Khinh hạm lớp Ulsan lô IV - "tàu chiến thông minh" của Hải quân Hàn Quốc
Thứ Hai, 06:48, 30/12/2024
VOV.VN - Công ty Hanwha Ocean của Hàn Quốc vừa qua đã ký hợp đồng với Cục Quản lý Chương trình Mua sắm Quốc phòng để đóng 2 khinh hạm đầu tiên thuộc lớp Ulsan lô IV, dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2030.
Khinh hạm lớp Ulsan
Khinh hạm lớp Ulsan có chiều dài 103,7 mét, chiều rộng 12,5 mét, được trang bị hệ thống động cơ kết hợp Diesel và Gas (CODOG), cho phép đạt tốc độ lên tới 35 hải lý/giờ và tầm hoạt động khoảng 8.000 hải lý khi di chuyển ở tốc độ 16 hải lý/giờ. Vũ khí của lớp tàu này bao gồm pháo chính, pháo phụ, tên lửa chống hạm và hệ thống chống tàu ngầm, rất thích hợp cho các hoạt động đa chức năng.
Bản vẽ tàu khu trục lớp Ulsan lô IV. Nguồn: Armyrecognition.com
Khinh hạm lớp Ulsan được trang bị các cảm biến tiên tiến và hệ thống tác chiến điện tử, giúp phát hiện và ứng phó hiệu quả với các mối đe dọa. Tàu thuộc lớp này đã có mặt trong biên chế từ đầu những năm 1980 và được sản xuất 3 lô với các thay đổi nhỏ trong thiết kế. Các tàu này đã thực hiện nhiệm vụ tuần tra ven biển, tác chiến chống tàu ngầm, và tham gia vào nhiều cuộc tập trận hải quân quốc tế.
Một số tàu lớp Ulsan đã ngừng hoạt động và được bảo tồn như tàu bảo tàng, trong khi một số vẫn tiếp tục phục vụ hoặc được chuyển đổi thành tàu huấn luyện. Ngoài thị trường nội địa, lớp Ulsan cũng đã được xuất khẩu ra thế giới, điển hình là phiên bản phục vụ trong Hải quân Bangladesh từ tháng 6/2001 dưới tên gọi BNS Bangabandhu, hiện là con tàu hiện đại nhất trong hạm đội của Bangladesh.
Các thông số kỹ thuật của khinh hạm lớp Ulsan bao gồm: lượng giãn nước: 1.500 tấn (rỗng); chiều dài: 103,7 m, chiều rộng: 12,5 m; mớn nước: 3,8 m; động cơ: 2 động cơ tua bin khí GE LM2500 hoặc 2 động cơ diesel MTU 12V 956 TB82; tốc độ tối đa: 35 hải lý/giờ (65 km/h); tầm hoạt động: 8.000 hải lý (15.000 km) ở tốc độ 16 hải lý/giờ; thủy thủ đoàn: 186 người (16 sĩ quan).
Khinh hạm lớp Ulsan sử dụng radar dẫn đường AN/SPS-10C, radar kiểm soát hỏa lực ST-1802, sonar gắn trên thân tàu Signaal PHS-32, sonar kéo TB-261K, cùng các thiết bị tác chiến điện tử mồi nhử, bao gồm bộ ESM/ECM ULQ-11K, ống phóng mồi SRBOC, và ống phóng ngư lôi SLQ-261.
Vũ khí của lớp tàu này bao gồm: pháo chính: 2 pháo OTO Melara 76 mm/62; pháo phụ: 4 pháo đôi Emerson EMERLEC 30 Oerlikon 30 mm/75 KCB (lô I), 3 pháo đôi Breda DARDO CIWS Bofors 40 mm/70 (lô II–III); tên lửa chống hạm: 2×4 RGM-84C Harpoon SSM
Về vũ khí chống tàu ngầm, lớp tàu Ulsan được trang bị 2×Mark 32 SVTT ba nòng với ngư lôi ASW Mark 46 hoặc ngư lôi ASW K745 Blue Shark (sau năm 2006), cùng 12 bom chìm Mk 9 hoặc KMk 9.
