[Funland] Việt Thanh chiến dịch - Nguyễn Duy Chính

Hươngquê73

Xe tăng
Biển số
OF-374797
Ngày cấp bằng
23/7/15
Số km
1,362
Động cơ
256,850 Mã lực
Những tài liệu của Trung Hoa

Tài liệu của Trung Hoa tương đối phong phú vì nhà Thanh có một hệ thống lưu trữ rất hoàn chỉnh. Các văn thư thường có bản sao được giữ ở cả trung ương lẫn địa phương chưa kể để dùng như phương thức tham chiếu ngày nay, những chi tiết quan trọng thường được chép nguyên văn ở những văn thư liên hệ. Đối chiếu và chọn lọc từ nhiều nguồn chúng ta có thể minh hoạ khá chi tiết các phản ứng của Thanh triều, đặc biệt là thái độ và cách xử trí của vua Càn Long. Các quan ở địa phương sẽ nương theo quan điểm của hoàng đế mà vạch ra một hướng đi cho thuận lý.

Theo các tác giả Đài Loan từng nghiên cứu về các chiến dịch đời Càn Long như Trang Cát Phát hay Lai Phúc Thuận, chúng ta biết rằng một số số văn thư gốc liên quan đến thời kỳ này hiện lưu trữ trong kho đáng án của Cố Cung Bác Vật Viện. Tuy một số văn bản đã công bố, nhiều tài liệu còn bị bỏ quên trong kho tài liệu đồ sộ của Hoa lục hay Đài Loan và nếu có điều kiện chúng ta có thể tìm thấy nhiều tư liệu đáng chú ý trong việc nghiên cứu lịch sử nước ta.

Một trong những khó khăn khi sử dụng văn bản là thường không có ngày tháng. Các tấu triệp, dụ chỉ ít khi ghi ngày gửi mà thường chỉ ghi ngày nhận công văn nên thời gian giữa lúc gửi đến lúc nhận có thể từ vài tuần đến hàng tháng, nhất là từ những nơi xa xôi như Quảng Tây, Nam Quan hay thậm chí Thăng Long. Vào thời điểm quyết liệt, thời gian qua lại này có thể làm đảo ngược tình thế và nếu không tìm hiểu cho kỹ, chúng ta có thể đưa ra những kết luận không thích đáng.

Khâm Định An Nam Kỷ Lược (欽定安南紀略)

Khâm Định An Nam Kỷ Lược là tập hợp những văn thư quan trọng nhất trong chiến dịch đánh An Nam, tổng cộng 32 quyển gồm 2 quyển Thiên Chương Nhất/Nhị và 30 quyển thư từ qua lại giữa triều đình và các tỉnh kể cả một số văn thư từ nước ta. Tài liệu chúng tôi dùng là bản trong cung do Phương Lược Quán tập hợp hiện tàng bản tại Cố Cung Bác Vật Viện (故宮博物院) Bắc Kinh. Hải Khẩu: Hải Nam xbx in theo lối ảnh ấn năm 2000. Ngoài ra chúng tôi còn tham khảo bản chép tay nhan đề An Nam Kỷ Lược (安南紀略) 32 quyển trong Trung Quốc Văn Hiến Trân Bản Tùng Thư (中國文献珍本叢書), Thư Mục Văn Hiến xbx, 1986. Bản dịch NDC (chưa xb). Vấn đề nghị hòa chiếm gần một nửa bộ sách từ quyển XIII đến hết quyển XXVI.

Thanh Thực Lục (清實錄)

Thanh Thực Lục hay Đại Thanh Lịch Triều Thực Lục (大清歷朝實錄) là bộ sách lớn chép theo lối biên niên của toàn bộ triều Thanh. Tài liệu tham khảo về giai đoạn nghị hoà này chủ yếu nằm trong Càn Long Triều Thực Lục (乾隆朝實錄), còn gọi là Thanh Cao Tông Thuần Hoàng Đế Thực Lục hay Cao Tông Thực Lục, năm Kỷ Dậu (Càn Long 54) bao gồm các quyển 1231-1345 in theo lối ảnh ấn của Trung Hoa Thư Cục, Bắc Kinh 1985-7.

Đông Hoa Tục Lục (東華續錄)

Đông Hoa Tục Lục do Vương Tiên Khiêm [王先謙] (1842-1918) biên tập, tổng cộng 5 sách, trong bộ Cận Đại Trung Quốc Sử Liệu Tùng San Tam Biên do Văn Hải ấn hành theo lối ảnh ấn năm 2006. Sách số 5 từ quyển 39-48 chép đời Càn Long từ năm 50-60 nhưng tài liệu nghị hoà chủ yếu trong quyển 43.Đông Hoa Tục Lục in theo lối cũ, chữ rất nhiều chia ra thành từng tháng nhưng không phân biệt rõ nên cũng khó tra tìm.

Thanh Cung Nhiệt Hà Đáng Án (淸 宮 热河 档案)

Toàn bộ tổng cộng 18 quyển, do Trung Quốc Đệ Nhất Lịch Sử Đáng Án Quán thực hiện và ấn hành năm 2003 bao gồm các văn thư khi hoàng đế ở Nhiệt Hà tránh nóng hàng năm. Các quyển liên quan đến nước ta đời Tây Sơn là quyển 6 và 7. Đây là bản chụp nguyên văn, có cả châu phê và con dấu nguyên thuỷ. Về giao thiệp nghị hoà, Nhiệt Hà Đáng Án có rất ít vì tài liệu về giai đoạn này vì đã được tập trung để soạn An Nam Kỷ Lược và Thực Lục. Tuy nhiên nhiều chi tiết nhỏ lại soi sáng những vấn đề khá quan trọng, chẳng hạn nguyên do việc vua Quang Trung được ban y phục thân vương, một ân sủng đặc biệt nhưng đến nay sử gia nước ta đánh giá sai đã đành mà chính các sử gia Trung Hoa cũng nhầm lẫn về sự quan trọng của nó.

Càn Long Triều Thượng Dụ Đáng (乾隆朝上諭檔)

Là một tập hợp đồ sộ bao gồm tất cả các sắc dụ đời Càn Long do Trung Quốc Đệ Nhất Lịch Sử Đáng Án Quán biên tập, Đáng Án xbx Bắc Kinh ấn hành (tổng cộng 18 quyển) năm 1991. Phần Thanh Việt nghị hoà nằm trong quyển XIV, XV. Các văn thư quan trọng có thể được nhận biết vì do chính Hòa Thân (Khôn) trong Quân Cơ Xứ viết tay (tự ký) và gửi đi theo lối hỏa tốc (600 dặm một ngày).

Cung Trung Đáng Càn Long Triều Tấu Triệp (宮中檔乾隆朝奏摺)

Tập hợp các tấu triệp đời Càn Long của các địa phương và trung ương tâu lên hoàng đế do Cố Cung Bác Vật Viện Đài Bắc in lại theo lối ảnh ấn năm Dân Quốc 76-7 (1987-8), nhiều tài liệu bị tàn khuyết có đóng dấu “nguyên đáng tàn tổn”. Tập tài liệu này quí giá vì là nguyên bản, nhiều nơi có châu phê của vua Càn Long và ngày tháng rõ ràng, có chỗ bị bôi đen cần phục hồi để xem tài liệu vì sao bị dấu bớt. Vì phần lớn là văn thư mật do chính người gửi viết nên có thể nhận ra tự tích của Tôn Sĩ Nghị, Phúc Khang An, Tôn Vĩnh Thanh … Đây là nguồn tài liệu rất đồ sộ và quí giá, phần liên quan đến nghị hoà với nước ta có thể tìm thấy trong các tập 67-74. Với lối hành văn, cách gửi thư và tình hình qua lại theo hệ thống hành chánh của triều Càn Long, chúng ta biết được cách giải quyết vấn đề công nhận triều đại Nguyễn Tây Sơn.

Minh Thanh Sử Liệu [明清史料] Thẩm Vân Long [沈雲龍] chủ biên

do Văn Hải ở Đài Bắc ấn hành năm 1967. Trong bộ này, chỉ riêng Canh Biên có nhiều tài liệu về nước ta, từ thời Lê trung hưng đến đời Tự Đức được in lại trong bộ Thanh Quý Nội Các Đáng Án Toàn Tập [清季内阁档案全辑] (Bắc Kinh: Học Uyển xbx, 1999) các quyển 11, 12. Những tài liệu này tuy không phải ảnh chụp nhưng đều sao lại theo nguyên bản có một số văn thư riêng mà không đâu có cho ta một số chi tiết giải quyết được nhiều nghi vấn của giai đoạn này.

Ngoài những văn liệu gốc nêu trên, một số công trình tập hợp tài liệu thành một chuyên đề cũng đóng góp rất nhiều giúp cho người nghiên cứu giảm thiểu thời gian tìm kiếm và sao lục:

– Trung Quốc Xã Hội Khoa Học Viện Lịch Sử Nghiên Cứu Sở (中国社会科学院历史硏究所) Cổ Đại Trung Việt Quan Hệ Sử Tư Liệu Tuyển Biên (thượng và hạ) (古代中越关系史资料迭编). Bắc Kinh: Trung Quốc Xã Hội Khoa Học xbx, 1982.

– Viện Nghiên Cứu Lịch Sử Vân Nam (云南省歷史研究所). Thanh Thực Lục: Việt Nam, Miến Ðiện, Thái Quốc, Lão Qua sử liệu trích sao (清實錄: 越南緬甸泰國老撾史料摘抄). Côn Minh: Vân Nam nhân dân xbx, 1985

Những bộ sách nêu trên đã tập hợp gần như toàn bộ văn thư qua lại giữa triều đình nhà Thanh và địa phương. Bản chính những tài liệu của nước ta – các tấu thư gửi sang Thanh triều – có lẽ một số vẫn còn trong văn khố mặc dù cũng bị huỷ hoại nhiều trong thời kỳ binh lửa.
 

Hươngquê73

Xe tăng
Biển số
OF-374797
Ngày cấp bằng
23/7/15
Số km
1,362
Động cơ
256,850 Mã lực
Nghiên cứu – Tiểu luận

Bang giao và quan hệ Trung Hoa – Việt Nam cũng là một đề tài lớn có nhiều tác giả nghiên cứu nhưng thường kéo dài nhiều thời kỳ và nhấn mạnh vào cận đại sử. Những tập tài liệu đó có ích cho việc nhìn vấn đề một cách tổng quát, thường chỉ là một bộ phận của triều đình Trung Hoa nhưng lại khá quan trọng đối với các triều đại của nước ta.

– Tôn Hoành Niên (孫宏年). Thanh Ðại Trung Việt Tông Phiên Quan Hệ Nghiên Cứu (清代中越宗藩關繫研究) Hắc Long Giang Giáo Dục xbx, 2006.

– Lý Quang Ðào (李光濤). Ký Càn Long Niên Bình Ðịnh An Nam Chi Dịch (記乾隆年平定安南之役 ). Ðài Bắc: Trung Ương Nghiên Cứu Viện Lịch Sử Ngữ Ngôn Nghiên Cứu Sở, 1976

– Trang, Cát Phát (莊吉發). Thanh Cao Tông Thập Toàn Võ Công Nghiên Cứu (清高宗十全武功研究). Ðài Loan: Cố Cung Tùng San, Giáp Chủng số 26, tháng 6 năm 1982.

Nghiên cứu riêng về giao thiệp Thanh – Việt liên quan đến nghị hoà đời Tây Sơn của các học giả Trung Hoa, Nhật Bản … cũng chưa nhiều, phần lớn là những tiểu luận đăng tải trên các tập san Sử học nhưng cũng có thêm nhiều chi tiết mới.

