[Funland] Việt Thanh chiến dịch - Nguyễn Duy Chính

Hươngquê73

Xe tăng
Biển số
OF-374797
Ngày cấp bằng
23/7/15
Số km
1,362
Động cơ
256,850 Mã lực
BÁN CÔNG KHAI

Việc nước ta trao trả tù binh có thể coi là một đại công của Tôn Sĩ Nghị, một thắng lợi ngoại giao quan trọng khai mở một lối giải quyết mà Quân Cơ Xứ về sau coi như sáng kiến từ triều đình. Từ khởi đầu này, Tôn Sĩ Nghị, Tôn Vĩnh Thanh và Thang Hùng Nghiệp đã cùng với các phái đoàn nghị hoà của nước ta dựng thành một tiến trình lớp lang, thuận lý. Những lá thư có tính cách trách cứ, đổ lỗi, khiêu khích từ phía Đại Việt được huỷ đi và Thang Hùng Nghiệp được lệnh bí mật sang bàn tính một kế hoạch mà hai bên đều có lợi đưa đến những tin đồn ngoại sử.

Về phần nước ta, việc tỏ thiện chí có lẽ để đáp ứng một bảo đảm từ phía Thanh triều là chấm dứt việc ủng hộ vua Lê [mà họ cho biết là đang ở Trung Hoa], qua danh nghĩa “hưng diệt kế tuyệt” như lần trước. Trong tình hình lúc đó, bảo đảm như thế là biến chuyển quan trọng trong tiến trình nghị hòa nên vua Quang Trung đã ra lệnh trả tù binh trước khi Phúc Khang An sang tới nơi giúp cho viên tân tổng đốc không còn phải bận tâm đến việc rửa mặt cho vua Càn Long mả bắt tay ngay vào tiến hành nghi thức công nhận An Nam quốc vương.

Ngày 21 tháng Hai, vua Quang Trung cho Nguyễn Hữu Trù đưa lên biểu văn [đã gọt dũa lại cho phù hợp] cho quan nhà Thanh xem trước và hôm sau [22 tháng Hai] đưa lên Nam Quan 500 tù binh, bao gồm 300 binh lính và 200 phu dịch. Cùng lúc đó, vua Quang Trung ra lệnh cho trấn thủ Lạng Sơn chuẩn bị lễ lạc và tiệc mừng, đánh dấu một thắng lợi trong tiến trình đàm phán. Sau lần trả tù binh lớn này, nước ta còn trả thêm lần thứ hai gồm 39 người, lần thứ ba 28 người và lần thứ tư 18 người nữa. Để đáp lại, nhà Thanh cũng trả về nhóm Chu Đình Lý 7 người khi đó đang bị giam ở huyện Sùng Thiện, phủ Thái Bình, tỉnh Quảng Tây.

Việc hai bên trao trả tù binh có thể coi như thời điểm kết thúc thái độ đối nghịch để chuyển sang thời kỳ đàm phán về nghi lễ. Vai trò của Tôn Sĩ Nghị cũng chấm dứt để Phúc Khang An ra mặt bước vào bàn hội nghị.
 

Hươngquê73

Xe tăng
Biển số
OF-374797
Ngày cấp bằng
23/7/15
Số km
1,362
Động cơ
256,850 Mã lực
CÔNG KHAI HOÁ VIỆC ĐÀM PHÁN

Sau khi tù binh đã được trả về, các quan nhà Thanh đã bằng lòng chuyển biểu văn lên Yên Kinh nhưng còn đợi Phúc Khang An đến nơi sẽ chủ trì.

Đầu tháng Ba năm Càn Long 54, Phúc Khang An đến Quí Huyện thuộc Quảng Tây, nhận ấn triện tổng đốc xong, đến ngày 12 [tháng Ba] đến Nam Ninh, trên đường vừa đi vừa thăm dò tình hình. Ngày 16 tháng Ba, Phúc Khang An đến Trấn Nam Quan, gặp những nhân vật đã có kinh nghiệm trực tiếp đối phó với vấn đề, chủ yếu là tiền tổng đốc Tôn Sĩ Nghị, tuần phủ Quảng Tây Tôn Vĩnh Thanh, đề đốc Hải Lộc [thay thế Hứa Thế Hanh] mà trong hai tháng qua đóng bản doanh ở đây. Là người thân của vua Càn Long được chỉ thị mật nên Phúc Khang An đã có sẵn một kế sách hợp với tâm nguyện của hoàng đế.

kết quả ban đầu

Ngay khi vừa đến Trấn Nam Quan, họ Phúc đã tâu lên:

Ngày 16 tháng Ba thần đến Trấn Nam Quan, phủ thần Tôn Vĩnh Thanh đóng ở Thụ Hàng[受降] thành cách cửa quan 90 dặm còn tổng đốc tiền nhiệm Tôn Sĩ Nghị đến đón thần về mạc phủ [幕府] doanh cách cửa quan 20 dặm còn đề thần Hải Lộc thì đã đến đóng ở cửa quan trước sau cùng thần tiếp kiến báo cáo đại khái tình hình biên quan.

An Nam ở nơi hẻo lánh nóng nực, xưa nay người man tranh giành với nhau, chinh chiến không dứt. Hiện nay thổ tù Nguyễn Huệ cùng họ Lê tranh chấp, quân ta kể tội đánh dẹp, y cũng không chịu cúi đầu trước quân doanh, đến khi ta toan triệt binh khỏi Lê thành thì xảy ra chuyện sơ sót ngoài ý muốn, thật gã tù trưởng kia đắc tội với thiên triều chứng cớ rành rành.

Hoàng thượng ngự vũ mấy chục năm qua, bình định Tân Cương, Hồi bộ, đại tiểu lưỡng Kim Xuyên, tiễu trừ Hồi phỉ ở nội địa, nghịch tặc ở Ðài Loan, công lao phong phú, sự nghiệp lẫy lừng vượt quá cổ kim. Nay mảnh đất An Nam nhỏ bé, cất tay lên đánh dẹp, thu làm quận huyện thì có khó gì.

Thần nhiều đời thụ ơn nặng, mấy lần được bổ nhiệm, việc hành quân trước nay chưa từng khiếp sợ chút nào. Tình hình hiện nay nếu cần dụng binh ắt cũng xin tâu lên điều động quân đội, trưng dụng lương hướng đại cử xuất quan đâu có gì mà phải rụt rè, đến kẻ văn nhược thư sinh Tôn Sĩ Nghị còn dám dẫn quân tiến vào không lẽ thần lại không bằng hay sao?

Có điều địa phương nước này, từ bắc xuống nam 3000 dặm, từ đông sang tây 2000 dặm, trình trạm rất nhiều việc đưa quân đi không thể nhanh được mà nói chung trong khí hậu bốn mùa chỉ có ba tháng mùa đông là chướng lệ không nổi lên, còn xuân hạ thu tam quí ắt sương độc dày đặc không thể bị nhiễm chẳng khác gì Miến Ðiện. Nếu như đại cử hưng sư, muốn cho vạn toàn vô sự thì việc quân lữ phải làm sao ấn định ngày giờ, nếu trong ba tháng không xong thì khi vừa giao xuân, chướng khí bốc lên, triệt binh thì bao nhiêu công lao trước đều bỏ hết, để quân lại thì thương vong ắt là nhiều.

Việc An Nam không nên dụng binh, không chỉ vì địa lợi bất tiện, nhân sự bất hiệp mà đến thiên thời cũng giới hạn, từ trước đến nay chưa từng thành công cũng vì lẽ đó. Nay Nguyễn Huệ có oán thù với họ Lê để đến nỗi phải khó nhọc đến quân ta, tốn phí lương hướng.

Thế nhưng khi đại binh tiến quan chưa bao lâu, gã tù trưởng đó đã mấy bận xin hàng, thật rõ là trước kia tuy có kháng cự thật nhưng về sau thành tâm thần phục. Trong biểu văn y xưng là kẻ áo vải đất Tây Sơn không có ý định chiếm nước của người khác, lại nói rằng tuy bên ngoài tưởng như kháng cự nhưng thực ra không dám đắc tội với thiên triều. Thế nhưng dẫu có hàm hồ chối tội nhưng chưa nói ra được việc quả không kháng cự cho minh bạch nên lúc này chưa tiện đệ lên lời thỉnh cầu.

Hiện nay gã tù trưởng kia đã gọi bọn di mục Nguyễn Hữu Trù quay về Lê thành không còn ở lại gần biên giới để nghe ngóng nữa. Thần đã đến cửa quan khảo sát tình hình, lại cùng bọn Tôn Sĩ Nghị cật lực suy tính tuân theo thánh chỉ trước đây viết một hịch văn ra lệnh cho Tả Giang đạo Thang Hùng Nghiệp cho gọi thông sự đến cửa quan giao cho họ ra lệnh phải mau mau đưa đến Lê thành cho Nguyễn Huệ xem để y tự thẩm định đâu là phúc, đâu là họa mau mau trả lời.

Thần lại [làm việc] cùng Thang Hùng Nghiệp vốn ở Việt Tây lâu năm được người di tín phục. Trước đây Nguyễn Huệ ba lần tiến biểu, Tôn Sĩ Nghị cũng đều ra lệnh cho y cùng người bên kia đối đáp. Vì thế thần đã ra lệnh [cho y] gọi bọn Nguyễn Hữu Trù đến cửa quan để nói chuyện tận mặt với họ, hỏi về lý do tại sao trước đây Nguyễn Huệ và họ Lê tranh chấp, đến khi quân ta xuất quan rồi sao không đến trước quân môn tạ tội, sau đó quay lại Lê thành quấy nhiễu, có thực dám chống lại thiên triều hay chỉ muốn kiếm họ Lê để gây hấn rồi lỡ lầm giết cả quan binh, lúc này kịp có hối tội thì hãy viết tờ bẩm trình bày mọi việc cho rõ ràng, tình nguyện qui phục rồi đưa đến cửa quan.

