Cái này, tưởng chả liên quan, nhưnmg nhà cháu đọc cũng thấy đáng đọc khi bàn về sự giao thoa giữa các ngôn ngữ:
http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/cac-tu-muon-goc-han-hay-bi-lan-lon-vi-sao/144841.bld
Các từ mượn gốc hán hay bị lẫn lộn, vì sao?
(LĐCT) - Số 43 - Chủ nhật 27/10/2013 14:57
Vốn từ tiếng ta hiện có vào khoảng trên dưới 60% yếu tố gốc Hán. Có tác giả cho rằng con số đó có lẽ còn cao hơn thế. Do quá đông về số lượng, lại cùng sống trà trộn bên nhau, nên các yếu tố ấy rất hay bị lẫn lộn hoặc là với nhau, hoặc là với các yếu tố thuần Việt. Thực tế đó khiến người dùng tiếng Việt ít từng trải dễ mắc lỗi. Dăm dẫn liệu dưới đây là các minh chứng cụ thể.
1. Người Việt mượn của tiếng Hán hai chữ CỨU. Trong đó, chữ thứ nhất có nghĩa là “giúp” (cứu vớt, cứu giúp, cứu nạn, cứu đói, cứu hộ, cứu trợ, cứu tế, v.v.); còn chữ thứ hai có nghĩa là “cuối cùng”. Do chỉ xuất hiện hạn hẹp trong một kết hợp duy nhất là cứu cánh. Nghĩa đích thực của nó là “mục đích cuối cùng”, bởi trong tiếng Hán, chữ cánh có nghĩa là “mục đích”.
2. Tương tự, vốn từ tiếng ta hiện có hai chữ TRỮ, và cả hai đều mượn của Hán ngữ. Chữ TRỮ thứ nhất hay dùng với nghĩa “chứa”. Chữ này có thể bắt gặp trong hàng loạt kết hợp, như tích trữ, tàng trữ, tồn trữ, dự trữ, trữ kim, trữ lượng, v.v.. Trong tất cả các kết hợp nêu trên, TRỮ đều được dùng với nghĩa vừa nhắc. Do chữ thứ hai (tức TRỮ2) chỉ được dùng với nghĩa là “bày tỏ”, và chỉ gặp trong một kết hợp độc nhất là trữ tình. Vì bị TRỮ1 lấn át (nhờ được dùng rộng rãi hơn), nên trữ tình hay bị người Việt (thậm chí cả vài vị GS, như GS Nguyễn Lân, chẳng hạn) hiểu chệch là “chứa đựng tình cảm”, trong khi nghĩa đích thực của nó là “bày tỏ tình cảm”.
3. Đọc câu thơ nổi tiếng “Gác mái ngư ông về viễn phố” của Bà huyện Thanh Quan, phần đông chúng ta đều không khỏi bối rối tự hỏi: Chẳng rõ động cơ nào đã thôi thúc ông lão đánh cá tả trong bài, sau một ngày dài vật lộn với các luồng cá, lại chậm rãi lê bước về một con phố xa xôi vào lúc chiều tà, thay vì đi về nhà nghỉ ngơi khi đã gác mái chèo lên mạn. Họ đâu biết cái địa điểm được nữ sĩ gọi là “viễn phố” kia thực ra chỉ là một bến sông nào đó ở chốn khuất xa.
4. Như mọi người đều biết, chữ YẾU gốc Hán (hay dùng trong các kết hợp trích yếu, hiểm yếu, trọng yếu, yếu nhân,…) vốn đồng âm với YẾU thuần Việt (vốn có nghĩa là “thể lực kém sung mãn”). Do bị YẾU thuần Việt có khả năng kết hợp rộng rãi hơn nhiều lấn át, nên yếu điểm (tức “điểm hệ trọng”) hay bị hiểu chệch thành “điểm yếu kém”.
5. THAM QUAN trong Hán ngữ vốn dùng để chỉ hành động “[Tìm tới tận nơi để] được tận mắt ngắm nhìn một địa danh/một cảnh vật nào đó nhằm mở rộng vốn hiểu biết/học hỏi kinh nghiệm”. Ấy thế nhưng vẫn có không ít người Việt lại chả thích thế, mà thích hiểu là “Đến viếng thăm nơi nào để xem xét/thưởng ngoạn”.
Đó là lý do khiến họ đã “mạnh dạn” đổi yếu tố đầu trong kết hợp trên thành THĂM, do thấy chữ THĂM thuần Việt có tần suất sử dụng cao hơn và nghe “dễ hiểu” hơn gấp bội.
6. CHÚNG CƯ trong tiếng Hán vốn dùng để chỉ các “công trình kiến trúc cao tầng được thiết kế thành nhiều căn hộ khép kín và riêng biệt dùng làm nơi sinh sống”. Do người Việt chẳng phải ai cũng thạo tiếng Hán, nên cảm thấy yếu tố thứ nhất trong kết hợp trên nghe quá đỗi “lạ tai”, nên đã đổi CHÚNG thành CHUNG cho “thuận tai” và cũng “thuận lý” hơn. Nhất là khi thấy có nhiều hộ cùng chung sống bên nhau trong thứ công trình kiến trúc kiểu vừa nhắc.
7. Tiếng Việt mượn của Hán ngữ từ THỐNG KẾ, một từ hay dùng để chỉ hành động “tính gộp cả” (như học giả Thiều Chửu từng giảng). Khi đi vào tiếng ta, yếu tố thứ hai (KẾ) trong kết hợp trên khiến lỗ tai của nhiều người Việt cảm thấy “nghịch nhĩ”. Trong khi đó tiếng ta đang sẵn có từ KÊ vẫn hay được dùng với nghĩa “Ghi ra theo thứ tự từng thứ, từng món cho đỡ bị quên/để báo cho ai đó biết”. Đó chính là lý do khiến kết hợp THỐNG KẾ “trái tai” bị đổi thành THỐNG KÊ nghe vừa “thuận tai”, vừa “dễ hiểu” hơn.
Từ những gì vừa trình bày, chúng ta có thể rút ra một bài học nhỏ: Dù thạo tiếng Hán đến đâu chăng nữa, chúng ta cũng khoan hẵng tự tin vội, bởi lẽ cái giữ vai trò tối hậu quyết định trong ngôn từ lại là khả năng kết hợp rộng hay hẹp và thế thượng phong của các yếu tố hợp thành trong thực tế sử dụng.