Trang Cát Phát (莊吉發) viết tương đối kỹ lưỡng trong luận văn nhan đề “Hưng Diệt Kế Tuyệt – Tự Tiểu Tồn Vong: Thanh Cao Tông Dụng Binh Ư An Nam Đích Chính Trị Lý Niệm” (興滅繼絕字小存亡清高宗用兵於安南的政治理念) để giải thích về lý do nhà Thanh đem quân sang nước ta. Tuy đưa ra nhiều tài liệu mới mẻ nhưng Trang Cát Phát đã không nhận được một điều cốt lõi mà Tôn Sĩ Nghị che dấu. Gia quyến họ Lê không chạy sang cầu cứu Thanh triều mà chỉ chạy trốn một cuộc thảm sát và nhiều sự kiện được nguỵ tạo để Tôn Sĩ Nghị có cớ dụng binh ngõ hầu thăng quan tiến chức.

Tiếp theo, Trang Cát Phát cũng có viết thêm một bài nhan đề “Thanh Cao Tông Sách Phong An Nam Quốc Vương Nguyễn Quang Bình Thuỷ Mạt” (清高宗册封安南國王阮光平始末) để biện minh cho việc công nhận triều đại Tây Sơn.

Trương Minh Đương (张明當) trong một tiểu luận nhan đề “Phúc Khang An Dữ Càn Long Mạt Trung An Tông Phiên Quan Hệ Đích Tu Phục” (福康安与乾隆末中安宗藩关系的修复) miêu tả khá chi tiết về thủ đoạn của Phúc Khang An trong tiến trình nghị hoà với nước ta.

đồ họa

Tranh ảnh và tài liệu về việc giao thiệp và nghị hòa với nhà Thanh hiện nay rất hiếm hoi. Ngay cả bản đồ thời Lê cũng không dễ dàng. Hiện nay nước ta chỉ còn bộ Hồng Đức Bản Đồ (洪德版圖) do Bộ Giáo Dục, Saigon ấn hành năm 1962 (Tủ Sách Viện Khảo Cổ, số III) là bản chụp từ âm bản microfilm nên cũng không rõ ràng lắm.

Trong tập bản đồ này, bức vẽ quan trọng nhất là bản đồ Trung Đô, tức Thăng Long (từ trang 6-9) có kinh thành và những kiến trúc nổi bật như Vương Phủ, tháp Bảo Thiên và nhất là các cung điện. Điều đáng tiếc là từ triều Tây Sơn sang triều Nguyễn, cố đô Thăng Long nhiều thay đổi nên khôi phục nguyên trạng khung cảnh khi Nguyễn Quang Bình được phong vương có nhiều khó khăn. GS Hoàng Xuân Hãn đã cố gắng vẽ lại nghi vệ, lỗ bộ và sắp xếp của triều đình nước ta trong kỳ lễ phong vương năm Quí Hợi (1683) cho vua Lê Hi Tông (đời Khang Hi). Hành trình của sứ bộ nhà Thanh cũng gần đúng như phái đoàn Thành Lâm nên hai lần phong vương có thể tham chiếu và bổ túc.

Về phía Trung Hoa, đời Càn Long là một thịnh thế nên nhiều loại đồ hoạ, trường đồ rất qui mô và vĩ đại do hoạ công trong triều thực hiện. Bức tranh liên quan đến việc công nhận vua Quang Trung là “Nguyễn Huệ khiển điệt Nguyễn Quang Hiển nhập cận tứ yến chi đồ” (阮惠遣姪阮光顯入覲賜宴之圖) trong bộ tranh An Nam Chiến Đồ vẽ phái đoàn Nguyễn Quang Hiển triều kiến vua Càn Long tại Thanh Âm Các ở Nhiệt Hà.
 

Hươngquê73

Xe tăng
Biển số
OF-374797
Ngày cấp bằng
23/7/15
Số km
1,362
Động cơ
256,850 Mã lực
Nhận xét

Trong quá trình tìm kiếm, chúng tôi phát hiện khá nhiều tài liệu liên quan đến bang giao Thanh Việt đời Tây Sơn, hoặc được sao lục riêng thành một quyển riêng, hoặc lẫn trong di văn của các viên chức có tham gia vào công việc từ lệnh của cả Việt Nam lẫn Trung Hoa. Tuy nhiên, việc sắp xếp lại cho lớp lang, thứ tự và nhất là nêu lên được những trọng điểm cho từng thời kỳ tương đối phức tạp vì có nhiều chi tiết bị che khuất cũng như biến đổi theo thời gian.

1. Tài liệu đã bị sửa và chép đi chép lại nhiều lần và không còn như nguyên thuỷ. Tài liệu nước ta chủ yếu nằm trong các thư viện tư gia bị ảnh hưởng của thời thế đã đành nhưng ngay cả tài liệu nhà Thanh vốn dĩ là đáng án, nhiều văn kiện cũng đã bị thêm bớt cho phù hợp với ý muốn của triều đình và che dấu những sai lầm của cấp trên.

2. Tài liệu thường không có ngày tháng gửi hay nhận nên phải so sánh nội dung và những chi tiết để phỏng đoán thời điểm được soạn thảo. Thời điểm viết ra và thời điểm nhận được thường có một khoảng cách nên việc tính toán để biết được hiện trạng khi lưu hành văn thư đóng góp đáng kể vào việc lượng giá vấn đề. Văn thư đời Thanh tuỳ theo mức độ khẩn và mật, được chuyển đi theo những dạng thức khác nhau, tốc độ khác nhau nên cần am tường nguyên tắc để lượng giá cho chính xác.

3. Nội dung tài liệu chưa hẳn đã phản ảnh sự thật. Ngoài ngôn từ ngoại giao nói cho đẹp lòng người nhận, nhiều trường hợp một lý do nêu lên không đúng như diễn tiến và cần phải đọc những văn bản khác để minh xác thực tế lúc đó như thế nào.

Một cách tổng quát, tài liệu thời Tây Sơn tập trung chính yếu trong hai hạng mục:

1. Văn thư ngoại giao (được gọi chung là quốc thư) chủ yếu là ghi chép về các thủ tục, tiến trình liên lạc với nhà Thanh có lẽ được dùng làm tài liệu tham khảo cho triều Nguyễn hơn là mục tiêu lưu giữ tài liệu dùng trong việc soạn sử.

2. Thơ văn xướng hoạ và ngâm vịnh khi sang Trung Hoa, khi dự tiệc hay thăm viếng thắng cảnh. Một số thư từ thù tạc không quan trọng nhưng cũng được bảo tồn như để đánh giá sự quan trọng của tác giả trong khi đi sứ.

So sánh di văn của nước ta với tài liệu của phái đoàn nước khác như Triều Tiên, Anh quốc trong cùng một thời kỳ chúng ta thấy có những dị biệt quan trọng. Phái đoàn Triều Tiên ghi nhận rất chi tiết về thể lệ và nghi lễ (các loại quan phục, lỗ bộ, yến tiệc, hí khúc …), phái đoàn Anh quốc (nói chung Tây phương) ghi nhận về sinh hoạt xã hội, kinh tế, quân sự … và những điều mắt thấy tai nghe trên đường đi và kinh đô.

Trong khi đó, sứ thần nước ta ghi lại phần lớn là thơ văn ngâm vịnh các danh thắng được đến thăm, nhất là những địa điểm từng gặp trong sách vở như Xích Bích, Hoàng Hạc Lâu, lầu Lạc Dương … hay các bài hoạ lại thơ văn trao tặng. Những chi tiết đó cho thấy tâm tư và thói quen của nhà nho nước ta chỉ hạn chế vào những gì đã được đào tạo và tập luyện nên không mấy chú trọng đến những tiết mục khác và cũng ít ai có hoài bão đem cái hay của người về bổ túc cho sở đoản của chính mình.
 

Hươngquê73

Xe tăng
Biển số
OF-374797
Ngày cấp bằng
23/7/15
Số km
1,362
Động cơ
256,850 Mã lực
II. Chương I: từ căng thẳng đến hòa hoãn
Phần 1: trước khi đàm phán


TRƯỚC KHI ĐÀM PHÁN

Khi Tôn Sĩ Nghị và một nhóm nhỏ tàn quân chạy về đến Nam Quan, viên tổng đốc Lưỡng Quảng lập tức tâu lên vua Càn Long việc thất trận đồng thời xúc tiến hai công tác cấp bách nhất: 1/ kiểm điểm quan binh chạy về và 2/ tái phối trí binh lính tại các cửa ải đề phòng việc quân Tây Sơn thừa thế đánh qua. Một công việc cũng rất quan trọng đối với Thanh triều là tìm được vua Chiêu Thống ngõ hầu không bị tiếng là bỏ rơi một thuộc quốc.

Trước hết, Tôn Sĩ Nghị sai Tôn Vĩnh Thanh điều thêm 300 quân cộng với số 2700 quân có sẵn để chia ra đóng dọc theo biên giới, chủ yếu là ba cửa Trấn Nam (tức Nam Quan), Bình Di, Thuỷ Khẩu có thông đạo qua nước ta. Báo cáo sơ khởi có khoảng 3000 quân Thanh thoát chết, một số theo đường nhỏ được dân chúng chỉ lối chạy về.[3]

Khi nghe tin xấu từ Quảng Tây, vua Càn Long đặc biệt quan tâm đến số binh sĩ chạy thoát vì chính ông cũng có lỗi khi bị tập kích bất ngờ. Ông lo rằng trong số quan binh bị bắt làm con tin – giống như trường hợp Miến Điện trước đây – có một số tướng lãnh cao cấp sẽ bị dùng để đổi chác và sẽ trở thành khó nghĩ nếu tin đó lọt ra ngoài. Nhiều chi tiết cho thấy sau này vua Càn Long tuy cảm thán về việc “đề trấn đại viên” (viên chức lớn bao gồm đề đốc và tổng binh) hi sinh nhưng ông cũng mừng thầm là không có một nhân vật quan trọng nào bị bắt sống và coi việc Tôn Sĩ Nghị bỏ chạy là biết giữ quốc thể nên không bị phạt mà còn được khen. Chính quan viên nhà Thanh cũng biết ý hoàng đế nên vẽ vời để trận đánh thêm phần oanh liệt và thua trận là do những lý do ngoài dự liệu như Lê Duy Kỳ bỏ chạy làm dân chúng náo loạn khiến địch thừa cơ đánh úp.
 

mihkun

Tháo bánh
Biển số
OF-173291
Ngày cấp bằng
23/12/12
Số km
2,457
Động cơ
367,826 Mã lực
Hóng cụ Hương quê đăng tiếp ạ.
 

Hươngquê73

Xe tăng
Biển số
OF-374797
Ngày cấp bằng
23/7/15
Số km
1,362
Động cơ
256,850 Mã lực
Vua Càn Long lập tức ra lệnh cho tái tục việc đưa 3000 quân từ Quảng Đông sang [trước đây tính tăng cường cho đại quân ở Thăng Long nhưng đã hoãn lại khi có lệnh triệt binh] để gia tăng canh phòng biên giới. Cũng ngay những ngày đầu tiên, Lê Duy Kỳ [tức vua Chiêu Thống] và một số thân quyến, bầy tôi chạy được đến Nam Quan. Việc đàm phán hay hoà giải giữa nhà Thanh và Tây Sơn chưa đặt ra vì còn nhiều vấn đề gấp rút hơn cần giải quyết.

Cứ như thông lệ, khi tướng lãnh thua trận thì vua Càn Long đều xử tội nặng. Nhiều người tự tử không dám về triều và Tôn Sĩ Nghị cũng không yên tâm khi đã làm vua Thanh thất vọng. Trong những lá thư gửi lên, họ Tôn đều nhận lỗi về phần mình và xin được trả lại các tước vị, khen thưởng … để hoàng đế định đoạt.

…Thần chịu ơn nặng của hoàng thượng, uỷ thác việc lớn, nhưng không sớm làm cho xong. Lần này cũng vì quân giặc đông gấp mấy lần bên mình, khiến cho các tướng đề trấn bị vây, chưa thoát ra được. Lại nhân số quân thần đang cai quản, chỉ có vài trăm người, vượt ra khỏi trùng vi rồi, khí thế khó có thể khơi lại được, nên không có thể quay lại cứu viện. Chỉ ngẩng xin hoàng thượng cách chức và trị tội thần thật nặng mà thôi. Ðể chứng tỏ pháp độ và răn đe những kẻ sai sót. Còn như đề trấn nếu chẳng may bị giết hại rồi, thần thề chẳng cùng bọn giặc kia cùng sống. Vậy xin hoàng thượng tuyển đại thần có uy cao vọng trọng, đem quân chinh thảo. Thần nguyện lo việc chuẩn bị lương thảo, khí giới đem đến quân tiền, đái công hiệu lực để chuộc lỗi trước.