Nguyễn Huệ khi nhận được hịch văn này và những lời của viên đạo kia chuyển lại thì ắt hiểu rằng thần đã đến cửa quan, sẽ phải đi theo từng bước. Nếu gã tù trưởng kia thiết tha nạp khoản, thần sẽ theo các dụ chỉ trước sau tùy theo mỗi việc mà trù biện, tâu lên xin huấn thị rõ ràng.

Thần đến cửa quan lo liệu mọi việc, thấy Nam Quan này đứng nổi lên trong hàng vạn quả núi, tình thế hiểm tuấn, bên trong có Chiêu Ðức Ðài[昭德臺] là nơi cống sứ An Nam tiến quan hành lễ, hiện có đề thần Hải Lộc đóng binh trấn giữ. Binh đinh đóng tại cửa quan này cũng như các quan ải khác nay đã đến đầy đủ, Hải Lộc ngày nào cũng đi các nơi tuần tra, kiểm điểm khí giới, ra lệnh cho các nơi tập luyện bắn súng, trên các quan ải cắm cờ xí, đắp xây tường lũy để cho xa gần trong ngoài biết rằng đã có thêm quân mới đến nơi.

Thần cũng đã gửi nghiêm hịch dụ cho binh đinh các ải, một mặt thao luyện kỹ thuật, một mặt phòng thủ truyền tin, thần sẽ lần lượt tuần tra qua lại các nơi. Thần từ khi đến cảnh giới đất Việt đến nay, chỗ nào cũng hỏi han. Năm trước dụng binh ở Ðài Loan đều có trưng điệu đến Lưỡng Việt, sau lại đến việc của An Nam, quân đội lương hướng điều động mấy lần, Việt Ðông [Quảng Đông] tương đối trù phú nên việc cung ứng không đến nỗi ta thán, còn Việt Tây [Quảng Tây] thì dân nghèo đất xấu không có của ăn của để nên khi đưa quân đi và vận chuyển lương thực toàn dựa vào sức của dân, làng mạc đốc thúc việc công không khỏi khốn khó.

Từ khi điều binh đến Trấn Nam Quan tháng Bảy năm ngoái, binh phu rất nhiều người bị nhiễm chướng bệnh bỏ mình, mùa đông xuất sư, binh lính, phu phen người Hán theo quân xuất quan nghe nói không dưới bốn, năm vạn người. Ðến chiến dịch Lê thành, số thương vong không phải là ít. Nói chung hành quân một vạn, số người vận tống quân trang lương hướng hỏa dược đạn hoàn, cùng là sắp đặt đài trạm phải cần đến vài vạn phu phen. Cứ số lượng mang vác của mỗi mười người phu thì lại phải mộ thêm vài người để dễ dàng phân chia ra thành thử số phu dùng càng nhiều.

Năm trước Tôn Vĩnh Thanh đã tâu lên rằng nếu muốn đưa đại binh đi thì phải dùng đến mười vạn dân phu, ấy là chỉ ước tính tổng quát chứ cứ theo như tính toán của thần thì phải đến vài chục vạn mới đủ. Còn như cần cả các tỉnh khác hiệp tế thì việc rất khó khăn, không nói gì hiện giờ mùa xuân chướng khí rất nặng không thể nào hành quân được, mà đã sử dụng thì phải hai bên tiến quân cùng phải trù hoạch nếu theo cách thức trước đây đốc thúc dân phu thật khó mà làm cho hết sức.

An Nam là nơi chướng lệ, đúng như thánh dụ, cũng ác liệt không khác gì Miến Ðiện, không thể đem binh mã tiền lương của quốc gia dễ dàng ném vào đấy. Từ khi triệt binh Miến Ðiện đến nay đã bế quan khước cống hơn hai mươi năm, các tù mục xứ ấy chẳng ai dám đến gần biên cương gây sự vì thiên uy vang dậy nên tự thần phục lâu nay. Năm trước [Miến Ðiện] gõ cửa quan xin nội phụ, thành khẩn xin nạp cống không phải mệt đến sức của một người lính nào. Nay việc của An Nam, đại lược cũng giống như thế, Nguyễn Huệ chắc không dám vọng tưởng dòm ngó quấy nhiễu biên cương, đến nay đã mấy lần gõ cửa khất hàng. Vậy nên liệu chừng nuôi dưỡng quân uy nhưng không cần phải đại cử hưng sư, làm mệt nhọc tốn phí thêm một lần nữa
 

Hươngquê73

Xe tăng
Biển số
OF-374797
Ngày cấp bằng
23/7/15
Số km
1,362
Động cơ
256,850 Mã lực
Luận giải của Phúc Khang An trong tờ tấu thư này có thể xem như chuyển biến rõ rệt về việc nhà Thanh từ bỏ chủ trương tái động binh và tiến hành việc hướng dẫn sao cho nước ta thần phục êm đẹp nhất. Khi mọi việc đã ổn thỏa, Phúc Khang An mới sai Thang Hùng Nghiệp thông báo cho nước ta rằng tổng đốc Lưỡng Quảng tân nhiệm đã tới và dự kiến sẽ mở cửa tiếp sứ bộ An Nam ngày 28 tháng Ba. Cũng trong thời gian chờ đợi, Phúc Khang An tiếp tục tra hỏi những người vừa mới về được và theo ông ta thì họ sở dĩ chậm trễ vì “bị thương không đi được hay lạc đường” và Nguyễn Huệ không những không làm hại mà còn “ra lệnh cho người di trên đường cho chỗ ăn ở và cấp lộ phí, cho người đưa về” nên nếu không phải là lúc chẳng nên tính chuyện binh đao thì lúc này cũng không cần phải dùng binh nữa.

Ngày hôm đó, hơn 20 người phái đoàn nước ta đem theo bò rượu gạo thóc gọi là lễ tương kiến để tỏ thiện chí muốn nghị hoà. Đến giờ Tỵ, nhà Thanh mở cửa quan, chánh sứ nước ta Nguyễn Hữu Trù, giáp phó sứ Vũ Huy Tấn [Phác], ất phó sứ Nguyễn Ninh Trực và tuỳ tòng qua Nam Quan.

Theo báo cáo của Phúc Khang An thì:

…Thần Phúc Khang An vào ngày 16 tháng Ba đến Trấn Nam Quan liền ra lệnh cho Tả Giang đạo Thang Hùng Nghiệp truyền gọi di mục An Nam Nguyễn Hữu Trù đến cửa quan nghe dụ. Di mục đó nghe tin, lập tức từ Lê thành bất kể ngày đêm chạy đến, tới Lạng Sơn liền sai thông sự đến để thỉnh thị, hỏi xem hôm nào đến cửa quan. Trong tờ bẩm đề là ba người Nguyễn Hữu Trù, Vũ Huy Tấn, và Nguyễn Ninh Trực. Thần liền sức cho Thang Hùng Nghiệp bảo cho họ ngày 28 đến cửa quan để nghe dụ tận mặt.

Bọn thần nghĩ rằng những di mục này trở về Lê thành, cách cửa quan năm sáu trăm dặm, giữa đường lại cách bức Lạng Sơn, Thọ Xương, Thị Cầu, Phú Lương các sông, vừa nghe gọi đến, Nguyễn Huệ lập tức sai họ đi ngay, đủ biết ngày ngày trông ngóng tin tức thiên triều, khiếp sợ cung cẩn do bụng chí thành.

Bọn thần ra lệnh cho Thang Hùng Nghiệp tiếp kiến các di mục này ở Chiêu Ðức Ðài bên trong cửa quan. Ngày 28, giờ Tị bọn viên mục Nguyễn Hữu Trù dẫn thông sự cùng tùy tòng tất cả hơn 20 người đến quan, lại sửa soạn bò, gạo, dầu, miến các vật tặng cho Thang Hùng Nghiệp làm lễ kiến diện nhưng liền trả lại không nhận rồi cho gọi bọn Nguyễn Hữu Trù ba người cùng một thông sự tiến quan, số còn lại bắt đợi ở ngoài quan.

Bọn Nguyễn Hữu Trù đến trước đài làm lễ tam quị cửu khấu [ba lần quì, chín lần rập đầu là lễ bái yết hoàng đế]rồi quay sang hành lễ với Thang Hùng Nghiệp.

Phái đoàn nước ta qua ải vào Chiêu Ðức Ðài (đối xứng với Ngưỡng Ðức Ðài thuộc Lạng Sơn) và được Thang Hùng Nghiệp và quan lại nhà Thanh tiếp đón. Như nghi thức, một khi vào đất Thanh, sứ bộ nước ta hướng về phương bắc làm lễ [tượng trưng] tam quị cửu khấu trước hoàng đế sau đó mới ra mắt quan nhà Thanh.
 

Hươngquê73

Xe tăng
Biển số
OF-374797
Ngày cấp bằng
23/7/15
Số km
1,362
Động cơ
256,850 Mã lực
Theo Lịch Triều Tạp Kỷ, trong lần này Phúc Khang An gửi một hịch dụ cho đòi Nguyễn Quang Bình phải đích thân đến Nam Quan tạ tội. Ngày 29 tháng Ba tờ hịch đó được chuyển về Thăng Long cho vua Quang Trung.

