[Funland] Việt Thanh chiến dịch - Nguyễn Duy Chính

Hươngquê73

Xe tăng
Biển số
OF-374797
Ngày cấp bằng
23/7/15
Số km
1,362
Động cơ
256,850 Mã lực
Tình hình tiếp đãi

Vua Càn Long tạo mọi ưu sủng để phái đoàn Tây Sơn được đối xử một cách vượt mức thường. Ngoài hai viên chức cấp tỉnh (Thang Hùng Nghiệp và Đức Khắc Tinh Ngạch) hộ tống suốt hành trình, Nguyễn Quang Hiển cũng được đón tiếp bằng nghi lễ mà Phúc Khang An soạn ra, đến đâu cũng được ăn yến, xem tuồng như khách quí.

Ưu đãi khi ở Nhiệt Hà và nghi lễ trang trọng khi nhận sắc ấn ở Bắc Kinh cũng gián tiếp thông báo rằng khi vua Quang Trung sang chúc thọ, việc đối xử sẽ còn hậu hĩ gấp bội.

Thanh triều

Các quan lại hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây đã nhân chuyến đi của Nguyễn Quang Hiển để ràng buộc chấp thuận của vua Quang Trung sang dự lễ khánh thọ bằng những cam kết cụ thể.

Khi thấy nước ta chỉ hứa hẹn mơ hồ là đợi khi tình hình tạm yên vua Quang Trung sẽ sang triều cận, Phúc Khang An liền gia tăng sức ép bắt Nguyễn Quang Hiển phải báo cho triều đình Tây Sơn xác định trên giấy trắng mực đen cam kết quốc vương sẽ đích thân qua Bắc Kinh năm Canh Tuất.

Sau đó Phúc Khang An cũng tìm cách đưa một số thủ lãnh của các nhóm cựu thần nhà Lê sang Trung Hoa làm con tin để áp lực khiến triều đình Quang Trung không thể nuốt lời.
 

Hươngquê73

Xe tăng
Biển số
OF-374797
Ngày cấp bằng
23/7/15
Số km
1,362
Động cơ
256,850 Mã lực
Tổng kết

Việc đưa một phái đoàn trung gian để giải quyết yêu sách của nhà Thanh, đứng về mặt thủ tục nước ta có vẻ như kém thế vì đã phải chiều theo đòi hỏi của thiên triều. Tuy nhiên chiếu theo tình hình lúc đó, việc đưa phái bộ Nguyễn Quang Hiển sang Trung Hoa đã gây ra khó khăn không ít cho đối phương.

Trước hết, phái bộ Nguyễn Quang Hiển đã tạo thêm một giai đoạn trong quá trình công nhận, nếu theo đúng nghi lễ có thể mất đến hàng năm và khi vua Quang Trung được phong vương thì hạn kỳ chúc thọ đã trễ. Để phô trương và xoá đi việc thất bại quân sự, vua Càn Long ra lệnh làm lễ giao sắc ấn cho Nguyễn Quang Hiển ở điện Thái Hoà mang về nước.

Khi biết vua Quang Trung sai cháu đem biểu cầu hàng sang kinh đô, vua Càn Long đã gửi ngay một đặc dụ và một bài thơ ngự chế sai Phúc Khang An cho người đem sang Thăng Long.

Khi tính toán việc gửi một phái đoàn sang báo trước rồi lại tự mình đích thân sang làm lễ phong vương [như ý muốn của vua Càn Long], Phúc Khang An thấy không kịp. Để tranh thủ thời gian, Phúc Khang An [có lẽ] đã tìm cách biến một phái đoàn tiền phong [đem thư và quà sang Thăng Long giao cho Nguyễn Huệ] như bản ý ban đầu của vua Càn Long thành một phái bộ phong vương.

Hình thức vừa bất thường, vừa bất đẳng này đã gây nhiều thắc mắc và nghi ngại cho phía nước ta đưa tới những hình thức phản kháng mà nhà Thanh phải miễn cưỡng chấp nhận.

Tuy không biết rõ tranh luận giữa hai bên như thế nào nhưng có lẽ nước ta cũng vin vào hình thức để bác khước (nghi lễ quá cấp bách) hay tâm linh để biện bạch (phong vương mà không có sắc thư hay ấn bạc) về việc cố đô hết vượng khí. Cũng có thể triều đình Tây Sơn cố tình diên trì để chờ Nguyễn Quang Hiển về đến nhà rồi khi đó Thành Lâm mới làm lễ trao ấn, thụ sắc cho trịnh trọng.
 

Hươngquê73

Xe tăng
Biển số
OF-374797
Ngày cấp bằng
23/7/15
Số km
1,362
Động cơ
256,850 Mã lực
Thủ tục cầu phong

Cứ theo đúng thủ tục [tương tự như đã xảy ra trong các triều đại trước], phái đoàn Nguyễn Quang Hiển sang Yên Kinh với nhiệm vụ chính là đem biểu văn trình bày lý do về tranh chấp tại An Nam và những “hiểu lầm” đưa đến việc quân Thanh thua trận. Biểu văn này thường được gọi là biểu “trần tình”.

Một khi vua Càn Long chấp nhận những lời giải thích đó, nước ta mới đưa một phái đoàn đem lễ vật mang biểu văn chính thức thần phục và xin phong vương cho vua Quang Trung. Biểu này gọi là biểu “cầu phong”.

Sau khi nhận biểu qui thuận rồi, hoàng đế Trung Hoa mới gửi một đạo sắc thư phong cho Nguyễn Quang Bình làm An Nam quốc vương (sắc phong) và cho người sang Thăng Long làm lễ để chính thức hoá vai trò đó (phong vương). Trong trường hợp thay đổi triều đại, Thanh triều sẽ ban cho một cái ấn mới để đổi cái ấn cũ như một dấu hiệu thay đổi mệnh trời.

Như lệ thường việc qua lại mất đến 2, 3 năm nhưng vì nhà Thanh muốn sớm có một quốc vương sang chúc thọ, một số nghi lễ đã được thay đổi cho sát với thực tế nên việc thi hành có chỗ bị khiên cưỡng. Việc tiết giảm gây thắc mắc khi nghiên cứu về tiến trình và nghi lễ của giai đoạn này.
 

Hươngquê73

Xe tăng
Biển số
OF-374797
Ngày cấp bằng
23/7/15
Số km
1,362
Động cơ
256,850 Mã lực
Nguyễn Quang Hiển sang bắc kinh có gì khác thường?

Việc đưa Nguyễn Quang Hiển làm trưởng phái đoàn một cách bán chính thức đã buộc Thanh triều phải giải quyết cho thoả đáng. Nhiều chi tiết cho thấy phái đoàn Nguyễn Quang Hiển không nằm trong kế hoạch dự tính trước và chính các quan nhà Thanh ở Quảng Tây cũng chỉ được thông báo một cách bất ngờ.

Theo lời tâu của Phúc Khang An thì Nguyễn Hữu Trù gửi thư cho Thang Hùng Nghiệp thông báo Nguyễn Quang Bình sẽ cử một đại diện lên Nam Quan trao tờ biểu cầu phong. Các quan nhà Thanh chỉ biết đó là người thân tín và gần gũi với quốc trưởng [dưới danh hiệu “quốc thân” là người trong họ nội của quốc trưởng] nhưng không rõ hai người có liên hệ thế nào?

Ngày 17 tháng Tư, Nguyễn Quang Hiển và phái đoàn An Nam đến Lạng Sơn và tin này được báo ngay cho quan nhà Thanh.

Ngay hôm sau [18 tháng Tư], Phúc Khang An ra lệnh cho Thang Hùng Nghiệp mở cửa đón sứ bộ Hô Hổ Hầu Nguyễn Hữu Trù đánh tiếng là đem phó bản biểu văn để xem trước nhưng mục đích chính yếu là trao đổi nghi lễ đón tiếp phái đoàn thay mặt vua Quang Trung được dự tính sẽ qua cửa Nam Quan ngày hôm sau. Phúc Khang An xem biểu văn, sửa đổi vài chữ để Nguyễn Hữu Trù đem về viết lại bản chính cho Nguyễn Quang Hiển đem qua.

Nguyễn Quang Hiển tại nam quan

Ngày 19 tháng Tư, giờ Dần [5-7 giờ sáng], nhà Thanh cho binh sĩ dàn thành đội ngũ ở Nam Quan, trưng bày cờ xí [thể thức phô diễn của Trung Hoa và tính khí thích phô trương của Phúc Khang An] làm lễ khai quan đón phái đoàn nước ta. Đến giờ Thìn [9-11 giờ sáng] sau pháo lệnh và chiêng trống, cửa mở ra.

Phía nước ta, phái đoàn do Nguyễn Quang Hiển cầm đầu với 6 quan viên, 1 thông sự và 60 tùy tòng cùng vài trăm binh sĩ dàn chào đã đợi sẵn. Thang Hùng Nghiệp đi sang làm lễ kiến diện với Nguyễn Quang Hiển và quan viên, sau đó dẫn đường đưa phái đoàn nước ta qua ải vào Chiêu Đức Đài, nơi đây đã trần thiết nghi vệ và hương án tượng trưng cho ngai vàng của hoàng đế nhà Thanh.

Phúc Khang An và quan lại nhà Thanh tiến ra chào hỏi. Theo đúng thủ tục, Nguyễn Quang Hiển và tùy tòng đến trước hương án làm lễ tam quị cửu khấu là lễ ra mắt vua Thanh rồi quay sang làm lễ kiến diện với Phúc Khang An.

Phúc Khang An và Nguyễn Quang Hiển hai người hướng vào nhau làm lễ nhất quị tam khấu [quì xuống rập đầu ba lần], sau đó mỗi bên giới thiệu thành phần, thăm hỏi qua lại. Sau khi nghi lễ hoàn tất, Phúc Khang An mời phái đoàn An Nam nhập tiệc, đích thân tổng đốc Lưỡng Quảng bồi tiếp Nguyễn Quang Hiển, tuần phủ Quảng Tây và các quan địa phương tiếp các sứ thần.

Trong bữa ăn, Nguyễn Quang Hiển cho Phúc Khang An biết ông ta là “đích trưởng điệt [cháu lớn nhất thuộc dòng chính], Nguyễn Huệ nuôi dạy như con. Cha tôi là Nguyễn Quang Hoa [阮光華] mất sớm, chú thứ hai là Quang Nhạc [光岳], hiện ở Quảng Nam, chú thứ ba là Quang Bình [光平] tức Nguyễn Huệ, chú thứ tư là Quang Thái [光泰] cũng sống ở Quảng Nam, trên núi Tây Sơn”.
 