Tuy nói rất mạnh bạo, lại tự nguyện theo quân chinh phạt lần thứ hai nhưng ngay trong báo cáo đầu tiên, Tôn Sĩ Nghị đã khôn khéo gợi ý về một biện pháp giảng hoà trong một lá thư mà ông ta nói là đã gửi cho Nguyễn Huệ như sau:

… Hôm trước thần ở bờ phía bắc sông Phú Lương[tức sông Nhĩ Hà], thấy thế giặc ở bờ bên kia quá dũng mãnh, mà các tướng đề trấn, chưa thấy về đến bờ sông, hay là đã thất bại rồi nên không triệt hồi được. Vì thế mới tự tay viết một mảnh giấy, sai di nhân [tức người Việt] đem đến bên sông giao lại cho đầu mục của giặc như sau:

“Lần này bản bộ đường phụng mệnh đại hoàng đế, thống lãnh binh sĩ xuất quan, nguyên chỉ có ý khôi phục kinh đô, để phong vương cho Lê Duy Kỳ. Hiện nay Lê Duy Kỳ đã sợ giặc mà trốn mất rồi. Người đó uỷ mị không có chí khí, không thể tiếp tục giúp đỡ nữa, nên đã triệt binh trở về quan ải. Nếu như Nguyễn Huệ dám giết một quan binh nào chưa kịp xuất quan, thử nghĩ thiên triều có để cho ngươi phạm tội lần nữa mà bỏ qua hay không? Ðại hoàng đế sẽ phái đại thần, thống lãnh vài chục vạn quan binh, bốn đường tiến binh tiễu trừ, không diệt được ngươi thì không thôi. Còn như ngươi Nguyễn Huệ đem quan binh đưa trở ra, rồi tự trần tình hối tội các duyên cớ, ấy là biết lẽ thuận nghịch, may ra xin được khoan dung. Hoạ hay phúc cũng là do ngươi tự chọn lấy. Việc đang lúc cấp bách, ta chỉ có mấy lời thôi.”
 

Hươngquê73

Xe tăng
Biển số
OF-374797
Ngày cấp bằng
23/7/15
Số km
1,362
Động cơ
256,850 Mã lực
Lá thư này nhiều phần Tôn Sĩ Nghị bịa đặt ra để tìm một lối thoát hiểm vì đoán được rằng vua Càn Long sẽ chọn giải pháp giảng hòa hơn là tiếp tục một cuộc chiến mới. Nếu hai bên bãi chiến, trong vai trò tổng đốc Lưỡng Quảng chắc chắn Tôn Sĩ Nghị sẽ có dịp đoái công chuộc tội. Còn như nếu tiến hành một cuộc chinh phạt lần thứ hai, chắc chắn họ Tôn sẽ không còn vai trò gì nữa.

Cũng có thể khi về đến Quảng Tây, họ Tôn thấy một số dụ chỉ của vua Càn Long mà vì tình hình chiến sự nên chưa kịp chuyển xuống Thăng Long trong đó hoàng đế nhà Thanh tỏ ra bi quan và liên tiếp ra lệnh “triệt binh” (rút quân về) – kể cả đánh lừa vua tôi nhà Lê – chứng tỏ ông đã thấy những khó khăn không thể vượt qua nếu duy trì cuộc chiến ở An Nam. Trong dụ chỉ gửi trong khoảng 27-29 tháng Chạp, tuy không thi hành kịp nhưng đã khiến cho Tôn Sĩ Nghị, Tôn Vĩnh Thanh nhận ra tia sáng cuối đường hầm.

Tôn Sĩ Nghị sau khi đã sắp xếp yên ổn cho Lê Duy Kỳ rồi hãy thừa thế cho quân tỉnh Điền [cánh quân Vân Quí]rút về theo lối Việt Tây [Quảng Tây] rồi sau khi tiến khẩu lại theo đường Việt Tây về tỉnh Điền nhưng đừng quá nhiều để những nơi như Tuyên Quang, Hưng Hoá thu phục rồi mà quân đóng chơ vơ ở đó để có thể làm cho toàn cục đổ vỡ không hoàn thành.

Trẫm nghĩ họ Lê lập quốc đã lâu, khí vận suy dần gần đây nhiều phen loạn lạc mà Lê Duy Kỳ lại là người nhút nhát bất tài, chung quanh không có ai phò tá. Xem tình hình đó chắc là lòng trời đã chán ghét họ Lê, nếu như có thể bắt được bọn Nguyễn Huệ đem ra chính pháp mà Lê Duy Kỳ không thể tự mình chấn tác làm cho được việc, ví thử có một Nguyễn Huệ khác lại nổi lên làm loạn thì lẽ nào lại làm phiền binh lực thiên triều thêm mấy lần?

Trẫm biện lý công việc đều thuận theo trời mà làm, nay trời đã ghét họ Lê mà trẫm lại muốn nâng đỡ thì không phải là tôn kính lòng trời, là đạo phủ ngự thuộc quốc vậy. Việc tiến tiễu Quảng Nam lúc này chưa thuận tiện để làm, vậy hãy tuân chỉ tức tốc quay về không nên ở lại nơi đó thêm nữa.
 

Hươngquê73

Xe tăng
Biển số
OF-374797
Ngày cấp bằng
23/7/15
Số km
1,362
Động cơ
256,850 Mã lực
Văn kiện này nếu tính theo thời gian chuyển thư thì cũng cho ta thấy khi còn ở Thăng Long, Tôn Sĩ Nghị chưa hề nhận được lệnh triệt binh. Chính vì chưa nhận được chỉ thỉ về một đường lối dứt khoát đã khiến cho quân Thanh lâm vào thế dằng dai, họ Tôn chưa dám tự mình chọn một quyết sách cụ thể ngoài việc gửi thư ậm ọe đòi Nguyễn Huệ đến quân doanh đầu hàng và hẹn mồng 6 Tết sẽ ra quân. Việc hẹn trước một thời điểm giao tranh kèm theo những hình thức thao diễn, phô trương “mãi võ” mà nhiều người ngoại quốc ghi nhận cho thấy Tôn Sĩ Nghị chỉ muốn mua thời gian, đợi khi có chủ trương chính thức của triều đình sẽ thi hành. Vì thế tiến thoái lưỡng nan, Tôn Sĩ Nghị cũng bác khước mọi kế hoạch tiến quân mà nhóm nhà Lê đề nghị đưa đến việc ép vua Chiêu Thống thu hồi binh quyền của Lê Quýnh.

Ngày 24 tháng Giêng năm Kỷ Dậu [Càn Long 54], nhận được tin bại trận, vua Càn Long lập tức giáng chỉ điều động Phúc Khang An từ Mân-Triết (Phúc Kiến) sang làm tổng đốc Lưỡng Quảng thay Tôn Sĩ Nghị. Tuy nhiên chính Thanh triều cũng e ngại nếu An Nam phản ứng giống như Miến Điện – không chịu thần phục, giam cầm tù binh và tấn công biên giới – thì sẽ trở thành một vấn đề lớn. Vì thế vua Thanh chưa thể đưa ra sách lược ngoài một hướng dẫn tổng quát:

Trước đây trẫm đã biết Lê Duy Kỳ là người hèn yếu không năng lực, không thể nào dấy lên được, xem chừng trời đã ghét bỏ họ Lê rồi, không còn hộ trợ nữa. Lại thêm dân tình An Nam, phản phúc không tin được, nên ta đã sớm giáng dụ chỉ, ra lệnh cho Tôn Sĩ Nghị tức tốc triệt binh. Nếu như khi Tôn Sĩ Nghị nhận được chỉ đó, tuân lệnh kéo binh về ngay, thì lúc này quan binh đã qua khỏi quan ải rồi.

Ðến nay Nguyễn Huệ dám quay lại quấy nhiễu, cũng vì Tôn Sĩ Nghị mong mỏi Nguyễn Huệ hối tội xin đầu hàng, nếu được như thế thực là tốt đẹp. Lại thấy thời gian đã đến, nhằm lúc sắp đến mùa xuân, xứ này nhiều mưa dầm chướng khí, dẫu muốn chuẩn bị để cử binh thì cũng không đúng lúc. Huống chi việc điều động binh phu ở Quảng Ðông, Quảng Tây cũng đã đình chỉ rồi, nay lại lục tục gọi ra, việc chậm [điều động dân phu] không thể giúp được chuyện gấp [cử binh sang đánh An Nam], chẳng khỏi dân chúng nghe rồi thêm kinh hãi. Cho nên việc trước mắt là làm thế nào triệt hồi được toàn bộ quân sĩ để giữ thể thống cho quốc gia ấy là quan trọng hơn cả.

Tôn Sĩ Nghị là người thống lãnh toàn bộ quân doanh dù gì chăng nữa cũng không thể mạo hiểm. Viên tổng đốc đó vượt vòng vây để thoát ra là việc làm rất đúng. Kế đến là đề đốc Hứa Thế Hanh là một viên chức cao cấp, cũng thật quan trọng, hiện nay chưa nghe tin tức gì, ta cũng lo lắng lắm. Hai người [chỉ Tôn Sĩ Nghị và Phú Cương] hãy gia tâm thận trọng, suất lãnh quan binh, mau mau tiến quan.

Hiện nay cứ như Tôn Sĩ Nghị và Tôn Vĩnh Thanh tâu lên thì Lê Duy Kỳ vào ngày mồng bảy tháng Giêng đã vào trong quan, tạm đưa vào Nam Ninh ở rồi.

Trước nay việc hành quân không phải lúc nào cũng thuận lợi. Chẳng hạn như đánh ở phía tây Tân Cương, hay việc đánh lưỡng Kim Xuyên. Cả hai đều có những thất bại rồi sau mới thành công. Lần này Tôn Sĩ Nghị đem binh đi tiễu trừ giặc ở An Nam, thành công quá dễ. Ðến nay có những khó khăn, mới hay không phải Nguyễn Huệ tự thu lấy diệt vong. Lúc này chỉ cần Tôn Sĩ Nghị, Hứa Thế Hanh đưa được đại binh hoàn toàn trở về được, không tổn hại đến quốc thể là đủ. Tương lai có làm hay không làm, nắm hay buông cũng là ở ta, lúc đó tính toán rồi hãy định đoạt.

Còn như Tôn Sĩ Nghị tâu xin cách chức trị tội thì việc này xảy ra ngoài ý muốn, không phải vì tổng đốc kia liều lĩnh làm càn, sao lại đưa ra câu nói như thế. Tổng đốc kia hãy trấn tĩnh hơn nữa để mà trông coi công việc triệt binh, đừng để tâm mang ý loạn. Ðó là chuyện quan trọng hơn cả.

Còn Nguyễn Huệ chắc không dám đụng tới biên cảnh của thiên triều đâu. Thế nhưng một dải quan ải, phải nên bố trí binh lực để phô trương thanh thế hầu tiếp ứng lẫn nhau. Hiện tại theo như Tôn Vĩnh Thanh tâu lên thì đã điều binh hơn một nghìn đến rồi, hợp với số binh phòng giữ từ trước, tổng cộng là ba nghìn người, có thể thêm bớt. Vậy truyền lệnh cho Tôn Vĩnh Thanh, ước lượng lại một lần nữa, nếu như lại phải điều động binh đinh thì cũng không nên loan truyền rộng rãi, chỉ nên ở các doanh phụ cận, một mặt tuyển mộ đồng thời tâu lên cho ta biết.

