CÓ ĐÚNG “TIẾNG VIỆT MƯỢN NGÔN NGỮ HÁN” ???
------------------
Năm 1912, trong công trình nghiên cứu đầu tiên và có ảnh hưởng lớn tới tiếng Việt: “Các nghiên cứu về ngữ âm lịch sử của tiếng An Nam” (Etudes sur la phonétique historique de la langue annamite: Les initiales), Viện sỹ Henri Maspero cho rằng, tiếng Việt vay mượn khoảng 75% từ ngôn ngữ Hán. Tuy nhiên, ông không phải người đầu tiên đề xuất điều này. Trước đó, vào năm 1838 Giám mục Taberd từng phát biểu: “tiếng Việt chỉ là một nhánh bị thoái hoá của tiếng Hán”. Nhiều học giả cho rằng, cơ sở để Taberd đưa ra ý kiến này là trong vốn từ của tiếng Việt hiện nay thì từ vựng có nguồn gốc Hán chiếm đa số. Tuy nhiên, mặc dù có tới 75% từ vựng tiếng Việt có gốc Hán nhưng đại đa số những từ đó đều là những từ văn hoá (những từ thể hiện trình độ phát triển của xã hội). Do đó, chúng phải là những từ vay mượn, chứ không phải là những từ mang tính nguồn gốc.
Ý tưởng của những nhà ngôn ngữ tiên phong đó không chỉ xuyên suốt thế kỷ XIX, XX mà còn thống trị tới hôm nay. Trong giáo trình ngữ văn của các Đại học danh tiếng thế giới vẫn ghi con số tròn trịa: tiếng Việt mượn 60% từ ngôn ngữ Hán.
Nhưng đó có phải là sự thật?
Những nghiên cứu mới nhất về lịch sử văn hóa phương Đông cho thấy, 40.000 năm trước, người Lạc Việt từ Việt Nam đi lên chiếm lĩnh Hoa lục. Cho tới 4.000 năm TCN, người Lạc Việt là chủ nhân của Trung Hoa và tạo dựng nơi đây nền văn minh nông nghiệp rực rỡ. Tiếng Lạc Việt là chủ thể của ngôn ngữ Trung Hoa.
Năm 2698 TCN, những bộ lạc du mục Mông Cổ trên bờ Bắc Hoàng Hà do thị tộc Hiên Viên dẫn đầu, vượt sông vào chiếm đất của người Việt, lập vương triều Hoàng Đế. Tuy chiến thắng, nhưng do nhân số ít và văn hóa chưa phát triển, người Mông Cổ sớm bị người Lạc Việt bản địa đồng hóa về máu huyết và văn hóa. Do ngôn ngữ nghèo, họ buốc phải học tiếng nói của người Lạc Việt. Tuy nhiên trong vai trò thống trị xã hội, người Mông Cổ áp đặt cách nói Mông Cổ (Mongol parlance): thành phần phụ đứng trước, thành phần chính ở sau cho cộng đồng. Do vậy, về bản chất, tiếng nói của các vương triều Hoa Hạ là tiếng Việt được nói theo cách nói Mông Cổ.
Đến thời Chu, do dân du mục phương Bắc nhập cư làm cho tiếng nói bị pha trộn nên triều đình khuyến khích dân dùng Nhã ngữ là tiếng nói chuẩn mực của phương Nam. Trong khi đó, ở ngoài ranh giới vương triều Hoa Hạ, nhất là phía nam Dương Tử là cộng đồng Lạc Việt đông đảo vẫn nói tiếng Việt.
Truyền thuyết Trung Hoa kể rằng, Hoàng Đế sai Khương Hiệt làm chữ viết. Nhưng trong lịch sử Trung Hoa chữ viết chỉ xuất hiện sau năm 1300 TCN khi vua Bàn Canh nhà Thương chiếm đất An Dương của người Lạc Việt ở Hà Nam. Vào An Dương, phát hiện chữ Giáp cốt của người bản địa, nhà Ân đã tập trung phát triển thứ văn tự vốn chỉ dùng cho bói toán, cúng tế sang các lĩnh vực chép sử, địa lý, hành chính, nhân sự… Sang thời Chu, chữ được viết trên lụa, thẻ tre và được dùng phổ biến hơn.
Quá trình tiếng nói trở thành đơn âm và hữu thanh.
Tiếng Lạc Việt có nguồn gốc từ đất tổ châu Phi nên cũng như nhiều tiếng nói khác là đa âm và vô thanh. Tuy nhiên, do lịch sử riêng của mình, tiếng Việt dần trở nên đơn âm và hữu thanh. Quá trình như sau.