Hươngquê73

Xe tăng
Biển số
OF-374797
Ngày cấp bằng
23/7/15
Số km
1,362
Động cơ
256,850 Mã lực
Như vậy, Nguyễn Quang Hiển là trưởng chi của dòng Nguyễn Nhạc tuy tuổi nhỏ nhưng theo truyền thống Á Đông thì vai vế trong họ cũng lớn, sang Trung Hoa không phải như một nhân vật tầm thường mà là đại diện cho dòng họ Nguyễn để thay mặt cầu phong.

Theo Phúc Khang An tâu lên thì Nguyễn Quang Hiển trạc độ 30 tuổi mỗi khi nhắc đến hoàng đế tay bưng lên trán là cử chỉ tỏ vẻ cung kính. Nguyễn Quang Hiển trao lại cho tổng đốc Lưỡng Quảng tờ biểu của vua Quang Trung gửi lên vua Càn Long. Việc gặp gỡ này là một biến cố lớn đành dấu việc nhà Thanh chấm dứt ủng hộ nhà Lê sang công nhận Tây Sơn.

Sau đó, Phúc Khang An hoả tốc báo lên vua Càn Long về diễn biến đồng thời chuyển thỉnh cầu xin cho phái đoàn “thay mặt vua Quang Trung” lên triều cận [gặp mặt nhà vua] để chính thức dâng biểu xin thần phục.

Việc chấp thuận đó cũng được cụ thể hoá bằng việc nhận các lễ vật nước ta đem sang bao gồm vàng và bạc, phương vật đưa lên kinh. Biểu văn mà Nguyễn Quang Hiển mang sang xác định vua Lê và họ Nguyễn không có quan hệ quân thần, Nguyễn Huệ vốn chỉ là một người không quan tước [bố y] tùy thời mà nổi lên, đất Quảng Nam là đất cũ Chiêm Thành nên không phải là tranh nước của họ Lê. Việc giao tranh với quân Thanh cũng do thế chẳng đặng đừng ngoài ý muốn.

Một khi được chấp thuận, phái đoàn sẽ đưa lễ vật và tờ biểu [bản chính] của nước ta lên kinh đô triều kiến. [bản sao của biểu văn này đã được chuyển ngay lên Bắc Kinh kèm theo tấu thư của Phúc Khang An xin công nhận Tây Sơn]. Khi phái đoàn lên Bắc Kinh, theo qui chế nhà Thanh họ sẽ cử một quan viên “bạn tống” [đi cùng để hướng dẫn] theo một lộ trình, qua các trạm nghỉ nhất định.

Lợi dụng khi tình hình còn tranh tối tranh sáng, Phúc Khang An bí mật sai người sang An Nam dụ nhóm Lê Quýnh sang Trung Hoa bàn quốc sự, với ý định đưa cả bọn ra khỏi nước, vừa xác định sự thành tín của thiên triều, vừa dọn bớt chướng ngại cho Nguyễn Huệ đồng thời nắm trong tay một con bài ngõ hầu có thể mặc cả về việc vua Quang Trung đích thân sang chúc thọ.

Trong khi sử nhà Thanh miêu tả phái bộ Nguyễn Quang Hiển như một sứ đoàn thần phục thượng quốc, nghi lễ giữa hai bên gần giống như việc vua một nước nhỏ gặp sứ thần nước lớn trong Đại Thanh Hội Điển Sự Lệ cho thấy việc vua Quang Trung cử Nguyễn Quang Hiển lên Lạng Sơn không phải là một động thái khuất phục mà là một sắp xếp có chủ ý.
 

Hươngquê73

Xe tăng
Biển số
OF-374797
Ngày cấp bằng
23/7/15
Số km
1,362
Động cơ
256,850 Mã lực
Đáp ứng của thanh triều

Ngay khi được báo lên rằng Nguyễn Quang Hiển xin nhập cận, vua Càn Long liền chuẩn thuận và lập tức gửi một sắc dụ cho Nguyễn Quang Bình [tức vua Quang Trung] xác định rằng nhà Thanh không còn ủng hộ Lê Duy Kỳ nữa. Sắc dụ này viết ngày mồng 3 tháng Năm, còn ghi trong KDANKL [quyển XIX] như sau:

Dịch nghĩa

Cứ theo Hiệp Biện đại học sĩ tổng đốc Lưỡng Quảng tước Công là Phúc Khang An tâu lên thì ngươi đã sai cháu ruột là Nguyễn Quang Hiển kính cẩn đem cống biểu đến cửa quan xin hàng. Lại đem nguyên biểu trình lên ngự lãm.

Trẫm xem trong biểu của ngươi nói là ngươi vốn đã có đất Quảng Nam, không phải có danh phận trên dưới với họ Lê. Năm ngoái đã từng sai người gõ cửa quan nói rõ duyên do việc hiềm khích với họ Lê nhưng biên thần trả về, không chịu đề đạt rồi đem quan binh xuất quan chinh tiễu, tiến thẳng tới Lê thành.

Tháng Giêng năm nay, ngươi đến Lê thành muốn tra hỏi Lê Duy Kỳ vì sao lại mời đại binh đến, không ngờ quan binh vừa thấy quân của ngươi đã xông tới chém giết. Các thủ hạ của ngươi không thể thúc thủ chịu trói, lại thêm cầu trên sông gãy nên quan binh bị tổn thương. Ngươi xiết nỗi hoảng sợ nên đã mấy lần sai người gõ cửa quan chịu tội, lại trả về các quan binh chưa kịp xuất quan còn những ai giết hại đề trấn thì đã chính mắt trông thấy chính pháp rồi.

Bản thân ngươi muốn đích thân đến nơi khuyết đình, trần tình chịu tội nhưng vì nước mới qua cơn binh lửa, nhân dân còn bàng hoàng chưa được an tập nên kính cẩn sai cháu ruột là Nguyễn Quang Hiển đi theo biểu văn nhập cận.

Lại theo Nguyễn Quang Hiển bẩm xưng, ngươi đợi khi nào quốc sự tạm yên khi đó sẽ đích thân đến kinh đô chiêm cận. Họ Lê ở nước An Nam lập quốc đã lâu, lại thờ thiên triều rất kính cẩn giữ phận chức cống trên một trăm năm qua, rất là cung thuận. Ngươi ở Quảng Nam từ trước đến giờ chưa từng triều cống. Năm ngoái mẹ và vợ Lê Duy Kỳ đến cửa quan tố cáo rằng ngươi nổi loạn đưa quân chiếm lấy nước nên họ Lê phải bôn ba tan tác nên xin cứu viện.

Việc đó là thể thống tự tiểu tồn vong của thiên triều nắm giữ nên tổng đốc tiền nhiệm Tôn Sĩ Nghị tự mình xin đưa binh xuất quan, việc làm như thế rất là chính đáng, không có gì không hợp. Ngươi tuy đã từng sai người gõ cửa biện bạch việc tố cáo nhưng kẻ bầy tôi giữ biên cương chỉ biết rằng xưa nay nước An Nam có họ Lê chứ không biết có họ Nguyễn nên đem nguyên bẩm trả về, làm như thế vốn cũng phải.

Khi đốc thần Tôn Sĩ Nghị tâu rằng đã khắc phục được Lê thành, trẫm thấy ngay họ Lê những năm gần đây có nhiều biến cố, Lê Duy Kỳ lại là người nhút nhát vô năng, nhu nhược lười biếng, xem ra lòng trời đã chán ghét muốn bỏ họ Lê rồi.

Trẫm xưa nay biện lý công việc, chuyện gì cũng phải thuận thiên nhi hành nên đã gửi dụ cho Tôn Sĩ Nghị rằng nay Lê thành đã thu phục, vậy lập tức triệt binh, cũng không ra lệnh cho y phải tiến tới Quảng Nam để hỏi tội tại sao đem quân làm loạn.

Thế nhưng Tôn Sĩ Nghị lấy lại được Lê thành lại không tuân chỉ triệt binh, ở nơi đó lần lữa đến hơn một tháng khiến cho ngươi kéo quân đến Lê thành ý muốn tra hỏi Lê Duy Kỳ.

Quan binh đóng ở đó không lẽ ngồi xem nên ra sức tiếp chiến, quân của ngươi sợ chết chống cự đến nỗi làm chết quan binh của ta cho đến cả đề trấn và các quan chức. Việc đánh trận mà tử vong quả là đáng thương nên đã theo thể lệ mà ưu tuất, phong Hứa Thế Hanh lên chức bá tước, tổng binh hai người đều cho con thế chức lại được đưa vào Chiêu Trung Từ [昭忠祠] để tỏ lòng tưởng lệ.

Ngươi là đầu mục nước An Nam vậy mà dám kháng cự quan binh, giết hại đề trấn các viên chức lớn như thế là gây tội rất nặng nên trẫm đã điều nhiệm Phúc Khang An sang làm tổng đốc Lưỡng Quảng, vốn ra lệnh cho y điều tập các lộ đại binh, chỉnh quân vấn tội. Thế nhưng nghĩ đến ngươi mấy lần sai người gõ cửa quan tạ tội, còn các quan binh chưa về được đều thu dưỡng đầy đủ, kính cẩn đưa về. Vậy là ngươi biết sợ hãi hối tội nên trẫm đã ra lệnh cho đốc thần Phúc Khang An tạm hoãn tiến thảo.

Nay ngươi đã tiến biểu văn nói rằng ngươi và họ Lê vốn không có phận trên dưới, lại nói những người giết hại quan binh đã chính mắt trông thấy bị đem ra chính pháp. An Nam ở nơi góc biển, ngươi và họ Lê có hay không danh phận, vốn chẳng có chứng cớ gì nay không tra cứu thêm nữa. Còn những người sát hại đề trấn ấy là lâm trận bên này không biết bên kia mà Hứa Thế Hanh thì quyết sống mái tiến vào sâu nên mất mạng, người của ngươi cũng không có tâm phạm tội bảo rằng chính mắt trông thấy chính pháp thì trẫm thương ngươi thành tâm hối tội nên cũng không tra cứu thêm.

Ngươi nay đang mang trọng nhiệm, muốn đích thân nghệ khuyết đình tạ tội nhưng vì nước vừa mới binh đao, lòng người hoang mang nên sai cháu ngươi là Nguyễn Quang Hiển tùy biểu nhập cận trước, thật là cẩn thận cung kính nên có thể tha cho tội cũ, không tiến thảo nữa. Trẫm đã ra lệnh cho Tả Giang đạo Thang Hùng Nghiệp hộ tống cháu ngươi Nguyễn Quang Hiển đến kinh chiêm cận.

