Con số hai chục vạn quân Thanh cũng rất sai sự thực. Tôn Sĩ Nghị sang bằng đường bộ, mà đường bộ thì bị vách núi dầy đặc ngăn cách không thể di chuyển một số quân khổng lồ như vậy. Trong những lần xâm chiếm qui mô Việt nam, quân Trung Quốc đều chủ yếu xâm lăng bằng đường thủy qua cửa Bạch Đằng hay Nghệ An.
Thành phố Hà Nội hồi đó có bao nhiêu dân cư? Mười ngàn, mười lăm ngàn, hay hai chục ngàn là cùng. Không cần hai trăm ngàn, chỉ cần năm chục ngàn thôi thì cũng đã là cả một sự tràn ngập không còn chỗ đứng, chưa nói tới việc quân Thanh kéo nhau đi chợ mua bán như sử chép. Các tài liệu còn giữ lại chỉ nói quân Thanh đóng đồn ở vài làng nhỏ cạnh Hà Nội.
Niềm tự hào dân tộc của tôi bị thương tổn lần đầu tiên vào khoảng năm 1958. Tôi đọc báo về cuộc thuyết trình của giáo sư Tưởng Quân Chương, một chuyên gia người Đài Loan về Việt nam, tại Đại Học Văn Khoa Sài Gòn. Sự hiểu biết rất non nớt của tôi lúc đó cũng đủ để tôi ý thức rằng ông hơn hẳn nhiều trí thức Việt nam ngay về chính lịch sử và văn hóa Việt nam. Ông lập luận chắc chắn, dẫn chứng tài liệu đầy đủ về văn học Việt nam, từng tác phẩm, từng tác giả. Đề cập đến trận Đống Đa, Tưởng Quân Chương dẫn tài liệu của Thanh triều, nói rằng Tôn Sĩ Nghị tổng đốc Lưỡng Quảng đã đem sáu ngàn kỵ binh sang Việt nam để phô trương thanh thế và làm lễ thụ phong cho Lê Chiêu Thống nhưng đã bị Nguyễn Huệ đánh bất ngờ, thua chạy về và bị cách chức. Con số này theo tôi là hợp lý. Tôn Sĩ Nghị từ Trung Quốc sang Việt nam trong một hai tuần lễ thì chắc chắn là sang bằng kỵ binh rồi, mà kỵ binh thì sáu ngàn đã là nhiều lắm đối với hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây, muốn hơn cũng không có. Nên nhớ là nhà Thanh lúc đó yên bình đã mấy trăm năm nên không còn giữ quân đội hùng hậu nữa. Tôi chưa thấy sử gia Việt nam nào bác bỏ sự kiện của ông Tưởng Quân Chương.
Một tài liệu do người Việt nam viết về trận Đống Đa là cuốn Hoàng Lê Nhất Thống Chí của Ngô Gia Văn Phái, một cuốn sách khá thuận cho Tây Sơn. Theo cuốn sách này thì khi quân Thanh đến, Ngô Văn Sở và Ngô Thời Nhiệm bàn với nhau rằng đánh quân Thanh không được vì dân chúng Bắc Hà ủng hộ quân Thanh và ghét quân Tây Sơn, họ sẽ chỉ chỗ, dẫn đường, tiếp sức quân Thanh (Đây cũng là một sự kiện rất quan trọng chứng tỏ dân chúng không ngưỡng mộ Nguyễn Huệ như một số tác giả viết). Ngô Văn Sở quyết định bỏ Thăng Long lui về giữ đèo Tam Điệp, nhưng đô đốc Phan Văn Lân không chịu, đòi Ngô Văn Sở cấp cho một ngàn quân (xin nhắc lại là một ngàn quân) ra giáp chiến. Phan Văn Lân đến bờ sông Như Nguyệt thì gặp quân Thanh đóng ở bên kia sông. Lúc đó tiết trời lạnh giá nhưng Phan Văn Lân nhất định bắt quân lội qua sông đánh quân Thanh. Quân Tây Sơn chết đuối khá nhiều, số còn lại qua bên kia sông lạnh cóng nên bị quân Thanh tiêu diệt, Phan Văn Lân một mình một ngựa chạy về. Thử hỏi nếu quân Thanh đông tới mười ngàn người thôi liệu Phan Văn Lân có dám liều lĩnh như vậy không?
Còn một nguồn tài liệu khác về trận Đống Đa. Đó là những lá thư mà các giáo sĩ có mặt tại đó gởi về cho bạn bè tại Pháp. Những lá thư này được tập trung trong một tài liệu có tên là “Những lá thư kỳ lạ và xúc tích của Sứ Bộ Truyền Giáo Viễn Đông” (Lettres curieuses ét édifiantes de la Mission apostolique en Extrême Orient) còn lưu giữ tại Pháp. Đây là những lá thư riêng, không phổ biến, do đó chúng không có mục đích tuyên truyền. Các giáo sĩ nói thẳng là họ bênh vực nhà Tây Sơn vì lý do cả chúa Trịnh lẫn chúa Nguyền đều cấm đạo trong khi Tây Sơn không để ý đến tôn giáo.
Một giáo sĩ mô tả trận Ngọc Hồi (Đống Đa), trận đánh gay go nhất và có thể nói là duy nhất trong đêm hôm đó. Theo ông, quân Tây Sơn tiến vào bị quân Thanh đánh bật ra, hàng ngũ rối loạn. Lúc đó đích thân Nguyễn Huệ từ dưới xông lên, múa gươm chém chết mấy chục quân Thanh, làm chúng hoảng sợ bỏ chạy. Theo cách mô tả đó thì trận Đống Đa không thể là lớn được. Hoàng Lê Nhất Thống Chí cũng nói quân Tây Sơn tiến sau hai mươi tấm mộc, đằng sau mỗi tấm là ba mươi người. Như vậy tổng số quân Tây Sơn tham chiến ở Ngọc Hồi là sáu trăm người. Hoàng Lê Nhất Thống Chí còn nói thêm là khi nghe tin Ngọc Hồi có biến, Tôn Sĩ Nghị sai một bộ tướng đem hai chục kỵ binh đi giải cứu cùng với một đám nghĩa quân của vua Lê. Những dữ kiện này chứng tỏ trận Đống Đa chỉ là một trận nhỏ.