[Funland] Số phận bi thãm của một số công thần sau cuộc khởi Nghĩa Lam Sơn

atlas06

[Tịch thu bằng lái]
Biển số
OF-451932
Ngày cấp bằng
9/9/16
Số km
4,468
Động cơ
232,230 Mã lực
Tuổi
38
Năm 1423, xuất hiện “Thư thỉnh hàng” nhân danh Lê Lợi gửi quân Minh xin tạm hoãn chiến tranh. Đây là văn bản sớm nhất của tập “Quân trung từ mệnh”. Trần Trí, Sơn Thọ nhận lời, gửi tặng viên đầu mục nhiều phẩm vật, được quân khởi nghĩa đáp lễ bằng vàng bạc. Bề ngoài Lê Lợi giao thiệp thân thiện, nhưng bên trong vẫn âm thầm phòng ngự. Đoán biết ý định đối thủ, phe Trần Trí bắt giữ sứ giả Lê Trăn. Chúa Lam Sơn nổi giận cắt đứt quan hệ.

Tháng 7 ta năm 1424, vua Minh Vĩnh Lạc băng trên đường hành quân đánh Mông Cổ. Tháng 9 ta cùng năm, nghĩa quân đánh úp đồn Đa Căng (Thanh Hóa) khiến Lương Nhữ Hốt bỏ chạy. Tiếp đó đánh bại luôn viện binh chỉ huy bởi Nguyễn Suất Anh.

Lê Lợi sửa sang khí giới, rèn luyện đội ngũ tiến thẳng vào Nghệ An. Sau nhiều dằng co, quân Lam Sơn dùng phục binh thắng quân Minh một trận lớn tại Bồ Ải (huyện Anh Sơn, Nghệ An nay), buộc Trần Trí lui vào thành cố thủ. Năm 1425, nghĩa quân thu phục được thủ lĩnh châu Ngọc Ma Cầm Quý, lấn chiếm các châu huyện, vây bức trấn thành. Tướng Minh Lý An chỉ huy thủy binh từ Đông Quan đến cứu, thừa dịp, Trần Trí mang hết quân phản công nhưng thất bại. Từ đó, giặc không dám ra ngoài.

Lê Lợi lại sai Lê Lễ dẫn quân phát triển thế lực sang Diễn châu. Tại đây, Lễ phá tan đạo quân chuyển lương của Trương Hùng, đuổi sát gót Hùng về tận Tây Đô. Lê Lợi điều tiếp các vị Lê Sát, Lê Nhân Chú, Lê Triện, Lê Bị…hỗ trợ Lễ đánh úp thành. Tuy chưa hạ được nhưng các tướng phủ dụ thành công dân chúng xung quanh. Tây Đô bị cô lập. Lúc ấy, vua Hồng Hy mất. Nhân cơ hội, nghĩa quân giải phóng luôn các châu huyện thuộc Tân Bình, Thuận Hóa. Như vậy, giặc Minh chỉ còn duy trì thủ phủ Tây Đô, Diễn châu, Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hóa. Dân cư bên ngoài đều theo kháng chiến.

Thành tựu lớn đạt được trong thời gian cực ngắn có thể do các yếu tố sau:

– Quan Tổng binh tài năng Lý Bân mất.
– Nguyễn Trãi mang đến thông tin quý giá về nội tình Tam ty, về cách bố trí lực lượng và phương pháp tác chiến của người Minh.
– Nguyễn Chích, dựa vào thông tin từ Nguyễn Trãi, đề xuất chiến lược hướng Nam đúng đắn giúp tiềm lực hậu cần nghĩa quân tăng vọt.
– Hai vua Vĩnh Lạc, Hồng Hy liên tục qua đời khiến tinh thần bộ máy thuộc địa dao động.
– Lê Lợi đánh giá đúng tương quan hai bên.
Mùa thu năm 1426, Lê Lợi sai các tướng Phạm Văn Xảo, Lê Khả, Lê Bị, Lê Khuyển bắc tiến nhằm chế ngự đường tiếp viện của quân Minh từ Vân Nam và Lưỡng Quảng. Hỗ trợ phía sau có Lê Lễ, Lê Xí. Riêng tướng Lê Triện mang 3.000 quân áp sát Đông Quan. Bình Định vương tiến ra Lỗi giang (sông Mã) để trợ thanh thế. Sau nhiều trận giao phong; Lê Lễ, Lê Triện cả phá Vương Thông tại Tốt Động, chém Thượng thư Trần Hiệp và Nội quan Lý Lượng. Chúa Lam Sơn lập tức hành quân gấp đến Lũng giang (sông Đáy).

Bài này có thể ra đời nhân dịp nhà thơ theo Lê Lợi tiến vào đồng bằng sông Hồng.

神符海口


故國歸心落雁邊
秋風一葉海門船
鯨噴浪吼雷南北
槊擁山連玉後前
天地多情恢巨浸
勳名此會想當年
日斜倚棹滄茫立
冉冉寒江起暮煙

Thần Phù hải khẩu


Cố quốc quy tâm lạc nhạn biên
Thu phong nhất diệp hải môn thuyền
Kình phôn lãng hống lôi nam bắc
Sóc ủng sơn liên ngọc hậu tiền
Thiên địa đa tình khôi cự tẩm
Huân danh thử hội tưởng đương niên
Nhật tà ỷ trạo thương mang lập
Nhiễm nhiễm hàn giang khởi mộ yên

Cửa biển Thần Phù

Lòng về quê cũ gửi theo cánh nhạn,
Thuyền ra cửa biển tựa chiếc lá trong gió thu.
Sóng gào như cá kình rống đôi bờ nam bắc,
Núi liền giống giáo ngọc dựng hai phía trước sau.
Trời đất đa tình, khôi phục dòng nước lớn,
Huân danh gặp hội, chợt nhớ năm nào!
Bóng xế, dựa chèo đứng giữa cảnh mênh mông,
Khói chiều mơ hồ dậy lên trên sông lạnh.

Ý, từ ôm đồm cả Niệm nô kiều của Tô Thức lẫn Hoàng hạc lâu của Thôi Hiệu.

Cuộc hành binh hướng đến Đông Quan khiến tác giả mơ ngày về rất gần. Lê Lợi khôi phục gần như đầy đủ uy nghi nước cũ, cái Nguyễn gọi là “cự tẩm ”, dòng chảy lớn. Trong thâm tâm, ông thấy trời đã trao “mệnh” cho vị thủ lĩnh khởi nghĩa. Hội “huân danh”, tức việc phong quan tước kèm ban thưởng trước khi vào chiến dịch, có thể khiến Nguyễn Trãi liên tưởng thời được vua Hồ tuyển chọn và cất nhắc. Cuộc đời đặc biệt trong hoàn cảnh đặc biệt đã giúp Nguyễn tham gia hai lần lập nước.

Sau khi tổ chức bộ máy hành chánh trên các vùng đất thu lại được, Lê Lợi đóng dinh ở Đông Phù Liệt, trực tiếp điều khiển quân chủ lực Hải Tây bao vây Đông Quan.