Còn như quan binh Việt Tây [Quảng Tây] vốn đã triệt hồi rồi thì lộ Vân Nam chắc cũng do đường Tuyên Quang, biên giới mau mau rút về. Quân bên Ðiền tỉnh [tức Vân Quí] tương đối đông, nếu như quân của Phú Cương, Ô Ðại Kinh đang chỉ huy, không thể điều dụng được thì hãy bố trí dọc theo biên giới, để cho thanh thế thêm mạnh mẽ.
 

Hươngquê73

Xe tăng
Biển số
OF-374797
Ngày cấp bằng
23/7/15
Số km
1,362
Động cơ
256,850 Mã lực
Chúng ta thấy vua Càn Long không còn ý định đưa Lê Duy Kỳ trở lại Thăng Long và đã ít nhiều mở một con đường công nhận Nguyễn Huệ nếu phía An Nam khẩn khoản yêu cầu. Nội dung cũng cho thấy chính Tôn Sĩ Nghị xin chịu tội nhưng vua Càn Long miễn cưỡng thi hành chứ không phải đùng đùng nổi giận sai Phúc Khang An điều động binh mã chín tỉnh sang kinh lý việc An Nam như tiếng đồn.

Việc Phúc Khang An sang thay đặt Tôn Sĩ Nghị vào một hoàn cảnh khó xử. Nếu họ Tôn hoàn toàn thụ động chấp hành lệnh của triều đình chờ Phúc Khang An đến bàn giao xong sẽ lên đường về kinh thì hoạn lộ của ông ta coi như chấm dứt. Việc tranh thủ thời gian ngắn ngủi khi họ Phúc chưa sang để sớm đạt được một vài thành tựu sẽ gỡ cho Tôn Sĩ Nghị một nước cờ tàn, đưa tới việc bí mật sai Thang Hùng Nghiệp liên lạc với phía Tây Sơn. Cứ theo tài liệu nước ta, Thang Hùng Nghiệp đã ngầm gửi cho triều đình Tây Sơn một văn thư còn ghi trong Tây Sơn Bang Giao Lục được Hoa Bằng dịch ra như sau:

… Xét ra họ Lê bên An-nam thần phục Thiên triều đã lâu, một sớm bị họ Nguyễn Tây sơn nhà ngươi chiếm đoạt mất đô thành, nên Hoàng đế (chỉ vua Thanh) phải sai tướng đem binh ra khỏi cửa ải, khôi phục đất nước cho họ Lê và cứ cho vẫn được nối chức chịu phong như trước. Chẳng dè Lê Duy Kỳ đơn kém, vô tài, không thể dấy-nhức làm được trò trống gì cả, cứ dắt mẹ chạy trốn hoài, đến nỗi làm cho nhà Lê không ngóc lên được! Từ đấy về sau, Thiên triều quyết không thể đem nước An-nam mà giao cho Lê Duy Kỳ nữa!

Họ Nguyễn Tây-sơn nhà ngươi nên nhân trước khi có chỉ dụ, mau mau làm biểu sang đây, gõ cửa kêu với Đại Hoàng-đế (vua Thanh) rằng Lê-Duy-Kỳ không được dân vọng, nhân dân bơ vơ tan đi bốn ngã; bất đắc dĩ, tôi phải đem binh ra thay nhà Lê mà vỗ về dân chúng. Nào ngờ dọc đường, thình lình gặp phải quân nhà vua, đụng ai họ giết nấy. Tình thế dữ-dội. Nếu chúng tôi bó tay chịu trói, thì thể nào cũng đến bị giết hết sạch.

Vì vậy, đám di binh, di mục theo tôi phải hết sức chống cự lại. Chúng tôi tự biết thế là có tội nặng lắm. Hiện nay tôi đã tra xét hai người chống cự thiên binh (quân Thanh) ấy, đem ra trị tội cho chính pháp cả rồi.

Rồi nên nhờ người tâu xin với Đại Hoàng đế (vua Thanh) cúi thương mọi rợ (!) không biết gì, uốn theo lời xin mà tha thứ. Nên chăng cứ để Lê Duy-Cận đứng giám quốc; kính xin nhà vua ban chiếu chỉ phán bảo cho.

Đặt lời cung thuận như vậy, chắc được Đại Hoàng đế soi xét lòng thành, sẽ cho nhà ngươi chủ trì việc nước. Bấy giờ sẽ có thể lại sai người sang kêu cầu Thiên triều ban cho ân điển (chỉ việc cầu phong).

Bản đạo (Thang Hùng Nghiệp tự xưng) nhân vì giữ chức ở biên giới, tương lai có rất nhiều việc giao thiệp với An-nam nhà ngươi (!), nên phải viết thư kín này mà ngỏ cho biết.

Thuận theo thì được phúc, trái nghịch thì phải vạ tuỳ nhà ngươi tự chủ đấy…
 

Hươngquê73

Xe tăng
Biển số
OF-374797
Ngày cấp bằng
23/7/15
Số km
1,362
Động cơ
256,850 Mã lực
Lập trường của hai bên

Đại Việt

Nước ta vốn dĩ luôn luôn bị nước lớn chèn ép, tuy thắng một trận lớn ở Thăng Long nhưng đuổi được Tôn Sĩ Nghị về Quảng Tây chưa phải là thành quả sau cùng để có thể nói chuyện đàm phán. Việc nhà Thanh đem một lực lượng lớn hơn sang phục thù là điều rất có thể xảy ra theo cả kinh nghiệm xung đột với Trung Hoa trong quá khứ, hay tính riêng những chiến dịch khác đời Càn Long.

Một kế hoạch phòng thủ và ngăn chặn địch được xúc tiến ngay và giới truyền giáo Tây phương đã ghi nhận miền Bắc huy động dân chúng ngày đêm đắp thành lũy để chống giặc. Vua Quang Trung cũng chuẩn bị một con đường huyết mạch từ Lạng Sơn xuống Thăng Long rồi từ Thăng Long xuống Nghệ An để chia ra các đường thượng đạo, đường biển khi cần rút về Phú Xuân. Ngoài ra, lực lượng thủy quân cũng bố trí đối phó với quân Thanh một khi họ từ đại dương đánh vào.

Trong khi đó, thành phần cựu thần còn trung thành với hai họ Lê – Trịnh cũng tìm cách chiêu tập lực lượng đợi tham gia chiến đấu trong trường hợp quân Thanh sang đánh lần thứ hai. Chúng ta thấy có một số tâm điểm ở Kinh Bắc (nơi hoàng phi Nguyễn Thị Kim nương náu), ở Thanh Hóa (là đất tổ có con cháu nhà Lê sinh sống lâu đời), các khu vực thượng du vùng Thái Nguyên, Cao Bằng (có hoàng đệ Lê Duy Chỉ và một số thổ mục trấn giữ) …Ngoài ra cũng có những địa điểm của những người còn trung thành với họ Trịnh tiếp tục hoạt động ở ven sông và dọc theo duyên hải.

Nói tóm lại, trong những ngày đầu tiên, việc đối phó với nhà Thanh chưa nghiêng về việc cầu hòa mà là chuẩn bị chiến tranh. Những phái đoàn được đưa lên tiếp xúc với quan lại Quảng Tây nhằm mua thời gian, tương tự như các triều đại trước khi ngăn chặn quân Nguyên, quân Minh. Ngoài việc biện bạch rằng chiến tranh không do chủ ý của nước ta, Ngô Thì Nhậm đã nêu lên hai điểm để thăm dò nhưng cũng là đầu mối nếu đối phương muốn thương lượng:

– Ta bắt được khoảng 800 tù binh,

– Sẵn sàng nghênh chiến nếu không có chọn lựa khác.

Với tin tức hạn chế, có lẽ triều đình Tây Sơn cũng chưa biết rằng vua Lê và một số cận thần đã chạy được sang Quảng Tây nên trong thư gửi sang Trung Hoa vẫn nhắc tới việc trước đây họ đã đưa Lê Duy Cẩn lên “giám quốc” thay vua Chiêu Thống nhằm để ngỏ một giải pháp sau cùng là nếu Trung Hoa khăng khăng đòi tái lập nhà Lê thì có thể quay trở về công nhận cả vua lẫn chúa [phó quốc vương] như thời trước rồi sau đó sẽ đi theo cách thức Lê Lợi đối xử với Trần Cảo [khi đó trên danh nghĩa là quốc vương] để xin công nhận một họ mới.

Những lá thư thăm dò ấy đã được quan lại ở Quảng Tây tìm hiểu và qua một số trao đổi riêng, họ biết rằng nước ta sẵn sàng đáp ứng những đòi hỏi sơ khởi để tiến hành những bước kế tiếp.
 

Hươngquê73

Xe tăng
Biển số
OF-374797
Ngày cấp bằng
23/7/15
Số km
1,362
Động cơ
256,850 Mã lực
Trung Hoa

Về phía nhà Thanh, việc đem quân sang nước ta nguyên thuỷ chỉ là một món quà của Tôn Sĩ Nghị cốt để vua Càn Long sớm hoàn thành cái mộng “Thập Toàn”. Ngay từ đầu, chiến dịch sang đánh An Nam không nằm trong một cơ nghi chiến lược vì triều đình Tây Sơn không phải là một đe dọa cho Trung Hoa mà chỉ là tranh giành quyền lực nội bộ nên sự can thiệp của nhà Thanh mang tính trang sức hơn là thực sự muốn lấy lại nước cho vua Lê.

1. Vua Càn Long muốn có thêm một chiến công tô điểm – hollow victory – cho sự nghiệp của mình nên dựa vào một duyên cớ rất mơ hồ là vì nhà Lê thần phục đã hơn 100 năm nên khi bị cường quyền thoán đoạt không thể không can thiệp. Tuy nhiên, ngoài một chiến công mới làm nổi bật ngày lễ khánh thọ bát tuần năm Canh Tuất, vua Càn Long cũng ngầm mơ ước có một phiên vương đích thân sang Bắc Kinh chúc hỗ, một công tác mà vua Chiêu Thống sẽ hăng hái tự nguyện làm.

2. Tôn Sĩ Nghị muốn có một chiến công để lên cao trong hoạn lộ. Nhà Thanh vốn trọng võ công nên những ai có thành quả quân sự đều được đặc biệt cất nhắc, điển hình là cha con Phó Hằng, Phúc Khang An sau những dịp cầm quân đều trở thành danh thần. Trước đây cái danh dự cầm quân đều giao cho đại thần người Mãn, việc một tổng đốc người Hán tạo thành tích sẽ là một việc xưa nay chưa từng có trong các chiến dịch đời Càn Long.

Sự tương đồng về yêu thích hư danh của vua Càn Long và Tôn Sĩ Nghị đưa tới sự thổi phồng quá đáng những chiến thắng nhỏ trên đường tiến xuống Thăng Long. Vua Càn Long đặc cách thăng thưởng cho Tôn Sĩ Nghị lên nhất đẳng công, Hứa Thế Hanh lên nhất đẳng tử cũng chính là tự khen mình vì ông tin rằng cấp dưới chỉ thực hiện những cơ mưu chỉ đạo từ Bắc Kinh đưa xuống.

Khi Tôn Sĩ Nghị bị đánh bại, vua Càn Long thấy ngay rằng việc lún sâu vào phương Nam có thể đưa đến một cuộc chiến sa lầy, tương tự như chiến dịch đánh Miến Điện, hao binh tổn tướng, phí phạm tiền bạc, lương thực mà kết quả chưa lấy gì làm sáng sủa. Mục tiêu chính lúc này không phải là phục thù mà làm sao khai thác chiến bại để lật ngược thành “chiến thắng mà không cần dụng binh”.

Trong tình hình đó, một mặt nhà Thanh phao tin sẽ đưa Phúc Khang An – con trai danh tướng Phó Hằng – đem quân sang kinh lý việc An Nam [đồng thời phô trương lực lượng dọc theo biên giới], mặt khác tìm cách lái vua Quang Trung đi cùng với con đường mà vua Chiêu Thống đã chọn.

