Link:
https://www.facebook.com/share/p/ReLJQwVo3MZaAxWm/?mibextid=WC7FNe
THỰC TIỄN TUYẾN ĐƯỜNG SẮT TỐC ĐỘ CAO HỖN HỢP CHỞ KHÁCH VÀ HÀNG - LIÊN HỆ ĐƯỜNG SẮT TỐC ĐỘ CAO TRÊN TRỤC BẮC - NAM
1. THỰC TIỄN THẾ GIỚI
Tại bài viết “TẠI SAO THIẾT KẾ TỐC ĐỘ 350 KM/H NHƯNG TÀU PHẢI GIẢM TỐC ĐỘ XUỐNG 260-280 KM/H KHI VẬN HÀNH HỖN HỢP KHÁCH VÀ HÀNG” (
https://www.facebook.com/chidat.nguyen/posts/pfbid0325NbtEdQH7QDBoV84RPVhsJdo8aGnHM9FuezFNbdNTeg6VB4DMSEtV9UdoJAXzVJl ) mình đã lập bảng tính toán và nhận xét với bán kính tối thiểu Rmin = 6.500 m của tuyến ĐSTĐC trên trục Bắc - Nam thì chỉ nên chạy tối đa 260-280 km/h tàu khách khi vận hành hỗn hợp.
Liên hệ thực tiễn, ở Đức có tuyến Hannover - Wurzburg, Mannheim - Stuttgart có bán kính tối thiểu Rmin = 7.000 m (khó khăn 5.000 m) thì chỉ vận hành tàu khách 280 km/h và tàu hàng 120 km/h.
Với trường hợp chỉ chở riêng khách, thì tuyến Cologne - Frankfurt chạy đến 300 km/h nhưng chỉ yêu cầu bán kính tối thiểu Rmin = 3500 m. (Hình 1).
Tóm lại khi chạy hỗn hợp tàu khách và tàu hàng thì bán kính cong nằm còn yêu cầu lớn hơn nhiều so với chỉ chạy riêng tàu khách.
2. VỀ LÝ GIẢI CỦA HỒ SƠ
Khi đọc đoạn tóm tắt này trên báo (Hình 2): “Bộ GTVT lý giải: Trong Báo cáo Nghiên cứu khả thi, tuyến có tốc độ thiết kế tàu khách 350km/h, tàu hàng160km/h. Kinh nghiệm thế giới cho thấy đối với các quốc gia có tuyến đường sắt mới đưa vào khai thác, tốc độ khai thác bằng khoảng 90% tốc độ thiết kế. Vì vậy, dự kiến trong giai đoạn đầu, tốc độ khai thác tối đa của tàu khách 320km/h, tàu hàng 120km/h. Trong quá trình khai thác, việc nâng tốc độ khai thác tối đa sẽ được tổng kết, đánh giá và thử nghiệm.
Để bảo đảm khai thác với tốc độ nêu trên, Tư vấn sử dụng bán kính đường cong 6.500m và tính toán siêu cao theo Tiêu chuẩn Châu Âu DIN EN 13803:2017 (TCVN 13342:2012) cho thấy yêu cầu kỹ thuật của tuyến đường đáp ứng các điều kiện để khai thác an toàn.”
Thì mình thấy chưa đầy đủ và không thuyết phục. Vì tiêu chuẩn EN 13803:2017 dùng cho châu Âu, không phân biệt tuyến chỉ chở khách hay tuyến hỗn hợp. Tiêu chuẩn này đưa ra các giới hạn đường bao chung cả 2 loại vận hành này (thường là tàu khách), tùy trường hợp thì sẽ tính toán lấy giá trị cụ thể.
Ví dụ, dự án cụ thể áp dụng EN 13803:2017, khi chỉ có tàu khách thì áp dụng giá trị trên theo EN 13803 (siêu cao 160 mm), khi vận hành hỗn hợp thì phải điều chỉnh lại cho phù hợp (siêu cao chỉ 90 mm). (Hình 3). Do đó, cần tìm hiểu nội dung chi tiết lý giải này xem có đúng đắn hay không.
3. THÔNG TIN BÊN LỀ
Mình được thông tin về nội dung chi tiết lý giải như sau:
3.1. Tư vấn thiết kế (TVTK) cho rằng Tư vấn thẩm tra (TVTT) không phản đối cách tính siêu cao theo EN 13803 nên đương nhiên là đúng.