Tháng 11 năm Tuyên Đức I (1426), Trần Cảo được nghĩa quân Lam Sơn lập làm vua, niên hiệu Thiên Khánh. Vương Thông định xin hòa, sau đó nghe lời bàn của thổ quan lại đổi ý. Lê Lợi chia quân vây hãm các thành Điêu Diêu, Thị Cầu, Tam Giang, Xương Giang, Khâu Ôn.

Mùa xuân năm Tuyên Đức II (1427), Lê Lợi chuyển hành dinh đến bờ Bắc sông Hồng, vây đánh Đông Quan ráo riết. Ngài ban chức hỏa thủ cho chỉ huy quân đội, bổ nhiệm thuộc lại tại Hàn lâm viện và chính quyền địa phương bốn đạo. Dịp này, lấy Hàn lâm viện Thừa chỉ Nguyễn Trãi làm Triều liệt Đại phu, Nhập nội Hành khiển, Lại bộ Thượng thư kiêm hành Khu mật viện sự. Lê Lợi dựng lầu cao ngang tháp Báo Thiên để quan sát động tĩnh của Vương Thông, Nguyễn Trãi hầu ở tầng hai, nhận lệnh soạn thảo thư từ qua lại với giặc.(Toàn Thư II, 282)
 

atlas06

[Tịch thu bằng lái]
Biển số
OF-451932
Ngày cấp bằng
9/9/16
Số km
4,468
Động cơ
232,230 Mã lực
Tuổi
38
Phía bắc, nghĩa quân Lam Sơn liên tục dành chiến thắng: Ngày 8 tháng 9 năm Tuyên Đức II (1427), hạ thành Xương Giang cắt đứt tuyến tiếp viện. Ngày 20 tháng 9 chém An Viễn hầu Liễu Thăng tại Chi Lăng; tháng 10, tiêu diệt hoàn toàn 10 vạn viện binh dưới quyền vị tướng quá cố tại Xương Giang. Đạo quân hỗ trợ 5 vạn của Kiềm Quốc công Mộc Thạnh hoảng hốt tháo chạy. Tổng binh Thành Sơn hầu Vương Thông cùng kế phải chủ động giảng hòa.

Hai bên tiến hành hội thề chấm dứt chiến tranh ở phía Nam thành Đông Quan vào ngày 22 tháng 11 năm Tuyên Đức II (1427). Phía An Nam, nhân danh Trần Cảo là đầu mục Lê Lợi cùng nhóm quan tướng nhiều người giả danh họ Trần. Trần Nguyên Hãn và Trần (Phạm) Văn Xảo, hai quân nhân kinh lộ, dù địa vị trong lực lượng kháng chiến kém xa các chỉ huy Thiết Đột như Lưu Nhân Chú, Trịnh Khả, Lê Vấn… vẫn chiếm vị thế quan trọng trong hội thề[41]. Như vậy, trên danh nghĩa chính thức, áp lực tái dựng họ Trần từ Vương Thông là cực lớn. Nhóm Lam Sơn gốc buộc lòng sử dụng Trần Cảo nhưng chỉ xem như chiêu bài. Vài thành viên Lam Sơn xuất thân trung châu lại nghĩ khác, họ thấy người Minh mang đến cơ hội.

Tháng 12 năm Tuyên Đức II (1427), quân Minh rời An Nam. Lê Lợi lập tức công bố Đại Cáo nhấn mạnh công lao kháng chiến và tính hợp pháp của chính quyền tân lập.

Chúa Lam Sơn nhanh chóng dọn dẹp tàn tích hệ thống cũ. Trần Cảo bị bức tử vào tháng giêng năm Thuận Thiên I (1428), thổ quan làm việc cho chính quyền Minh bị trừng trị vào tháng 4, nhóm thổ hào sùng Minh tiếp tục duy trì liên lạc với mẫu quốc bị giết vào tháng 11.

Ngay khi còn ở dinh Bồ Đề, Lê Lợi đã tiến hành khen thưởng người có công. Đợt đầu tiên chỉ dành cho quân nhân Thiết Đột tham gia nổi dậy từ trứng nước. Các mỹ từ “đại phu”, “tướng quân”, “trí tự” ban cho binh tướng Thiết Đột có lẽ tương tự bằng khen, huy chương, hoặc huân chương ngày nay. Chúng mang giá trị tưởng lệ tinh thần hay phụ cấp vật chất chứ không có giá trị thang bậc trong quan trường. Tuy nhiên, sự kiện minh xác một điều : Thiết Đột là lực lượng nòng cốt đánh bại quân Minh. Chúng ta nên lưu ý trường hợp Trần Nguyên Hãn và Phạm văn Xảo. Hãn là võ tướng nhưng chỉ huy quân phụ trợ,(153) Xảo là tướng tham mưu, cả hai không thuộc phần tinh nhuệ của chủ lực nên vắng mặt trong lần ban thưởng ưu tiên.

Đợt hai mới thực sự là đại hội bá quan văn võ để bình công, định thứ bậc. Không hiểu sao qua lần luận công này, Toàn Thư chỉ ghi lại phần thưởng dành cho ba nhân tài kinh lộ: Thừa Chỉ Nguyễn Trãi làm Quan Phục hầu, Tư Đồ Trần Hãn làm Tả tướng quốc, Khu Mật đại sứ Phạm văn Xảo làm Thái Bảo, đều được ban quốc tính. Có thể tranh cãi về quyền lợi và quyền lực giữa các quan tướng khác chỉ được giải quyết rốt ráo thời gian sau đó. Nhà vua chính thức ban biển ngạch cho 93 công thần vào tháng 5, Thuận Thiên II (1429), cơ bản có lẽ dựa vào kết quả lần đại hội nói trên với một số điều chỉnh.

Thụ phong tước hầu Quan Phục, Ức Trai thuộc nhóm 100 công thần hàng đầu. Trong kháng chiến, Nguyễn không phải là nhân vật số hai sau Lê Lợi dù có thể đặt Ông vào vị trí số một trong lịch sử văn hóa Việt Nam. Nên phân biệt sòng phẳng hai trường hoạt động.

Khá mơ màng về tiểu sử Nguyễn Trãi, nhưng K. W. Taylor tương đối chính xác khi nhận định công lao quan Thừa Chỉ: “Thực tế, thiếu chứng cớ vững chắc để nói đóng góp của Nguyễn Trãi vào chế độ Lê Lợi vượt quá công việc thực hiện bởi: một ngòi bút thông thái chuyên soạn văn thư-cáo thị, một nhà quản trị hành chính hiểu biết, một chuyên gia lễ nhạc cung đình, một tiếng nói chừng mực giữa nhóm tướng lĩnh hiếu sát. Tất cả công vụ đó, dù hơi thiếu chất thần thoại, vẫn giữ vai trò quan trọng trong tình thế hỗn loạn đương thời.”[42]