Hợp đồng mới
Hợp đồng trị giá 839,1 tỷ KRW (khoảng 640 triệu USD) là một phần trong chương trình thay thế các khinh hạm lớp Ulsan cũ đã phục vụ từ những năm 1980. Hải quân Hàn Quốc sẽ đóng tổng cộng 6 khinh hạm lớp Ulsan lô IV và chúng sẽ đóng vai trò quan trọng trong tương lai của hải quân nước này.
Mặc dù thiết kế tổng thể của khinh hạm lớp Ulsan lô IV vẫn duy trì hình dáng tương tự các phiên bản trước, nhưng các tàu mới sẽ được trang bị hệ thống chiến đấu và vũ khí tiên tiến, đặc biệt là trong tác chiến điện tử và chống tấn công mạng. Những tàu chiến này sẽ được trang bị các giải pháp bảo mật, giúp ứng phó hiệu quả với các cuộc tấn công bằng phương tiện không người lái tiên tiến.
Khinh hạm lớp Ulsan lô IV được mệnh danh là "tàu chiến thông minh", đánh dấu bước tiến đáng kể trong công nghệ hải quân của Hàn Quốc. Các nhà chế tạo đã nâng cấp hệ thống chiến đấu và vũ khí, tích hợp công nghệ vũ khí tầm gần (CIWS) và các thiết bị tác chiến điện tử hiện đại. Thêm vào đó, tàu sẽ được thiết kế để giảm thiểu quy mô thủy thủ đoàn và tối ưu hóa điều kiện hoạt động.
Hanwha Ocean, công ty duy nhất của Hàn Quốc đóng tất cả các tàu khu trục lớp KDX, sẽ sử dụng kinh nghiệm thành công từ các khinh hạm lô III để tích hợp các công nghệ tiên tiến vào các tàu lớp Ulsan lô IV. Những tiến bộ này bao gồm hệ thống chiến đấu thế hệ tiếp theo, các vũ khí nâng cấp, và các công nghệ mới như hệ thống vũ khí tầm gần và các thiết bị tác chiến điện tử.
Vào năm 2023, Hanwha Ocean cũng đã ký hợp đồng đóng hai khinh hạm lớp Ulsan lô III cho Hải quân Hàn Quốc. Chiếc khinh hạm thứ năm dự kiến sẽ được chuyển giao vào tháng 12/2027, và chiếc thứ sáu vào tháng 6/2028.
Tháng 9/2024, Hanwha Ocean đã nhận được sự chấp thuận từ Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) và cùng với Hanwha Systems đã hoàn tất việc mua lại Philly Shipyard, một công ty đóng tàu Mỹ chuyên thực hiện các dự án thương mại và quốc phòng. Giao dịch này mở rộng việc đóng tàu của Hanwha sang thị trường Mỹ, giúp công ty này củng cố vị thế trong ngành công nghiệp đóng tàu quốc tế.
Quân đội Ukraine “lột xác” ra sao sau gần 3 năm xung đột với Nga?
Thứ Năm, 10:50, 26/12/2024
VOV.VN - Trong gần 3 năm kể từ khi xung đột với Nga bắt đầu bùng phát, quân đội Ukraine đã “lột xác” từ một lực lượng chủ yếu sử dụng các khí tài thời Liên Xô, trở thành một lực lượng với nhiều vũ khí hiện đại của phương Tây và hướng tới các tiêu chuẩn NATO.
Máy bay chiến đấu hiện đại
Trong những tháng đầu năm 2023, Ukraine nhận được những lô MiG-29 từ Slovakia và Ba Lan, những chiếc máy bay chiến đấu mà quân đội của Kiev vốn đã rất quen thuộc.
Sau quá trình vận động mạnh mẽ và kiên trì, Ukraine cuối cùng đã nhận được F-16, tiêm kích hiện đại do Mỹ sản xuất.