Nếu lý luận như vậy thì hơi ngộ nghĩnh. Trên tuyến ĐSTĐC trục Bắc - Nam có những ga chỉ cách nhau 30-40 km (Phủ Lý - Nam Định, Nam Định - Ninh Bình, Long Thành - Thủ Thiêm), thì bên cạnh những loại tàu chạy được 350 km/h, còn có loại tàu khách liên vùng chỉ chạy 160 km/h giữa các ga gần thôi.
Nếu TVTT coi rằng TVTK đang tính toán cho các đoàn tàu khách chạy tốc độ khác nhau thì sử dụng giá trị trên của EN 13803 thì phù hợp. Còn khi có tàu hàng ở đây thì giá trị phải khác đi, như ví dụ mục 2 ở trên.
Mình nghiêng về hướng là TVTT đang hiểu là TVTK chỉ đang tính toán cho các đoàn tàu khách, còn nếu TVTK coi là tính toán với cả tàu hàng thì giá trị sẽ không đúng theo thực tiễn ở nước Đức tại mục 1 nêu trên.
3.2. Tư vấn thiết kế cho rằng Tư vấn thẩm tra sử dụng tiêu chuẩn TB 10098 của TQ để chất vấn là không phù hợp.
Cái này thì cũng rất hài hước. Mình đã giới thiệu tiêu chuẩn TB 10098 ở bài viết này (
https://www.facebook.com/chidat.nguyen/posts/pfbid02Te1aJsouFpbdhdw1YBofaeQCdR9a45okg5n5SHp1h4e3itNy8NS9hVwmg973qcyXl ). Lý do mình giới thiệu vì nó sẽ được áp dụng cho các tuyến đường sắt phía Bắc khổ 1435, đồng thời nó có đa dạng đủ loại hình: từ tàu khách 350 km/h đến vận hành hỗn hợp và tàu hàng siêu nặng (Và trong bài viết này thì Tiêu chuẩn cũng nêu rõ bán kính tối thiểu thông thường 7.000 m khi chạy riêng tàu khách 350 km/h rồi, nếu có tàu hàng thêm vào thì cần bán kính lớn hơn nữa).
Hài hước ở chỗ, đề bài 350 km/h và tải trọng trục 22,5 tấn là chưa bao giờ xuất hiện trên thế giới vì thế sẽ không có tiêu chuẩn nào có sẵn các giá trị cho loại hình này cả. Việc TVTT vận dụng TB 10098 để tính toán lại các giá trị siêu cao là hiểu được, vì nó có đủ các loại hình tàu đã nêu ở trên. Khi vận dụng thì sẽ tính toán dựa trên các đặc điểm của tàu khách 350 km/h và tàu hàng nặng 120 km/h (do tiêu chuẩn TB 10098 cung cấp), chứ làm gì có giá trị sẵn có mà áp đặt.
Thành thử, nếu TVTK có nhận xét thì phải xem người ta có vận dụng đúng hay không, chứ nói sử dụng tiêu chuẩn không đúng là rất buồn cười.
4. TẠM KẾT
Bài viết cung cấp thông số hình học thực tiễn về một số tuyến đường sắt tốc độ cao: chỉ chở khách và vận hành hỗn hợp. Từ thực tiễn này cho thấy Rmin = 7.000 m chỉ vận hành tàu khách 280 km/h, tàu hàng 120 km/h (còn nếu chỉ riêng tàu khách thì Rmin = 7.000 m chạy được tàu 350 km/h).
Khi liên hệ với tuyến ĐSTĐC trên trục Bắc - Nam, và đặc biệt đọc bài báo giải thích của TVTK thấy rất nghi ngờ. Khi thông số chỉ có Rmin = 6.500 m mà nói vận hành tàu khách 350(320) km/h và tàu hàng 120 km/h là không áp dụng đúng tiêu chuẩn, sai lý thuyết và trái thực tiễn. Thế này thì giai đoạn đầu chưa chắc đã đạt được tốc độ mong muốn, nói chi đến giai đoạn sau khi mà hạ tầng không đủ nữa.
Hy vọng hồ sơ phải hoàn thiện kịp thời để thực hiện đúng yêu cầu đề bài đặt ra. Muốn tự chủ về ĐSTĐC thì trước hết phải có một hồ sơ đúng đắn đã./.