Toàn Thư ghi nhận nhân vật tên Lê văn Xảo được phong Huyện thượng hầu, tước hầu cao nhất trong đợt ban biển ngạch, ngang với Lê Sát, Lê Vấn. Lê Quý Đôn đồng nhất Lê văn Xảo và Phạm văn Xảo. Chúng tôi không nghĩ vậy. Phạm văn Xảo từng cùng Lê Khả đánh tan quân Vương An Lão ở cầu Xa Lộc (1426) và đẩy lùi Mộc Thạnh ở cửa Lê Hoa (1427). Họ Phạm và tướng Thiết Đột Lê Khả thuộc cánh quân phụ ở mặt trận phụ, tầm vóc chiến đấu chưa đủ đưa Phạm vào vị trí ba công thần gạo cội. Vả lại, chuyện viên quan không được phong hầu trong lần khen thưởng trước đó đột nhiên nhảy lên ba vị trí đứng đầu thật bất hợp lý. Điểm này thể hiện sự gia công của người đời sau vào câu chuyện Trần Nguyên Hãn, Phạm văn Xảo. Sự việc càng rối rắm khi Toàn Thư thể hiện một vị tên Lê Trãi 黎豸được phong Á hầu. Nếu độc giả chỉ xem bản quốc ngữ sẽ dễ nhầm Lê Trãi với Nguyễn Trãi 阮廌 được ban quốc tính. Chúng tôi nhất trí với cụ Bùi Văn Nguyên khi xác định Lê Trãi là nhân vật khác.[43] Vì hai chữ “trãi” có thể dùng thông nhau, nhưng tên người phải theo tự dạng do chủ nhân xác lập.

Lại lưu ý việc Trần Nguyên Hãn và Phạm văn Xảo không được phong hầu dù chức quan rất trọng. Thật khó biết sử quan thời nào đã tách riêng ba người kinh lộ ra khỏi toàn cục, thao tác tách biệt nhất định phải mang ẩn ý. Cũng khó biết chức Tả tướng quốc và Thái Bảo có thật sự đúng địa vị đương thời của Hãn và Xảo hay không. Vì sao đặt tể thần như Tả tướng quốc và Thái Bảo sau đồng Trung thư lệnh vốn hàng á tướng? Hay sử gia đời sau dùng chức truy tặng bởi đời sau để tôn vinh hai vị?
 

atlas06

[Tịch thu bằng lái]
Biển số
OF-451932
Ngày cấp bằng
9/9/16
Số km
4,468
Động cơ
232,230 Mã lực
Tuổi
38
Nhà thơ hầu tước áo gấm về làng vào cuối năm 1428. Nhân dịp thăm lại Côn Sơn, Nguyễn sáng tác “Băng Hồ di sự lục” nhằm tưởng nhớ ông ngoại. Ký tên bài viết, Nguyễn hãnh diện ghi đầy đủ chức danh, phiên âm như sau: “Tuyên phụng Đại phu, Nhập nội Hành khiển, Môn hạ hữu Gián nghị Đại phu,(154) đồng Trung thư lệnh sự, tứ kim tử ngư đại, Thượng hộ quốc Quan phục hầu, tứ tính Lê Trãi”. (Nguyễn Trãi toàn tập tân biên II, 106)

Bài thơ dưới đây có yếu tố gợi ý thời điểm ra đời nhằm dịp vinh quy.

乞人畫崑山圖


半生邱壑廢登臨
亂後家鄕費夢尋
石畔松風孤勝賞
澗邊梅影負清吟
煙霞冷落腸堪斷
猿鶴蕭條意匪禁
憑仗人間高畫手
筆端寫出一般心

Khất nhân họa Côn Sơn đồ


Bán sinh khâu hác phế đăng lâm
Loạn hậu gia hương phí mộng tầm
Thạch bạn tùng phong cô thắng thưởng
Giản biên mai ảnh phụ thanh ngâm
Yên hà lãnh lạc trường kham đoạn
Viên hạc tiêu điều ý phỉ câm
Bằng trượng nhân gian cao họa thủ
Bút đoan tả xuất nhất ban tâm

Nhờ người vẽ tranh Côn Sơn

Nửa đời phải bỏ ngang việc lên thăm gò lũng!
Sau loạn, chỉ phí sức tìm quê nhà bằng giấc chiêm bao.
(Đành) phụ thú thưởng thức cảnh ghềnh đá thông reo.
(Buộc) dẹp niềm vui ngâm vịnh bóng mai bên bờ suối.
Khói mây chiều lặng lẽ, ruột như muốn đứt,
Vượn hạc xác xơ, cảm xúc khôn cầm.
Muốn nhờ tay vẽ khéo trong nhân gian,
Dùng ngọn bút họa lòng quyến luyến của ta vào đó.

Theo “Băng Hồ di sự lục”, thợ vẽ cảnh Côn Sơn được thuê vào mùa đông năm Thuận Thiên I (1428). Hai lần đi xa trở về, một lần từ Trung Hoa, một lần từ Thanh Hóa, Nguyễn đều sớm thu xếp thăm lại Côn Sơn. Cả hai lần ông đều xúc động mạnh khi chứng kiến cảnh khu nhà ngoại tổ chìm trong hoang phế.

Người Minh không tịch thu, sử dụng hay ban cấp cho người khác khu đất thiếu bàn tay chăm sóc chứng tỏ họ ứng xử rất đúng mực. Có thể nguyên nhân chiếu cố là do đại gia đình quan Tư Đồ có ba nhân vật danh tiếng hợp tác với giặc: Trần Thúc Dao, Nguyễn Phi Khanh và Nguyễn Trãi. Nhưng thật khác thường khi Nguyễn vào Lam Sơn tựu nghĩa, mảnh đất vẫn chẳng bị chính quyền Giao Chỉ đụng đến. Họ không ngờ Nguyễn quay ngoắt vậy chăng? Hay người Minh chỉ biết Nguyễn Trãi hiện diện trong quân Lam Sơn khi ông xuất hiện dụ hàng thành Tam Giang, lúc quyền kiểm soát của họ đã co rút sau các bờ thành?

Mặt khác, Trần Nguyên Đán có mười một người con cả trai lẫn gái, tại sao cháu ngoại lại kế thừa hương hỏa? Nguyễn Trãi than các dì, cậu ít người còn sống nghĩa là vẫn có người còn sống. Sau đó ông lại nói con cháu Băng Hồ hầu như không còn ai nên phải đứng ra trông coi tài sản gia truyền. Có lẽ nên hiểu rằng Nguyễn là một trong số hiếm hoi di duệ sót lại, nhưng là người duy nhất có vị trí xã hội đủ vững và khả năng tài chính đủ mạnh để duy trì cơ sở xưa của cụ Trần. Nguyễn sinh hoạt đạm bạc những khi bị triều đình lạnh nhạt, tuy nhiên, nghĩ rằng ông triền miên nghèo túng e quá lầm. Ức Trai sở hữu số thê thiếp nhiều hơn ta tưởng. Duy trì gia đình lớn như vậy phải nắm được nguồn thu nhập ổn định. Dẫu nhượng bộ trước dèm pha từ nhóm bầy tôi Thanh Hóa, vua Lê thâm tâm vẫn thương mến Nguyễn mới giao ông chức Đề cử chùa Tư Phúc. Khi Nguyễn mất tước hầu, chắc chắn thực ấp mất theo. Do vậy, vị trí Đề cử sẽ giúp Nguyễn thụ hưởng phần hoa lợi nhất định từ ruộng đất thuộc tài sản nhà chùa.