Việc thay đổi từ dự định tiếp phái bộ nước ta 20 người sang việc chỉ tiếp ba người và không nhận lễ vật cho thấy Phúc Khang An không bằng lòng với sắp xếp trước đây và muốn thêm những thủ tục khác cho “xứng tầm” với vị thế một võ tướng trong lớp áo văn nhân, hơn hẳn Tôn Sĩ Nghị chỉ là một nho sĩ thường. Trong tờ biểu gửi vua Càn Long khi mới đến Nam Quan ông ta có viết:

[…] Thần nhiều đời thụ ơn nặng, mấy lần được bổ nhiệm, việc hành quân trước nay chưa từng khiếp sợ chút nào. Tình hình hiện nay nếu cần dụng binh ắt cũng xin tâu lên điều động quân đội, trưng dụng lương hướng đại cử xuất quan đâu có gì mà phải rụt rè, đến kẻ văn nhược thư sinh Tôn Sĩ Nghị còn dám dẫn quân tiến vào không lẽ thần lại không bằng hay sao?

Trước đây khi chiến tranh với Miến Điện, vấn đề hậu chiến khó xử nhất cho Thanh triều là Miến vương nhất định không giao trả tù binh. Thế nhưng khi Phúc Khang An đáo nhậm Quảng Tây thì việc trao đổi tù binh đã hoàn tất nên đánh mất một cơ hội để chứng tỏ uy thế. Phúc Khang An liền chuyển sang gây sức ép về việc phong vương và cho rằng mình là người thanh vọng lớn có thể bắt nước ta hàng phục một cách vinh quang.

Để ra oai, Phúc Khang An hoãn việc gửi biểu cầu phong đúng một tháng để đòi vua Quang Trung đến Nam Quan khi đó y sẽ dàn xếp để đưa đến Thụ Hàng Thành – nơi đã có sẵn một lễ đài đồ sộ – và việc tiếp biểu trở thành lễ thụ hàng giống như Mao Bá Ôn đòi Mạc Đăng Dung “xin hàng” đời Minh. Phúc Khang An không đánh giá được tư thế của nước ta và chắc cũng chưa được đọc những lá thư gửi cho Thang Hùng Nghiệp nên vẫn tưởng uy tín “hão” của ông ta sẽ làm triều đình Tây Sơn phải e ngại.

Ngoài việc đòi vua Quang Trung lên Nam Quan, Phúc Khang An cũng bắt nước ta phải thêm vào cống vật hai con voi đã thuần hoá. Sở dĩ chúng ta biết được những đòi hỏi đó là vì vua Quang Trung đã minh thị bác khước những đòi hỏi này trong lá thư gửi lên Phúc Khang An cuối tháng Tư.
 

Hươngquê73

Xe tăng
Biển số
OF-374797
Ngày cấp bằng
23/7/15
Số km
1,362
Động cơ
256,850 Mã lực
Vai trò Nguyễn Quang Hiển

Sự xuất hiện của Phúc Khang An đưa đến một số thay đổi trong tiến trình đàm phán. Trước đây việc trao trả tù binh được coi như mấu chốt từ chiến sang hòa. Khi việc trả người hoàn tất, triều đình nhà Thanh đã sẵn sàng tiến sang bước thứ hai là thay đổi từ công nhận nhà Lê sang công nhận nhà Tây Sơn. Việc hoạnh hoẹ của Phúc Khang An khiến cho nước ta cũng tương kế mà đổi kế hoạch.

Ngày mồng 6 tháng Tư năm Kỷ Dậu, Hô Hổ Hầu Nguyễn Hữu Trù – khi ấy là chánh sứ hầu mệnh – gửi cho Thang Hùng Nghiệp một bức thư riêng thông báo việc định ngày gặp Phúc Khang An, trong đó có đoạn như sau:

… Quốc trưởng nước tôi nhận được phong thư và lời dụ của ngài gửi đến biết rằng đại nhân có thịnh tình chiếu cố phát xuất tự chân thành đáng ra phải đích thân đến gõ cửa quan để tận mặt nghe lời chỉ bảo của thượng hiến.

Có điều nước vừa mới dựng, mọi việc chưa an định, chưa có lúc thảnh thơi nên không thể rời xa quốc thành. Vì thế nên đã uỷ cho người thân là Nguyễn Quang Hiển đi cùng với phái đoàn để thay mình đến cửa quan thay mặt thi hành lễ yết kiến, trước sau cũng một ý đó, không hề có chỗ nào tính toán gì.

Nhưng vì đường sá nhiều suối lắm hang, nước mưa dâng cao khó mà đi lại, đi về không khỏi chậm trễ, ước chừng trong khoảng 15, 16 tháng này mới có thể đến được trấn thành Lạng Sơn. Cho nên bẩm lên trước như thế.

Nghe tin triều đình Tây Sơn nhượng bộ và thông báo sẽ đưa một nhân vật quan trọng lên Nam Quan tiếp xúc khiến cho quan lại nhà Thanh chấn động. Phía Trung Hoa cũng báo về triều là họ nghe tin chuẩn bị công quán, đường sá, dân phu … suốt dọc đường từ Thăng Long lên đến Lạng Sơn và phái đoàn có thể lên đến hàng trăm khiến cho chính quan lại nhà Thanh vừa ngạc nhiên, vừa khấp khởi. Phía nước ta cũng nói rằng đây là một nhân vật rất quan trọng để chứng tỏ trước sau một lòng, tuy đại do thân (thay mặt nhưng cũng như chính mình) của vua Quang Trung.

Tháng Ba năm Kỷ Dậu, trấn thủ Lạng Sơn được lệnh chuẩn bị lễ vật tiếp kiến gồm hai con trâu và một gánh gạo. Nguyễn Quang Hiển cùng Hô Hổ Hầu Nguyễn Hữu Trù và Vũ Huy Tấn đem một biểu văn [ gửi vua Càn Long], hai tờ bẩm [gửi Phúc và Thang] giao cho Thang Hùng Nghiệp rồi chờ ở Lạng Sơn đến hạn đưa phái đoàn sang để gặp mặt và nhờ tổng đốc Lưỡng Quảng tân nhiệm chuyển tấu.
 

Hươngquê73

Xe tăng
Biển số
OF-374797
Ngày cấp bằng
23/7/15
Số km
1,362
Động cơ
256,850 Mã lực
Lá thư vua Quang Trung gửi Thang Hùng Nghiệp còn ghi lại trong Lịch Triều Tạp Kỷ như sau:

Nghe rằng đại hoàng đế mới phái đại thần Gia Dũng Công xuống giữ nhiệm vụ tổng đốc Lưỡng Quảng. Bộc ở nơi xa xôi từng nghe Gia Dũng Công danh tiếng bao la, uy vọng vòi vọi là người rất được đại hoàng đế ngó xuống.

Nay đến đây trông coi toàn cõi Việt [tức Quảng Đông, Quảng Tây], quang lâm Nam Quan, ắt sẽ thể theo đức nhân vỗ về kẻ xa, nuôi nấng kẻ yếu của đại hoàng đế để phủ tuy hạ ấp. Bộc trước nay chưa từng được đệ lòng thành kính lên, ắt sẽ có cơ giãi bày nên cũng muốn đến cửa quan gõ cửa khẩn cầu ân điển để đợi chỉ của đốc hiến.

Có điều bang gia mới dựng, không được thư nhàn, lúc này không thể rời xa quốc thành nên kính cẩn soạn một bẩm văn sai cháu ruột là Nguyễn Quang Hiển đến cửa quan thay tôi cung kính hành lễ, đợi xem cân nhắc thế nào. Việc đổi thay của bản quốc bên trong có nhiều điều khúc mắc nhưng bộc lòng thành uý thiên sự đại cũng mong được tôn đài thể tất cho mà cố sức thành toàn, bẩm lên thượng hiến, cùng là chỉ vẽ cho hành giới nước tôi lễ nghi yết kiến và thuật rõ quốc tình mong được chấp thuận tâu lên thánh thượng để được thiên triều yêu thương mà cho liệt vào hàng phiên hàn thì thật hân hoan không sao kể xiết.

Thuận theo cách thức nặng phần trình diễn của nhà Thanh, nước ta cũng thông báo sứ bộ cầu phong do Hô Hổ Hầu Nguyễn Hữu Trù, Vũ Huy Tấn, Nguyễn Ninh Trực làm chánh và giáp ất phó sứ sẽ đi chung với phái đoàn do Nguyễn Quang Hiển thay mặt vua Quang Trung sang triều kiến vua Càn Long.
 

Hươngquê73

Xe tăng
Biển số
OF-374797
Ngày cấp bằng
23/7/15
Số km
1,362
Động cơ
256,850 Mã lực
Một trong những tiêu chuẩn qui định trong Đại Thanh Hội Điển là tùy theo mức độ quan trọng mà ấn định số người đi trong phái đoàn. Theo Đại Thanh Hội Điển chỉ một phái đoàn do phiên vương đến bệ kiến mới lên tới con số 60 người. Bình thường, những sứ bộ triều cống, tạ ân … chỉ trong khoảng 20-30 người [có khi ít hơn] mà thôi. Mỗi phái đoàn tùy theo đẳng cấp địa vị mà được tiếp đón với cung cách khác nhau. Lần này tổng cộng hai phái bộ (cầu phong và triều cống) lên đến gần 70 người, đông hơn bất cứ một sứ đoàn ngoại quốc nào từ trước đến nay.