Thế nhưng tuy ngươi đã biết hối hận sợ hãi, việc kháng cự quan binh, làm chết đề trấn thì khó mà giải miễn. Hiện nay ngươi chưa đích thân nghệ khuyết để tạ tội cầu ân đã vội vàng xin phong hiệu thì thiên triều không có thể chế đó.

Ngươi chưa được liệt vào hàng phiên phục mà đã mang cống vật nên không tiện thu nạp vậy nên lãnh về. Ngươi quả có dạ thâu thành nạp khoản, đích thân đến khuyết đình thì đến tháng Tám năm Càn Long thứ 55 là lễ Bát Tuần Vạn Thọ của trẫm, khi đó còn hơn một năm nữa, lúc đó việc trong nước của ngươi cũng đã an tập rồi thì có thể bẩm cho đốc thần biết để đích thân đến kinh đô cho toại lòng chiêm vân tựu nhật.

Còn như các đề trấn tuy là không chủ tâm khi lâm chiến nên sát hại lầm nhưng cũng vì ngươi và họ Lê gây chuyện mà ra. Vậy ngươi hãy kiến lập ở An Nam một ngôi đền, xuân thu cúng tế có thế mới chuộc được lỗi xưa. Trước đây có việc ở Tây Tạng [西藏] bất ngờ biến đổi, đại thần trú đóng ở đây là Phó Thanh [傅清] và Thập Bố Ðôn [拾布敦] cũng đã tuẫn nạn. Sau khi bình định, dân chúng các nơi đó cũng đã lập đền cúng tế, đến nay hương khói vẫn còn. Vậy ngươi cũng nên thành kính tuân theo mà làm để cho tấm lòng của Hứa Thế Hanh cũng có chút an ủi, mà nhân dân trong ngoài cũng biết rõ việc ngươi thành tâm hối tội qui phụ để trẫm thấy ngươi có bụng thiết tha cách ngoại gia ân phong cho vương tước để đời đời con cháu trường thủ An Nam, khi đó ngươi lại trình tiến cống vật thì lập tức sẽ thu ngay mà lại còn ban thưởng hậu hĩ để tỏ lòng ưu quyến.

Trẫm lên ngôi hơn 50 năm qua, những việc của phiên bộ không gì là không thành tín, chẳng hạn như trước đây bình định Chuẩn Cát Nhĩ, thai cát Ách Lỗ Ðặc [厄魯特] là Xá Lăng[舍楞] đã từng giết hại phó đô thống Ðường Khách Lộc [唐喀禄] rồi chạy trốn đến Nga La Tư [俄羅斯]. Ðến khi Thổ Nhĩ Hỗ Ðặc[土爾扈特] đầu thuận, Xá Lăng cũng đi theo, trẫm nghĩ đến tấm lòng hối tội đã đặc biệc gia ân, phong cho tước vương, thưởng cho đất du mục để ở, đủ thấy trẫm phủ ngự các nước không lúc nào là không nhân chí nghĩa tận.

Huống chi Lê Duy Kỳ hèn yếu vô năng, bỏ ấn chạy trốn, nếu theo luật của thiên triều về việc tự tiện rời bỏ chức vụ thì đã trị tội thật nặng nhưng nghĩ tình y là ngoại phiên, chỉ là vô năng chứ không vi phạm chẳng nỡ tru lục nên an tháp tại tỉnh thành Quế Lâm chứ không phải nhân lúc ngươi nhập cận mà đem Lê Duy Kỳ đưa trở về An Nam cho làm chủ nước đâu.

Trẫm đã dụ cho đốc thần Phúc Khang An chuyển sức cho các quan viên đi theo với cháu ngươi Nguyễn Quang Hiển khi nào đi ngang qua tỉnh thành Quế Lâm tiện thể thân hành đến xem nơi ăn chốn ở của Lê Duy Kỳ, lại dặn cháu ngươi trình lại cho tường tận.

Nay đặc biệt ban cho ngươi một vòng đeo tay bằng trân châu. Ngươi nay đã nhận được ân mệnh, vậy hãy hướng hóa canh tân để mãi mãi nhận được quyến cố tràn đầy của trẫm.

Hãy cố lên.
 

Hươngquê73

Xe tăng
Biển số
OF-374797
Ngày cấp bằng
23/7/15
Số km
1,362
Động cơ
256,850 Mã lực
Bỏ ra ngoài những bịa đặt cố ý mà hai bên cùng biết nhưng cốt cho qua chuyện, ngoài việc xác định không yểm trợ Lê Duy Kỳ và chấp thuận cho Nguyễn Quang Hiển lên kinh đô, vua Càn Long còn ban cho Nguyễn Quang Bình một vòng trân châu coi như công nhận Nguyễn Quang Bình đã ở trong vòng phiên thuộc, tuy danh phận chưa chính thức ban phát.

Trong khoảng thời gian hơn 2 tháng [từ tháng Ba đến tháng Năm], những biến chuyển dồn dập đan kẽ nhau nên ngờ rằng những đòi hỏi của nhà Thanh không có chủ đích hay mục tiêu rõ rệt, phần lớn được nêu ra cho đủ bộ hơn là thực tâm muốn thế.

Tính theo thời gian, không biết những yêu cầu có được đưa ra theo một lịch trình hay chỉ là những thăm dò nhằm gia tăng sức ép lên triều đình Quang Trung. Tuy nhiên, trong tư cách đàm phán, Thanh triều đã không dấu được những nhượng bộ bất ngờ và đôi khi ngoài mong đợi. Khi nghe tin phái đoàn An Nam đã gặp Phúc Khang An, vua Càn Long hoan hỉ gửi dụ sau đây cho Phúc Khang An, Tôn Vĩnh Thanh và Hải Lộc:

Lần này Nguyễn Huệ lại sai cháu ruột là Nguyễn Quang Hiển đem biểu đến xin hàng, tình từ so với trước đây cung thuận gấp bội, quả là từ lòng chí thành sợ uy nên nay đã minh giáng sắc dụ gửi lại.

Phúc Khang An hãy lập tức ra lệnh cho Nguyễn Quang Hiển sai người kính cẩn đem về, giao cho Nguyễn Huệ đọc đợi khi nào có tin tức hãy tâu lên, đợi chỉ tuân hành.

Còn Nguyễn Quang Hiển khẩn khoản xin được tiến kinh chiêm cận thì chuẩn thuận cho lai kinh. Hiện nay theo lời tâu của Phúc Khang An đã bảo Nguyễn Quang Hiển trở về Lạng Sơn. Phúc Khang An nhận được chỉ này thì lại ra lệnh cho Nguyễn Quang Hiển từ Lạng Sơn khởi trình tiến kinh, nên tính toán ngày giờ nhưng cũng không phải gấp gáp, miễn sao ngoài 20 tháng Bảy đến được Nhiệt Hà. Khi đó chư vương công thai cát Mông Cổ cùng đến triều cận nên Nguyễn Quang Hiển thấy được cảnh ”xa thư nhất thống, vạn quốc hưởng vương chi thịnh” sẽ cùng chư vương công thai cát vinh dự vào dự yến thì càng hay hơn.

Lại cũng ra lệnh cho Thang Hùng Nghiệp cùng đi lên kinh, đi qua đường Quế Lâm để cho Nguyễn Quang Hiển được gặp mặt Lê Duy Kỳ, lại bảo cho Nguyễn Quang Hiển biết rằng vì Lê Duy Kỳ đã làm mất ấn tín mà đại hoàng đế trùng ban [ban cho lần thứ hai], theo điều luật đúng ra sẽ bị trị tội, nhưng vì nhiều đời cung thuận, lại không vi phạm nên tha chết mà được an tháp, lẽ nào sau này còn được trở về Lê thành làm chủ nước nữa.

Còn Nguyễn Huệ có nói là đợi sau khi mọi việc tạm yên, xin được sang năm đích thân sang kinh đô chiêm cận, nếu quả có dạ hướng hóa thâu thành, bó thân nghệ khuyết, đại hoàng đế ắt sẽ gia ân vượt mức, hoặc ban cho vương tước ngay để con cháu đời đời làm chủ An Nam không chừng, nếu không thì cũng phong thưởng thấm nhuần, vậy hãy ra lệnh cho Nguyễn Quang Hiển đem các điều đó, nói rõ cho Nguyễn Huệ biết.

Sang năm khi nào Nguyễn Huệ khởi trình, Phúc Khang An hãy minh bạch cho y hay, bản bộ đường sẽ cùng đi với ngài, có như thế Nguyễn Huệ mới kiên tâm vui vẻ. Thêm nữa, bài văn ngự chế An Nam ký sự, trước đây đã sao cho Phúc Khang An, nay cũng tuyên thị cho Nguyễn Huệ đọc để cho rõ ý của trẫm. Nếu như Phúc Khang An đã phát vãng thì thôi, còn như chưa gửi đi thì không cần trả về coi như không nói đến.

Phúc Khang An lại tâu rằng, nơi quan ải nay hạ chướng đang nhiều, Tôn Sĩ Nghị không cần phải ở lâu thêm, nên về Nam Ninh điều dưỡng ít ngày rồi hãy lên đường, vậy cứ như thế mà làm. Sau này khi Tôn Sĩ Nghị khởi thân thì cũng cứ đi thong thả, không cần phải gấp gáp làm gì cho mệt nhọc.

Trước đây trẫm đã mấy lần giáng chỉ ra lệnh cho Phúc Khang An tự liệu định hoặc là di chuyển về Nam Ninh, Thái Bình, hoặc trở về Quế Lâm để chỉ huy mọi việc, chỉ này chắc cũng đã nhận rồi. Nay Nguyễn Quang Hiển cũng đã đến cửa quan, đại cục đã định, Phúc Khang An hãy tuân theo chỉ trước di chuyển vào nội địa Quảng Tây là nơi thủy thổ bình hòa, dễ dàng điều nhiếp để tỏ lòng thể tuất của trẫm.