Thơ văn Ức Trai, đặc biệt thơ Nôm, chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi phong cách “giang hồ” của Lưu Khắc Trang, nhà văn có hoạn lộ nhiều điểm tương đồng với đường quan của Nguyễn Trãi. Cụ Lưu từng làm quan tại triều đình, rồi tại địa phương, sau cùng được giao làm ông từ gác đền. Patricia Buckley Ebrey, qua nghiên cứu về phụ nữ thuộc gia tộc Lưu, cho rằng giữ đền là chức quan nhàn nhưng có thu nhập và chỉ dành riêng cho phần tử trí thức.[44] Chúng tôi đồng ý quan điểm này.
 

atlas06

[Tịch thu bằng lái]
Biển số
OF-451932
Ngày cấp bằng
9/9/16
Số km
4,468
Động cơ
232,230 Mã lực
Tuổi
38
7. Dưới triều Lê Thái tổ (trị vì 1428 – 1433)

Vua Minh yêu cầu tái lập nhà Trần như một điều kiện rút quân là hành động bắn mũi tên ngắm hai mục đích: mặt nổi, giữ thể diện Thiên tử với đường lối “hưng diệt, kế tuyệt” thành công; mặt chìm, gieo rắc hoang tưởng quyền lực vào tâm trí nhóm hoài Trần nhằm chia rẽ các cộng đồng An Nam vốn đã đầy chia rẽ. Chưa kể nhóm sùng Minh nhiều thực lực chưa hoàn toàn bỏ cuộc.

Việc giết Trần Cảo cùng các quan viên cộng tác với người Minh hẳn gây chấn động trong các cộng đồng trung châu. Biểu diễn sức mạnh sau loạt hành động cương quyết là cần thiết. Dù chưa xuất hiện dấu hiệu biến loạn trên châu thổ, vua Lê đã tiến hành cuộc thị sát quy mô các đơn vị thủy lục được bố trí kéo dài hàng nghìn dặm. Ý nghĩa chuyến đi tuần, nói theo ngôn ngữ chiến tranh lạnh là: “Các thế lực ********* hãy coi chừng!”

上元扈駕舟中作


沿江千里燭光紅
彩鷁乘風跨浪篷
十丈樓臺消蜃氣
三更鼓角壯軍容
滄波月浸玉千頃
仙杖雲趨天九重
五夜篷窗清夢覺
猶疑長樂隔花鐘

Thượng nguyên hộ giá chu trung tác


Duyên giang thiên lý chúc quang hồng
Thái nghịch thừa phong khoá lãng bồng
Thập trượng lâu đài tiêu thẫn khí
Tam canh cổ giốc tráng quân dung
Thương ba nguyệt tẩm ngọc thiên khoảnh
Tiên trượng(155) vân xu thiên cửu trùng
Ngũ dạ bồng song thanh mộng giác
Do nghi Trường Lạc cách hoa chung

Rằm tháng giêng, sáng tác khi trong thuyền hộ giá

Ánh đuốc đỏ rực kéo dài hàng nghìn dặm ven sông,
Chiếc thuyền vẽ hình chim biển thuận gió lướt sóng.
Ảnh ảo cao như lâu đài mười trượng tiêu tan,
Trống, tù và suốt ba canh khiến khí quân hùng tráng.
Trăng đầm trên sông xanh ánh ngọc mênh mông,
Gậy tiên như mây lướt trên chín tầng trời.
Qua đêm bên cửa sổ thuyền, mơ màng chợt tỉnh,
Ngỡ nghe tiếng chuông cung Trường Lạc bên kia khóm hoa.

Từng nhiều năm nằm gai nếm mật nơi núi rừng, chuyến hộ giá đầy đủ nghi trượng đế vương khiến Nguyễn đầy cảm khái. Giữa tiếng tù và, trống trận, Nguyễn vẳng nghe tiếng chuông cung Trường Lạc sau rặng hoa. Sự thỏa thuê mấy lần đời người có được?

Sẽ hiểu thấu niềm vui sâu thẳm trong câu 8 nếu chúng ta đặt nó song song với “Trường Lạc chung thanh hoa ngoại tận 長樂鐘聲花外盡,” tiếng chuông cung Trường Lạc lịm tắt ngoài rặng hoa của nhà thơ Trung Đường Tiền Khởi (710 – 782). Qua bài thơ tặng Xá nhân họ Bùi, Khởi than trách chưa được ơn tri ngộ dù cống hiến tài năng cho triều đình suốt thời gian dài: “Hiến phú thập niên do vị ngộ 獻賦十年猶未遇,” [45] Mười năm dâng hiến văn chương vẫn chưa được tin tưởng. Hoàng ân không lan tỏa khỏi hàng hoa vây quanh cung Trường Lạc. Nguyễn hài lòng vì nghe thấy tiếng chuông của họ Tiền.

Cái thỏa mãn “văn nhân đắc chí” khá vô tư thể hiện chênh lệch về tầm vóc chính trị giữa Nguyễn và chủ tướng. Lê Lợi đang tiến hành phần sau của chiến tranh. Nhà vua hiểu các tập nhóm từ chối thuần phục đang âm thầm trổi dậy.

Trước khi cho phục viên 80% quân số, lại diễn ra thao dượt lớn với hàng nghìn chiến thuyền tham dự.

Thuận Thiên II (1429), ngày 21 tháng 2 ra chiếu chỉ: “Đến ngày 27 tháng 2 sẽ diễn tập chiến trận thủy, bộ, ai vắng mặt sẽ bị trị tội. Diễn tập xong, sẽ chia mỗi vệ thành 5 phiên, 1 phiên ở lại, còn 4 phiên cho về làm ruộng.”

Quan Nhập nội Hành khiển lại có dịp theo vua thị sát thủy quân.

觀閱水陣


北海當年已戮鯨
燕安猶慮詰戎兵
旌旗旖旎連雲影
鼙鼓喧闐動地聲
萬甲耀霜貔虎肅
千艘布陣鸛鵝行
聖心欲與民休息
文治終須致太平

Quan duyệt thủy trận


Bắc hải đương niên dĩ lục kình(156)
Yến an do lự cật nhung binh
Tinh kỳ y nỷ liên vân ảnh
Bề cổ huyên điền động địa thanh
Vạn giáp diệu sương tỳ hổ(157) túc
Thiên sưu bố trận quán nga(158) hành
Thánh tâm dục dữ dân hưu tức
Văn trị chung tu trí thái bình

Xem duyệt thủy trận

Năm trước đã diệt cá kình biển Bắc,
Đang ở yên vẫn lo rèn luyện quân binh.
Tinh kỳ phấp phới như bóng mây nối liền nhau,
Trống trận vang rền thanh âm rung chuyển đất.
Quân tì hổ trang nghiêm, vạn áo giáp ngời sương,
Trận “quán nga” phô diễn, nghìn chiến thuyền xông lướt.
Lòng thánh muốn cho dân được nghỉ ngơi,
Rốt cục, nên dùng văn trị để mang đến thái bình.