Ngày 29 tháng Tư, lúc giờ Dần, tổng đốc Phúc Khang An ra lệnh cho tướng sĩ trấn thủ ở Nam Quan dàn đội ngũ, dựng cờ quạt rồi bày hương án ở Chiêu Ðức Ðài để làm lễ tiếp nhận biểu văn. Sau nghi lễ long trọng mở cửa quan, Thang Hùng Nghiệp mời Nguyễn Quang Hiển cùng 6 viên chức của sứ bộ nước Nam [chánh sứ Nguyễn Hữu Trù, phó sứ Vũ Huy Tấn], thêm một thông ngôn và 60 tuỳ tòng, tổng cộng 68 người qua Trấn Nam Quan.

Ðến giờ Thìn, Thang Hùng Nghiệp đưa phái đoàn vào Chiêu Ðức Ðài nơi đây có Phúc Khang An đợi sẵn bước ra nghênh tiếp. Phái đoàn nước ta đem theo một phó bản biểu văn của vua Quang Trung gửi lên Thanh triều bằng lòng nạp khoản [納款] kèm theo vàng bạc và phương vật. Biểu văn như sau:

Dịch nghĩa

Thần là tiểu mục nước An Nam Nguyễn Quang Bình mạo muội kính cẩn đem tấm lòng thành tâu lên mong đại hoàng đế bệ hạ (là bậc) thụ mệnh sáng như trời, vua của vạn quốc, ở trên ngôi báu đã trên năm mươi năm, hồng ân rải khắp mọi nơi Hoa cũng như Di đều được thấm nhuần, (cả đến) nước An Nam của thần tuy ở chỗ viêm nhiệt xa xôi cũng từng được tắm gội, (xin) lấy đức lớn mà nghe cho.

Hai trăm năm qua, quốc vương họ Lê (nước tôi) mất quyền khiến cho quyền thần họ Trịnh coi giữ việc nước, đến vua trước là Lê Duy Ðoan tuổi già, phụ chính họ Trịnh hèn yếu, binh kiêu dân oán, khiến người trong nước chia rẽ ngả nghiêng. Thần là kẻ áo vải đất Tây Sơn (vì thế) phải tuỳ thời mà dấy lên, mùa hạ năm Bính Ngọ, hưng binh diệt họ Trịnh, trả lại nước cho họ Lê.

Trong năm đó tiền vương tạ thế, thần lại đưa tự tôn là Duy Kỳ lên nối ngôi. Duy Kỳ là người dâm bạo, không lo quốc chính, mối giềng lỏng lẻo bên trong, lân bang gây hấn ở bên ngoài, chỉ lo hãm hại trung lương, giết người trong họ, người trong nước cũng như bầy tôi đều chạy về với thần, xin xuất binh trừ loạn.

Thần vẫn biết rằng nước đây đã được thiên triều sách phong, đâu dám tự ý phế lập. Mùa đông năm Ðinh Mùi mới sai một tiểu tướng đem binh ra hỏi tội bọn tả hữu dám giúp cho kẻ Kiệt kia, hay đâu Duy Kỳ mới nghe tiếng đã bỏ chạy, tự mình làm khổ mình. Ðến mùa hạ năm Mậu Thân thần đến Lê thành, đưa con của vua trước là Duy Cẩn trông coi việc thờ tự và giám quốc, rồi sai người sang gõ cửa quan trình bày mọi việc trong nước.

Khi đó người biên thần (chỉ Tôn Sĩ Nghị) lại trả lại thư, đuổi sứ về, không chịu đề đạt lên. Mùa đông năm ngoái y lại điều động đại binh, xuất quan qua đánh, thần ở xa nghe tin, tự nghĩ xưa nay một lòng kính sợ thiên triều, định đem tấc lòng giãi bày lên trên, nên mới bảo vương tử Lê Duy Cẩn và thần dân gõ cửa trình ba bẩm văn, ngờ đâu đại binh tiến thẳng đến Lê thành, giết binh trấn giữ nhiều vô số kể.

Thần chẳng biết tiến thoái ra sao, việc đó chính là do Lê Duy Kỳ không biết tính toán, nên đến ngày mồng năm tháng giêng năm nay tiến đến Lê thành, đâu có dám chống cự lại quan binh. Thế nhưng quan binh tàn sát quá lắm, thế không thể thõng tay chịu trói nên đành chống trả. Việc đó cũng khiến cho thần sợ hãi nên đã đem những kẻ dám đối địch chính pháp cả rồi.

Cũng mong đại hoàng đế theo mệnh trời hành hoá, tài bồi cho kẻ ngả nghiêng, thuận theo tự nhiên, tha thứ cho kẻ man di không biết, thấu cho lòng thành của kẻ cầu xin được chăn dắt ở một cõi mà để cho thần được đứng chắn một phương, làm chư hầu tuân phục thì mọi sự được thống nhiếp, dân chúng được yên ổn làm ăn, cũng đều do đức nhân của đại hoàng đế ban cho cả.

Thần nguyện triều cống theo lệ nước phiên, dâng biểu chí thành, hướng về phương bắc, không khỏi cảm kích trông đợi mệnh lệnh kính cẩn dâng lên tờ biểu này.

– Cung kính đệ lên tiến vật gồm mười dật vàng, hai mươi dật bạc.

– Cung kính sai hai hành nhân là Nguyễn Hữu Trù, Vũ Huy Phác.

Càn Long năm thứ 54, tháng hai ngày…

Sau nghi lễ tương kiến, chánh sứ Nguyễn Hữu Trù đứng ra trao biểu văn, tổng đốc Lưỡng Quảng thay mặt Thanh đình tiếp nhận.

Sau đó phía nhà Thanh mở đại tiệc khoản đãi sứ bộ, đích thân Phúc Khang An bồi tiếp Nguyễn Quang Hiển. Trong câu chuyện ngoài lề, Nguyễn Quang Hiển cũng cho hay những kẻ phạm tội sát hại các tướng lãnh nhà Thanh đã bị xử tội rồi, Phúc Khang An nghe xong coi như việc đã giải quyết, đề nghị sau này không nhắc tới nữa, chỉ xin nước Nam lập cho một cái miếu, xuân thu cúng tế những binh sĩ nhà Thanh tử trận. Ðể chính thức hoá việc cầu phong, Nguyễn Quang Hiển sẽ thay mặt triều đình Quang Trung cầm đầu phái đoàn lên Bắc Kinh triều kiến.
 

Hươngquê73

Xe tăng
Biển số
OF-374797
Ngày cấp bằng
23/7/15
Số km
1,362
Động cơ
256,850 Mã lực
Lễ hoàn tất, phái đoàn nước ta trở về Lạng Sơn để đợi quyết định của hoàng đế nhà Thanh chấp nhận cho phái đoàn lên kinh đô chiêm cận. Hai bên cũng đồng ý giảm thiểu số quân trấn đóng tại biên giới. Phúc Khang An ra lệnh rút các đạo quân Quảng Ðông, Vân Nam đang ở Quảng Tây về doanh trại. Tôn Sĩ Nghị sau khi thua trận, thân thể hư nhược, bị bệnh phong thấp lúc đó đang nằm dưỡng bệnh nay cũng được lệnh cho về Nam Ninh nghỉ ngơi, còn Phúc Khang An cũng không còn phải chầu chực ở Trấn Nam Quan nữa. Nước ta cũng ra lệnh cho các đồn ải giảm bớt quân số.

Việc đàm phán nghị hoà đến đây đã xong, từ nay trở về sau chỉ là thủ tục. Các quan lo liệu việc giao thiệp với Trung Hoa thở phào nhẹ nhõm, và chính quan nhà Thanh cũng trút được gánh nặng mấy tháng qua. Dưới đây là bài thơ của Vũ Huy Tấn đã làm khi uống rượu với Tả Giang đạo Thang Hùng Nghiệp ở Nam Quan:

Dịch nghĩa

Ở gác Lưu Châu

Cùng Tả Giang đạo [Thang Hùng Nghiệp] ngẫu hứng ngâm

Núi Bảo Lâm ở cửa biên giới phía nam [tức Nam Quan]

Vẫn biết rằng thánh triều rộng rãi nuôi nấng kẻ bé nhỏ,

Sứ thần như chiếc cung đỏ treo mặt trăng lúc nhàn nhã.

Hạ quốc một lòng thành tâm quay về triều đình phương bắc,

Kẻ bề tôi bé nhỏ phải bảy lần gõ cửa Nam Quan.

Lượng như biển nên dung chứa được sự tầm thường,

Thiên tử chiếu xuống gần trong gang tấc.

Hôm nay có lòng giống như keo sơn,

Sẽ mãi mãi ghi tạc ơn lớn vào núi Bảo Lâm.

Chỉ trong vài hàng Vũ Huy Tấn cho chúng ta biết tuy thuận chèo mát mái, ông cũng phải lên xuống đến bảy lần để đàm phán với quan lại nhà Thanh.
 

Hươngquê73

Xe tăng
Biển số
OF-374797
Ngày cấp bằng
23/7/15
Số km
1,362
Động cơ
256,850 Mã lực
Tóm tắt

giai đoạn mật nghị không chính thức – tháng giêng đến tháng hai năm kỷ dậu

Trong thời gian này, quan nhà Thanh ở địa phương chưa nhận được chỉ thị chính thức từ triều đình nên yên lặng chờ biến chuyển và phản ứng của nước ta. Sau khi nhận được chỉ thị từ vua Càn Long, quan nhà Thanh tạo ra một mặt trận giả bằng cách tung tin Tôn Sĩ Nghị đã bị triệu hồi và Phúc Khang An sắp sửa tiết chế “chín tỉnh binh mã”, “tứ lộ giáp công”.

Vua Càn Long ra lệnh cho củng cố biên phòng và tìm kiếm nhóm vua Lê, các nhóm thổ hào và xưởng dân chạy sang Trung Hoa trước khi đưa ra một đường lối chính thức. Việc dung chứa những người An Nam lúc này ngoài lý do “đại nghĩa nước lớn” như họ thường rêu rao còn có mục đích xây dựng một lực lượng trừ bị để dùng đến khi cần.