Nay đã đến tiết khí mới của trời đất, trẫm thưởng cho Phúc Khang An một đôi đại hà bao, hai đôi tiểu hà bao, bốn cái túi hương, còn Hải Lộc và Tôn Vĩnh Thanh mỗi người thưởng cho một đôi đại hà bao, hai đôi tiểu hà bao để tỏ lòng ưu quyến
 

Hươngquê73

Xe tăng
Biển số
OF-374797
Ngày cấp bằng
23/7/15
Số km
1,362
Động cơ
256,850 Mã lực
Hành trình

Sau khi gặp quan lại nhà Thanh, Nguyễn Quang Hiển và phái đoàn quay vể châu Văn Uyên rồi hôm sau [20 tháng Tư] trở về Lạng Sơn lên đường đi Thăng Long. Trong một tháng sau đó, Nguyễn Hữu Trù cũng hai lần lên Nam Quan tiếp xúc với Thang Hùng Nghiệp để trao đổi tin tức.

Trong thời gian đó, sắc dụ chấp thuận của vua Càn Long kèm theo chuỗi vòng trân châu ban cho Nguyễn Huệ cũng tới Trấn Nam Quan, Thang Hùng Nghiệp liền cho người đến Lạng Sơn báo cho Nguyễn Hữu Trù biết tin để sắp xếp trần thiết Ngưỡng Đức Đài và chuẩn bị long đình nghinh đón. Ngưỡng Đức Đài là toà nhà ở phía nước ta đối xứng với Chiêu Đức Đài ở bên kia Nam Quan của phía Trung Hoa. Hiệp trấn Lạng Sơn cũng đưa một số đông dân phu lên tu bổ lại đường sá, cầu cống từ trấn thành đến Nam Quan. Như vậy là đúng một tháng, khoảng cách vừa đủ để chạy trạm theo lối hoả tốc [600 dặm một ngày] lên kinh đô rồi quay lại chứng tỏ khi tin vừa đến nơi, vua Càn Long đã gửi ngay dụ chỉ xuống Quảng Tây cho phép phái bộ tiến kinh.

Sau khi báo cáo tình hình cho vua Quang Trung, Nguyễn Quang Hiển trở lên Lạng Sơn. Ngày 21 tháng Năm, nước ta đã chuẩn bị xong các loại lễ vật và cống phẩm để sẵn sàng lên đường. Theo Việt Nam Tập Lược của Từ Diên Húc thì lễ vật tạ ơn của nước ta bao gồm sừng tê hoa, sừng tê đen, ngà voi, trầm hương, tốc hương năm loại.

Ngày 25 tháng Năm Nguyễn Quang Hiển nhận được lệnh vua Càn Long thuận cho lên kinh đô bệ kiến và phải đi gấp cho kịp đến kinh đô vào mùa thu để dự lễ thánh tiết (sinh nhật vua Càn Long). Thang Hùng Nghiệp ra lệnh cho các binh sĩ trấn đóng ở Nam Quan xếp thành hàng ngũ, dựng bày cờ sí ở Chiêu Ðức Ðài rồi mời sứ bộ nước ta sang đón sắc thư và quà của vua Thanh trao cho trấn thủ Lạng Sơn Ðinh Công Thái (丁公彩) đem về Thăng Long. Về chuyến đi này, Vũ Huy Tấn thuật lại như sau:

Cuối tháng Tư năm đó, ta về Mộ Trạch để từ biệt song thân, sau tiết Trùng Dương thì khởi hành bắt đầu một chuyến đi vạn dặm. Ngày 25 tháng Năm, ta lại lên đến Nam Quan thì nhận được chỉ cho phép sứ thần theo đường bộ để đến hành cung ở Nhiệt Hà để kịp tham dự đại lễ thánh tiết. Ấy là lần đầu tiên được như vậy.

Ngày 27 tháng Năm, phái đoàn nước ta do Nguyễn Quang Hiển cầm đầu, tất cả là 21 người, từ nhà khách của tỉnh Quảng Tây do Thang Hùng Nghiệp dẫn đường đi lên kinh đô nhà Thanh. Hai mươi mốt người đó gồm có:

Đại diện quốc trưởng Nguyễn Quang Hiển (阮光顯)

– Ba vị sứ thần:

1. Chánh sứ Nguyễn Hữu Trù (阮有晭)

2. Phó sứ Vũ Huy Phác (武輝璞)

3. Phó sứ Nguyễn Ninh Trực (阮寧直)

– Hành nhân 5 người:

1. Trương Gia Nghiễm (張嘉儼)

2. Phạm Bá Nhuận (范伯潤)

3. Tạ Hữu Ðịnh (謝有定)

4. Nông Ðình Cẩn (農廷謹)

5. Hoàng Huy Dực (黃煇翼)

– Tòng nhân 12 người:

1. Hồ Văn Tòng (胡文從)

2. Nguyễn Công Tuyết (阮公雪)

3. Nguyễn Văn Cự (阮文鉅)

4. Nguyễn Văn Bản (阮文本)

5. Nguyễn Văn Cơ (阮文璣)

6. Hoàng Văn Thành (黃文成)

7. Lê Văn Trọng (黎文仲)

8. Ngô Viết Kiệt (吳曰榤)

9. Nguyễn Văn Uyển (阮文琬)

10. Nguyễn Hữu Ðễ (阮有悌)

11. Trần Văn Dũng (陳文勇)

12. Ðỗ Ðình Lập (杜廷立)
 

Hươngquê73

Xe tăng
Biển số
OF-374797
Ngày cấp bằng
23/7/15
Số km
1,362
Động cơ
256,850 Mã lực
Việc Nguyễn Quang Hiển dẫn đầu một phái bộ 21 người từ Quảng Tây lên Bắc Kinh đã đặt ra một vấn đề ngoại giao khác với một sứ bộ bình thường. Theo Khâm Định An Nam Kỷ Lược, vua Càn Long chỉ thị cho Phúc Khang An soạn một nghi thức đón tiếp gửi cho quan lại trên đường đi để các nơi thi hành cho đồng nhất. Nghi lễ đó bao gồm cả việc chào hỏi khi gặp nhau lẫn các loại yến tiệc, diễn kịch và hộ tống trong quản hạt của mình dựa theo việc năm trước tiếp đãi phái bộ Miến Điện.

Theo qui chế, một sứ đoàn ngoại quốc chỉ được địa phương đưa qua quản hạt nhưng lần này vua Càn Long chỉ định Thang Hùng Nghiệp làm “bạn tống” [người đi cùng] cho phái đoàn, sắp xếp di chuyển, nghỉ ngơi … và thay mặt triều đình tiếp xúc để điều động lễ nghi.

Vì Thang Hùng Nghiệp là một văn quan nên Phúc Khang An đặc biệt phái thêm Ðức Khắc Tinh Ngạch (德克精額) là phó tướng mới của hiệp Tân Thái tỉnh Quảng Tây cùng đi, còn bản thân ông ta khởi trình từ Nam Ninh, đến Quế Lâm ngày 11 tháng 5 (nhuận), và hôm sau, 12 tháng 5 thì Tôn Vĩnh Thanh cũng tới. Việc đích thân tổng đốc Lưỡng Quảng và tuần phủ Quảng Tây cùng đến Quế Lâm để bắt ép vua Lê và những người đi theo phải “thế phát cải phục”, không phải chỉ vì lý do cưỡng chế luật lệ “ở đất Trung Hoa thì phải theo tục Trung Hoa” mà để minh xác với triều đình Tây Sơn về việc họ không còn yểm trợ nhà Lê nữa. Tài liệu nước ta cũng còn lưu lại một số thư của quan nhà Thanh thúc đẩy Nguyễn Quang Hiển viết thư yêu cầu vua Quang Trung xác định sẽ sang Trung Hoa vào năm sau.

Ở Quế Lâm, Phúc Khang An đã sắp đặt để cho phái đoàn An Nam được tận mắt chứng kiến vua Chiêu Thống và những người đi theo nay là dân thiên triều được định cư [an tháp] tại Trung Hoa, đã thế phát cải phục (cạo tóc, đổi y phục) và thúc ép Nguyễn Quang Hiển viết thư gấp cho vua Quang Trung giao cho vệ úy Hồ Văn Tòng theo đường dịch trạm về Thăng Long rồi lại đích thân đem thư trả lời quay trở lại giao cho phái đoàn mang đi.
 

Hươngquê73

Xe tăng
Biển số
OF-374797
Ngày cấp bằng
23/7/15
Số km
1,362
Động cơ
256,850 Mã lực
Gặp Lê Duy Kỳ

Trước đây, khi muốn gia tăng tốc độ hòa nghị, Tôn Sĩ Nghị đã sai Thang Hùng Nghiệp bí mật liên lạc với nước ta tiết lộ rằng gia đình vua Lê Chiêu Thống đã đến Quảng Tây để dùng họ như một áp lực ngoại giao. Khi khẳng định rằng Thanh triều nay không còn ủng hộ họ Lê nữa được xem như một minh định đồng thời cũng là một hăm dọa nếu triều đình Tây Sơn không đi theo con đường họ đưa ra thì sẽ động binh lần nữa.

Việc vua Quang Trung chưa dứt khoát có sang chúc thọ hay không cũng tạo ra những vướng mắc. Vua Càn Long vẫn đinh ninh rằng Nguyễn Quang Bình sẽ sang Yên Kinh nhưng các quan lại ở Quảng Tây thì biết rằng lời hứa ỡm ờ “đợi khi đất nước ổn định sẽ sang triều kiến” chỉ là một lời hứa rơi chưa có gì chắc chắn.

Phúc Khang An cũng tưởng rằng trong tờ biểu cầu phong mà Nguyễn Quang Hiển đem đi sẽ minh xác điều đó nên khi thấy vẫn chưa đề cập đến việc này một cách minh bạch thì tổng đốc Lưỡng Quảng phải đưa ra một kế hoạch cụ thể hơn và cũng quyết liệt hơn:

– Thứ nhất, thông báo cho vua Chiêu Thống và những người đi qua rằng họ nay trở thành dân thiên triều và phải theo tục lệ Trung Hoa nghĩa là phải cạo đầu thắt đuôi sam, mặc áo kiểu nhà Thanh và không còn cơ hội được đưa về nước nữa. Lê Duy Kỳ và nhóm nhà Lê được di chuyển từ Ninh Minh lên Quế Lâm cho xa biên giới để không thể liên lạc về trong nước tạo bất ổn và gây nghi kỵ cho triều đình Tây Sơn.