Những chiếc máy bay đắt đỏ này được Đan Mạch, Hà Lan, Bỉ và Na Uy cung cấp, được xem là cam kết viện trợ lớn nhất cho Kiev kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát. Cùng với việc cung cấp máy bay, các nước phương Tây cũng huấn luyện phi công và đội ngũ mặt đất cho Ukraine.
Tiêm kích F-16 bay trên bầu trời Ukraine ngày 4/8/2024. Ảnh: Getty
Việc sử dụng F-16 trong chiến đấu được Ukraine tiết lộ vào tháng 8 năm nay, nhưng Kiev đã mất ít nhất 1 chiếc trong chiến dịch đầu tiên.
Các chuyên gia cũng cho rằng số lượng máy bay mà các nước phương Tây cam kết cung cấp cho Ukraine không phải là “viên đạn bạc” trước lực lượng không quân hùng mạnh và được trang bị công nghệ cao của Nga.
Dù vậy, F-16 vẫn mang lại cho Ukraine một sự hiện đại hóa đáng kể và đưa quân đội của họ tới gần hơn với các tiêu chuẩn của NATO.
Pháo và tên lửa
Trong suốt cuộc xung đột đã kéo dài gần 3 năm, các đồng minh và đối tác đã cung cấp cho Ukraine nhiều thiết bị mới mà quân đội nước này chưa từng sử dụng.
Ukraine đã nhận được một số lượng tên lửa hệ thống tên lửa chiến thuật ATACMS do Mỹ sản xuất với tầm bắn lên tới 480 km. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã phê chuẩn cho Ukraine sử dụng tên lửa này trong các cuộc tấn công sâu trong lãnh thổ Nga.
Theo số liệu của Lầu Năm Góc, Washington cũng đã gửi hơn 40 hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS), cùng với đạn dược đi kèm.
Ukraine đã sử dụng tên lửa Storm Shadow/Scalp do Anh/Pháp cung cấp. Tên lửa này có thể phóng từ F-16 và cả MiG-29 thời Liên Xô của Ukraine sau khi chúng được điều chỉnh lại.
Ukraine cũng sử dụng nhiều loại vũ khí mới khác, chẳng hạn như đạn chùm do Mỹ sản xuất, mìn chống bộ binh và bom đường kính cỡ nhỏ phóng từ mặt đất (GLSDB).
Phương tiện không người lái sản xuất nội địa
Một số vũ khí phương Tây mà Ukraine nhận được như tên lửa ATACMS và Storm Shadow bị hạn chế về mục tiêu tấn công do các nước cung cấp chúng lo ngại khả năng xung đột với Nga.
Vì vậy, Ukraine tập trung vào nỗ lực phát triển vũ khí nội địa, để không bị ràng buộc bởi quy định của các nước viện trợ. Một trong những sản phẩm đáng chú ý là máy bay không người lái (UAV) tấn công tầm xa. Ukraine đã nhiều lần sử dụng chúng để nhắm vào các mục tiêu quan trọng của Nga cách biên giới hàng trăm km, thậm chí có thể vươn xa tới hơn 1.000 km.
Các căn cứ không quân, cơ sở hải quân, nhà máy lọc dầu, nhà máy vũ khí và thậm chí cả thủ đô Moscow đã bị tấn công bằng UAV do Ukraine tự sản xuất.
Không giống như trước xung đột, các loại UAV tầm xa của Ukraine giờ đây có chi phí khá thấp. Ukraine cũng đã thiết kế, chế tạo và nâng cấp một loạt UAV tầm ngắn để sử dụng ở tiền tuyến, phục vụ cho việc trinh sát, chỉ điểm cho pháo binh tấn công hoặc phá hủy các phương tiện bọc thép của Nga.
Ngoài UAV, Ukraine còn chế tạo tàu không người lái, đáng chú ý có Maguara V5, SeaBaby… được sử dung trong các cuộc tấn công nhằm vào Hạm đội Biển Đen của Nga cũng như bán đảo Crimea.