Về phía nước ta, việc đầu tiên là cử một phái bộ lên Lạng Sơn trình bày nguyên do tranh chấp, đổ lỗi cho Tôn Sĩ Nghị đã vứt thư, khước sứ và chủ động gây khó khăn rồi nhờ quan địa phương làm trung gian để trình bày lên Thanh đình. Sau nhiều lần qua lại, Tôn Sĩ Nghị sai Thang Hùng Nghiệp liên lạc bắn tin cho triều đình Tây Sơn biết vua Lê và thân quyến hiện đang ở Trung Hoa như một áp lực ngầm ràng buộc những điều nhà Thanh đòi hỏi.

Kết quả: Tôn Sĩ Nghị bí mật xúc tiến việc giảng hòa và sai Thang Hùng Nghiệp liên lạc để yêu cầu trao trả tù binh như một thiện chí khai mở.

giai đoạn đàm phán bán công khai – tháng hai đến tháng ba năm kỷ dậu

Khi được tin triều đình An Nam cầu hoà, Thanh triều lập tức đưa ra những đòi hỏi cơ bản bao gồm phải trao trả những người bị bắt và sửa đổi lý do chiến trận thành một lỗi lầm kỹ thuật [Nguyễn Huệ đem quân ra chỉ để hỏi Tôn Sĩ Nghị tại sao động binh và bị bức bách phải giao chiến] và thêm một số nhượng bộ mang tính rửa mặt như đem những người giết tướng lãnh nhà Thanh ra chính pháp, lập đền thờ tướng sĩ trận vong …

Về phía An Nam, các nho sĩ được điều động để làm sứ giả con thoi giữa Thăng Long và Lạng Sơn chủ yếu là thay đổi ngôn từ cho thích hợp với yêu cầu của đối phương.

Kết quả: Nước ta tiến hành ba đợt trao trả tù binh và thuận tình thi hành một số yêu cầu đồng thời chuẩn bị cống lễ đưa sang Trung Hoa

giai đoạn công khai – tháng ba đến tháng tư năm kỷ dậu

Sau những kết quả ban đầu và việc hoà đàm đã đi đến chung cuộc, tân tổng đốc Lưỡng Quảng Phúc Khang An bấy giờ mới xuất hiện. Để phô trương quyền lực của mình, họ Phúc không chấp nhận việc một phái bộ Tây Sơn sang đưa biểu mà đòi vua Quang Trung đích thân lên Nam Quan xin hòa. Triều đình An Nam tương kế đưa một phái đoàn lớn do Nguyễn Quang Hiển dẫn đầu thay mặt vua Quang Trung sang Yên Kinh. Hành động này không những đáp ứng đòi hỏi của nhà Thanh mà ngược lại ép buộc đối phương phải tiếp đãi long trọng cho xứng đáng với danh vị “tuy đại do thân” của Nguyễn Quang Hiển.

Kết quả: Nhà Thanh đồng ý cho Nguyễn Quang Hiển thay mặt vua Quang Trung lên Bắc Kinh triều kiến nhưng vua Quang Trung chưa chính thức xác định sẽ tham dự lễ vạn thọ của vua Càn Long.

Thời gian hai bên đàm phán – từ lúc nước ta và Trung Hoa bắt đầu đặt vấn đề tái lập bang giao đến khi nhà Thanh chính thức chấp thuận phong vương cho vua Quang Trung chỉ khoảng hơn 2 tháng – một khoảng thời gian hiếm có trong giao thiệp giữa hai nước, nhất là việc truyền tin qua lại từ Nam Quan đến Bắc Kinh mỗi lần đi phải mất nửa tháng theo dịch trạm hỏa tốc.

Trong khoảng một tháng đầu, các quan nhà Thanh ở Quảng Tây chưa biết quyết định của triều đình ra sao nên ở trong tình trạng “đãi biến” [chờ xem thay đổi thế nào] và chỉ nhấn mạnh vào việc yêu cầu trả về số tù binh bị bắt. Quyết định bỏ vua Lê để công nhận Tây Sơn tuy tiến hành trong một thời gian ngắn nhưng thủ tục không hề đơn giản và vẫn theo đúng điển lệ vốn dĩ rất phức tạp của Trung Hoa.
 

Hươngquê73

Xe tăng
Biển số
OF-374797
Ngày cấp bằng
23/7/15
Số km
1,362
Động cơ
256,850 Mã lực
Chương III: công nhận Tây Sơn

TỪ ĐỐI ĐẦU ĐẾN ĐỒNG THUẬN

ĐẠI VIỆT

Một trong những ẩn số của cuộc chiến là ngay từ trước khi giao tranh vua Quang Trung đã tính toán một đường lối hoàn toàn khác với Miến Điện. Thay vì thách thức và bất cần, triều đình Tây Sơn biết rằng từ vị trí địa lý, liên quan kinh tế, văn hóa, lịch sử, chính trị đều không lợi nếu tiếp tục đối đầu, chi bằng nhân cơ hội đang có thế thượng phong mà cầu hòa thì sẽ tránh được một xung đột tốn phí và dai dẳng. Nguyễn Huệ [nay được dùng dưới cái tên chính thức là Nguyễn Quang Bình] đã để ngỏ ba cánh cửa làm tiền đề cho đàm phán hậu chiến:

– Thứ nhất, ông giới hạn việc truy sát chỉ tới bờ phía nam sông Nhị dẫu có sử dụng một số thuỷ quân theo đường biển vào các cửa sông phá hoại và tiêu huỷ các đài trạm của quân Thanh từ Thăng Long đến Lạng Sơn đề phòng quân địch sẽ lập một phòng tuyến mới sau khi rút khỏi kinh đô. Chính vì thế, quân Thanh đã vượt sông Nhĩ Hà đều toàn mạng nên không ghi nhận một trận đánh nào khác sau khi họ tháo chạy.

– Thứ hai, Nguyễn Quang Bình đã chuẩn bị sẵn những phái đoàn nghị hoà ngay khi chiến tranh vừa chấm dứt. Vừa tái chiếm Thăng Long, việc đầu tiên vua Quang Trung xúc tiến là tìm kiếm và kêu gọi giới sĩ phu ra cộng tác với tân triều, không những không một ai bị trừng phạt mà còn được giao ngay công tác tối quan trọng là “lấy ngọc lụa thay gươm giáo, chuyển binh mã thành gặp gỡ áo xiêm”.

– Để tạo cơ sở ngoại giao, vua Quang Trung cũng tổng kết số lượng quan quân nhà Thanh bị bắt nay đã được tập trung sinh sống riêng một nơi. Theo lời cung khai của tù hàng binh khi về nước thì họ không bị ngược đãi mà được đối xử tương đối chu đáo. Nước ta cũng đệ lên các tài liệu biện minh cho việc bất đắc dĩ phải dấy động can qua trong đó có các tờ hịch khiêu khích của Tôn Sĩ Nghị và văn thư diễn tiến việc cầu hoà trước đây để trút trách nhiệm cho đối phương.

Trong tiến trình đàm phán, nhà Thanh đã dàn ra một vở kịch lớn để từ từ xoá đi nỗi nhục bại trận với nhiều tướng lãnh cao cấp tử thương. Vở kịch đó hoàn hảo đến nỗi nhiều sử gia Trung Hoa – cả đại lục lẫn Đài Loan –vẫn nhấn mạnh vào việc nước ta cầu hoà (mà họ gọi là khất hàng) được Thanh triều chấp thuận mặc dù trên ngôn từ ngoại giao, cầu hòa không đồng nghĩa với khiếp nhược.
 

Hươngquê73

Xe tăng
Biển số
OF-374797
Ngày cấp bằng
23/7/15
Số km
1,362
Động cơ
256,850 Mã lực
TRUNG HOA

Tháng Hai (năm Kỷ Dậu), Phúc Khang An có tâu lên như sau:

[…] Thần lần này đến đây, ắt phải lấy việc nuôi nấng quân uy, giữ gìn quốc thể làm trọng. Còn như bọn Nguyễn Huệ nghe tin nội địa bốn mặt cùng đánh, thế ắt sợ hãi phải gõ cửa quan [cầu khẩn]. Thần lúc đó không dễ dàng nhận lời thỉnh cầu đợi đến khi sợ quá hoá thương, lúc ấy cứ theo tình mà tâu lên rõ ràng…

Ngày Tân Tị (24 tháng Ba) triều đình nhà Thanh nhận được tấu thư của Phúc Khang An trên đường đến Nam Quan có đoạn nguyên văn như sau:

… Thần đi đến huyện Quí thuộc tỉnh Quảng Tây nhận triện tổng đốc, trên đường xem xét kỹ càng An Nam động tĩnh ra sao. Cứ theo sự tình mà luận đoán, Lê Duy Kỳ bỏ ấn chạy trốn, hẳn chỉ là một đứa trẻ u mê, không đáng để phải thương xót. Trong nước đó lại không có người muốn ủng hộ chủ cũ. [Còn như] Nguyễn Huệ muốn kêu gọi dân chúng, ắt phải trông vào danh nghĩa của thiên triều, [cho nên] việc sợ hãi khép nép hẳn không phải là giả dối. Có điều đã từng có hành động chống cự lại ta, lúc này chưa tiện bỏ qua bụng dạ nguyên ủy thế nào. Thần đến [Nam] quan rồi, trong việc cự tuyệt, cũng sẽ cho y một dịp quay đầu lại. Nói chung thì phải xem xét đề phòng thật cẩn thận, một khi thấy được gì mới, thần sẽ lập tức tâu lên ngay để xin chỉ thị.