Khảo cổ học phát hiện khoảng 9.000 năm trước, tại văn hóa Giả Hồ tỉnh Hà Nam xuất hiện những ký tự tượng hình đầu tiên. Điều này cho thấy, do phương thức tư duy tổng hợp nên người Lạc Việt trừu tượng hóa, cách điệu hóa hình ảnh của vật thể thành ký hiệu tượng hình, như hình bàn tay, bàn chân, con gà, con chó, ngọn lửa, mặt trăng, mặt trời… để ghi nhận những vật thể đó. Nhờ thế sáng tạo loại chữ tượng hình, đơn lập mà mỗi tiếng được ghi trọn trong một chữ. Mỗi tiếng đa âm muốn được ký tự, buộc phải bỏ phần phụ để trở thành đơn âm. Thí dụ: Krong phải bỏ K để thành rồng, sông, giang; Blời phải bỏ b để đọc thành trời, thiên…
Tại đồng bằng miền Trung Hoàng Hà, từ thời Chu, chữ tượng hình được sử dụng rộng rãi, nên ngày càng nhiều tiếng được ký tự, khiến cho ngôn ngữ đơn âm hóa ngày một nhiều. Tuy nhiên, có thực tế là, tiếng nói có từ lâu còn chữ mới được chế ra nên chữ luôn ít hơn tiếng. Vì vậy, buộc người làm chữ phải chọn những tiếng thông dụng nhất, quan trọng nhất để ký tự. Đồng thời dùng nhiều cách thức khác nhau như từ đồng âm để tăng số lượng tiếng được ký tự. Nhưng dù có làm vậy thì cũng còn rất nhiều tiếng không có chữ. Những tiếng này không bao giờ xuất hiện trên văn bản mà chỉ được người dân trao đổi truyền miệng với nhau, gọi là tiếng Nôm.
Khi tiếng trở nên đơn âm thì tự nhiên sẽ sinh ra thanh điệu: chỉ cần nói nặng hay nhẹ đi là một tiếng này thành tiếng khác, với nghĩa khác: Thanh, Thành, Thánh… Do vậy, ở đồng bằng miền Trung Hoàng Hà, ngôn ngữ đơn âm và hữu thanh ra đời sớm.
Sau thời Hán, nhiều triệu người Mông Cổ phương Bắc tràn vào Trung Quốc, làm cho tiếng nói bị pha tạp, khiến người dân trong nước không hiểu được nhau. Vì vậy, khi lập nước, nhà Đường quy định dùng tiếng nói của kinh đô Tràng An làm tiếng nói của triều đình. Chủ thể của dân cư Trung Quốc thời Đường là người Việt nói tiếng Việt. Do điều kiện địa lý, lịch sử riêng, người dân Tràng An có cách phát âm của người kinh đô, được triều đình cho là chuẩn nên lệnh cho các quan lại khi lâm triều phải nói ngôn ngữ Tràng An. Tiếng nói đó được gọi là Đường âm, cũng được gọi là quan thoại.
Trong ngôn ngữ Việt, mỗi vật thường được thể hiện bằng một vài tiếng khác nhau như: Nguồn = ngọn; Trong = giữa; Mơ = mơi = mai; Kẻ = cái= cổ; Gần = cạnh = cận; Krong = sông = giang…
Tại cộng đồng Lạc Việt vùng trung lưu Hoàng Hà, do ảnh hưởng của cách phát âm Mông Cổ nên một số tiếng được nói trại đi. Chẳng hạn, do âm “ng” bị nuốt nên nguồn đọc thành hon, hòn rồi thành hán. Sông Nguồn thành Hán Thủy. Đồng thời cũng do cách biến âm như vậy nên tại đây có thể xuất hiện những từ mới:
Nguồn = ngọn -> nguyên
Trong = giữa -> trung
Kẻ = cái -> cổ
Krong = sông = giang -> xuyên
Những từ mới này tới thời Đường được chuyển thành Đường âm. Đường âm được mang sang sử dụng ở Việt Nam.
Trong khi đó, tại vùng đất của người Việt bên ngoài vương triều Trung Hoa, nhất là phía nam Dương Tử, cuộc sống tiến triển chậm chạp. Tuy người Việt sáng tạo chữ tượng hình từ 9000 năm trước, nhưng cho tới 4000 năm cách nay, chữ ở Cảm Tang Quảng Tây vẫn chỉ dùng cho cúng tế và bói toán. Cố nhiên, quá trình đơn âm hóa và hữu thanh hóa có diễn ra nhưng rất chập chạp nên ngôn ngữ ít thay đổi.
Vào thời Chiến quốc, và sau đó, do biến động của lịch sử, nhiều triệu người dân phía Bắc xâm nhập Trung Quốc, đẩy người từ Trung Nguyên di cư xuống phía Nam. Trong dòng di dân này, có nhóm người Tày-Thái và người Hakka di cư xuống Nam Dương Tử và Bắc Việt Nam.
Khoảng 300 năm TCN, nước biển rút, đồng bằng sông Hồng hình thành. Những con người năng động nhất trong các bộ tộc Lạc Việt trên đất Đông Dương và Nam Dương Tử kéo về khai thác vùng đất mới. Cũng thời điểm này, nước Sở diệt nước Việt, khiến cho một bộ phân người Việt tiến xuống dồng bằng. Do cùng huyết thống và văn hóa, những dòng người này hòa hợp nhau. Nhờ sống chung với nhóm người Tày-Thái và Hakka, vốn từ Trung Nguyên về, tiếng nói của người đồng bằng chuyển dần sang đơn âm và hữu thanh. Kết quả là hình thành nhóm sắc tộc mới ở đồng bằng, sau này được gọi là người Kinh. Như vậy, người Kinh là tổng hòa của mọi người Việt sống ở đồng bằng sông Hồng.