Bề ngoài thì phô trương thanh thế nhưng bề trong vua Càn Long gửi mật chỉ cho Phúc Khang An bảo “đừng làm lớn chuyện”. Có lẽ cũng đoán biết tâm lý vua Càn Long nên khi nghe tin Tôn Sĩ Nghị bại trận, Phúc Khang An đã tâu lên xin được sang làm tổng đốc Lưỡng Quảng để giải quyết công việc với tiêu chí “dưỡng quân uy, tồn quốc thể” – hay nói khác đi làm sao cho binh sĩ không mất tinh thần đồng thời sẽ ngụy trang việc bại trận càng nhiều càng tốt – một công tác mà ông ta biết sẽ có thể thành công
 

Hươngquê73

Xe tăng
Biển số
OF-374797
Ngày cấp bằng
23/7/15
Số km
1,362
Động cơ
256,850 Mã lực
Phần 2: đàm phán sơ khởi

Tuy không đưa ra một nghị trình rõ rệt, nhưng hai bên đều có những mục tiêu cụ thể để hướng tới và nhượng bộ dần cho đến khi có những điểm chung. Về phần nhà Thanh, các quan ở địa phương đã nhìn thấy hai chủ đề chính:

– Giải quyết hậu quả chiến tranh mà ưu tiên là trả về số tù binh bị bắt,

– Yêu cầu vua Quang Trung đích thân tham dự lễ khánh thọ của vua Càn Long.

Một cách tổng quát, Tôn Sĩ Nghị trong những ngày sau cùng còn ở Quảng Tây đã hết sức cố gắng để đạt cho bằng được mục tiêu thứ nhất [để chạy tội] nên khi Phúc Khang An sang làm tổng đốc Lưỡng Quảng thì chỉ tập trung vào hoàn thành mục tiêu thứ hai [để lập công]. Khi phân biệt hai đòi hỏi cơ bản đó, chúng ta có thể dễ dàng theo dõi được từng bước đi của cả hai bên.
 

Hươngquê73

Xe tăng
Biển số
OF-374797
Ngày cấp bằng
23/7/15
Số km
1,362
Động cơ
256,850 Mã lực
Tôn Sĩ Nghị

Ngày 22 tháng Giêng năm Kỷ Dậu [Càn Long 54], triều đình Tây Sơn sai Ngô Thì Nhậm mang một tờ biểu xin “đầu thành” [投誠] đến Lạng Sơn nhờ thông sự đưa qua Nam Quan. Ngay hôm đó, tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị và tuần phủ Quảng Tây Tôn Vĩnh Thanh gửi tấu thư về triều có đoạn như sau:

Ngày 22 tháng Giêng có tặc mục [quan nước ta] Lạng Sơn sai thông sự [người nói được cả hai thứ tiếng Hoa – Việt] mang lên một biểu văn nói là hiện thời Nguyễn Huệ đã sai mấy di mục đem thư lên Lạng Sơn tình nguyện đầu thành nạp khoản nhưng sợ thiên triều không thuận nên ra lệnh cho thông sự đem đến Nam Quan. Y cũng khai rằng hiện nay còn vài trăm quan binh ở bên đó đều được nuôi dưỡng tử tế sau này sẽ đem trả về, giọng lưỡi thật đáng ghét, còn những ai không trong số đó thì không biết ra sao.

Thần sợ rằng nếu mở biểu văn ra xem e rằng tặc nhân ngờ rằng nội địa đang mưu tính việc tương tựu [nhân theo đó mà tiếp tục] để cho xong việc nên ra lệnh cho văn võ quan viên giữ cửa trách mắng rằng nếu như còn các quan binh đang ở Lê thành thì Nguyễn Huệ ngươi hãy lập tức đưa về nội địa cho mau rồi trần tình tạ tội duyên do nếu không đốc phủ đại thần không thể bắng lòng chuyển tấu được. Nay ngươi chưa đem quan binh đem trả về mà đệ biểu xưng phiên thì rõ ràng ngươi Nguyễn Huệ muốn mượn việc này để dọ ý.

Sau đó đem biểu văn vứt trả rồi bỏ đi. Bọn thần cũng muốn trách mắng nghiêm lệ hơn nữa nhưng vì các nơi quan ải quan binh điều động tới chưa được mười phần hùng hậu nên chỉ đem việc quan binh chưa đưa trả mà thôi, đợi khi nào các nơi phòng thủ kéo đến đủ thì khi giặc quay lại khẩn cầu sẽ trách mắng nhiều hơn nữa

Việc nước ta mở lời cầu hòa do chính vua Quang Trung và các quan chủ động hay do Thang Hùng Nghiệp bí mật liên lạc mớm ý thực ra chưa rõ ràng vì thời gian giữa lúc Tôn Sĩ Nghị về đến Quảng Tây (11 tháng Giêng) đến khi sứ bộ nước Nam gõ cửa (22 tháng Giêng) chỉ cách nhau hơn 10 ngày.

Trong thời gian ngắn ngủi đó, tuy vua Quang Trung bận rộn với việc giải quyết hậu quả cuộc chiến (tổng kết thiệt hại, thu dọn chiến trường, kiểm điểm chiến lợi phẩm, phát phối tù hàng binh, chiêu an dân chúng …) nhưng cũng gấp rút ra lệnh cho tìm kiếm giới sĩ phu và quan lại Bắc Hà mời họ ra cộng tác (qua sự giới thiệu của một số văn quan cũ như Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích …) và giao cho họ việc từ lệnh bang giao trong những ngày sắp tới.

Lịch Triều Tạp Kỷ, quyển VI chép:

Các tiến sĩ triều Lê là Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Nguyễn Thế Lịch cùng các quan văn cống sĩ như bọn Vũ Huy Tấn, Đoàn Nguyễn Tuấn, Đào Xuân Lãng lần lượt về hàng. Nguyễn Quang Bình đều cho họ quan chức để họ tham gia vào việc từ lệnh bang giao …

Theo lời tựa trong Hoa Nguyên Tuỳ Bộ Tập của Vũ Huy Tấn thì:

… Đầu mùa xuân năm Kỷ Dậu, ta đang náu mình ở quê nhà bỗng nghe có lệnh gọi những người đang ở hương ấp phải theo chiếu thư ra trình diện gấp. Ngày 24 tháng đó [Giêng] ta đến kinh đô vào triều kiến mới biết thượng quốc có thư gửi đến nên được đưa vào làm hầu mệnh [người chờ ở cửa quan để theo dõi công việc].

Ta cố gắng từ chối nhưng không thuận, ngay hôm đó phải lên đường, ngày mồng 2 tháng Hai thì đến Lạng Sơn cùng với quan trấn giữ biên thuỳ qua lại thù ứng [với nước Thanh]. Ta phải ở lại đây đến mấy tháng trời cho đến khi có dụ của thượng quốc cho lên kinh triều cận. Ta được uỷ nhiệm trong phái đoàn đi sứ, cố từ chối mà không được …
 

Hươngquê73

Xe tăng
Biển số
OF-374797
Ngày cấp bằng
23/7/15
Số km
1,362
Động cơ
256,850 Mã lực
MẬT NGHỊ

tam độ khất hàng

Theo tài liệu nhà Thanh thì chỉ trong vòng một tháng, nước ta ba lần gửi thư sang giảng hoà. Việc gọi là ba lần “xin hàng” này trên thực tế chỉ là những lá thư gửi Thang Hùng Nghiệp – chủ yếu là đề nghị về một biện pháp thương thảo mà hai bên có thể đồng thuận.

lần thứ nhất:

Tính theo thời gian, trong khoảng nửa tháng sau trận đánh ở Thăng Long, cả hai bên – nước ta lẫn Trung Hoa –chưa bên nào tổng kết được những kết quả cụ thể để dùng làm cơ sở đàm phán.

Về phía nước ta, có lẽ cũng chỉ nghe phong thanh là nhà Thanh sẽ đem quân báo thù và lực lượng được điều động rất lớn. Cựu thần nhà Lê phần lớn chạy về quê nên tin tức đến tai họ càng ít ỏi [có lẽ chỉ là tin đồn] và hầu như không ai biết vua Chiêu Thống và thân quyến đang ở đâu, còn sống hay đã chết?

Triều đình Tây Sơn tuy chuẩn bị đối phó với quân địch sang phục thù, vua Quang Trung vẫn nhanh chóng tìm kiếm các danh nho miền Bắc điều động vào thành phần có thể lấy bút mực thay gươm giáo, đưa ra những kế hoạch giảng hoà với nhà Thanh.

Không biết rằng nhà Thanh loan truyền Tôn Sĩ Nghị bị triệu về kinh chịu tội nhưng thực ra vẫn đang ở Quảng Tây, Ngô Thì Nhậm viết thư cho Thang Hùng Nghiệp biện bạch nguyên do việc can qua, đổ hết tội cho viên cựu tổng đốc nghe một bên để đem quân xuống phương Nam. Lá thư đầu tiên [theo sử nhà Thanh thì vào ngày 22 tháng Giêng] của nước ta trong BGHT như sau:

Bộc vốn là người áo vải đất Quảng Nam, sinh trưởng ở nơi hoang vắng từ lâu vẫn ngưỡng mộ thanh giáo đất Trung Hoa nhằm thời nhiều việc khó khăn nên phải theo đường chinh phạt. Mùa hạ năm Bính Ngọ, có việc phải đến Lê thành nhưng sau đó đã trở về phương nam. Mùa xuân năm Mậu Thân, vì trong nước không yên nên phải sửa giáp quay lại. Cũng trong năm đó, bộc đã từng sai bầy tôi đến cửa quan, đem hết mọi tình hình trong nước tâu lên rõ ràng, mong được đại hoàng đế phân xử. Thế nhưng tổng đốc Tôn Sĩ Nghị vứt thư khước sứ lấp liếm chẳng thèm tâu lên, điều động đại binh không có lý do, càn rỡ gây chuyện nơi biên giới.

Ngày mồng 5 tháng Giêng năm nay, bộc gửi thư đến mong được gặp Tôn Sĩ Nghị để hỏi xem vì cớ gì mà lại dụng binh, có thực được đại hoàng đế sai khiến hay không? Thế nhưng Tôn Sĩ Nghị lại đưa quân đến đánh nên bị những người theo bộc đánh bại chết đè lên nhau, không biết bao nhiêu mà kể, còn kẻ bị bắt cũng đến hơn một nghìn người. Có điều tiếng nói không hiểu nhau nên chẳng biết ai với ai, người nào chỉ huy người nào binh lính, bộc đã cấp cho lương ăn và chia ra nơi ở nhiều chỗ.

Bộc xưa nay chưa từng xâm cương phạm cảnh để mà đắc tội với thượng quốc, thế nhưng Sĩ Nghị đã đem cái lòng chân tình cung thuận của tôi ném đi hết cả, lại gửi thư vào trong biên giới có ý gây chuyện, nhân đó khởi binh, đối xử với sinh linh hết sức tàn độc.

Bộc ở nơi góc biển xa xôi bị Sĩ Nghị áp bức nên ở vào thế cùng, đành gượng giơ cái càng bọ ngựa chống lại cỗ xe. Nay nhận được lời dụ của tôn đài nên mắt lòng thông tỏ, tôn đài quả là bầy tôi lương đống trụ thạch của đại hoàng đế nên đã có thể tuyên dương đức ý mà lo liệu việc biên cương, lòng thành như thế thật là làm rõ sự tận tâm so với Sĩ Nghị kia thì cái tội coi thường phép nước thật hơn xa.

Nay được thịnh tình của ngài soi xuống nên kính cẩn đệ lên tờ biểu trần tình mong được hết lòng mà chuyển lên để cầu xin ân điển của đại hoàng đế xin được giữ phận phên dậu theo lệ cống mà binh lính khỏi bị cái khổ của việc binh đao, ấy là đại nguyện vọng của bộc này vậy.

Phàm việc ra quân cốt ở chỗ hòa, không phải ở số đông, binh quí tinh nhuệ chứ chẳng cần nhiều, người giỏi trận mạc thắng ở chỗ chí nhu, chứ không phải ở chỗ cậy mạnh khinh khi người yếu, cậy đông hiếp đáp kẻ ít người. Nếu như tình cảnh trước đây chưa biện bạch được thì thiên triều lẽ nào có thể khoan dung, ắt sẽ động binh gây chiến thì nước nhỏ không thể làm tròn tấm lòng phụng thờ nước lớn, bộc này chỉ đành lắng nghe thiên triều bảo sao thì làm vậy.