Phúc Khang An đã nói lên điều trong thâm tâm vua Càn Long mong mỏi nhưng không tiện nói ra vì thể diện và vai trò của một vì thiên tử. Đó là làm cách nào có thể bỏ rơi Lê Duy Kỳ để xoay sang một hướng khác thuận lợi hơn. Trước đây khi hưng binh tiến sang nước ta, nhà Thanh nêu cao nguyên tắc “hưng diệt kế tuyệt” bảo vệ thuộc quốc như một chiêu bài sáng chói thì nay lại nhất loạt phủ nhận cái quá trình thần phục hơn 100 năm qua mà cho rằng khí vận nhà Lê đã hết, Lê Duy Kỳ hôn ám vô năng để quay sang công nhận người vừa mới đây còn là kẻ đối đầu, bị kết án là tiếm quyền, cướp nước.

Việc tạo ra một “chuyển toàn chi lộ” [轉旋之路] như lời tâu của Phúc Khang An được khai triển dưới nhiều áp lực, mỗi lúc một chút, khi bên này, lúc bên kia để hướng dẫn đối phương đi theo hướng mà họ muốn.
 

Hươngquê73

Xe tăng
Biển số
OF-374797
Ngày cấp bằng
23/7/15
Số km
1,362
Động cơ
256,850 Mã lực
CÁC BIỆN PHÁP RỬA MẶT

Khi Phúc Khang An sang làm tổng đốc Lưỡng Quảng, ông ta lập lại một số đòi hỏi vốn sẵn có trong lịch sử giao thiệp với nước ta để xem Đại Việt sẽ nhượng bộ tới đâu. Vì chỉ là những quả bóng thăm dò, hầu như rất ít ai nhắc đến những đòi hỏi này như những đấu tranh ngoại giao mà thường nhấn mạnh đến những thách thức quân sự.

Xử tội những người đã giết các tướng nhà Thanh

Để giải thích cho qua việc Nguyễn Quang Bình khai rằng ông đem quân ra chỉ cốt nhờ thiên triều phân xử phải trái với Lê Duy Kỳ nhưng vì không thể bó tay chịu chết nên đành phản ứng lại sự dũng mãnh của “thiên binh” (quân thiên triều). Nhà Thanh nhân đó đã đòi xử tội những người đã giết hại các tướng lãnh của họ. Yêu cầu đó là một đòi hỏi rất trái khoáy và cả hai bên cùng biết là giả dối nên Phúc Khang An chỉ chờ nước ta thông báo đã xử phạt rồi thì liền tuyên bố sẽ gác việc đó qua một bên không truy cứu thêm nữa.
 

Hươngquê73

Xe tăng
Biển số
OF-374797
Ngày cấp bằng
23/7/15
Số km
1,362
Động cơ
256,850 Mã lực
Lập đền thờ những người tử trận

Nhà Thanh cũng yêu cầu nước ta phải lập một đền thờ, xuân thu cúng tế. Không cứ gì một trận chiến khốc liệt như trận đánh năm Kỷ Dậu mà số người chết của cả hai bên lên đến hàng vạn, việc lập đền thờ những oan hồn vất vưởng, cúng tế thập loại chúng sinh vốn dĩ là một tập tục khá phổ thông ở phương nam nên triều đình Tây Sơn thấy không có gì trở ngại. Thành Lâm khi sang Thăng Long cũng đã cùng với một số quan lại nước ta đến tế ở đền thờ tân tạo này. Hai việc trên đây thực ra không nhằm đưa ra như những yêu sách ngoại giao mà thực sự chỉ là cái cớ để Phúc Khang An tâu lên rằng nước ta đã thần phục và thỏa đáng những yêu cầu của Thanh triều.
 

Hươngquê73

Xe tăng
Biển số
OF-374797
Ngày cấp bằng
23/7/15
Số km
1,362
Động cơ
256,850 Mã lực
Trả đất

Ngày 14 tháng Hai năm Kỷ Dậu, vua Càn Long gửi thư cho Phúc Khang An bắt nước ta đem các khu vực có mỏ ở biên giới dâng cho nhà Thanh để tạ tội thì mới chấp thuận cho đầu hàng. Ngày 30 tháng Hai, quân cơ đại thần nhà Thanh lại tra trong Đại Thanh Nhất Thống Chí để truy tìm thêm những khu vực trước đây vua Ung Chính trả lại cho nước ta [mà họ nói là “ban cho”], bao gồm 40 dặm lấy sông Đổ Chú [賭咒] làm ranh giới. Văn thư này nhà Thanh gửi cho Phúc Khang An theo lối hoả tốc [600 dặm một ngày] có ý dùng như một áp lực trước khi họ chính thức nhận tờ biểu “thâu thành” của nước ta.

Nguyên đời Lê Gia Tông, Vũ Công Tuấn làm phản ở Tuyên Quang bị triều đình đánh đuổi chạy sang Tàu, đem ba châu của nước ta (Vị Xuyên, Bảo Lạc, Thuỷ Vĩ) xin sáp nhập vào tỉnh Vân Nam để nhờ nhà Thanh che chở, trong đó có cả mỏ đồng Tụ Long thuộc châu Vị Xuyên. Nước ta nhiều lần đòi lại nhưng Thanh triều không chịu trả. Ðến năm Mậu Thân (1728, Ung Chính thứ 6, Bảo Thái thứ 9 đời Lê Dụ Tông) sau khi quân Việt đánh lui được đạo quân Vân – Quí tràn qua, vua Ung Chính đành phải nhượng bộ trả lại 40 dặm cho Ðại Việt.

Năm Càn Long 34 (Kỷ Sửu, 1769), thổ mục là Hoàng Công Toản theo đường Mãnh Tích (猛腊) chạy qua Vân Nam đem dâng cho nhà Thanh 7 châu Tung Lăng, Lễ Tuyền, Hoàng Nham, Tuy Phụ, Hợp Phì, Lai Châu, Khiêm Châu. Việc mất đất này nước ta nhiều lần đòi lại (từ đời Lê sang đời Tây Sơn, rồi cả triều Nguyễn) nhưng không thành công. Trong khi đàm phán, nhà Thanh lại đòi phần đất 40 dặm vua Ung Chính đã trả lại nước ta kèm thêm một số mỏ sát biên giới Vân Nam nhưng triều đình Tây Sơn không đồng ý.
 

Hươngquê73

Xe tăng
Biển số
OF-374797
Ngày cấp bằng
23/7/15
Số km
1,362
Động cơ
256,850 Mã lực
Cống voi

Trong các loại cống phẩm đưa sang Trung Hoa đời Thanh, nước ta không phải cống voi. Voi đã thuần dưỡng [tuần tượng – 馴象] chỉ thấy các nước Nam Chưởng, Xiêm La hay Miến Điện tiến cống. Khi đưa ra đòi hỏi phải cống voi, nhà Thanh muốn Đại Việt cũng phải như Nam Chưởng [tức Ai Lao] nhằm hạ thấp coi như những tiểu quốc man mọi và cũng là một hình thức thị uy của Phúc Khang An.

Sau khi tiếp phái bộ Nguyễn Hữu Trù, họ Phúc thông báo nước ta muốn “đầu thành” phải cống voi và đích thân vua Quang Trung lên cửa quan tạ tội. Triều đình Tây Sơn đã trả lời rất nhũn nhặn nhưng cương quyết như sau:

Càn Long năm thứ 54 [Kỷ Dậu, 1789], ngày 28 tháng Tư

Tiếp kiến bồi thần nước tôi là Vũ Huy Tấn từ cửa quan trở về quốc thành [kinh đô Thăng Long] thuật lại lời dụ tận mặt của ân công, một là đòi kẻ hèn này đến Nam Quan để yết kiến Phúc công gia, hai là thêm vào cống vật của bản quốc bốn con voi, hoặc hai con, không phải là loại voi đánh trận mà là loại voi đã thuần dưỡng, chuẩn bị cho sẵn sàng để tiến cống.

Phàm là chư hầu thống ngự ở núi sông các nơi, hẹn nơi mà tương kiến ấy là lễ, lấy hết sản vật đem tới triều đình cũng là lễ vậy. Hai điều ngài dụ xuống là lẽ ấy, quả vì hạ quốc mà ân công chu toàn nên muốn cả tình lẫn văn đều ổn thoả, nghi lễ phương vật đều xong để xin mệnh của hoàng đế. Đáp lại thịnh tâm của chế hiến tôn đại nhân, kẻ hèn này quả thật không dám có ý gì khác.

Hiện nay nước tôi vừa mới ổn định, binh lính dân chúng cần nghỉ ngơi, từ cửa quan đi đường núi xuống mất đến năm, sáu ngày mới đến được sông Phú Lương [tức Nhĩ Hà]. Sau khi binh lửa rồi nơi nào cũng cây cối rậm rạp, nếu như tôi đi lên cửa quan, ắt phải đem theo nhiều binh sĩ hộ vệ, phá núi khai đường, gặp khe bắc cầu sức dân rất là hao tốn, lại thêm trên đường đi việc cung ứng cũng thật phiền phức. Do kẻ hèn này xin được ân phong mà phải lặn lội sơn khê, phí phạm tài lực dân chúng, trong lòng quả thực có chỗ áy náy không yên, ân công cũng nên nghĩ đến tình này mà để cho hạ quốc không phải mệt nhọc.