Quá trình hình thành tiếng nói của người Kinh
Cùng tập trung vào vùng đất không rộng lắm, lại bằng phẳng, giao thông thủy bộ thuận lợi, kinh tế phồn vinh nên sự tiếp xúc diễn ra mạnh mẽ. Nhất là sau khi người Hán thống trị, chữ Hán được phổ biến, tiếng nói của người bản địa vốn từ lâu có sự dịch chuyển sang đơn âm và hữu thanh, bây giờ được đẩy nhanh hơn.
Từ thế kỷ VIII Đường âm được đưa sang dạy và sử dụng ở Việt Nam, được gọi là chữ Nho. Tuy chưa có điều kiện khảo cứu nhưng tôi cho rằng, trong Đường âm có những từ mới do người Việt vùng lưu vực Hoàng Hà sáng tạo như “nguyên”(nguồn) hay “xuyên” (sông)… Khi đưa về Việt Nam, những từ này làm giàu thêm cho tiếng Việt.
Thế kỷ X, khi giành lại độc lập, nước ta tiếp tục dùng chữ Nho như là quốc ngữ. Tuy nhiên, có thực tế là, trong tiếng nói ở đồng bằng sông Hồng, rất nhiều tiếng không được ký tự. Bên cạnh những tiếng được ký tự (gọi là chữ, khoảng 70%) cũng còn khoảng 30% tiếng không được ký tự, gọi là Nôm. Một thời gian dài, những tiếng Nôm không được xuất hiện trên giấy tờ. Điều này là cản trở lớn tới mọi hoạt động xã hội. Vì vậy, vào thời Trần, chữ Nôm được tạo ra để ghi tiếng Nôm. Nhờ vậy, hầu hết tiếng Việt được bảo tồn.
Trong khi ở đồng bằng miền Trung Hoàng Hà, những tiếng không được ký tự, chỉ nói truyền miệng trong dân gian nên lâu dần bị mai một. Tình trạng này cũng diễn ra ở miền Nam Trung Quốc. Trong quá trình văn tự hóa ngôn ngữ cũng xuất hiện một số lượng tiếng không được ký tự mà dân gọi là tiếng Nôm. Trước năm 1949, dân Giang Nam chủ yếu nói tiếng địa phương Quảng Đông, Triều Châu, Thượng Hải… Sau năm 1949 chính quyền Trung Quốc chuẩn hóa ngôn ngữ bằng cách dùng tiếng Bắc Kinh. Mặc nhiên, trong xã hội xuất hiện một bộ phận tiếng không được ký tự mà người địa phương chỉ trao đổi riêng với nhau. Theo ý kiến của nhà nghiên cứu Đỗ Ngọc Thành thì ban đầu số lượng tiếng Việt này là 30%, do rơi rụng dần, nay còn khoảng 20%.
Từ thực trạng ngôn ngữ như vậy, khi khảo sát tiếng Việt, Taberd và Maspero phát hiện: trong tiếng Việt có tới 75% từ không phải là Việt. Vốn là những nhà Hán học, sùng bái văn hóa Trung Hoa, khi thấy những từ đó có trong các bản văn chữ Hán thì cho rằng, đó là từ gốc Hán và đưa tới kết luận: tiếng Việt vay mượn từ tiếng Hán. Khám phá của hai nhà ngôn ngữ lớn phản ánh một sự thật là trong tiếng Việt có hai bộ phận: một bộ phận được ký tự bởi chữ tượng hình và một bộ phận không được ký tự. Bộ phận có ký tự được cộng đồng người Việt sáng tạo và được bảo tồn trong chữ tượng hình. Gọi đó là từ gốc Hán hay từ Hán Việt là nhận định sai lầm nghiêm trọng cần phải bác bỏ!
Từ khi chữ Nôm thông dụng, tại Việt Nam hình thành hai mảng văn tự: chữ Nho và chữ Nôm. Tuy hai mảng văn tự này dung nạp được hầu hết tiếng nói của người Việt nhưng do khó kết hợp được với nhau trên cùng một văn bản nên gây nhiều hạn chế trong trước tác.
Chữ quốc ngữ ra đời là món quá vô giá đối với người Việt Nam. Là loại chữ đánh vần theo ABC nên chữ quốc ngữ ký âm được tất cả tiếng Việt. Điều này khiến cho ngôn ngữ Việt Nam đơn âm, hữu thanh, giai điệu uyển chuyển đồng thời có lượng từ vựng lớn, trở thành ngôn ngữ giầu có bậc nhất thế giới.
-------------------
Tác giả: Hà Văn Thuỳ