– Tiến thêm một bước, thay vì đi từ Minh Ninh bằng đường thủy sang Quảng Đông lên kinh đô, Phúc Khang An đưa phái đoàn Nguyễn Quang Hiển theo đường bộ ngang qua Quế Lâm và sắp xếp cho Nguyễn Quang Hiển gặp Lê Duy Kỳ rồi yêu cầu viết thư rõ ràng việc gặp mặt đó cho người đưa về Nam Quan để chuyển tới Thăng Long đồng thời thúc ép Nguyễn Quang Hiển yêu cầu vua Quang Trung xác định yêu cầu xin nhập cận trong tờ biểu tạ ơn do một phái đoàn khác sẽ đưa sang khi nhận được chiếc vòng trân châu.

Ngày 19 tháng Năm [nhuận] Phúc Khang An gửi cho Nguyễn Quang Hiển bức thư sau đây:

Chú ngươi là Nguyễn [Quang Bình] vì cùng họ Lê tranh hấn, đắc tội với thiên triều. Ðại hoàng đế xét thấy vốn không có tâm kháng cự nên không chinh thảo lần nữa, lại chuẩn cho đầu thành khâm ban sắc thư có đóng ngự tỉ cùng trân châu thủ xuyến và cho phép ngươi tiến kinh nhập cận. Những gia ân vượt mức như thế chú ngươi chắc chẳng bao giờ dám nghĩ tới.

Cho đến lúc này, chú ngươi cũng chỉ mới dựng nước, nếu không có phong hiệu của thiên triều thì không thể chính danh định phận, yên là yên tạm mà thôi. Nếu chưa nhận được sắc thư thì việc trước mắt là danh mục bất chính, thủ hạ thần dân có theo cũng chỉ ở ngoài mặt còn trong lòng không phục làm sao có thể trông coi nhân dân để mà lập quốc được.

Bây giờ đại hoàng đế đã ban cho sắc thư có đóng ngự tỉ, lại hứa sẽ cho chú ngươi làm chủ An Nam, ấy là thiên triều phủ ngự vạn quốc đều có pháp độ. Chú ngươi trước đây hành sự thực không hẳn đã là vô tội, nhờ ơn đại hoàng đế lấy tấm lòng trời đất, xét thấy chú ngươi cùng họ Lê không có phận quân thần nên tha chuyện cũ ban cho ân trạch vạn phần, thực chẳng vì cầu may mà được.

Chú ngươi nếu có thiên lương và là người biết chuyện thì hẳn là cảm kích vinh hạnh, nếu như không đích thân đến kinh chiêm thiên ngưỡng thánh, khấu tạ hồng ân thì làm sao tỏ được tấm lòng sợ thiên triều, thờ nước lớn, thành kính cung thuận? Nếu nói rằng chưa được phong hiệu nên trong lòng ngượng nghịu, không mặt mũi nào mà cùng phiên vương các nước hân hoan tạ ơn thì việc đó đâu có khó gì, đợi khi chú ngươi tiến quan bản tước các bộ đường sẽ xin ban ấn cấp phong cho chính danh định phận, để chú ngươi đến kinh đô được cùng hàng với chư phiên vương thuộc quốc, lúc đó thật sủng vinh biết mấy.

Năm nay khi Tôn đốc bộ đường còn ở Trấn Nam Quan, chú ngươi ba lần xin hàng, Tôn đốc bộ đường tâu lên nhưng chưa được ân chuẩn, đến khi qua bản tước các bộ đường, vì chú ngươi mà trần tình tâu xin thì liền được đại hoàng đế đặc biệt cho nhiều ân điển, lại ban thưởng ưu hậu.

Huống chi sang năm là lễ bát tuần vạn thọ là thịnh điển thiên tải nan phùng, chú ngươi đích thân đến kinh đô chúc ly triển cận cũng là chuyện cát tường mỹ sự, thánh tâm ắt sẽ càng vui hơn nên ban thưởng rất nhiều mà một cái vòng trân châu như lần này không thể nào sánh được.

Còn việc xin tứ ấn thụ phong thì bản tước các bộ đường sẽ vì chú ngươi mà hết sức đảm trách, đừng có ngờ vực gì nữa. Nếu như chú ngươi ngại rằng đường sá xa xôi, khí hậu nóng nực thì sang năm vào khoảng hạ tuần tháng hai khởi thân tiến quan thì lúc đó thời giờ cũng rộng rãi. Sau khi tiến quan rồi, từ châu Ninh Minh sẽ lên thuyền đi theo đường thủy đến thẳng kinh sư, như thế tránh được nóng nực, hành trình cũng gần. Ấy là ta vì chú ngươi mà tính toán, không gì tốt hơn nữa.

Còn Lê Duy Kỳ thì đã cắt tóc đổi y phục cho làm dân thường, sau này không thể trở về nước được, chính mắt ngươi đã thấy rồi. Bản tước các bộ đường sợ chú ngươi không hiểu rõ nên đặc biệt mở lòng thành công bố để cho ngươi biết, vậy nhà ngươi nên viết lại kỹ càng gửi về cho chú ngươi để cho y an tâm hoan hỉ.

Tháng Năm nhuận, ngày mười chín giờ Mão.

Trát dụ.
 

Hươngquê73

Xe tăng
Biển số
OF-374797
Ngày cấp bằng
23/7/15
Số km
1,362
Động cơ
256,850 Mã lực
Công việc hoàn tất, Phúc Khang An tâu lên Bắc Kinh báo cáo công việc như sau:

Ðến ngày 18, bọn Tả Giang đạo Thang Hùng Nghiệp hộ tống Nguyễn Quang Hiển đến tỉnh. Bọn thần ra lệnh cho họ đến quán xá để nghỉ tạm, một mặt truyền gọi Lê Duy Kỳ cùng những cựu thần có tên tuổi như bọn Hoàng Ích Hiểu vài ba người, đến công quán của thần Phúc Khang An chờ sẵn, sau đó ra lệnh cho Thang Hùng Nghiệp đưa bọn Nguyễn Quang Hiển đến gặp. Bọn họ vọng về cung khuyết hành lễ tạ ân tam quị cửu khấu xong, lại quay sang thần hành lễ nhất quị tam khấu. Thần ra lệnh cho họ ngồi một bên rồi cho họ biết rằng chú của ngươi Nguyễn Quang Bình trước đây đã tiến biểu văn, mong được thánh chúa trông xuống xét cho việc chú ngươi và họ Lê vốn không có phận quân thần, khi đại binh tiến thảo, vốn không dám có bụng kháng cự.

Nay đã được hoàng thượng ân chuẩn cho đầu thành, lại thương mến ban cho sắc thư, thưởng cho vòng trân châu. Cái ơn trời cao đất dày kia, chú của ngươi Quang Bình có nằm mơ cũng không dám nghĩ đến. Còn Lê Duy Kỳ hiện nay đã được thu lưu ở nội địa, đại hoàng đế đã ra lệnh cho họ thế phát cải phục, xếp vào hạng dân thường, không thể nào còn trở về An Nam được nữa nên đặc biệt ra lệnh cho các ngươi được gặp nhau.

Nguyễn Quang Hiển nghe thần nói như thế bèn rời chỗ ngồi khấu đầu, vẻ mặt vui sướng nói rằng chú tôi là Quang Bình vốn là kẻ áo vải đất Tây Sơn, chưa từng giao thông với Trung Quốc, nhân vì việc tranh chấp với họ Lê mà phải nhọc đến đại binh để đến nỗi còn lưu lại vết tích kháng cự nên trong lòng áy náy, ngày đêm không yên. Chú tôi đã hiểu dụ mọi người trong nước, phàm gặp quan binh lạc đường rơi lại phía sau đều phải cấp cho họ quần áo giày dép lộ phí cơm ăn, hộ tống tiến quan. Tháng Giêng năm nay ở bờ sông nơi các vị đại nhân trận vong đã lập đàn cúng tế, quả là lòng thành hối tội úy thiên từ gan ruột. Nay được đại hoàng đế khoan ân vượt mức, thật còn hơn trời bể. Chú tôi Quang Bình khi nhận được sắc thư và đồ quí, ắt rất là vui sướng hân hoan gửi tạ biểu ngay.

Bọn thần nghĩ Nguyễn Huệ lúc này mới vừa lập quốc, nếu như không được phong tước của thiên triều thì không thể nào là hùng trưởng được, thành thử sẽ phải gấp gáp cầu phong, ân cần bức thiết xuất tự chí thành.

Bọn thần sau đó lại tuân chỉ gọi Lê Duy Kỳ, ra lệnh cho gặp Nguyễn Quang Hiển. Y nói rằng tôi nay đã là dân thiên triều rồi, không còn điều gì phải nói với y nữa, còn bọn cựu thần Hoàng Ích Hiểu tuy có vẻ căm hận nhưng vì đông người đàn áp nên cũng không dám tỏ thái độ gì. Còn bọn Nguyễn Quang Hiển vừa thấy Lê Duy Kỳ thì vẻ mặt hân hoan, dường như bao nhiêu nghi ngại đều nhẹ nhõm.

Ngày 19 bọn Nguyễn Quang Hiển nghỉ lại tỉnh một ngày để các tòng nhân mua thêm quần áo giày dép. Ngày 20 tỉnh thành đãi yến một lần, lại cấp cho ngân lượng, vải vóc các thứ theo nghi văn thể chế, lại tuân chỉ chiếu theo lệ đúng như đãi các cống sứ Miến Ðiện hồi năm trước, không hậu hơn mà cũng không giản tiện.

Bọn họ về đến quán xá lập tức viết thư gửi báo cho Nguyễn Huệ biết, nhờ Thang Hùng Nghiệp chuyển trình. Bọn thần duyệt khán giao cho tòng quan là vệ úy Hồ Văn Tòng[胡文從] đem về tận mặt cáo tri Nguyễn Huệ mọi tình hình từ khi tiến quan đến nay. Bọn thần cũng phái người đưa y xuất quan.
 

Hươngquê73

Xe tăng
Biển số
OF-374797
Ngày cấp bằng
23/7/15
Số km
1,362
Động cơ
256,850 Mã lực
Tính từ khi khởi hành ở Nam Quan ngày 27 tháng Năm đến khi tới Quế Lâm ngày 18 tháng Năm [nhuận] là hơn 20 ngày. Theo tường thuật của Vũ Huy Tấn, phái đoàn được đi kiệu hoa, xuống thuyền thì có treo đèn đỏ để cho người ngoài biết có quan lại đang đi để các địa phương đón chào nên đâu đâu cũng được đón tiếp rất nồng hậu. Ông cũng thường nhắc đi nhắc lại là những ân điển đó đều là “lần đầu” [葢創恩也] để biết rằng ông rất hân hạnh. Cũng nên biết thêm cha của Vũ Huy Tấn là Vũ Huy Đĩnh, từng làm phó sứ sang Thanh năm Cảnh Hưng 32 (Càn Long 36, 1771) nên ông cũng có ít nhiều có kinh nghiệm từ phụ thân. Đến Nam Ninh, phái đoàn rời thuyền lên đi theo đường bộ đến Quế Lâm.