Bên cạnh các phương tiện không người lái trên không, trên biển, Ukraine hiện có cả các phương tiện không người lái mặt đất, chủ yếu phục vụ hoạt động sơ tán và hậu cần ở những vị trí nguy hiểm trên tiền tuyến.
Tên lửa mới của Ukraine
Một phần quan trọng trong kho vũ khí của Ukraine là số lượng tên lửa chống hạm Neptune sản xuất nội địa, được cho là đã đánh chìm soái hạm Moskva của Hạm đội Biển Đen của Nga trong giai đoạn đầu của cuộc cung đột.
Hồi tháng 8, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thông báo Kiev đã thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo nội địa đầu tiên và đã lên kế hoạch tiến hành thêm các cuộc thử nghiệm đối với loại vũ khí mới này.
Ông Jacob Parakilas, nhà nghiên cứu về chiến lược quốc phòng tại Rand Corp cho rằng, tên lửa đạn đạo mà ông Zelensky nói đến là Hrim-2, có tầm bắn hơn 480km. Tầm bắn này không thể vươn tới Moscow nhưng đủ để đe dọa các căn cứ không quân, kho đạn dược và các cơ sở quân sự khác của Nga từ lãnh thổ Ukraine.
Kiev cũng đã phát triển một vũ khí được mô tả là “tên lửa máy bay không người lái”, có tên Palianytsia, và pháo Bohdana.
Giữa tháng này, chỉ huy các lực lượng không người lái của Ukraine cho hay Kiev đã phát triển vũ khí laser mang tên Tryzub, trong tiếng Ukraine có nghĩa là “mũi kiếm”.
Phòng không
Kể từ tháng 2/2022, các nước phương Tây đã cung cấp cho Ukraine một loạt hệ thống phòng không mới, bao gồm Patriot của Mỹ cùng các hệ thống Iris-T tầm ngắn và SAMP/T.
Riêng Mỹ cung cấp cho Ukraine 3 hệ thống Patriot và 12 hệ thống tên lửa phòng không tầm xa hiện đại (NASAMS) cùng hơn 3.000 tên lửa phòng không di động Stinger.
Kiev cũng đã nhận được pháo phòng không Gepard do Đức sản xuất và chúng đã chứng minh hiệu quả trước UAV Shahed do Nga sử dụng để tấn công trên khắp Ukraine.
Xe tăng và xe thiết giáp
Vốn trước đây chỉ sử dụng các xe tăng dòng T và thiết giáp từ thời Liên Xô, Ukraine hiện đã có xe tăng chiến đấu chủ lực và xe thiết giáp do phương Tây sản xuất.
Mỹ cung cấp cho Kiev 31 xe tăng chiến đấu chủ lực Abrams, hơn 300 xe chiến đấu bộ binh Bradley, 400 xe chở quân Stryker và hơn 1.000 xe chống mìn/chống phục kích.
Anh viện trợ cho Ukraine xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger 2 và một số nước châu Âu gửi các biến thể khác nhau của xe tăng Leopard do Đức sản xuất.
Các phương tiện bọc thép khác mà Ukraine nhận được có khoảng 140 xe chiến đấu bộ binh Marder của Đức và hàng chục xe thiết giáp AMX-10 RC của Pháp.
Học thuyết quân sự
Bên cạnh việc chuyển sang các trang thiết bị phương Tây, Ukraine cũng đã thay đổi chiến thuật và học thuyết quân sự.
“Ukraine đã hoàn toàn chuyển sang các tiêu chuẩn của NATO trong việc lập kế hoạch, vận hành và trang bị cho quân đội”, Andrii Ziuz, một cựu giám đốc điều hành của Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine, cho biết.
Tuy nhiên, nhiều người cũng đặt câu hỏi về về tính khả thi của chiến thuật chiến đấu kiểu NATO khi Ukraine áp dụng nó để đối phó với quân đội Nga vốn có ưu thế vượt trội về không quân.