Còn việc gõ cửa quan để trình bày mọi việc thì tôi đã sai cháu ruột là Nguyễn Quang Hiển thay tôi mà làm lễ đem biểu nhập cận rồi. Đến tấm lòng cung thuận, hết sức tha thiết chí thành, tuy kẻ hèn nay chưa đích thân đến được, thì cháu tôi cũng đã thay mặt mà làm đấy thôi chứ nào có lần lữa.

Nếu được các đại phu bỏ qua cho, tôi sẽ lấy lòng chí thành hết sức mà phụng sự đại hoàng đế như trời, tuy cách xa vạn dặm mà uy nhan thực gần như gang tấc. Nếu như được lượng rộng như bể cả của Phúc công gia mà chiếu cố để gầy dựng cho bản quốc chỉ còn chưa được đến mạc phủ đâm ra thiếu sót việc trần tình chuyện cũ, ấy cũng đều là ở tấm lòng chí thành chứ không phải vì ngạo mạn mà thác ra như thế.

Còn như voi để đánh trận thì ngài đã thể lượng cho tình hình trong nước mà không đòi tiến cống. Đến như voi đã huấn luyện rồi, ấy là sản vật thường có của phương nam, mong ân công vì kẻ hèn này mà ngọc thành cho việc tốt, sau này được liệt vào vương hội thì dẫu có ngọc dạ quang, vải tị hoả tôi cũng tìm cho bằng được để dâng lên.

Còn như voi đã thuần là chuyện nhỏ, các nước Miến Điện, Nam Chưởng cũng còn có được thì lẽ nào nước tôi lại không có hay sao? Có điều ở bản quốc thì có nhiều voi ở vùng rừng núi tây nam, các giống man Lao, Phàm, Cao,Hợp có, trước đây cũng đã từng thu dụng đến hỏi mua ở những nơi này.

Từ khi binh lửa các nơi ấy cũng không yên, những con voi tôi dùng trong chiến trận đều là voi trong các chuồng của họ Trịnh, họ Nguyễn còn lại, tính ra cũng chẳng còn nhiều. Những con voi đó tính tình dữ tợn, bướng bỉnh, phải dùng tượng nô người man, biết cách dùng bùa chú vùng rừng núi thì mới có thể chế phục được. Số voi đó nay đã xua vào trấn giữ biên giới phía nam để khống chế chư man.

Kẻ hèn này đã đem bản quốc nội thuộc, ấy là phên dậu của thiên triều rồi thì những con voi dùng trong việc binh tuy ở hạ quốc nhưng có khác gì ở thượng quốc. Còn tuần tượng là giống voi không giỏi chiến đấu, người man dụ được rồi huấn luyện, hiện nay các bộ lạc trong núi như Hạt Xà Kiều, Hạt Xà Đồng, Chiêu Pha Mang, Lộc Quần các tù trưởng đánh lẫn nhau.

Bản quốc nay mới tạo dựng, việc trong nước còn đang trù tính, đợi các nơi tương đối vững vàng, nhờ vào uy linh thiên triều, sẽ tính đến chuyện các xứ man khi đó sai sứ đến bắt họ vào khuôn phép, khi đó có thể mua được voi để tiến hiến lên.

Còn như từ quốc thành trèo non vượt núi để đến các thuộc đỗng thì phải chinh phục các giống sơn man mới có thể lấy, cho nên việc voi thuần dưỡng thực không phải dễ dàng gì mà cũng không gấp được.

Còn nhục quế Ái Châu, từ khi bản quốc có chuyện loạn lạc, các hộ trồng quế không còn chăm lo nên dù tôi đã sức xuống cho các trấn mục, hết sức tìm kiếm trong núi loại thượng hạng, đến khoảng tháng nhuận hạ thì chắc cũng được vài cân sẽ kính cẩn đưa lên thượng hiến để tỏ tấc lòng thành kính.

Ngày xưa đại hiền họ Mạnh [tức Mạnh Tử] có ví cắp núi mà nhảy qua biển để nói về việc khó có thể làm. Mấy điều kẻ hèn này trình lên chưa làm được mà ân công đã phí bao tâm sức giúp lại, quả thật là hiệp sơn siêu hải chi sự vậy khiến cho tôi hết sức sượng sùng chỉ biết đem hết tình ghi khắc trong phế phủ, những điều nghi ngại không thể không đưa lên để ngài xem xét.

Trông lên sao Đẩu, sao Khuê, đốt hương hạ bút mong ngài trông đến thì thật may mắn.
 

Hươngquê73

Xe tăng
Biển số
OF-374797
Ngày cấp bằng
23/7/15
Số km
1,362
Động cơ
256,850 Mã lực
Cống người vàng

Trong vai trò đại thần trấn ngự biên cương, Phúc Khang An là người chủ trì mọi việc tiếp xúc với nước ta để đạt được mục đích “dưỡng quân uy, tồn quốc thể” mà ông ta đã tâu lên vua Càn Long như một tiêu chí cơ bản cho vai trò của mình.

Trước hết, họ Phúc minh định rằng muốn được công nhận làm An Nam quốc vương, Nguyễn Quang Bình phải thực hiện những đòi hỏi và lễ nghi mà mọi triều đại của nước ta phải thi hành. Chỉ đến đó vua Quang Trung mới có thể xưng “thần” còn trước đó ông chỉ được giao thiệp với các cấp địa phương và xưng mình là “tiểu phiên” [phên dậu nhỏ], “tiểu mục” [đầu mục nhỏ], “bộc” [kẻ hèn] hay “An Nam quốc trưởng mục” [đầu mục trưởng của An Nam]. Nhà Thanh cũng chưa gọi ông là “quốc vương” mà chỉ gọi là “quốc trưởng”. Khi chưa chính thức chấp thuận, nhà Thanh cũng gọi tên tục của ông là “Nguyễn Huệ” nhưng khi đã tiến hành việc phong vương, họ chuyển sang gọi tên ông trong các văn thư [của chính họ] là “Nguyễn Quang Bình”. Ngược lại, vua Quang Trung luôn luôn xưng tên mình là Nguyễn Quang Bình cho thấy không phải đợi đến khi cầu hòa với nhà Thanh ông mới đổi tên như sử triều Nguyễn chép.

Một trong những điều kiện mà nhà Thanh đòi hỏi là quốc vương An Nam phải đích thân lên kinh đô để được ban phát danh hiệu. Đây không phải là việc mới đặt ra mà có từ đời Nguyên và đời Minh nhưng vì đường sá xa xôi lại e ngại triều đình Trung Hoa không thật lòng nên vua nước ta thường tìm cách thoái thác.

Trong trường hợp vua nước Nam không trực tiếp sang được thì phải đưa một người bằng vàng để thay mặt [đại thân kim nhân]. Còn như nếu là hậu quả của một vụ binh cách, nước ta còn phải đền mạng cho tướng lãnh bị giết [trường hợp Liễu Thăng đời Minh], và cũng phải làm một người vàng khác thế vào. Phúc Khang An cũng chiếu lệ cũ để đòi nước ta phải cống người vàng nếu quốc vương không đích thân sang Yên Kinh.

Qui luật này về sau cũng nhạt dần và trở thành một đòi hỏi hình thức có tính vòi vĩnh hơn là nghi lễ nên nước ta phải bấm bụng chấp thuận nhưng luôn luôn coi đó như một món nợ phải trả. Đến khi Mạc Đăng Dung cống người vàng đúc hình cổ buộc dây, mặt cúi xuống thì sĩ phu đều coi như một nỗi nhục khó mà gột rửa. Tệ hơn nữa, họ Mạc chỉ được phong An Nam đô thống sứ, một chức quan tòng nhị phẩm chứ không phải là An Nam quốc vương.

Ngô Thì Nhậm thay mặt vua Quang Trung đã trả lời rất đanh thép về lịch sử và nguyên do việc cống người vàng nên Phúc Khang An đã bí mật đề nghị một biện pháp trung gian là cử người thay mặt sang Trung Hoa. Vua Quang Trung thuận theo ý đó và thông báo rằng sẽ đưa một nhân vật quan trọng “tuy đại do thân” [tuy thay mặt nhưng cũng như chính mình] đích thân đem tờ biểu cầu phong sang kinh đô.

Nghe tin đó, Phúc Khang An vội vàng báo về triều và chuẩn bị đón tiếp. Khác với những báo cáo của quan lại ở Quảng Tây, việc tiếp đón đó tương đối trọng thể và là một mốc lớn trong lịch sử giao thiệp với Trung Hoa cuối thế kỷ XVIII.
 