Ở đây phái đoàn được đi thăm chùa Tương Sơn [湘山] ngoài thành Toàn Châu (thuộc Quế Lâm). Chùa nằm trên lưng chừng núi, có tháp cao hơn 10 trượng đâm vào mây, ở cửa vào có biển bằng đồng viết ba chữ “Vô Lượng Động”, vào đại điện có biển viết bốn chữ “Chủ Nhân Thường Tại”, ngoài điện có biển viết “Sở Nam Đệ Nhất Thiền Lâm”.

Trên danh nghĩa phái đoàn được tiếp đãi ân cần nồng hậu nhưng cũng là thời gian mà Phúc Khang An mưu tính ràng buộc triều đình Tây Sơn bằng cách chiêu dụ nhóm Lê Quýnh sang Trung Hoa “bàn quốc sự” nhằm cô lập những nhóm chống đối để vua Quang Trung không thể lấy cớ việc nước chưa yên mà từ chối sang chúc thọ. Vì bị cô lập ở một nơi không thông tin tức, cho tới đầu tháng Năm [nhuận], vua Lê và những người đi theo chưa biết gì về các diễn tiến ngoại giao nên vẫn hi vọng vào thiện chí “tự tiểu tồn vong” của thượng quốc.
 

Hươngquê73

Xe tăng
Biển số
OF-374797
Ngày cấp bằng
23/7/15
Số km
1,362
Động cơ
256,850 Mã lực
Ngày 21 tháng Năm [nhuận], Nguyễn Quang Hiển gửi thư sai vệ úy Hồ Văn Tòng đem về Thăng Long kèm theo một bức thư Phúc Khang An gửi vua Quang Trung:

Trước đây nhờ ơn thánh chúa chiếu xuống lòng thành tha thiết của quốc trưởng nên khâm ban sắc thư, ân thưởng trân châu thủ xuyến. Bản tước các bộ đường lập tức sai người kính cẩn mang đến Trấn Nam Quan giao cho Tả Giang đạo chuyển cho cháu ruột của quốc trưởng là Quang Hiển kính cẩn nhận lãnh rồi sai người đem đến Lê thành, lại soạn một hịch văn gửi kèm theo, hẳn là quốc trưởng đã sớm kính cẩn nhận lãnh và viết tạ biểu cho người mang đến cửa quan.

Cháu của quốc trưởng Quang Hiển và bồi giới là Nguyễn Hữu Trù[阮有啁] ngày mười tám [18] tháng này đi đến tỉnh thành Quế Lâm[桂林], đã được bản tước các bộ đường tiếp kiến, hỏi han về ăn uống đi đứng trên đường mọi việc đều ổn thỏa, những người đi cùng cũng đều khỏe mạnh.

Ngày hai mươi , thiết yến khoản đãi Quang Hiển cùng bồi giới, ai nấy ăn uống no nê vui vẻ rồi về công quán nghỉ ngơi. Chúng tôi cũng chuẩn bị cho họ mũ áo bằng sa mỏng để mặc trên đường đi cho mát mẻ, sảng khoái. Lại nghĩ đến sau này chiêm ngưỡng thiên nhan, ra khỏi kinh đô trở về nước thì đã vào cuối thu, khí hậu khi đó cần đồ ngự hàn nên trước khi đi cũng dự bị may sẵn các loại áo da và bông để mang theo. Lại ra lệnh cho Tả Giang đạo Thang [Hùng Nghiệp] lo liệu việc khởi trình cùng thông báo cho các địa phương trên đường đi để những nơi nào có đường thủy thông qua được thì lập tức dự bị thuyền để thừa tọa cho thoải mái.

Bản tước các bộ đường ngưỡng thể tấm lòng vỗ về chăm lo của đại hoàng đế đã gia ân vượt mực nên hết sức lo liệu cho chu đáo để bọn Quang Hiển đi đường dài sẽ không bị mệt mỏi, lại sai người đi theo là vệ úy Hồ Văn Tòng[胡文從] đem gia tín và tình hình mọi việc trở về nước kể lại cho quốc trưởng, hẳn quốc trưởng biết được sẽ vạn phần cảm kích thiên ân, sung sướng không biết chừng nào.

Lúc này trời đương mùa hạ là lúc nóng nhất, trong nước trên dưới có bình an không? Mùa xuân sang năm, bản tước các bộ đường sẽ ở tại Trấn Nam Quan đợi quốc trưởng để cùng lên kinh đô chúc ly triển cận, hưởng ân trạch của hoàng đế.
 

Hươngquê73

Xe tăng
Biển số
OF-374797
Ngày cấp bằng
23/7/15
Số km
1,362
Động cơ
256,850 Mã lực
Sức ép và những thủ đoạn tinh vi của nhà Thanh khiến cho triều đình Quang Trung phải thay đổi ít nhiều trong tờ biểu cầu phong xác định sẽ sang chúc thọ. Bản văn sau cùng còn lưu lại trong KDANKL có đoạn như sau:

Trước đây thần đã sai cháu là Nguyễn Quang Hiển đến cửa quan, thay mặt hành lễ đã từng chính miệng cáo rằng đợi khi quốc sự tạm yên sẽ nhập cận kinh sư, tấm lòng chân thành của thần, chỉ biết sợ mệnh trời tuân theo thiên tử, là chuyện đương nhiên của chức phận vậy.

Cúi lạy thánh thiên tử trời sinh là bậc chí đức, vị lộc danh thọ, tất cả đều gồm đủ. Sang năm tháng Tám là dịp khánh tiết bát tuần vạn thọ, là thịnh sự cát tường, cả doanh hoàn đều vui mừng nếu như thần được hưởng chung ánh sáng của nhật nguyệt, cùng được vinh hoa đến chúc thọ thực là chí nguyện nên mong sao quốc sự sớm được yên phận, để đến khoảng xuân hạ sang năm có thể bẩm với tổng đốc Lưỡng Quảng chuyển tấu để cho phép chiêm cận cho thỏa lòng thành kính, mong được bệ hạ chiếu xuống nơi uyên động thì hân hoan cảm kích biết chừng nào.

Điểm quan trọng nhất trong biểu văn này là việc vua Quang Trung xin được qua chúc thọ vào năm Canh Tuất khiến cho vua Càn Long vô cùng hoan hỉ nên mọi ân sủng về sau đều hơn mực thường. Để trả lời việc xin được phong vương để khi sang Bắc Kinh không bị kém vế, vua Càn Long liền hạ chỉ cho hay khi Nguyễn Quang Bình đến Nam Quan sẽ được phong vương, vào triều được xếp ngang hàng thân vương ngoại phiên, đứng trên quận vương tông thất. Thân vương là tước vị cao nhất của nhà Thanh chỉ sau hoàng đế.
 

Hươngquê73

Xe tăng
Biển số
OF-374797
Ngày cấp bằng
23/7/15
Số km
1,362
Động cơ
256,850 Mã lực
Cách tiếp đãi của thanh triều

Ngày mồng 6 tháng Năm nhuận, Quân Cơ Xứ theo lệnh vua Càn Long gửi một dụ chỉ xuống tất cả các quan lại địa phương trên đường đi của Nguyễn Quang Hiển để chỉ thị về việc tiếp đãi như sau:

Mới đây Nguyễn Huệ đã sai cháu ruột là Nguyễn Quang Hiển đến trấn Nam Quan tiến biểu xin hàng lại khẩn cầu lên kinh đô nhập cận [triều kiến hoàng đế]. Trẫm đã giáng chỉ thuận cho lên kinh đô cốt sao cho trước ngày 20 tháng Bảy đến được Nhiệt Hà, lại ra lệnh cho Tả Giang Thang Hùng Nghiệp đi cùng, còn các đốc phủ ở những địa phương nào đi qua chi cấp cũng đừng phí phạm.

Nay nghĩ lại Nguyễn Huệ hối tội thành thực qui thuận vốn định đích thân đến cửa quan tự mình nạp khoản nhưng vì trong nước dân chúng vừa qua loạn lạc [甫罹] chưa được an tập nên không thể đi xa nên mới sai cháu ruột đến cửa quan lại xin tiến kinh chiêm cận, tình thế cấp bách nhưng thật là chí thành. Nguyễn Quang Hiển lại là cháu ruột của Nguyễn Huệ không thể sánh ngang với các đầu mục khác được, vậy những nơi đi qua việc chi ứng cũng không nên quá xa hoa nhưng cũng không nên giản lược.

Huống chi An Nam và Miến Điện hai bên tin tức qua lại nên lần này quá ư giản lược mà họ hay biết thì sẽ nghĩ rằng thiên triều phủ ngự ngoại di có phân ra dày mỏng, ấy không phải là đạo nhất thị đồng nhân [đối với ai ai cũng cùng một lỏng nhân]. Vậy hãy chiếu theo năm ngoái cống sứ Miến Điện đi qua tiếp đãi thế nào thì cũng như vậy không hơn mà cũng không kém.

Nếu như Nguyễn Huệ sang năm đích thân nghệ khuyết thì việc tiếp đãi so với Nguyễn Quang Hiển có hậu hĩ hơn một chút cũng không phải không được. Các đốc phủ hãy thể theo ý thương mến của trẫm mà sắp xếp biện lý.

Tuân theo dụ chỉ của vua Càn Long, các quan địa phương ra sức làm đẹp lòng kim thượng bằng cách tu sửa đường sá cầu cống, chỗ nào mấp mô đều đắp cho bằng phẳng, các đầm hào doanh trại đều dọn dẹp sạch sẽ cho khách quan chiêm. Tại các nơi đóng quân cũng chọn những lính tráng khoẻ mạnh giao cho quần áo khí giới mới tập hợp thành đội ngũ chỉnh tề để khi phái đoàn đến ranh giới hai tỉnh thì đón rước. Sứ đoàn nước ta mỗi khi đến đâu lập tức tuần phủ nơi đó đem quan văn võ ra đón và hộ tống cho đến khi ra khỏi địa giới. Mỗi phủ tổ chức yến tiệc nhưng khi đến tỉnh thành ngoài yến tiệc đều có thêm các màn kịch [diễn tuồng] để tỏ đạo nhu viễn của hoàng đế.