Nay kèm theo đây hịch văn của Tôn Sĩ Nghị , đều là lời lẽ lăng nhục khích bác tất cả dâng nạp, xin ngài xem xét cho.

Nội dung lá thư đầu tiên chưa mang cung cách ngoại giao mà nhằm tranh biện đúng sai lại biểu lộ sự tự hào của chiến thắng, đổ lỗi cho Tôn Sĩ Nghị nên quan nhà Thanh đã trả lại. Vả lại, khi tâu rằng đã ném trả biểu văn, Tôn Sĩ Nghị cũng dấu được những lời tố cáo vốn dĩ không xa thực sự bao nhiêu. Như vậy nước ta lần đầu tiên viết thư sang Trung Hoa chỉ thuần tuý đòi hỏi đối phương bãi binh.
 

Hươngquê73

Xe tăng
Biển số
OF-374797
Ngày cấp bằng
23/7/15
Số km
1,362
Động cơ
256,850 Mã lực
Tuy nhận được lá thư gợi ý cầu hoà, nhà Thanh cũng chưa lường được phản ứng của triều đình Tây Sơn thực sự muốn chấm dứt binh đao hay chỉ mua thời gian [theo các báo cáo qua lại nay còn thấy] nên vẫn tiếp tục gia tăng phòng thủ, điều động canh giữ quan ải và nhất là tổng kết số người chạy được về.

Con số 8000 quân qua cửa ải mà Tôn Sĩ Nghị báo cáo xem ra không chính xác vì nếu tính số quân họ Tôn đem sang trừ đi số người tử trận [báo cáo sau này] chúng ta thấy có sự chênh lệch khoảng 2 đến 3000 người. Rõ ràng đây là một bịa đặt nhằm che dấu thất bại gửi lên vua Càn Long như một vận động ngầm để vua Thanh bằng lòng bãi binh. Số tù binh bị bắt lại càng khó biết.

ba tờ hịch của tôn sĩ nghị

Lá thư có kèm những tờ hịch vốn là một số bố cáo [hịch] gửi cho dân chúng Bắc Hà, còn ghi lại trong KDANKL, sao lục như sau:

Bản số 1

Dịch nghĩa

Dụ cho [người] nước kia được biết:

Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ rút khỏi Lê thành trở về đất cũ của chúng, ấy là trong bụng không dám phạm vào pháp kỷ của thiên triều nên chẳng dám quấy nhiễu nữa.

Trấn mục các ngươi đáng ra phải lập tức đón chủ cũ về để được phiên phong [phong làm phiên thuộc]. Còn như lần khân người nọ trông người kia, lén giữ đất cho họ Nguyễn, không chịu nghinh tiếp tự vương, vậy là nước các ngươi cương kỷ lỏng lẻo chẳng biết chi là đại nghĩa quân thần. Quan chức An Nam như các ngươi hoá ra lại không bằng thường dân bách tính.

Vậy nếu còn nhớ đến đức cũ của vua Lê thì các ngươi phải rầm rộ chạy đến cửa quan tình nguyện ra sức đi đầu, sáng tối tự hỏi nên để thân ở chỗ nào?

Sau khi cáo thị này gửi ra rồi, các ngươi phải lập tức ủng hộ nghinh đón họ Lê, quay đầu về nẻo chính, trước đây lỡ theo giặc, phạm sai lầm cũng bỏ qua không hỏi đến.

Còn như vẫn còn chấp mê không tỉnh, ấy là không biết hướng về chỗ thuận thì ta sẽ vừa tâu lên đại hoàng đế, vừa đích thân thống lãnh đại binh, định ngày tiến tiễu, dẻo đất cỏn con của các ngươi có thể chống với vương sư hay sẽ bị giết sạch?

Vì chưng muốn nước các ngươi được thiên triều soi chiếu mãi mãi nên ta thiết tha hiểu dụ.

Bản số 2

Dịch nghĩa

Nay dụ cho các ngươi biết:

Khi đại binh đi ngang qua, các ngươi quì đón ở bên đường, tranh nhau hiến trâu gạo các loại, thực là cung thuận. Nay ta không nhận bất cứ đồ gì hiến tặng, lại thưởng cho ngân bài để tỏ lòng khen ngợi.

Kính tuân theo dụ chỉ của đại hoàng đế, đại binh tiến tiễu lần này vốn là để cứu vớt người di các ngươi, nghiêm cấm binh đinh không được tự tiện vào các thôn xóm, lấy càn một cành cây, một ngọn cỏ.

Thiên triều hậu đãi các ngươi như thế, từ xưa chưa có bao giờ. Những kẻ đi theo bọn giặc Quảng Nam Nguyễn Huệ, khi lâm trận đã bị giết không biết bao nhiêu rồi, còn mấy chục đứa bắt sống thì lập tức bêu đầu để mọi người thấy cho hả phẫn hận. Có như thế các ngươi mới thêm cảm kích, bỏ kẻ nghịch giúp kẻ thuận.

Bản số 3

Dịch nghĩa

Các ngươi bị tặc phỉ làm hại đã lâu, nay đại binh tiến tiễu, ngoài số bị giết khi lâm trận, chạy trốn chắc là đông. Nếu ta ra lệnh cho quan binh đến các làng xóm tìm bắt, không khỏi gây chuyện phiền nhiễu. Chi bằng các thôn trại tự tra xét trói chúng đem trình ra, vừa để các ngươi hả lòng phẫn hận, vừa được miễn tội bao che, dấu diếm.

lần thứ hai:

Lá thư thứ hai của nước ta do Nguyễn Hữu Trù [阮有啁] và Vũ Huy Phác [武煇璞] đưa sang [vào ngày mồng 9 tháng Hai], không còn gửi Thang Hùng Nghiệp để trình bày nguyên do cuộc chiến mà gửi lên triều đình nhà Thanh để xin công nhận.

Trong lá thư này có một câu khá quan trọng đã bị lược bỏ (xem nguyên bản hình tờ bẩm kèm theo còn lưu trong đáng án nhà Thanh). Đó là không còn nhắc tới câu “… thiết bản quốc tị xứ hoang tưu, vị thông triều cống, kim nguyện tu thần chức …” [竊本國避處荒陬未通朝貢今願修臣職] trộm nghĩ nước tôi ở nơi hoang vắng xa xôi, chưa từng triều cống, nay mong được làm bầy tôi … cho thấy có một sự thay đổi lớn.

Trước đây Nguyễn Quang Bình viết thư nhân danh “xứ Quảng Nam”, coi như một quốc gia riêng biệt là hậu thân của Chiêm Thành chưa từng liên lạc với nhà Thanh, việc đụng độ với thiên triều chủ yếu là do xung đột với nhà Lê, nay cầu hoà cũng là xin tái lập một quan hệ bị cắt đứt từ đời Minh. Nếu như vua Càn Long chấp thuận, rất có thể hai bên đồng ý một giải pháp: vua Quang Trung sẽ trả lại miền bắc cho vua Lê và làm vua ở Nam Hà như hai nước riêng rẽ thời Trịnh Nguyễn nhưng cả hai đều được nhà Thanh công nhận. Như vậy khởi thuỷ việc xin thay nhà Lê chưa được đặt ra.

Lá thư đó còn chép trong Liệt TruyệnNguyễn Thị Tây Sơn Ký dịch ra như sau:

Thần vốn là kẻ áo vải đất Tây Sơn, theo thời mà cử sự. Năm Bính Ngọ [1786] đem quân diệt họ Trịnh, trả lại nước cho nhà Lê. Lê vương trước tạ thế, lại ủng lập tự tôn Duy Kỳ kế vị. Duy Kỳ là người dâm bạo, thần dân trong nước chạy về với thần, xin đem quân trừ loạn. Năm Đinh Vị [1787], thần sai một tiểu tướng đem binh hỏi kẻ tả hữu ai là người giúp cho [vua] Kiệt, thế nhưng Duy Kỳ nghe tiếng chạy trốn, tự chuốc lấy diệt vong. Năm Mậu Thân [1788], thần tiến đến Lê thành, uỷ cho con vua cũ là Duy Cẩn giám quốc rồi sai người gõ cửa quan, đem hết việc trong nước tâu lên. Thế nhưng mẹ của Duy Kỳ đã đến ải Đẩu Áo trước rồi, sai người xin giúp đỡ.

Tôn Sĩ Nghị là phong cương đại thần nhưng lại vì tiền của, nữ sắc, đem biểu chương của thần xé ném xuống đất, lăng nhục người đem thư, ý muốn hưng sư động chúng, không biết ấy là do hoàng đế sai khiến, hay vì Sĩ Nghị nghe lời một người đàn bà mà làm, muốn lập công nơi biên cương mưu cầu đại lợi.

Nếu như sánh nhân sĩ một góc biển thì giáp binh làm sao chọi lại được một phần trong muôn một của Trung triều. Thế nhưng trước mặt là sông sâu, sau lưng là hổ dữ, ai nấy sợ chết nên đều hết sức mà chống trả.

Thần không nề câu ném chuột tránh đồ nên lấy năm ba dân đinh trong ấp đi theo. Ngày mồng 5 tháng giêng năm nay tiến đến Lê thành mong gặp được Tôn Sĩ Nghị may ra có thể đem ngọc lụa thay việc can qua, chuyển binh mã thành hội xiêm áo. Binh của Tôn Sĩ Nghị đến trước nghinh chiến nhưng mới giao phong đã chạy tứ tán, ai trốn tránh ở thôn trang bên ngoài thành lại bị dân chúng giết sạch. Ngày thần vào trong thành lập tức cấm chỉ, không được giết càn, nhất thiết phải đưa đến đô thành, số hơn tám trăm nhân khẩu thần đã cho lương ăn.

Trộm nghĩ bản quốc từ Đinh Lê Lý Trần đến nay, các đời thay đổi, không phải chỉ có một họ. Hễ ai có khả năng làm phên dậu ở phương Nam thì được vun xới, ấy thật là chí công chí nhân, theo trời hành hoá, thuận theo tự nhiên.

Vậy xin tha cho thần cái tội nghinh chiến với Tôn Sĩ Nghị, xét cho lòng thành của thần mấy lần gõ cửa quan trần tấu mà phong cho thần làm An Nam quốc vương để được thống nhiếp. Thần nay sai sứ giả đến cửa quan để xin được sửa lễ cống, lại đem những người còn đang ở đây nạp về để tỏ chí thành.

Vốn dĩ đường đường là phận thiên triều đâu so kè việc thắng phụ với tiểu di, lạm việc chinh chiến cho hả lòng tham tàn ắt là thánh tâm không nỡ. Quá lắm nếu như việc binh không dứt thì thế đến đâu cũng không phải là sở nguyện của thần, mà thần cũng không dám biết nữa.

Bài này có lẽ cũng chép lại Trần Tình Biểu trong BGHT của Ngô Thì Nhậm nhưng nhiều chi tiết đã bỏ đi (mặc dù bản văn trong BGHT cũng đã lược đi một số chi tiết quan trọng):

Thần sống ở nơi hoang vắng xa xôi xứ An Nam đã từ lâu tắm gội nơi thanh giáo. Thế nhưng từ khi họ Lê không còn cầm trịch, việc chính trị vào tay quyền thần, trong nước ngả nghiêng ly tán, dân tình oán thán.