Hươngquê73

Xe tăng
Biển số
OF-374797
Ngày cấp bằng
23/7/15
Số km
1,362
Động cơ
256,850 Mã lực
Trước khi tiếp tục sang chương IV, em mạn phép có một số cảm nhận : Bằng việc tìm tòi nghiên cứu nhiều nguồn sử liệu, tác giả Nguyễn Duy Chính đã tổng hợp lại một bức tranh tương đối hoàn chỉnh về một giai đoạn lịch sử. Nó hoàn toàn mới mẻ không giống như những gì sử Nguyễn cũng như một số sách lịch sử sau này đã thể hiện. Nó rõ ràng cho ta thấy được mối quan hệ tương tác của gần như các triều đại của nước ta với phương Bắc. Hiểu rõ được mối quan hệ ấy thì ta mới biết tại sao Nguyễn Nhạc chủ trương không chiếm đất nhà Lê. Một cuộc chiến với quân Thanh là điều hoàn toàn có thể tránh khỏi.
Một may mắn cho nước ta là nhà Thanh đang tập trung lo cho lễ đại thọ của Càn Long nên cũng muốn thu xếp một cách êm thấm quan hệ với nước ta nên việc kéo quân phục thù (như họ đã từng làm với Miến Điện) đã không xảy ra.
Nếu một sự phục thù được nhà Thanh phát động chắc chắn sẽ gây ra một cơn binh lửa kinh hoàng khi mà họ (nhà Thanh) sẽ điều động một lực lượng quân sự hùng mạnh hơn, đông đảo hơn cộng với việc hiệp đồng tác chiến với Xiêm la, quân Nguyễn ở phía Nam thì nhà Tây Sơn sẽ rất khó khăn vất vả để chống lại. Dù cho có chiến thắng trong cuộc chiến phục thù ấy thì nhà Tây Sơn cũng sẽ sức cùng lực kiệt, nguyên khí hao tổn khó bề khôi phục.
Từ đấy, ta thấy rõ ràng việc tiến chiếm Bắc hà là một chiến lược cực kỳ tệ hại, gây ra hậu quả khôn lường. Mặc dù các nho sĩ Bắc hà đã cố sức trong hoạt động ngoại giao để tránh một cuộc chiến phục thù của phương Bắc thì nhà Tây Sơn cũng đã tự làm suy yếu đi thực lực của mình. Và lịch sử đã cho thấy rõ điều ấy, chính sách "hướng Bắc, bỏ Nam" đã làm lung lay tận gốc nhà Tây Sơn, khiến cho biết bao công sức, máu xương mà họ đã gầy dựng nên được một triều đại đều bỏ sông, bỏ biển.
 

Hươngquê73

Xe tăng
Biển số
OF-374797
Ngày cấp bằng
23/7/15
Số km
1,362
Động cơ
256,850 Mã lực
Chương IV: phái bộ Nguyễn Quang Hiển

Tài liệu nước ta không đánh giá đúng mức chuyến công du của Nguyễn Quang Hiển, còn sử nhà Thanh thì cho rằng chỉ là thái độ khiếp sợ của triều đình Tây Sơn.

Sử Việt Nam

Liệt Truyện [DNCBLT], quyển XXX nhan đề Nguỵ Tây chép:

Thế nên Phúc Khang An đến Việt Tây [tức Quảng Tây] một lòng giảng hoà, gửi thư đem lợi hại mà chỉ vẽ cho Huệ. Huệ cũng đem vàng tiền hậu hĩ tặng cho cầu xin giúp đỡ. Rồi đổi tên là Quang Bình, sai cháu là Nguyễn Quang Hiển và bồi thần Vũ Huy Tấn đem cống phẩm, gõ cửa quan khẩn cầu xin cho nhập cận [yết kiến hoàng đế]. Vua Thanh vui mừng nên thuận cho lời tâu

Sử Trung Hoa

Nguỵ Nguyên trong Càn Long Chinh Vũ An Nam Ký viết nguyên văn:

…Nguyễn Huệ chiếm được An Nam biết rằng đã chuốc hoạ nên sợ quân nhà vua sẽ lại sang lần nữa, lại mới cùng Xiêm La giao binh, sợ quân Xiêm thừa cơ đánh vào phía sau nên gõ cửa quan tạ tội xin hàng, đổi tên là Nguyễn Quang Bình. [Chú: Theo Minh Sử, vua nước An Nam đều có hai tên, một tên dùng trên các tờ biểu gửi sang Trung Quốc], sai con anh là Quang Hiển mang biểu sang xin cống trong đó nói rằng ở Quang Nam đã chín đời, với An Nam là nước đối địch, không phải là vua tôi, ấy là chuyện người man tranh giành với nhau (man xúc tự tranh蠻觸自争) chứ không dám kháng cự Trung Quốc. Xin được sang năm đích thân nhập cận ở kinh sư, lại lập miếu trong nước để cúng tế các tướng sĩ đã tử trận.

Theo Thanh Sử (Cảo) quyển 527, Liệt Truyện 313, Thuộc Quốc truyện tam, Việt Nam chép rằng:

…Nguyễn Huệ tự biết mình đã chuốc lấy hoạ, lại sợ vương sư sang đánh lần thứ hai. Gần đây mới cùng Xiêm La đánh nhau, nay sợ Xiêm La sẽ thừa cơ đánh vào phía sau, vì thế mới gõ cửa quan tạ tội xin hàng. Đổi tên là Nguyễn Quang Bình, sai con của anh là Quang Hiển mang biểu vào cống, xin được ban cho phong hiệu. Đại lược nói rằng đã ở đất Quảng Nam chín đời, với An Nam là nước địch, không phải là vua tôi. Ấy là chuyện người man tranh giành với nhau chứ không dám chống lại Trung Quốc …

So sánh hai tài liệu, chúng ta có thể khẳng định rằng Thanh Sử Cảo [soạn cuối đời Thanh, đầu Dân Quốc] chịu ảnh hưởng của Càn Long Chinh Vũ An Nam Ký [đời Đạo Quang], đã chép lại gần như nguyên văn của Nguỵ Nguyên. Luận điểm này được sử dụng tại hầu hết các bộ thông sử sau này của Trung Hoa.
 

Hươngquê73

Xe tăng
Biển số
OF-374797
Ngày cấp bằng
23/7/15
Số km
1,362
Động cơ
256,850 Mã lực
Ý nghĩa của phái bộ Nguyễn Quang Hiển

Căn cứ vào lối tường thuật rất giản lược nêu trên, phái bộ Nguyễn Quang Hiển hầu như ít người biết tới có chăng chỉ cũng như một sứ thần bình thường. Coi như một sứ bộ bình thường cũng đã thiếu sót, Hoàng Lê Nhất Thống Chí lại hoàn toàn không đề cập đến phái đoàn này còn nhiều tài liệu thì lại nhầm rằng đây chính là phái bộ “giả vương” đề cập trong sử triều Nguyễn. Việc lẫn lộn đó gây ra nhiều thông tin sai lạc, đôi khi kết nối việc nọ với việc kia một cách tuỳ tiện vô sở cứ.

Theo đòi hỏi của triều đình Trung Hoa, muốn được công nhận như một triều đại chính thức – vua An Nam phải đích thân sang kinh đô dâng biểu cầu hàng chứng tỏ đã qui phục một cách chân thành.

Để phản ứng lại đòi hỏi ngạo mạn này, vua Quang Trung và giới ngoại giao Tây Sơn đã đặt Thanh triều vào hoàn cảnh phải công nhận Nguyễn Quang Bình như người đứng đầu duy nhất của nước ta. Đó là cử một nhân vật mà trên danh nghĩa cũng không khác gì đích thân sang chầu: cháu gọi vua Quang Trung bằng chú nhưng vai vế là trưởng tộc, hay ít ra cũng là trưởng chi của dòng họ Nguyễn vốn đã chín đời ở đất Tây Sơn. Khi công nhận Nguyễn Quang Hiển thay mặt vua Quang Trung, vô hình trung nhà Thanh cũng công nhận một triều đại mới. Đó chính là lý do tại sao thay vì tiếp tục tiến hành các hình thức đàm phán, nước ta lại chấp nhận một hình thức “quốc vương sang chầu” bằng một phái đoàn thay mặt làm trung gian.

Từ ý nghĩa “đại thân kim nhân” (người vàng thay mặt), nước ta đã đổi thành “tuy đại do thân” (tuy thay mặt nhưng cũng như chính mình), vừa bảo tồn quốc thể, vừa khiến nhà Thanh phải tiếp đón sứ bộ cầu phong của nước ta một cách khác thường.

Tuy nhiên, phái bộ Nguyễn Quang Hiển không chỉ thay mặt vua Quang Trung mà còn mang theo nhiều nhiệm vụ khác, đóng vai trò một phái đoàn tiền sát để thu thập tin tức cho những bước đi kế tiếp của triều đình Tây Sơn.
 

Hươngquê73

Xe tăng
Biển số
OF-374797
Ngày cấp bằng
23/7/15
Số km
1,362
Động cơ
256,850 Mã lực
Tóm lược

Phái bộ Nguyễn Quang Hiển được cử đi với nhiều sứ mạng công khai và bí mật:
  1. Thay mặt vua Quang Trung sang triều kiến hoàng đế nhà Thanh để chính thức hoá việc công nhận triều Tây Sơn,
  2. Tìm hiểu xem có thực Lê Duy Kỳ (vua Chiêu Thống) và tuỳ tòng hiện đang ở Quảng Tây,
  3. Lượng giá việc Thanh triều mời Nguyễn Huệ sang Bắc Kinh có những âm mưu khác hay không?
Thay mặt vua Quang Trung

Trên nguyên tắc, việc Nguyễn Quang Hiển sang kinh đô nhà Thanh là một sứ bộ “thay mặt vua Quang Trung” để huỷ bỏ lệ cống người vàng với một nguyên cớ rất chính đáng là tình hình trong nước chưa yên nên quốc vương không thể ra khỏi nước.

Ngược lại, nhà Thanh cũng muốn nhân phái đoàn thiện chí này để chính thức công nhận một tân vương và từ bỏ sự trợ giúp dòng vua cũ.

tìm hiểu về vua Lê và tuỳ tòng

Nhân dịp phái đoàn Nguyễn Quang Hiển sang Trung Hoa, Thanh triều sắp xếp họ đi qua Quế Lâm để chứng kiến gia đình vua Lê và những người đi theo đã được an tháp ở Trung Hoa. Tất cả đều cạo đầu, kết tóc, thay đổi y phục theo kiểu Mãn Thanh không còn triển vọng trở về tranh đoạt vương vị với Nguyễn Huệ. Nhà Thanh cũng muốn chứng tỏ rằng họ không có dã tâm điệu hổ ly sơn, dùng nguỵ kế để đưa Lê Duy Kỳ về nước.
 
Thông tin thớt
Đang tải
Top