Mâu thuẫn xã hội tại trung châu thời Lê Lợi dựng nước được đề cập đến trong các bộ sử nằm ngoài hệ hình nghiên cứu cũ kỹ như “Strange Paralellels, Volume 1” của Victor Lieberman,[46] “Sơ thảo: Bài sử khác cho Việt Nam” của Tạ Chí Đại Trường hay “A History of the Vietnamese” của Keith W. Taylor. Lần đầu tiên sau 419 năm, quyền cai trị Đại Việt mới quay về tay người bản xứ. Xung đột giữa các cộng đồng Đại Việt có mức độ Hán hóa khác nhau là vấn đề cần nhiều thời gian để giải quyết. Cụ Tạ nhìn thấy va đập thầm lặng nhưng dai dẳng giữa hai tông tộc Lê-Trần.[47] Keith Taylor xem vấn đề phát sinh từ khác biệt văn hóa kinh-trại.[48]
 

atlas06

[Tịch thu bằng lái]
Biển số
OF-451932
Ngày cấp bằng
9/9/16
Số km
4,468
Động cơ
232,230 Mã lực
Tuổi
38
Chia lại ruộng đất đồng thời trả trai tráng về với gia đình không chỉ là kế hoạch phục hồi kinh tế. Giải ngũ bốn trên năm phiên, vua Lê đã xóa bỏ binh quyền của các tướng kinh lộ trong đó có Hãn, Xảo. Tả tướng quốc hay Thái Bảo, dẫu thực sự hai vị mang chức đó, cũng không chỉ huy quân đội. Bảo vệ đô thành chủ yếu chỉ còn Thiết Đột, Ngự tiền điều động bởi nhà vua thông qua Tướng quốc Lưu Nhân Chú và dàn hỏa thủ tâm phúc.

Riêng Nguyễn lại thấy mình gần tới đích. Ông luôn hướng vọng cảnh “Dân Nghiêu Thuấn, vua Nghiêu Thuấn”. Sở học của Nguyễn ngỡ như đến điểm phát huy trọn vẹn. Với kinh nghiệm phụng sự nhà Hồ và chính quyền Giao Chỉ, chưa kể thời gian lăn lộn bên Trung Hoa, Nguyễn là nhân vật giàu tri thức tổ chức hành chánh nhất trong số cận thần. Thực tế, Lê Lợi đã đặt niềm tin vào quan Thừa Chỉ với vị trí Thượng thư bộ Lại rồi Đồng Trung thư lệnh, hai vai trò cố vấn vua về tuyển mộ, chọn lọc và bố trí quan viên tân tuyển. Nhưng đây cũng là thủ thuật chính trị nhằm chiêu dụ trí thức đồng bằng khi quân trại bắc tiến. Do vậy, quyết định cao hơn về nhân sự vẫn là Thiếu Phó Lê văn Linh. Tầm vóc Nguyễn chỉ nhỉnh hơn nhân sĩ trung châu; với quan tướng Lam Sơn gốc, ông là kẻ đến sau không có võ công. Nhìn từ điểm này, chúng ta sẽ hiểu hai chữ “hư danh” đề cập trong bài thơ Oan thán.

Cuộc phô trương lực lượng lần cuối trước khi thu gọn đạo quân khổng lồ 350.000 người chỉ đạt hiệu quả phần nào. Vùng trung châu tạm thời an ổn không đơn thuần nhờ sức mạnh quân đội, mà còn nhờ chính sách mở rộng cửa đối với tầng lớp ưu tú đi kèm biện pháp quân điền. Dân chúng kinh lộ cũ tiếp tục trồng trọt, buôn bán, ganh đua làm quan. Hào trưởng châu thổ và duyên hải bị thu hẹp điền sản dưới thời Hồ, sang thời Minh lại biến thành “công chức” thuộc địa điều động trực tiếp bởi Kim Lăng hay Bắc Kinh. Quân Minh triệt thoái, sức mạnh của các cự tộc Đỗ, Mạc, Nguyễn, Lương…bị vô hiệu hóa hoàn toàn bởi Lê Lợi. Cơ sở kinh tế lớn đủ nuôi mầm mống phản loạn biến mất trên đồng bằng. Phần tử bất mãn chỉ còn không gian vùng vẫy ở ngoại vi nơi triều đình chưa đủ thời gian gầy dựng mối tương liên bền vững. Đứng trong lòng triều mới, Hãn và Xảo biết phải khởi sự từ mắt xích nào, vào thời khắc nào. Chưa tròn năm sau khi Lê Lợi giải giáp phần lớn quân đội, tiếng lách cách gươm đao đã rộn lên từ rừng núi.

Trong “Đế kỷ đệ nhị”, Lê Quý Đôn chép rằng nhà vua lệnh bắt Trần Nguyên Hãn vào tháng 2 ta năm Thuận Thiên II (1429) khiến Hãn tự sát.[49] Trong “Liệt Truyện”, cụ Lê lại kể rằng Hãn chết do chiếc thuyền giải ông về kinh bị lật.[50] Toàn Thư không chép việc này. Chưa rõ cụ Lê lấy thông tin từ nguồn nào. Nếu cụ đúng, ta thấy vụ việc chưa ảnh hưởng gì đến Nguyễn Trãi. Các sáng tác vào cuối năm 1429 của Nguyễn vẫn mang tinh thần lạc quan, mở về tương lai.
Năm 1429, Toàn Thư viết: “Tháng 11, vua ngự về Tây Đô bái yết Sơn lăng, thưởng cho các tướng hiệu và quân nhân theo hầu…..” (Toàn Thư II, 323)(159)

Nguyễn Trãi có mặt trong đoàn người hầu vua. Ông tự hào về chủ, về con đường mình chọn.

過神符海口


神符海口夜中過
奈此風淸月白何
夾岸千峰排玉筍
中流一水走青蛇
江山如昨英雄逝
天地無情事變多
胡越一家今幸睹
四溟從此息鯨波

Quá Thần Phù hải khẩu


Thần Phù(160) hải khẩu dạ trung qua
Nại thử phong thanh nguyệt bạch hà
Giáp ngạn thiên phong bài ngọc duẩn(161)
Trung lưu nhất thủy tẩu thanh xà
Giang sơn như tạc anh hùng thệ(162)
Thiên địa vô tình sự biến đa
Hồ Việt nhất gia(163) kim hạnh đổ
Tứ minh tòng thử tức kình ba

Qua cửa biển Thần Phù

Đang đêm qua cửa biển Thần Phù,
Trăng thanh gió mát như vầy biết tính sao?
Giáp bờ, nghìn núi lô nhô như măng ngọc,
Giữa dòng, một luồng uốn lượn tựa rắn xanh.
Non sông như cũ, vắng mặt anh hùng,
Trời đất vô tình, quá nhiều sự biến!
Nay may được thấy Hồ Việt một nhà,
Bốn biển từ đây bặt sóng kình.

Năm 1423, Nguyễn Trãi dừng thuyền tại bến Lâm cảng, gần cửa Thần Phù. Mưa rơi suốt đêm xuống các đợt sóng cao mười trượng. Không gian hoang dại, ẩm ướt.

Năm 1426, Ông lại qua cửa biển cùng với đại quân. Tiếng sóng gầm gào như tiếng cá kình rống, núi non tựa giáo ngọc đâm thẳng lên trời. Không gian hùng tráng, dọa nạt.