Cũng nên thêm, các sứ bộ nước ta trước đây đi theo đường sông, nay vì vua Càn Long muốn thêm long trọng nên cho đi đường bộ để quan viên có dịp gặp gỡ tiếp đãi và sứ đoàn nước ta cũng chứng kiến cảnh trù phú của Trung Hoa.

Vì vai trò đặc biệt của Nguyễn Quang Hiển không phải như một phái đoàn phiên thuộc bình thường nên việc tiếp kiến cũng có tiêu chuẩn riêng. Vua Càn Long đặc biệt gửi dụ chỉ cho các đốc phủ trên đường phái đoàn đi qua để nhất loạt áp dụng nghi lễ mà Phúc Khang An đã thi hành ở Quảng Tây để các nơi thi hành cho đồng nhất.

Theo tài liệu nhà Thanh, phái đoàn đi từ Nam Quan đến Ninh Minh đi vòng qua Quế Lâm để gặp gia đình Lê Duy Kỳ, ngày 22 tháng Năm [nhuận] từ Quế Lâm khởi trình theo đường thủy đi thẳng tới Trường Sa qua những địa phương như Đông An, Vĩnh Châu, Hoành Châu. Phái đoàn cũng thăm vách núi Binh Thư [兵書岩] ở hữu ngạn của ghềnh Xứng Vật [秤勿灘]. Vách đá cao hơn trăm trượng màu đỏ tục truyền là nơi Gia Cát Lượng xưa dùng binh.

Vũ Huy Tấn và mọi người cũng đi thăm Ngô Sơn (tên cũ Dương Ngô) [浯山] trên đó có Ngô Khê, Ngô Đình và Ngô Đài là ba thắng cảnh mà người đời xưng lả Tam Tuyệt. Trong văn thơ của ông cũng còn những bài vịnh hồ Động Đình, sông Võ Xương, am Vạn Niên là những nơi đi ngang qua.

Ngày 4 tháng Sáu, phái đoàn đến tỉnh thành Trường Sa. Giờ Ngọ hôm đó, tuần phủ Hồ Nam Phố Sâm đưa tất cả các quan trong tỉnh ra đón, trần thiết nghi vệ và dàn đội ngũ tại đại đường tiếp kiến và cho Nguyễn Quang Hiển biết rằng “đại hoàng đế nghĩ tình các ông phụng sứ từ xa đến có bụng thành kính qui phục, lại là lần đầu triển cận nên thương xót mà ra lệnh cho các nơi tiếp đón hậu hĩ hơn bình thường”. Sau khi nghe thông sự dịch lại, Nguyễn Quang Hiển vui mừng vọng về cung khuyết khấu đầu tạ ơn. Sau đó quan nhà Thanh mở tiệc đón chào, lại cho diễn kịch, lại đem các loại vải vóc sa đoạn, trù lăng (các loại vải khác nhau), trà thuốc, ngân bài ra biếu.

Ngày mồng 9 tháng Sáu, phái đoàn Nguyễn Quang Hiển đến huyện Bồ Kỳ [蒲圻), tỉnh Hồ Bắc được tuần phủ Huệ Linh [惠齡] sai Mạnh Ngọc [孟鈺] đạo Hoàng Đức và tri phủ Võ Xương Mục Thông A [穆通阿] và thủ doanh là tham tướng Lặc Phúc [勒福] qua lại đón tiếp, ngày 12 cùng tháng thì đến tỉnh thành được tổng đốc Hồ Quảng Tất Nguyên [畢沅] đem tất cả quan lại địa phương nghênh đón, mở tiệc diễn kịch và đem biếu các loại vải vóc thổ sản cho mọi người.

Ngày 17 tháng Sáu, phái đoàn vào Tín Dương thuộc tỉnh Hà Nam được tuần phủ Lương Khẳng Đường [梁肯堂] sai Vạn Ninh đạo Nhữ Quang, tri phủ Nhữ Ninh Bành Như Cán [彭如幹] ra đón.

Ngày 29 tháng Sáu, Nguyễn Quang Hiển được tuần phủ Lương Khẳng Đường đãi tiệc rồi sau đó đích thân đưa tiễn ra khỏi cảnh giới Hà Nam. Đến Phong Lạc phái đoàn chuẩn bị qua sông Chương [漳河] nhưng nước dâng cao, sóng lớn, thuyền bè không dám mạo hiểm nên phải nghỉ lại công quán đợi đến mồng 1 tháng Bảy nước rút, đích thân tri phủ Chương Đức là Lý Chu [李 đưa qua sông sang Từ Châu thuộc tỉnh Trực Lệ.

Tổng đốc Trực Lệ Lưu Nga [劉峩] đã nhận được tin từ Hà Nam nên sai người tiếp đón và hộ tống. Phái đoàn đi qua các phủ Cố An, Trác Châu, Tân Thành, Định Hưng đang vụ mùa nên cũng đi chậm lại. Ngày mồng 6 tháng Bảy, phái đoàn đến huyện Chính Định, nước sông Hô Đà [滹沱] dâng cao nên dừng lại chờ đến ngày mồng 8 mới qua sông được.

Ngày 13 tháng Bảy, phái đoàn đến tỉnh thành Trực Lệ được tổng đốc và các quan ra nghinh đón đãi yến, xem kịch và đem biếu các loại vải vóc. Ngày 24 tháng Bảy, phái đoàn lên đường đi tiếp đến Nhiệt Hà là hành tại của vua Thanh ngày mồng 3 tháng Tám và ở lại đây cho đến sau ngày sinh nhật vua Càn Long (13 tháng Tám).

Nguyễn Quang Hiển và hai sứ thần Nguyễn Hữu Trù và Vũ Huy Tấn và tất cả hành nhân cùng các vương công, đại thần và các bối lặc, bối tử Mông Cổ, ngạch phò, đài cát …. nhập cận [vào triều kiến vua Càn Long] tại thắng cảnh Quyển A [卷阿], sau đó mọi người được ăn yến và xem kịch tại Quan Âm Các.
 

Hươngquê73

Xe tăng
Biển số
OF-374797
Ngày cấp bằng
23/7/15
Số km
1,362
Động cơ
256,850 Mã lực
Vũ Huy Tấn kể lại như sau:

Ngày hôm sau [26 tháng Năm] tiến quan thẳng một đường Quảng Tây, Hồ Quảng, Hà Nam, Trực Lệ mà đi. Ngày đêm không nghỉ.

Ngày mồng ba tháng Tám đến công quán. Ngày 13 tháng Tám vào làm lễ triều hạ [mừng sinh nhật vua Càn Long] xong được lệnh cho về nước. Lại theo đường bộ về đến tỉnh thành Quế Lâm thì lên thuyền xuôi dòng đến phủ Ngô Châu. Khi đó là ngày rằm tháng Một …

Sau khi triều kiến vua Càn Long trở về, Vũ Huy Tấn hết sức sung sướng nên đã làm bài thơ sau đây để nói lên tâm sự mình.

Dịch nghĩa

Đã mấy khi kẻ đọc sách được diện kiến quân vương,

Thật thẹn thùng cho người ở xa được gần ánh sáng [thiên tử].

Dưới bệ trang trọng đưa lên tờ biểu trần tình chúc thọ,

Trước mặt nhà vua ta múa bút họa bài thơ thần.

Kinh hãi nhận được lời của nhà vua ban cho từ bút có vẽ rồng,

Áo triều còn vương mùi thơm từ chiếc đỉnh hình con thú.

Trở về nhà dịch ta đêm không ngủ được,

Qua cửa sổ đầy gió trăng quyện lấy nhau.

Nhận được phượng thư cho phép lên triều cận,

Không kể ngày đêm bôn ba mười nghìn dặm.

Biển không có sóng nên biết rằng có thánh nhân,

Vượt núi trèo non vui mừng được chiêm ngưỡng thiên tử.

Hoa biếc mặt trời ấm áp mùa xuân nồng nàn,

Đỉnh ngự hương tỏa ra khói lành mù mịt.

Ca hát yến tiệc hầu vua không còn biết ca tụng gì hơn nữa,

Mong được nối theo các khúc Chu Nhã, Cửu Như.

Ngày 28 tháng Bảy, phái đoàn vào triều sớm. Hôm đó nhà vua mới đi săn về có bắn được một con hươu sao nên sai làm thịt đãi yến ban cho sứ thần để phô cho mọi người biết tuy thiên tử tuổi đã cao nhưng còn nhanh nhẹn. Trên bàn tiệc, Vũ Huy Tấn đã làm một bài thơ và được ban cho một hộp mực thơm [御藏香墨] gồm 10 thỏi.

Dịch nghĩa

Đi săn mùa thu là một lễ cổ đẹp

Đích thân thiên tử đi bắn thú về

Thần võ hiềm rằng sức cung mạnh

Cưỡi ngựa đuổi theo mũi tên bay ra

Ai nấy đều nghe xe ngựa vui mừng đến

Những kẻ theo hầu đều ca tụng tài của thánh nhân

Kẻ ở xa tới may mắn được một phần ân huệ

Dâng lên một bài thơ không hợp vào đâu cả

Cũng nhân dịp thánh tiết [sinh nhật vua Càn Long], sứ đoàn An Nam cũng dâng lên một bài thơ mừng thọ và một bài biểu như sau:

Dịch nghĩa

Trời ban cho những phúc lành tập hợp vào một người,

Ánh sáng tốt đẹp toả đầy trong cung vua.

Năm trăm năm mới có một ngày như hôm nay.

Trong muôn vạn năm nay thọ được đến tám mươi là đầu tiên.

Dưới trần hoàn sống thọ ngang với trời đất,

Lòng nhân trải ra khắp cõi càn khôn..

May mắn được cùng mọi người ăn yến vườn đào,

Kính cẩn dâng lên một bài thơ vụng về để chúc mùa xuân lớn.

