, ban ngành, hội nhóm, nhằm giúp đỡ giảm áp lực cho bố mẹ. Tất nhiên trách nhiệm dạy dỗ, chăm sóc và bảo vệ các con là nghĩa vụ và trách nhiệm của cha mẹ, nên luật pháp cũng rất nghiêm minh đối với quyền lợi và nghĩa vụ của những người giám hộ.
Điều này cũng luôn được giảng dạy và khuyến cáo với các con, để các con cũng luôn thấy rằng bản thân cũng phải luôn có trách nhiệm với gia đình, người thân trên phương diện tình cảm, nhưng cũng đồng thời phải có trách nhiệm để không gây ảnh hưởng cho những người giám hộ của mình trước pháp luật.
Một điểm lợi nữa là Đức mới bước vào nhóm những nước công nhận song tịch, khiến thế hệ trẻ em nước ngoài sống tại Đức sẽ thuận tiện hơn. Các con được xã hội Đức đón nhận là thành viên của nước Đức, nhưng vẫn tạo điều kiện để các con không phải từ bỏ, cũng như không quên về nguồn gốc, Quê hương của mình.