Lịch sử hình thành của từ [ống bơ]
Đơn vị đo lường thời Nguyễn :
"… Tháng 8 [Năm Canh Ngọ, Gia Long thứ 9 (1810)], ban thước kinh đo ruộng cho trong ngoài. Thước kinh do triều Lê cũ chế ra ban hành đã lâu, dân gian vẫn thường dùng. Năm Gia Long thứ 5 [1806] mới dùng thước trung bình, chế hơi dài hơn, bởi thế đo ruộng mẫu số sai nhau nhiều. Vua sai hỏi tìm được thước kinh cũ. Lấy được ở dân xã Cổ-linh huyện Gia-lâm, bèn theo cách thức ấy lấy đồng (nặng 1 cân 12 lạng) mà làm ban cho các thành dinh trấn. Những ruộng đất công tư từ trước đã dùng thước trung bình mà khám đạc, thì làm sổ để đó mà theo. Từ nay nếu có việc tranh địa giới hay tố cáo ẩn lậu và báo xin khai khẩn thì dùng thước kinh để đo …" [Quốc Sử Qúan triều Nguyễn, Ðại Nam thực lục. Bản dịch của Viện Sử học. Nxb Sử học, Tập IV, Hà Nội, 1963, tr83 ]
Như vậy là từ năm Gia Long thứ 9 [1810] đơn vị đo lường chính thức là [thước kinh], thước này có độ dài 47cm. Tại Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế đang có lưu trữ một cây [thước kinh] này.
Sắc cho dân làm [hộc] và [đấu] để đo thóc, gạo. [hộc] là một khối gỗ hình lập phương, chiều dài mỗi cạnh bằng một [thước kinh] = 47cm. Một [hộc] = 26 [đấu]. Miền Nam gọi [hộc] này là [giạ]
Mọi người có thể xem hình vẽ minh họa việc đo lường trong hoạt động mua/bán dưới triều Nguyễn trong cuốn sách có tựa đề :
Connaissan du Việt-Nam của Pierre Huard và Maurice Durand, hình số 77 (trang 188) được ghi chú
Marchande de riz. Người đàn bà bán gạo.
[đấu] theo Sắc của triều Nguyễn thì phải làm bằng gỗ, nhưng trên thực tế trong dân gian thì [đấu] là một đoạn ống tre được cắt ra. Chính vì các loại ống tre to/nhỏ khác nhau, không có quy chuẩn nên [đấu] là một đơn vị đo lường rất không có “chuẩn”, gây khó khăn cho việc trao đổi mua/bán.
Khi những binh lính viễn chinh Pháp đầu tiên đặt chân đến Việt Nam (1860s) mang theo các loại thực phẩm đóng hộp, trong đó có loại hộp để đựng bơ [beurre]. Rất mau chóng, những người Việt buôn bán nhận ra rằng, hộp đựng bơ này, có thể tích tương đương với [đấu], nếu dùng để làm đơn vị đo lường sẽ rất phù hợp. Và trong Tiếng Việt, xuất hiện từ [ống-bơ] [beurre]
Khi người Pháp quay lại Việt Nam sau năm 1945, xuất hiện loại sữa bột đóng trong hộp có nắp đậy mang nhãn hiệu Guigoz, sau khi sử dụng hết sữa bột thì loại hộp này được dùng làm đơn vị đo lường. Mặc dù là hộp đựng sữa bột (không có liên quan gì đến bơ) , nhưng theo thói quen thì vẫn gọi là [ống-bơ]
Sau năm 1954, tại Miền Bắc xuất hiện loại sữa đặc đóng trong hộp và sau khi sữa đặc sử dụng hết, thì phần vỏ hộp cũng được dùng làm đơn vị đo lường và cũng gọi là [ống-bơ]
[ống-bơ] không những được dùng làm đơn vị đo lường, mà còn dùng làm vật đựng (đủ các thứ linh tinh)
Và cho tới ngày nay thì tất cả các loại đồ hộp (bơ, sữa, rau, củ, quả v.v...), sau khi sử dụng xong, phần vỏ hộp còn lại đều gọi là [ống-bơ]