Năm 1429, về ngang chốn cũ cùng tân hoàng đế. Dòng nước mượt mà tuôn chảy giữa các hòn núi tràn nhựa mầm sống. Không gian xinh xắn, đầy căng.

Nhận xét “giang sơn như cũ” nghĩa là tác giả thú nhận từng có ba Nguyễn Trãi rong thuyền qua cửa Thần Phù. Năm 1423, hàn sĩ phiêu bạt mang phong thái “nghe mưa chốn sông hồ” của Đỗ Mục (803 – 852);[52] năm 1426, con người gặp hội huân danh nhìn thiên nhiên đầy xung động kiểu “Núi loạn chọc mây, sóng kình vỗ bãi” của Tô Thức.[53] Thơ năm 1429 ngay sau chiến thắng lại phảng phất tinh thần bình thản “Bốn biển đã trong, bụi đã lắng” của Trần Thánh tông (1240 – 1290).[54]
 

atlas06

[Tịch thu bằng lái]
Biển số
OF-451932
Ngày cấp bằng
9/9/16
Số km
4,468
Động cơ
232,230 Mã lực
Tuổi
38
Trần Hoảng thung dung dưới “Trăng vô sự chiếu người vô sự” nhuốm vị thiền. Ức Trai nhập thế khi chiêm nghiệm quá khứ biến động, mừng rỡ tương lai yên lành. Hai cảm xúc sau chiến tranh đánh dấu hai giai đoạn văn hóa của văn minh Đại Việt: văn hóa Phật giáo Lý-Trần và văn hóa Nho giáo Lê-Nguyễn.

Tại Lam Kinh, Nguyễn Trãi hân hoan dâng vua thơ mừng thay thế ngọc lụa:

賀歸藍山其一


權謀本是用除奸
仁義維持國勢安
臺閣有人儒席煖
邊陲無事柳營閒
遠方玉帛圖王會
中國威儀睹漢官
朔祲已清鯨浪息
南州萬古舊江山

Hạ quy Lam Sơn kỳ I


Quyền mưu(164) bản thị dụng trừ gian
Nhân nghĩa(165) duy trì quốc thế an
Đài các hữu nhân nho tịch noãn
Biên thùy vô sự liễu doanh nhàn
Viễn phương ngọc bạch đồ vương hội(166)
Trung quốc(167) uy nghi đổ hán quan(168)
Sóc tẩm dĩ thanh kình lãng tức
Nam châu vạn cổ cựu giang san

Mừng về Lam Sơn – kỳ I

Sử dụng quyền mưu chỉ để trừ gian,
Duy trì thế nước yên ổn cần nhân nghĩa.
Trên đài các có người, chiếu nhà nho ấm,
Nơi biên thùy vô sự, trại quân thư nhàn.
Miền xa dâng ngọc lụa vẽ nên hội vương giả,
Trông quan nhà Hán thấy uy nghi nước văn minh.
Khí độc phương bắc bị quét sạch, sóng kình đã lặng,
Giang sơn cõi Nam tồn tại muôn đời.

賀歸藍山其二


憶昔藍山玩武經
當時志已在蒼生
義旗一向中原指
廟算先知大事成
日竁月城歸德化
卉裳椎髻識威聲
一戎大定何神速
甲洗弓囊樂太平

Hạ quy Lam Sơn kỳ II


Ức tích lam sơn ngoạn võ kinh
Đương thì chí dĩ tại thương sinh
Nghĩa kỳ nhất hướng trung nguyên chỉ
Miếu toán(169) tiên tri đại sự thành.
Nhật xuế nguyệt thành(170) qui đức hóa
Hủy thường chùy kế(171) thức uy thanh.
Nhất nhung đại định hà thần tốc
Giáp tẩy cung nang lạc thái bình

Mừng về Lam Sơn – kỳ II

Nhớ xưa ở Lam Sơn xem sách võ,
Đương thời đã để chí cứu vớt dân đen.
Cờ nghĩa vừa mới trỏ về trung nguyên,
Đã dự tính trước sẽ hoàn thành việc lớn.
Đông tây xa xôi đều qui phục đức hóa,
Dân áo cỏ tóc dùi cũng biết uy thanh.
Chỉ một trận nên công đại định, thật là thần tốc!
Rửa giáp, cất cung, vui cảnh thái bình.

Lướt qua tán tụng nhất thiết phải có từ một bầy tôi, nội dung còn lại chính là lời khuyên của tác giả đến Hoàng đế. Nguyễn luôn gợi ý, thôi thúc nhà vua áp dụng cách cai trị mới mẻ mệnh danh “văn trị” hay “việc nhân nghĩa”.
 

atlas06

[Tịch thu bằng lái]
Biển số
OF-451932
Ngày cấp bằng
9/9/16
Số km
4,468
Động cơ
232,230 Mã lực
Tuổi
38
Kết cấu xã hội Đại Việt bắt đầu chuyển đổi từ đời Hồ đã đột biến dưới thời Minh. Để thay thế hệ thống tập quyền sơ khai hãy còn điều hành một phần vương quốc thông qua hào trưởng hay lãnh tụ tôn giáo địa phương, Hoàng Phúc xác lập hệ hành chính kiểu Trung Hoa bao trùm toàn vùng đồng bằng-duyên hải.(172) Thời của những người dân nằm ngoài sổ bộ triều đình hay những thủ lĩnh không chịu sự điều động của Thăng Long/Đông Quan đã hết. Để đủ quan liêu cho bộ máy cai trị trực tiếp, song song với nhân sự then chốt đưa từ mẫu quốc sang, người Minh tổ chức học hiệu đến tận châu huyện để đào tạo cán bộ. Công việc “hiện đại hóa” không dễ dàng trước sức ỳ truyền thống. Chính Tham nghị Giải Tấn người Minh nhìn rõ điểm này nên đề xuất: “Giao Chỉ chia đặt quận huyện không bằng để nguyên như cũ, phong tước chia đất cho các thổ hào để họ cai quản lẫn nhau. [Chia đặt quận huyện] dẫu có cái được cũng không bù được những cái mất, cái lợi không chữa được cái hại” (Toàn Thư II, 246).(173) Lời tâu dựa trên thực tiễn trái ngược chính sách triều đình. Vua Minh lập tức ban lệnh bắt giam Giải Tấn.

