Concerto cho Piano và dàn nhạc số 3 của Beethoven (viết theo đơn đặt hàng của đại gia Bang Lang)
Trong cuốn tiểu sử về Beethoven mà mợ
Bang lang mua với giá chỉ có 217k vnd, nhà âm nhạc học Lewis Lockwood viết: “
Bản Piano Concerto số 3 của Beethoven đã chinh phục những vùng đất mới mà Mozart chưa từng đặt chân đến – trong cách mà nó kịch hóa những ý tưởng âm nhạc, trong sự kết hợp giữa cảm xúc mãnh liệt và trữ tình, và trong sự tương phản mạnh mẽ giữa các phân khúc của bản nhạc”. Vâng ! chỉ có 3 dòng cô đọng như vậy mà mợ ấy trách em làm mợ ấy tốn tiền cho một dòng thông tin cụt ngủn với tác phẩm mới được ưu thích gần đây của mợ ấy.
Tuy nhiên, có một câu chuyện kể rằng, trong khi lắng nghe bản Piano Concerto số 24 cung Đô thứ của Mozart , Beethoven đã nhận xét với nhà soạn nhạc người Anh J.B. Cramer: “Cramer à, chúng ta sẽ không bao giờ có thể làm được điều gì tương tự”. Và cùng được viết ở cung Đô thứ cũng như sử dụng chất liệu đoạn mở màn khá tương đồng mà nhiều người cho rằng bản số 3 này bị ảnh hưởng bởi Mozart 24 - bản concerto được giới phê bình đánh giá là vỹ đại nhất của Mozart.
Cá nhân em lại nghĩ khác một chút !!
Trước hết, phải nói rằng Mozart là ông vua của giai điệu nhưng Beethoven lại là thầy phù thuỷ của giai điệu. Những giai điệu duyên dáng và phong phú trong 25/27 bản concerto cho piano cung trưởng của Mozart lại nổi bật hơn khi nó được nhào lặn, chế biến tài tình trong 2 bản concerto cho piano đầu tiên của Beethoven. Với em, nghe 2 bản concerto cho piano đầu tiên của Bee là có đủ cả tinh thần của Mozart và tầm nhìn thời đại của Beethoven.
Trong số gần 700 tác phẩm được tìm thấy của Mozart, có chưa đến chục tác phẩm viết ở cung thứ - âm nhạc Mozart luôn trong sáng, vui tươi mà! Trong 27 bản concerto cho piano cũng chỉ có 2 bản duy nhất được viết ở cung thứ - số 20 và 24.
Đầu năm 1785, Mozart trên đỉnh cao của sự nghiệp và danh vọng đã có kế hoạch đầy tham vọng - sẽ viết 7 bản, mỗi tuần một bản concerto cho piano để trình diễn. Tham vọng đó không thành khi ông phải kéo dài đến 2 năm do lịch biểu diễn quá dày đặc của ông cũng như những xáo trộn trong tư tưởng của ông thời kỳ này. Có thể cũng do đó, bản concerto đầu tiên của chương trình tham vọng đó được viết ở cung thứ - Mozart số 20. Tác phẩm được Mozart hoàn thành vào ngày 10 tháng 2 năm 1785 - tức là chỉ một ngày trước buổi công diễn lần đầu. Chúng ta không có những cadenza do chính Mozart viết cho bản concerto này. Tuy nhiên, tác phẩm gây ấn tượng mạnh đến nỗi Beethoven kiêu ngạo đã phải tự tay viết đến 2 đoạn cadenza cho chương đầu và chương cuối. Nhiều nhà soạn nhạc kiêm nghệ sĩ piano nổi tiếng đã viết tiếp những khúc cadenza cho tác phẩm này như Johannes Brahms, Johann Nepomuk Hummel, Felix Mendelssohn, Carl Reinecke, Clara Schumann, Bedrich Smetana... nhưng Bee vẫn là đỉnh của đỉnh. Đây cũng là bản concerto duy nhất của Mozart trong danh mục nghe thường xuyên của em cũng vì vậy. Rất tiếc là hầu hết các pianist đều chơi nó với phong cách tươi sáng thường thấy của Mozart, chỉ có Helene Grimaud chơi ưng ý em nhất sau đó đến Jan Lisecki.
Bee kiêu ngạo lại không hề viết cadenza cho Mozart 24
Bản Piano Concerto số 3 của Beethoven là phong cách cổ điển truyền thống. Chương 1 bắt đầu với phần giới thiệu khá dài và mang đậm chất giao hưởng, trình bày gần như toàn bộ chủ đề của tác phẩm. Tiếng đàn piano cất lên với ba đoạn nhạc bão tố có cung bậc tăng dần để dẫn dắt toàn bộ dàn nhạc cùng nhau nhắc lại chủ đề của tác phẩm một lần nữa. Xuyên suốt phần cao trào, ta có thể cảm nhận được tầm quan trọng của sự kết nối theo chủ đề và tương tác giữa piano và dàn nhạc (giống tinh thần của Mozart 20 hơn là Mozart 24).
Chương hai là một khúc largo trang nghiêm và rung cảm với nét xa xăm cũng như không thể đoán trước của cung Mi trưởng. Được viết dưới thể thức ba phần, các phần mở và kết của nó có giai điệu bi thương và sâu lắng được cất lên bởi tiếng đàn piano trên nền nhạc đệm kín đáo. Ở phần giữa, người nghệ sĩ piano đã tạo nên những nốt nhạc thanh nhã, duyên dáng vờn quanh và tô điểm cho âm hưởng chủ đề của bản nhạc.
Khúc Rondo-Allegro chương 3 có rất nhiều đường cong và bước ngoặt, đưa thính giả bước đi trên một hành trình sóng gió với rất nhiều âm điệu khác nhau. Một đoạn cadenza ngắn dành cho piano ở cuối chương càng làm nổi bật sự biến chuyển trong điệu nhạc khi nó đùa giỡn dàn nhạc và thính giả trước khi chìm vào trong một khúc coda hào hứng.
Concerto cho piano duy nhất của Bee viết ở cung thứ lại không hề có "nỗi buồn" - phù thuỷ giai điệu Beethoven là vậy đó !! Và em ủng hộ hoàn toàn quan điểm của Lewis Lockwood, xứng đáng là nhà viết tiểu sử....
Mozart 20 trên Youtube không có bản nào ra hồn. Bee 3 thì rất nhiều người chơi hay nhưng em thích cái capture của Olag Scheps quá .... thế quái nào là nó gần đúng nhất với tinh thần của bản nhạc !!