Cái vụ dịch tiếng Trung có một số quy ước riêng mợ ạ
Đầu tiên là tôn trọng nhưng tiền lệ có từ trước, đó là dựa theo cách dùng thông dụng đã được lưu hành từ xưa cho tới nay, nhất là khi đã có bản dịch sớm nhất được biết do các dịch giả có tên tuổi thực hiện, sau này sẽ tiếp tục theo tiền lệ đã có đó, vì thế không ai dịch là Đang kim mà sẽ mặc định dịch là Đương kim, hay là không ai dịch là Đang nhiệm mà phải dịch thành Đương nhiệm, vì thế mà tương đương chứ không có tương đang.
Một số danh từ riêng như Võ Đang thì nó đã là trường hợp được khoá cứng từ trước, nó sẽ không có chỗ cho chuyện nói lại là phải Võ Đương mới đúng, khi nhìn thấy chữ Võ Đương, đa phần người ta sẽ hiểu nó là Võ Đang và có chút ít đánh giá thấp bản dịch. Thậm chí, ngay trong cụm Võ Đang còn có phần chữ Võ có thể tranh luận tương tự như chữ Đang, chữ đó có thể đọc là Vũ, vậy tại sao không ai đi tranh luận Võ Đang phải gọi là Vũ Đang hoặc thậm chí là Vũ Đương, đây là một cách biện luận ngược lại.
Chữ Đương hay Đang còn được nói đến ở đây là trong Truyện Kiều, nhưng nhiều người quên là cụ Nguyễn Du dùng thơ Nôm, vậy điều đầu tiên cần lập cơ sở là xét từ khía cạnh chữ Nôm xét đi, điều thứ hai nên hiểu rõ sự tồn tại của âm Hán Việt trong tiếng Việt nó như thế nào, điều thứ ba cũng phải xem xét đến là tính nhạc trong văn học, nếu bỏ qua các yếu tố này thì cứ mãi luẩn quẩn tại sao chỗ này là Đang mà không là Đương hoặc ngược lại.
Với ví dụ tên người Hoàng Thu Sinh hay Huỳnh Thu Sanh, đa số kết quả đang được chấp nhận hiện nay là Huỳnh Thu Sanh, dù theo đúng âm Hán Việt phải là Hoàng Thu Sinh, nhưng bản dịch đầu tiên tên người diễn viên này là do phía đội dịch người miền Nam dịch, nó một phần do sự cởi mở trong năm 80 của thế kỷ trước giữa miền Nam và miền Bắc khác nhau, điện ảnh Hongkong du nhập vào miền Nam và được các đội dịch ở miền Nam tiếp cận trước, do chịu ảnh hưởng của tập quán sử dụng ngôn ngữ của địa phương, tên người diễn viên được dịch từ Hoàng thành Huỳnh, dịch Sinh thành Sanh, nên Huỳnh Thu Sanh được chấp nhận hơn do nó đã được nhắc đến từ đầu, nhưng khi xem đến, người ta sẽ biết đó là Hoàng Thu Sinh, và khi dịch ngược lại về tiếng Trung của 2 trường hợp Hoàng Thu Sinh và Huỳnh Thu Sanh sẽ đều cho kết quả tiếng Trung giống nhau. Trường hợp cứ muốn bắt bẻ, cũng sẽ sản sinh ra Hoành Thu Sanh và Huỳnh Thu Sinh, vậy 4 trường hợp cái nào mới là đúng nếu ta muốn gò nó vào một thứ khuôn phép cứng nhắc.
Với các chữ có nhiều âm Hán Việt, tự điển nói khá kỹ, kể cả tự điển online hay bản giấy, các bản tự điển chất lượng đều giải thích đầy đủ, nhưng đó là giải thích cho chữ ở mức căn bản, còn ngôn ngữ là sản phẩm của cuộc sống, nó chịu ảnh hưởng sâu sắc từ cộng đồng sử dụng nó, nếu không hiểu về khía cạnh này thì sẽ có những chuyện khăng khăng mỗi người một ý chả giống ai. Những trường hợp đó đa phần là những người muốn mổ xẻ dựa theo tư suy sáng tạo với quan điểm riêng, họ đặt suy luận của bản thân lên hàng đầu và bỏ qua đặc trưng diễn tiến theo thời gian và cộng đồng con người sử dụng của ngôn ngữ, họ muốn đưa đối tượng mang tính xã hội vào trong phép phân tích mang tính kỹ thuật, một điều không phù hợp trong nghiên cứu ngôn ngữ, vì phép phân tích kỹ thuật sẽ đòi hỏi không đúng thì là sai, không có trạng thái đúng cả và sai cả, nhưng phép nghiên cứu mang tính xã hội thì nó quan tâm đến bối cảnh xã hội của các trường hợp để giải thích vì sao lại có trường hợp đó. Vì thế, khi mang tư duy không chính xác đi tranh cãi nó sẽ cho ra các lập luận bất ngờ về một thứ hiển nhiên tồn tại sau rất nhiều năm.