Thần là kẻ áo vải theo thời mà cử sự, nguyên do vì kẻ vong nhân là Nguyễn Chỉnh chạy tới xin quân. Mùa hạ năm Bính Ngọ (1786) là lần đầu có việc ở Lê thành, khi vua Lê trước tạ thế, thần nâng đỡ tự tôn là Duy Kỳ nối ngôi sau đó quay về phương Nam, bản ý không muốn chiếm lấy…
 

Hươngquê73

Xe tăng
Biển số
OF-374797
Ngày cấp bằng
23/7/15
Số km
1,362
Động cơ
256,850 Mã lực
tháng Hai năm Càn Long 54

(khúc đầu)

Việc triều đình Tây Sơn chuyển từ trần tình nguyên do chiến tranh sang xin phong cho Nguyễn Quang Bình làm An Nam quốc vương, đồng thời xin công nhận một dòng họ mới cho ta thấy rằng lúc này quan lại nhà Thanh đã nhận được chỉ dụ của vua Càn Long [gửi trước trận đánh ở Thăng Long] trong đó ông nghi ngờ khả năng tồn tại của Lê Duy Kỳ – không có Nguyễn Huệ này thì cũng sẽ có một Nguyễn Huệ khác nổi lên chiếm nước – nên đã “bật đèn xanh” cho quan lại ở Quảng Tây tiến hành việc thay đổi một triều đại tại An Nam. Đối với các quan nhà Thanh, việc đồng ý chấm dứt yểm trợ nhà Lê gỡ cho họ rất nhiểu lo ngại nhất là trút được gánh nặng sẽ phải tiếp tục tiến hành một cuộc chiến cam go và dai dẳng. Còn như công nhận cả hai nước – An Nam và Quảng Nam – thì cũng nhiêu khê không giải quyết được gì mà yêu cầu Nguyễn Quang Bình sang chúc thọ còn khó khăn hơn nữa. Chính vì vậy, hai bên nhất loạt trút mọi sai trái lên gia đình vua Lê [mà chính họ Lê không có điều kiện và cũng không biết những kết tội đó] tạo nên nhiều oan khuất tồn tại đến tận hôm nay.

lần thứ ba:

Theo nội dung lá thư, nước ta chưa đề cập đến việc trao trả tù binh như một thiện chí biểu lộ sự “thâu thành” nhất là vẫn còn có giọng khiêu khích nên Thang Hùng Nghiệp đã hốt hoảng trả lại bức thư kèm theo những lời dặn dò và cố vấn nước ta không nên dùng số người bị bắt giữ như con tin và chỉ chuyển lên vua Càn Long nếu số tù binh đó được trả về.

Theo sử nhà Thanh, ngày 21 tháng Hai nước ta lại gửi lá thư thứ ba để trình bày sự việc. Trong BGHT còn lá thư vua Quang Trung gửi Thang Hùng Nghiệp sau đây:

Ngày 13 tháng Hai, Càn Long năm thứ 54, tôi nhận được một tờ trát của bồi thần bản quốc là Nguyễn Hữu Trù[阮有賙] được tôn đài thiết tha chỉ bảo về kế sách yên ổn và cai trị lâu dài của nước tôi. Tôi cầm lên đọc đi đọc lại, cảm kích khôn cùng thấy rằng lời tâu trong biểu ngoài việc còn có chỗ chưa hợp thức cần phải sửa lại rồi trình lên thì quan binh thiên triều hiện đang ở tại quốc đô đã được cho ở yên một chỗ cũng chưa tuân theo mà trao trả về.

Việc này nguyên do chẳng phải vì bộc có điều cầu xin nên dùng để ép uổng mà vì qua một phen tao loạn bọn họ đã bị bắt giữ. Nếu như bộc lại giận dữ nghe lời quân sĩ bản bộ mà cho phép tùy tiện lúc giao tranh thì bây giờ còn gì để nói?

Có điều bậc trượng phu xử sự minh bạch, không giết kẻ ngã ngựa nên nhất nhất thu dưỡng rồi tâu lên cho rõ ràng đợi thiên tử định đoạt để làm sao đưa về cho thuận tiện, ấy là lòng thành trong việc lớn xin phong. Còn như khư khư giữ lấy vài trăm binh lính, đòi hỏi yêu sủng trước khi trả về thì có khác gì đưa dưa mận mà đòi quỳnh cửu đâu có thể gọi là cung thuận chân thành. Cho nên mấy phen qua lại, chưa từng đem chuyện đó nói ra. Nay nghe lời dạy rằng đợi khi nào đưa trả quan binh sẽ dựa theo đó mà chuyển tấu, ấy là lòng chân thật của tôn đài mà chu toàn cho bản quốc nên không câu nệ dấu vết cũ.

Bộc lại nghĩ lại rằng, vạn sự trong thiên hạ không qua khỏi một chữ thành. Lần này quan quân trở về kinh mong tôn đài đừng nhắc tới cũng như trát lần trước đã nói là “tức sự ninh nhân, thực duy đại nguyện”. Nếu như có nảy sinh lời lẽ vào ra, vạn nhất chuyện đổi khác thì bộc cũng đành chiều theo vậy, cốt thuận với tự nhiên, làm như không có sự gì mà thôi.

Phàm nước nhỏ đối với nước lớn, ngoài việc “uý thiên sự đại” ra, thì không còn gì khác nên tôi đã tra chiếu quan binh hiện đang ở đây thì ở quốc đô là hơn 700 người, còn khoảng 200 người đưa đi trấn giữ trong các đội quân bản bộ, nhưng gần đây số ốm đau bệnh hoạn cũng đến cả trăm người. Cho nên tôi đã ủy cho bồi giới Nguyễn Hữu Chu [Trù] chuẩn bị đưa lên cửa quan hơn 600 người giao nạp, còn 300 người sẽ lần lượt đưa đi.

Lần này ngoài giấy tờ tâu lên, cũng có tiến lễ vật đúng ra phải có thổ ngơi nhưng vì nước mới dựng, không thể mọi thứ đều lo liệu được nên trộm đưa lên hoàng kim 10 dật, bạc 20 dật để thay cho chút lễ đơn bạc, xin tôn đài xem xét tấm lòng chân thành mà thu nạp rồi chuyển tâu lên. Còn như bọn bồi giới Nguyễn Hữu Trù, Vũ Huy Phác đem biểu lên gõ cửa quan, đợi chỉ cho phép tiến kinh thì mới dám nghệ khuyết. Số người tùy hành, tất cả tổng số là bao nhiêu thì mong được biết số lượng.

Tấm lòng vạn dặm, không bút mực nào có thể hết được, mong tôn đài giúp đỡ cúi xuống mà ngọc thành cho.

Kèm theo bức thư, nước ta cũng tặng cho Thang Hùng Nghiệp 100 lượng bạc, một món tiền làm quà tương đối nhỏ không nhằm đút lót như sử triều Nguyễn ghi chép.

Trước đây tôi đã được kín đáo dạy bảo rằng nếu có điều gì bẩm bạch lên bộ đường đại nhân thì tuyệt đối đừng nên đề cập cái lòng tôn đài yêu mến thâm sâu bộc này. Phàm dù ghét nhưng vẫn biết đến cái thiện của kẻ kia thực không có mấy người. Quan tổng đốc đối với bộc có ý không thể dung tha được nên trước đây mới gây ra cớ sự, nay lại nhờ vun vén cho thành việc của người ắt sẽ không ra sức giúp đỡ nên bộc không dám ngỏ lời. Nay được thịnh tình giảng giải cho, việc phong điển rất quan trọng, nên việc trình bẩm cần phải cho hợp cách thức bình thường, bộc không thể không tuân theo.

Vậy kính cẩn trình lên một đạo bẩm văn viết rõ ràng, theo đúng như đã gửi lại mong được thu nạp và chuyển đệ lên. Hiện nay nước tôi vừa mới dựng, văn hiến chưa đủ mọi việc nghi thức tâu lên còn nhiều chỗ thô lỗ, khiếm khuyết mong tôn đài chu toàn mà giúp cho thành tựu. Trong kinh Thi có viết: “Bồng bồng thử miêu, âm vũ cao chi”. Thiệu Bá gia ơn cho nước Nam công lao cũng không khác gì mưa đầy đủ, bộc đọc thơ này nhiều lần nên gửi lên để ca tụng tôn đài.

Tiểu bang không có gì để tạ ơn, chỉ có chút thổ ngân [bạc sản xuất tại địa phương] một trăm lượng xem như chén rượu thọ, không dám gọi là để báo đáp, chỉ lấy vật để thay tình mà thôi. Mong ngài lấy lượng hải hà mà nhận cho thì chúng tôi thật vinh hạnh.

Theo nội dung lá thư, Thang Hùng Nghiệp đã tiếp xúc riêng với Nguyễn Hữu Trù và những trao đổi đã được gửi về Thăng Long. Kế sách lâu dài mà họ Thang đề cập hẳn có liên quan đến việc “Lê Duy Kỳ bỏ nước chạy trốn, thiên triều không còn có ý lấy lại An Nam giao cho y. Vậy nhân lúc phương bắc chưa nhận được dụ chỉ [tức chưa có chủ trương và hành động dứt khoát], hãy sai người gõ cửa quan thỉnh cầu ân điển” như nhắc đến trong Liệt Truyện.
 

Hươngquê73

Xe tăng
Biển số
OF-374797
Ngày cấp bằng
23/7/15
Số km
1,362
Động cơ
256,850 Mã lực
Lẽ dĩ nhiên, không phải chỉ một chi tiết nhỏ như thế có thể được gọi là “kế sách yên ổn và cai trị lâu dài của nước tôi” nếu không đưa ra những áp lực mới. Việc “Lê Duy Kỳ bỏ nước chạy trốn” mà Thang Hùng Nghiệp gợi ý không phải chỉ là một sự kiện bình thường mà chính là một thông tin mật của nhà Thanh cho Tây Sơn biết rằng hiện nay Lê Duy Kỳ không còn ở trong nước mà đang là con tin ở Trung Hoa, đồng thời cũng là một đe dọa ngầm nếu như Nguyễn Quang Bình không thần phục, chậm trễ trao trả tù binh thì sẽ là một mầm họa lớn tác động đến việc trị an.

Về phía Trung Hoa, các quan lại địa phương cũng biết rằng mục tiêu của những trao đổi này không phải để xem ai đúng ai sai mà làm thế nào cho quan điểm hai bên có thể dung hoà, đấu dịu để không xúc phạm đến sự tự tôn của vua Thanh. Việc tranh cãi và lý luận đó kéo dài khá lâu đúng như Vũ Huy Tấn đã phải than là ông lên xuống gõ cửa Nam Quan đến bảy lần thì việc mới xong. Theo những chi tiết còn lưu lại trong sử sách, triều đình Tây Sơn đã thay Ngô Thì Nhậm bằng Phan Huy Ích rồi sau đó là Vũ Huy Tấn ứng trực ở Lạng Sơn chờ đợi kết quả bang giao và cũng khiến cho giới nghiên cứu phải ngạc nhiên vì những lời lẽ quá sai sự thực trong những biểu văn cầu phong nên không mấy ai trích dẫn.

Nhìn từ hai góc cạnh khác nhau, việc gọi là ba lần xin hàng đó không phản ảnh sự thật. Lẽ dễ hiểu, tài liệu nhà Thanh không lưu lại những văn thư ban đầu mà chỉ sử dụng bản văn sau cùng, vốn dĩ đã được sửa lại theo đúng ý họ, là tài liệu nặng phần ngoại giao. Thanh triều cũng không nhắc đến những tiến trình đàm phán, kể cả việc nước ta thay đổi các sứ bộ như một hình thức xa luân chiến, khi quyết liệt cứng rắn, khi hòa dịu nhún nhường. Nhà Thanh cũng đưa ra nhiều yêu sách – như qui phạm đàm phán của Trung Hoa – và từ từ rút bớt cho đến khi đồng thuận.

Về phía nước ta, có lẽ các quan ở Lạng Sơn cũng không biết rằng Tôn Sĩ Nghị vẫn còn ở Quảng Tây kinh lý các vấn đề hậu chiến nhưng bên ngoài thì bắn tiếng là ông ta đã bị cách chức triệu hồi về kinh và một nhân vật tiếng tăm hơn là Phúc Khang An sẽ sang thay thế.

