Những kiểu nhầm trong chữ Hán
(1) Chữ Hán viết thừa/thiếu nét/sai nét/sai bộ thủ, làm thành thứ chữ không có trong tự điển gọi là 错字 (thác tự). Ví dụ năm 2007, bà Thiết Ngưng (铁凝), người từng làm Chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc, khi viết tay đề từ 4 chữ 风华正茂 (Phong Hoa Chính Mậu) cho tạp chí 美文 (Mỹ Văn), đã viết chữ Mậu 茂 với bộ dưới là chữ Thú (戍), khiến nhiều người tưởng là chữ mới xuất hiện.
(2) Chữ Hán viết nhầm sang chữ khác có trong tự điển gọi là 别字 (biệt tự). Những trường hợp nhầm như thế này không phải là hiếm.
(3) Chữ Hán viết/đọc sai/nhầm sang chữ khác, nhưng do các bậc đế vương, thánh hiền sai/nhầm, thế là thuộc hạ phải chế thêm cách đọc mới/nghĩa mới, gọi là 通假字 (thông giả tự). Ví dụ có giai thoại Hoàng đế Càn Long vi hành đến Tô Châu, khi đi qua một cái cổng có đề chữ 滸墅關 (Hử Dã Quan), ngài bèn cao hứng đọc là "xǔ shù guān" (đọc đúng phải là "hǔ shù guān"). Dĩ nhiên thuộc hạ im re, không ai dám lên tiếng nói rằng Thánh Thượng đọc nhầm. Và từ đó trở đi (滸) có thêm cách đọc là (xǔ).