Dịch nghĩa (Bài biểu)

Cúi lạy

Ngày xưa sách có viết rằng

Tám cõi đều ngước về mong được vua Nghiêu ban bố tới,

Cả lộc danh lẫn thọ

Trời đất bừng sáng của vua Vũ mà ca tụng vẻ vinh hoa

Tập trung cả vào một người

Vui mừng vượt qua vạn biển

Bọn thầm trộm nghĩ rằng

Trời mênh mông nuôi nấng muôn dân

Ấy phải là cái tài tối linh cực tinh túy

Hoàng cực ban cho năm phúc thì trước hết phải là thọ khang

Rồi mới mong được chuẩn mực thật chính thật trung

Được ngày hôm nay

Hợp kỳ tốt đẹp

Kính thay hoàng đế bệ hạ

Đức nhân đức hiếu như trời

Tin thành nên hưởng vai đế

Tiếp nối việc vỗ về vận sáng một trăm bốn mươi năm

Vẫn chỉ một lòng

Làm vua trong năm mươi bốn năm thịnh trị

Nối liền vạn nước

Hòa thái soi sáng ngày thịnh

Rộng thêm phúc lớn tốt lành

Tính ra mới đến bát tuần

Sẽ còn dài như sông núi

Sáng vằng vặc như trăng thu

Ánh cầu vồng quấn quít

Thấy nam cực mà trăm họ reo vui

Chầu bề sao bắc mà mọi phương cúi đầu

Bọn thần từ nơi xa xôi hoang vắng

Vui mừng thấy người người lũ lượt

Hổ báo cùng đến

Được may mắn dự vào hoa yến

Tung hô chúc tụng

Dâng lên nhỏ mọn vài câu vụng về
 

Hươngquê73

Xe tăng
Biển số
OF-374797
Ngày cấp bằng
23/7/15
Số km
1,362
Động cơ
256,850 Mã lực
Việc vua Quang Trung sai Nguyễn Quang Hiển mang biểu văn cầu phong được triều đình nhà Thanh đánh giá như một biến cố trọng đại, “chiến thắng mà không cần dụng binh” nên đã được vẽ thành bức tranh “Nguyễn Huệ khiển điệt Nguyễn Quang Hiển nhập cận tứ yến” trong An Nam Chiến Đồ. Trong bức tranh này, vua Càn Long ngự tại Quan Âm Các là một trong ba đại kịch trường ở kinh đô [ba tầng có các nhạc công], phái đoàn nước ta có Nguyễn Quang Hiển và hai sứ thần [mặc áo tía], năm hành nhân [mặc áo đỏ], phía bên trái nhà vua là nơi chuẩn bị tiệc.

Trong dịp này, vua Càn Long thưởng cho Nguyễn Quang Bình [vua Quang Trung] tượng Quan Âm bằng ngọc, thanh như ý bằng ngọc, gấm đoạn sợi vàng, triều châu [chuỗi đeo cổ theo phẩm phục nhà Thanh] … Nguyễn Quang Hiển cũng được thưởng tượng La Hán bằng sứ, ngọc như ý, gấm đoạn sợi vàng và hộp bằng bạc … Các sứ thần hành nhân đi theo cũng được thưởng nhiều món khác nhau.

Ngày 28 tháng Bảy, vua Càn Long ban cho vua Quang Trung một bộ kinh Kim Cương (hộp lớn) còn Nguyễn Quang Hiển cũng được một bộ (hộp nhỏ). Bộ kinh này có ghi những lời chú thích và bình giải của chính vua Càn Long.

Ngày mồng 2 tháng Tám, sắc và ấn mới đúc đã được trình lên vua Càn Long ngự lãm, sau đó được giao cho bộ Lễ chuyển về kinh đô để làm lễ giao cho Nguyễn Quang Hiển.

Ngày 10 tháng Tám, vua Càn Long tổ chức đại yến phái đoàn lại được thưởng thêm.

Theo Từ Diên Húc trong Việt Nam Tập Lược, trong năm Kỷ Dậu nước ta được thưởng 5 lần nhưng không ghi rõ thời gian nào vì có nhiều phái đoàn đến Nhiệt Hà với nhiệm vụ khác nhau. Sau khi gặp vua Càn Long ở Nhiệt Hà, phài đoàn trở về Bắc Kinh.
 

Hươngquê73

Xe tăng
Biển số
OF-374797
Ngày cấp bằng
23/7/15
Số km
1,362
Động cơ
256,850 Mã lực


Tranh : Phái đoàn Nguyễn Quang Hiển triều kiến vua Càn Long tại Nhiệt Hà
 

Hươngquê73

Xe tăng
Biển số
OF-374797
Ngày cấp bằng
23/7/15
Số km
1,362
Động cơ
256,850 Mã lực
Ngày 22 tháng Tám trong một đại lễ ở điện Thái Hòa, Nguyễn Quang Hiển đã nhận sắc và ấn do bộ Lễ soạn và đúc sẵn. Phía Thanh đình, đại học sĩ A Quế đứng ra giao ấn, đại học sĩ Kê Hoàng đứng ra trao sắc và nghi lễ đã được vua Càn Long minh bạch sắp xếp. Sắc phong này đề ngày 22 tháng Sáu năm Kỷ Dậu, do Quân Cơ đại thần thảo ra, trình lên ngự lãm rồi, sau đó do thư ký trong nội các viết bằng hai thứ chữ Mãn – Hán, đóng ngự bảo (dấu của nhà vua).

sắc phong Nguyễn Quang Bình

làm An Nam quốc vương

Dịch nghĩa

Trẫm vốn chỉ dùng vương hoá để trải rộng đến tận phương xa, phạt kẻ có tội nhưng vẫn tha kẻ quay về, phong cho chư hầu biết kính cẩn giữ lễ, coi việc lớn là sợ trời, xét lòng thành của kẻ nơi hoang dã, bỏ qua những chuyện cũ, đem ân ban bố cho thuộc quốc, tán thành việc đổi mới, (nên) thương mà giao việc xuống, thuận mà hết sức làm theo.

Đất An Nam ở nơi nóng nực phương nam, mở mang cương vực mười ba đạo, họ Lê là bề tôi thờ thiên triều, giữ việc cống lễ hơn trăm năm qua, tuân theo vương hoá, làm chủ một cõi. Đến khi gặp nạn ly tán, chạy đến kêu xin, (thiên triều) đã hưng sư lấy lại nước tưởng mong giữ được cơ đồ, nào hay vứt ấn bỏ thành, rốt cuộc rồi cũng trắng tay, hẳn là trời cũng ghét bỏ kẻ đức mỏng, không cho giữ quyền thừa kế nên rồi cũng để mất.

Ngươi Nguyễn Quang Bình khởi từ đất Tây Sơn, vốn dĩ sống ở phương nam, đối với kẻ kia không có nghĩa quân thần, chỉ có tình hôn nhân, dần dà hai bên gây hấn, tình nghĩa dứt rồi, lúc hoảng hốt ra tay chống lại, dẫu không phải là cố ý nhưng tội lỗi không dễ xoá nhoà. Nay biết thống hối, dâng tờ biểu thiết tha, sai cháu làm sứ thần từ xa xôi sang trình bày, đem cống hiến đồ quí báu, (còn) bản thân sang năm sẽ qua chúc thọ, chẳng phải vì mong được phong tước để được vinh quang, mà để cho thần tử đang ngơ ngác, lang thang có nơi tụ tập yên ổn.

Những lời trần tình ấy quả là thành thực, cung kính mà quy thuận, huống chi vương đạo không phân biệt ai, há lại coi chỗ này hơn chỗ khác, người sống phải có kẻ chăn dắt, kẻ hoà hợp cần được yên ổn gia đình, người nghèo được nâng đỡ, kẻ kém được vỗ về, nay phong cho ngươi làm An Nam quốc vương, ban cho ấn mới.

Than ôi!

Đời có lúc hưng lúc phế, thiên tử cứ theo mệnh trời mà làm, không ngờ vực, không sợ hãi, người trong nước tất cả đều nghe theo, để cho vương đạo tràn lan khắp cõi, truyền cho đến cháu con, không để vào tay họ khác, hết lòng hết dạ chăm chỉ sớm hôm, không trễ nải việc nước, luôn luôn kính trọng oai trời, để được thấm nhuần ơn mưa móc mãi mãi.

Kính thay!

Chớ bỏ qua lệnh của trẫm.
 

Hươngquê73

Xe tăng
Biển số
OF-374797
Ngày cấp bằng
23/7/15
Số km
1,362
Động cơ
256,850 Mã lực
Sau khi lễ nhận sắc ấn hoàn tất, phái đoàn Nguyễn Quang Hiển lưu lại Bắc Kinh hai ngày để mua nhân sâm. Ngày 24 tháng Tám, phái đoàn Nguyễn Quang Hiển khởi trình theo đường bộ về nước.

Cũng thời gian này, một mặt vua Càn Long chuyên tâm theo dõi việc sứ thần Thành Lâm sang Thăng Long làm lễ phong vương, tiếp đó là đốc thúc các địa phương đưa phái bộ Nguyễn Hoành Khuông lên kinh đô cho kịp dịp tết Nguyên Đán nên việc phái bộ Nguyễn Quang Hiển trở về tương đối mờ nhạt. Đáng án nhà Thanh chỉ có một số báo cáo của quan địa phương tiếp đãi khi phái đoàn đi ngang qua cảnh giới của họ. Tuy nhiên, theo văn thơ của Vũ Huy Tấn trong Hoa Nguyên Tuỳ Bộ Tập thì trên đường về vì không phải đi gấp ngày đêm không nghỉ như khi tiến kinh nên có nhiều dịp thăm viếng, trao đổi với quan chức địa phương, làm thơ xướng hoạ.

Ngày Trùng Dương mồng 9 tháng Chín, phái đoàn đến Chương Đức (彰德) và ghé ngang Lạc Đình, thưởng tuyết ở Trác Châu, quay lại chùa Hưng Long để từ biệt thiền sư Liên Thành, thăm lầu Nhạc Dương và cung điện cũ của vua nước Việt rồi xuống thuyền trở về Quảng Tây.

Ngày 27 tháng Mười, theo lời tâu của Tôn Vĩnh Thanh thì Nguyễn Quang Hiển đã đến Quế Lâm và được tiếp đãi khá trọng thể. Phái đoàn nghỉ lại một ngày sau đó theo đường thuỷ đến Ngô Châu và được quan lại nhà Thanh lưu lại đến gần 10 ngày để thăm 8 nơi thắng cảnh danh tiếng. Sau đó Tả Giang đạo Thang Hùng Nghiệp và phó tướng Đức Khắc Tinh Ngạch đưa tất cả về nghỉ lại công quán phủ Thái Bình.

Ngày 12 tháng Một, Ngô Văn Sở và Nguyễn Văn Danh đưa các vệ sĩ và chuẩn bị long đình đến đón ở Nam Quan. Cũng dịp này, Ngô Văn Sở lại nhờ quan nhà Thanh tâu lên để ông được cùng với quốc vương tới kinh đô vào năm sau.
 
Thông tin thớt
Đang tải
Top