Chính mô hình bán chính thức này tạo cho phía nhà Thanh một khoảng trống vì trong suốt mấy tháng đầu nước ta chỉ có thể tiếp xúc với một viên chức cấp nhỏ là Thang Hùng Nghiệp nên đối phương không bị ràng buộc bởi những gì họ Thang đưa ra và vẫn có thể điều chỉnh sao cho thuận với ý hướng và chủ trương của họ nếu cần. Quan nhà Thanh cũng có thể từ chối những quyết định quan trọng lấy cớ là tân tổng đốc chưa có mặt.
 

Hươngquê73

Xe tăng
Biển số
OF-374797
Ngày cấp bằng
23/7/15
Số km
1,362
Động cơ
256,850 Mã lực
Tuy nhiên, nếu không giới hạn trong lối nhận định chủ quan của hai bên, một đằng thì nói rằng nhà Thanh sợ ta đem quân đánh sang nên bí mật cầu hòa, một đằng thì nhấn mạnh đối phương nhiều lần gõ cửa xin hàng để mong được công nhận, chúng ta cũng thấy rằng trong tiến trình đàm phán, mỗi bên đều có những “thế mạnh” để dựa vào đó mà thương lượng. Chính những yếu điểm được khai thác đúng thời đúng chỗ là động cơ thúc đẩy việc thỏa hiệp nhanh chóng hơn.

Về phần nước ta, ưu thế nếu có chỉ dựa vào số hơn 800 tù binh bắt được, trong đó có cả một số dân phu. Việc trao trả những binh sĩ này có thể giúp phô trương thắng lợi nhưng nếu để trên bàn hội nghị, vài trăm người đó chưa đủ để Thanh triều phải gấp rút thỏa mãn những điều vua Quang Trung đang mong mỏi.

Ngược lại, tuy thua trận nhưng trong tư thế của một đại quốc, nhà Thanh vẫn có thể tiến hành một lần xâm lăng thứ hai và trong trường kỳ, phần thiệt vẫn về phía nước Nam, dù có đuổi được giặc thì vẫn lâm vào cùng kiệt. Việc tái dụng binh cũng không phải là chọn lựa duy nhất, nhà Thanh còn một lưỡi dao sắc dấu sau lưng. Đó là thanh viện và giúp đỡ tiền bạc, quân nhu, chiến cụ cho các nhóm thân Lê để quạt bùng lên một cuộc nội loạn kèm theo áp lực Xiêm La, Chân Lạp hay chúa Nguyễn ở Gia Định khởi binh nhằm bao vây chia xẻ lực lượng rồi đưa Lê Duy Kỳ về nước. Nhà Thanh cũng có thể ám trợ cho vua Lê [hay em trai ông là Lạn Quận Công Lê Duy Chỉ khi đó đang ở Tuyên Quang Hưng Hóa] dùng lãnh thổ Trung Hoa làm hậu phương để chống Tây Sơn.

Việc triều đình Quang Trung trả tù binh là một cử chỉ thiện chí nhằm tạo một tương quan mới làm cơ sở đàm phán với Phúc Khang An và cũng giải thích được thái độ từ cứng rắn sang hòa hoãn mà cả hai bên đều tiến hành.
 

Hươngquê73

Xe tăng
Biển số
OF-374797
Ngày cấp bằng
23/7/15
Số km
1,362
Động cơ
256,850 Mã lực
CHỦ TRƯƠNG CỦA THANH TRIỀU

Việc quan lại nhà Thanh ở Quảng Tây trao đổi qua lại với triều đình Tây Sơn trong mấy tháng đầu là một màn khói làm giả diện để nhà Thanh có đủ thì giờ tính toán một kế hoạch lâu dài. Chỉ ba ngày sau khi nhận được tin Tôn Sĩ Nghị bại trận – ngày 29 tháng Giêng năm Kỷ Dậu vua Càn Long đã viết “An Nam thủy mạt sự ký” [ghi lại việc nước An Nam từ đầu chí cuối], trong đó nêu ra những điểm quan trọng nhất để hướng dẫn tiến trình đàm phán:

Bản dịch

Mùa xuân ở Trai Cư kính cẩn xem Tâm Kinh do chính tay hoàng tổ (tức vua Khang Hy) viết, bọn Trương Chiếu viết lời bạt thấy lời ngự chế răn dạy về chuyện được (戒之在得 – giới chi tại đắc) rằng phải cẩn thận đừng để xảy ra sai lầm.

Nhân ngẫm trước sau việc An Nam mà ghi lại:

Lời dạy của hoàng tổ về việc”được” thì tôn thần đã dựng một toà nhà ở Tị Thử Sơn Trang để thấy mà hiểu được nghĩa lý việc đó trước sau như thế nào?

Mùa hạ năm ngoái ở Sơn Trang nhân có việc Miến Điện qui thuận chẳng phải “vô vi chi hỉ” [無爲之喜][29] thì là gì? Lại có việc Tôn Sĩ Nghị tâu lên đã khôi phục Lê thành rồi phong vương cho họ Lê cũng lại là niềm vui không làm mà đến. Thế nhưng việc vui thì trái lại cũng có điều sợ vậy. Sợ nếu như có điều gì mất nên vui khi không có gì đổi khác còn lo mà có điều mất thì bụng dạ ngay ngáy không quên đâu có thể nhẹ nhõm được?

Miến Điện qui thuận thì chỉ cho ăn yến khoản đãi ở Sơn Trang cũng đủ, còn việc An Nam tuy đã lấy lại kinh thành, phong cho vương tước nhưng hung thủ chưa bắt được. Thế nhưng ta coi là chuyện nhỏ không đáng phí sức của Trung Quốc để ra công quét sạch nước phiên bắt kẻ đầu đảng nên đã giáng chỉ ban sư. Cũng biết nếu như Tôn Sĩ Nghị lập tức tuân chỉ rút quân về thì kẻ nghịch sẽ quay lại Lê thành nhưng đó là chuyện của ngoại phiên, biến loạn vô thường không phải việc nhỏ nhặt gì ta cũng phải can thiệp.

Thế nhưng vì Tôn Sĩ Nghị ở lại đến hơn một tháng để chờ xem có ai bắt [Nguyễn Huệ] đem đến nạp hay chăng, lại không cẩn thận phòng ngự đến nỗi kẻ nghịch kia thừa cơ lẻn đến, quân ta bất ngờ nên thua trận khiến cho đề trấn ba bầy tôi bỏ mạng, may mà Tôn Sĩ Nghị đem quân chạy về được tuy không đến nỗi tổn thương quốc thể nhưng uy nghiêm sút giảm không nhỏ.

Phàm hưng diệt kế tuyệt tính chuyện lợi đất đai hay dân chúng không phải là điều ta muốn nhưng được danh và được lợi phải ngang nhau. Chuyện nước An Nam trẫm nào có ý được danh đâu nhưng vì vui mà quên sợ ấy là điều cần răn mình vậy.

Ta không trách Tôn Sĩ Nghị tham công ở lâu không phòng bị để đến tổn thương uy trọng mà tự trách mình không theo thánh huấn của hoàng tổ răn dạy trong sách. Vậy các ngươi phải chăm lo cẩn thận giữ gìn lời dạy này mãi mãi về sau.
 

Hươngquê73

Xe tăng
Biển số
OF-374797
Ngày cấp bằng
23/7/15
Số km
1,362
Động cơ
256,850 Mã lực
Phúc Khang An

Phúc Khang An là người Mãn Châu trong Nhương Hoàng Kỳ, con của danh tướng Phó Hằng, cháu gọi Hiếu Hiền hoàng hậu bằng cô, uy tín rất lớn vì năm trước đã dẹp được nhóm Thiên Địa Hội ở Đài Loan và được thăng lên Gia Dũng Công [嘉勇公].

Theo sử sách, Phúc Khang An là người trọng hình thức, thích màu mè, đi đâu cũng phải tiền hô hậu ủng, cờ xí rợp trời để phô diễn sự oai vệ của một đại quan. Để tỏ ra mình là một văn quan trong vai võ tướng, họ Phúc luôn luôn đi kiệu, cầm quạt lông, bắt chước Gia Cát Lượng đời Tam Quốc.

Chính sử thường chỉ chép về hoạn lộ của Phúc Khang An nhưng ngoại sử lại đưa nhiều chi tiết cá nhân giúp chúng ta phần nào hình dung được con người mà nước ta phải tiếp xúc trong vai tổng đốc trọng thần trấn nhậm biên cương:

[…] Kiệu đi ra ngoài của Phúc Văn Tương, phải dùng đến 36 kiệu phu thay đổi lẫn nhau để cho đi nhanh như bay. Khi ra quân đốc trận ông ta cũng ngồi kiệu, mỗi phu kiệu kèm theo 4 con ngựa tốt, khi không phải khiêng thì cưỡi ngựa đi theo thành thử rất là phiền nhiểu cho dân chúng, có viên huyện lệnh nọ đánh một ngưởi khiêng kiệu mà bị mất chức. Khi ông làm tổng đốc Tứ Xuyên thì làm cái kiệu rất lớn, 16 người mới khiêng nổi. Bên trong kiệu có hai tiểu đồng để hầu hạ châm thuốc pha trà, lại có đồ điểm tâm nóng lạnh mấy chục món …

[…] Khi đi hành quân thì Phúc Khang An tuyển chọn phu khiêng đều là những người khoẻ mạnh chia phiên nhau mỗi ngày đi được 100 dặm…

Trước đó, khi đang làm tổng đốc Mân Triết, nghe tin Tôn Sĩ Nghị bại trận Phúc Khang An đã gửi ngay lên vua Càn Long một tấu thư xin tình nguyện sang làm tổng đốc Lưỡng Quảng để giải quyết việc An Nam.

Phúc Khang An giao lại ấn tín tổng đốc cho tuần phủ Từ Tự Tăng [徐嗣曾] để thự lý [tạm thay, chưa chính thức] rồi lập tức ngày đêm theo đường Mân (Phúc Kiến) Liêm (châu) đi sang Quảng Tây. Ngày 26 tháng Giêng vua Càn Long đã gửi triệp cho Phúc Khang An trong đó có đoạn như sau:

Nguyễn Huệ chỉ là một thổ tù đất An Nam, đuổi chúa làm loạn cương thường để thiên binh phải đến đánh dẹp, mấy lần bỏ chạy rồi lại dám tập trung lẻn đến làm hại quan binh, quả là tội ác cực lớn.

Hiện nay đã đến thời giao Xuân, xứ đó là nơi nhiều chướng lệ, không tiện việc lập tức đem quân vào sâu hỏi tội bọn chúng, vậy các đốc, phủ ở biên cương hãy đem quân các doanh thao diễn, bao giờ lương hướng đầy đủ, lính tráng tinh nhuệ thì nghe lệnh điều động để kể tội đánh dẹp.

Tuy nhiên, cũng cùng ngày hôm đó, vua Càn Long lại gửi thư cho Phúc Khang An một dụ chỉ có nội dung khác hơn:

Nguyễn Huệ chẳng qua chỉ là một thổ tù nước An Nam mà nay quốc gia đang hồi toàn thịnh, nếu tập trung binh lực cho đông, bốn đường tiến đánh thì đến sào huyệt bắt đầu sỏ không khó khăn gì. Thế nhưng nước đó vốn nhiều chướng lệ, chẳng khác gì Miến Điện, lấy được đất thì không đáng giữ, có được dân không đáng làm bầy tôi, việc gì phải hao tốn tiền bạc, lương thực của Trung Quốc ở một vùng viêm hoang vô dụng như thế?

Đem quân tiễu trừ Nguyễn Huệ lúc này không phải là không thể làm nhưng tính toán thiên thời, địa lợi, nhân sự đều thấy không nên … Vậy Phúc Khang An khi đến Trấn Nam Quan, nếu Nguyễn Huệ nghe tiếng sợ hãi mà đến cửa quan phục tội qui hàng thì Phúc Khang An hãy nặng lời mắng nhiếc, không nhận lời ngay để xem y có thực thành tâm sợ tội hay không, thỉnh cầu vài ba lần rồi hãy tùy cơ mà hành sự để cho đại cục hoàn thành.
 
Thông tin thớt
Đang tải

Bài viết mới

Top