Khi Vương Thông co cụm rồi triệt thoái, Lê Lợi đứng trước sự nghiệp tổ chức chưa vị vua Đại Việt nào từng trải nghiệm. Trước kia, quan lại trung ương gốc cự tộc địa phương hay các đầu mục là điểm tựa quyền lực trong trật tự quân chủ tản quyền; do vậy, hội thề giữa vua và quan lại-đầu mục là nghi thức quan trọng bắt buộc. Nay, viên chức triều đình được bố trí đến cấp xã, trực tiếp với dân;(Toàn Thư II, 316) toàn dân đều có hộ tịch, thuế má hay lao dịch đều do triều đình điều phối. Vượt quá ràng buộc “uống máu ăn thề” kiểu bộ lạc giữa các đầu lĩnh, phải có một lý thuyết cai trị tinh vi để gắn kết thứ dân với hoàng đế. Mong muốn của Nguyễn Trãi thực chất chẳng gì khác hơn là áp dụng học thuyết “nhân chính” của Mạnh tử. Luận giải về “văn” hoặc “nhân nghĩa” rải rác trong Ức Trai tập hay nghị bàn của ông ghi chép bởi Toàn Thư đều không nằm ngoài tinh thần “nhân chính” này.(174)

So với Phạm Sư Mạnh-Lê Quát, Nguyễn Trãi là người gặp thời. Thế hệ nhà nho tiền bối từng ao ước tổ chức hệ thống cai trị kiểu Nho giáo nhưng cơ cấu xã hội đương thời chưa thích hợp để triển khai ý tưởng. Họ bó tay trước “nhiều người du thủ du thực, đến già vẫn không có hộ tịch, thuế má không nộp, sai dịch không theo.”(Toàn Thư II, 148)(175) Uy lực nhà vua rất hạn chế đối với những lao động được xem là tài sản riêng của lãnh chúa. Trần Minh tông (1300 – 1357) cũng từ chối mở rộng quyền hạn trên một nền chính trị đang cân bằng giữa trung ương và địa phương. Ngài sợ loạn. Trái lại, thời “hậu Minh” của Ức Trai là mảnh đất cày sẵn để gieo hạt mầm “văn trị”.

Không chắc vua Lê có theo tư vấn của Ức Trai hay không, nhưng Ngài đã giải ngũ 80% binh lực, xá thuế hai năm, miễn sai dịch cho người cao tuổi, chia lại ruộng đất, thu thập nhân tài, tái sử dụng cả viên chức cũ của nhà Minh nếu họ không bị tiếng xấu…..Những hành động như vậy phù hợp học thuyết Mạnh tử nhưng cũng thật bình thường đối với các nhà lập quốc. Riêng ý tưởng dẹp bỏ quyền mưu, rửa giáp, cất cung… để tập trung vào “nhân nghĩa” thì bị nhà vua bác bỏ. Lê Lợi đâu chuyên một bề như quan Thừa Chỉ. Ngài là vị quân chủ gốc Thanh Hóa đầu tiên lập đô trên đất kinh lộ, nơi phần lớn hào sĩ từng phản lại vị vua gốc châu Ái Hồ Quý Ly để hợp tác với giặc. Lòng người chưa an trong bối cảnh Tuyên Đức khăng khăng đòi lập con cháu nhà Trần. Cảnh giác với kích động bất ổn từ bên ngoài, với bất phục ngấm ngầm bên trong, nhà Lê phải duy trì chế độ quân quản mãi đến năm Quang Thuận V (1464). Thái tổ lo xa đúng, chỉ sáu năm tại vị Ngài buộc phải thân chinh hai lần. Hai đám giặc đều dây mơ rễ má với người Minh hoặc với tôi thần cũ gốc kinh lộ. Thiện chí trả trai tráng về đồng ruộng của Ngài không được đền bù; chỉ hai năm sau hòa bình, Lê Lợi lại phải mộ binh.
 

atlas06

[Tịch thu bằng lái]
Biển số
OF-451932
Ngày cấp bằng
9/9/16
Số km
4,468
Động cơ
232,230 Mã lực
Tuổi
38
Tha thiết khuyên vua gác võ chuộng văn có thể là kế sâu rễ bền gốc của Ức Trai, nhưng nếu người bà con cật ruột của ông âm mưu dấy loạn thì nhà vua dễ đặt dấu hỏi vì sao Nguyễn nhiệt tình đề nghị “rửa giáp, cất cung” đến thế.

冤嘆


浮俗升沉五十年
故山泉石負情緣
虛名實禍殊堪笑
眾謗孤忠絕可憐
數有難逃知是命
文如未喪也關天
獄中牘背空遭辱
金闕何由達寸箋

Oan thán


Phù tục thăng trầm ngũ thập niên
Cố sơn tuyền thạch phụ tình duyên
Hư danh thực họa thù kham tiếu
Chúng báng cô trung tuyệt khả liên
Số hữu nan đào tri thị mệnh
Văn như vị táng(176) dã quan thiên
Ngục trung độc bối(177) không tao nhục
Kim khuyết hà do đạt thốn tiên

Than oan

Chìm nổi trong đời phù phiếm đã năm mươi năm,
Lỡ dịp gắn bó với núi khe quê cũ.
Cười chưa! Tai ương đến thực, danh vọng hão huyền!
Thương thay! Tôi trung lẻ loi, đám đông báng bổ.
Ví như khó tránh số phận, biết là do mệnh,
Nếu chưa bỏ mất nền văn, cũng bởi ý trời.
Trong ngục, việc xem mặt sau tờ trát chỉ nhục nhã vô ích,
Biết cách nào dâng thư đến cửa khuyết vàng?

Bình sinh, Nguyễn ngụp lặn trong biển công danh và tận lực tìm kiếm công danh. Những “túc nguyện”, “sơ chí”, “hồ sơn hữu ước”, “lâm tuyền hữu ước”, “chí cũ”, “tuyền thạch tình duyên”…. dù luôn được nhắc đi nhắc lại nhưng chỉ là điều Nguyễn nghĩ đến khi hoạn lộ trắc trở. Chí thật sự của Ức Trai là giúp đời, tứ thơ ưa thích là lánh đời.

Tự hào công thành danh toại nhanh chóng sụp tan khi Nguyễn bị dèm pha. Cỗ máy quyền lực có nạn nhân mới là người đóng góp công sức tạo tác ra chính nó. Ông hoàn toàn cô đơn trong cái triều đình toàn quan tướng người trại, những nhân vật Nguyễn ít khi tỏ sự thân thiện hay kính trọng. Câu 5 thể hiện tâm bình thản đối diện số phận, nếu Ông bị giết là do mệnh. Câu 6 xác định lòng tin vào sự công bằng tự nhiên, nếu được sống là do trời. Nguyễn không tin ai khác trừ tin vào bản thân mình và sự sáng suốt của vua. Ông ghê sợ việc tránh tội bằng hối lộ hay mưu mẹo.

Có thể Ức Trai bị hạ ngục sau ngày hầu vua về Lam Sơn. Những chi tiết hiếm hoi còn lại giúp chúng ta đoán rằng Nguyễn bị tình nghi liên quan đến mưu phản của Trần Nguyên Hãn. Ông thọ nạn thời gian rất ngắn lúc khoảng năm mươi tuổi (năm 1429/1430) và được thả ngay. Nhưng từ sau sự thể, Nguyễn không còn gần gũi Thái tổ như xưa. Đau đớn vì chủ cũ lãnh đạm và mất tước hầu thể hiện trong nhiều tác phẩm Hán cũng như Nôm.

Ông ngoại và cha có ảnh hưởng đến Nguyễn Trãi trên lĩnh vực tinh thần, nhưng làm biến đổi hoàn toàn cuộc đời Ức Trai là Trần Nguyên Hãn và Phạm Văn Xảo. Câu chuyện ba người kinh lộ chiến đấu dưới cờ Lam Sơn với kết cục bi thảm của cả ba gây xúc động lâu dài trong lòng người trung châu. Do vậy, vây quanh họ nổi lên nhiều huyền thoại. Chúng ta sẽ phân tích sơ lược hoạt động của Hãn và Xảo dưới đây từ thư tịch gần đương thời nhất. Dù tư liệu cũ có thể bị biến cải bởi hậu bối, nhưng bóc tách ý kiến hình thành hàng trăm năm sau không phải hoàn toàn nan giải.
 
