Để sớm tháo gỡ vướng mắc, chủ đầu tư đang phối hợp với nhà thầu thành lập Ban xử lý tranh chấp (DAB). Sau khi rà soát, MAUR nhận thấy việc thành lập DAB cần phải có một khoảng thời gian nhất định.
MAUR đề nghị giải pháp tiến hành trao lệnh phát sinh tạm (căn cứ trên giá trị đề xuất của nhà thầu để thanh toán 70%) để nhà thầu có nguồn kinh phí thực hiện ngay các nội dung công việc thúc đẩy dự án. Phần còn lại và giá trị sau cùng sẽ phụ thuộc vào phán quyết của DAB hoặc Trọng tài thương mại (nếu nhà thầu không đúng thì trả lại chi phí lệnh phát sinh này).
Nhà thầu Hitachi đồng thuận về nguyên tắc, tuy nhiên yêu cầu thanh toán 100% tạm giá trị phát sinh như họ đề xuất thì mới thực hiện công việc.
Theo MAUR, việc thanh toán 100% giá trị phát sinh cho nhà thầu trong khi các nội dung vẫn được xem như là "tranh chấp" hoặc "khác biệt về cách hiểu" là không phù hợp. Việc thanh toán 70% phù hợp quy định hợp đồng, cũng như đảm bảo quyền lợi của nhà thầu và quyền lợi của chủ đầu tư đối với việc hậu kiểm, kiểm toán dự án về sau. Do đó, MAUR đã kiến nghị Đại sứ quán Nhật Bản có ý kiến đề nghị nhà thầu Hitachi chấp thuận đề xuất để thúc đẩy công việc.
Ngày 3.6, MAUR đã trình UBND TPHCM dự thảo công văn gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Ngoại giao về đề xuất biện pháp giải quyết vướng mắc ở dự án Metro số 1.
MAUR đề xuất TPHCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đề nghị phía Nhật Bản quan tâm, hỗ trợ, trong đó có các trao đổi, tác động nhà thầu (đặc biệt nhà thầu Hitachi) sớm hoàn thành công việc để đưa tuyến Metro số 1 vào khai thác thương mại.
Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) hoàn thành hơn 98% khối lượng, được đặt mục tiêu vận hành khai thác thương mại cuối năm nay.
laodong.vn