Biển số
OF-517702
Ngày cấp bằng
22/6/17
Số km
729
Động cơ
186,265 Mã lực
Tuổi
44
em tin chắc đến thời điểm này các vị ấy đã đều chết hết rồi
 

atlas06

[Tịch thu bằng lái]
Biển số
OF-451932
Ngày cấp bằng
9/9/16
Số km
4,468
Động cơ
232,230 Mã lực
Tuổi
38
Tư Đồ Trần Nguyên Hãn xuất hiện trong chính sử lần đầu tiên vào năm 1425 khi nhận lệnh Lê Lợi cùng Lê Nỗ, Lê Đa Bồ kéo 1.000 quân và một thớt voi đi kinh lý Tân Bình, Thuận Hóa. Ba tướng hợp lực đánh bại Nhậm Năng gần sông Bố Chính (sông Gianh), tạo điều kiện cho thủy quân chỉ huy bởi Lê Ngân, Lê Bôi, Lê văn An giải phóng hoàn toàn hai phủ cực nam. Mùa đông năm 1426, Lê Lợi sai Hãn cùng Lê Bị mang binh thuyền vây Đông Quan từ hướng bến sông Đông Bộ Đầu. Tháng 9 ta năm 1427, Thái Úy Hãn cùng Lê Sát, Lê Triện(?), Lê Lý hạ thành Xương Giang. Riêng trong loạt trận đánh quan trọng tiêu diệt Liễu Thăng, bắt sống Thôi Tụ – Hoàng Phúc, Hãn giữ vai trò chặn đường tiếp lương của giặc chứ không tham gia đại chiến.

Khu mật đại sứ Phạm văn Xảo nổi lên vào tháng 8 ta năm 1426 khi Lê Lợi điều động ông cùng Lê Triện, Lê Khả, Lê Như Huân, Lê Bí đi tuần các xứ nay thuộc Ninh Bình, Sơn La, Vĩnh Phú, Hòa Bình, Yên Bái, Tuyên Quang…Theo Toàn Thư, Tháng 9, Xảo và Khả đánh tan viện binh của Vương An Lão ở cầu Xa Lộc, lộ Tam Giang. Tháng 10 ta năm 1427, Xảo cùng Lê Khả, Lê Trung, Lê Khuyển đẩy lùi quân Mộc Thạnh tại cửa Lê Hoa.

Xét công vụ Trần Nguyên Hãn, chúng ta thấy hoạt động khởi đầu của ông là cùng hai tướng khác dẫn đội tiên phong đánh thăm dò thực lực kẻ địch tại Tân Bình, Thuận Hóa. Thời trung cổ, vai tiên phong thường do loại tướng mới quy thuận đảm nhận. Trong chiến dịch, Lê Ngân là người lãnh đạo đại quân lấy lại hai phủ vùng biên.

Trong trận tấn công Đông Quan vào tháng 10 ta năm 1426, Hãn và Lê Bị phụ trách tấn công từ bến sông Đông Bộ đầu. Lê Lễ đột kích từ cầu Tây Dương, Lê Lợi áp sát cửa Nam. Nghĩa quân thắng lớn, thu nhiều chiến thuyền và nghi trượng. Quân Lam Sơn dọn sạch các đồn trại ngoại vi nhưng không vào được thành.

Chỉ huy công hãm Xương Giang có nhiều tướng Thiết Đột nhưng đại đa số quân bao vây lại huy động từ Lạng Giang, Khoái châu. Minh Thực lục chép rằng tòa thành với 2.000 lính trú phòng phải đương đầu 80.000 quân Lam Sơn. Vì sao quân kinh lộ được sử dụng quy mộ khác thường ở đây? Vì công tác đắp đất, đào ngầm, chế chiến khí, tiếp lương thực không phải phần việc dành cho đơn vị tinh nhuệ. Việc của dân công, công binh, thậm chí chiến sĩ tiền phong hãm thành nếu dùng đến tinh binh sẽ là sự phung phí xung lực vô nghĩa. Trần Nguyên Hãn hẳn được giao bộ phận “Phụ Thiết Đột các quân” để thực hiện phần việc mang tính hỗ trợ. Ngày cuối cùng, quân khởi nghĩa dùng câu liêm, giáo dài, nỏ cứng, tên lửa, súng lửa hạ thành. Trong quân Lam Sơn, đơn vị nào được trang bị vũ khí mạnh nhất thời đó như tên lửa, súng lửa, voi? Dĩ nhiên là Thiết Đột, dưới nữa có binh phụ tử người trại. Tên lửa, súng lửa dùng để bắn quấy rối hàng ngày gây căng thẳng tinh thần quân đồn trú, hoặc khai triển đại trà để tổng công kích. Có thể hình dung quân kinh lộ sử dụng câu liêm, giáo dài, nỏ cứng tấn công lên mặt thành. Cùng lúc, quân cảm tử trồi lên từ địa đạo trổ mở sau lưng địch. Khi hệ thống phòng thủ rung chuyển đến điểm “chín”, Thiết Đột phóng hỏa khí trấn áp ý chí giặc rồi cùng đoàn voi xung phong ồ ạt. Thành vỡ, ngọc lụa, con gái trong thành được chia ngay cho binh sĩ. Dễ thông cảm hành động “sát phu, hiếp phụ” sau cuộc vây hãm tiêu hao xương máu. Nhưng quân “nhân nghĩa” như thế khác rợ Hồ ở điểm nào? Đọc Toàn Thư sẽ không tìm ra người phát lệnh hủy diệt. Tuy nhiên, nếu xem hai thư dụ thành Xương Giang trong “Quân trung từ mệnh tập”, chúng ta hiểu ngay nhân vật chỉ đạo trận chiến chính là Lê Lợi. Ngài tuyên bố nếu từ chối đầu hàng thì ngọc đá sẽ không phân biệt khi hạ thành. Chúa Lam Sơn thực hiện y như báo trước vì muốn các đồn lũy còn ngoan ngạnh phải khiếp đảm. Ngài và Thiết đột diễn vai chính vở kịch bi hùng này.

Cả ba cuộc hành quân nêu trên đều cho thấy Trần Nguyên Hãn không ở địa vị then chốt.

Vai trò tướng Hãn thể hiện rõ trong cuộc quyết đấu kết thúc chiến tranh. Ông được phân công chặn đường tiếp tế của đạo quân Liễu Thăng – Hoàng Phúc (Toàn Thư II, 296). Lần đầu tiên, Hãn chiến đấu độc lập, tách biệt với Thiết Đột đang hết sức vào trận Chi Lăng-Xương Giang. Đối tượng tranh chiến của Hãn là dân phu, quân vận hoặc lính áp tải.(178) Nó vừa sức với đạo binh có phần ô hợp dưới quyền ông.

Mùa thu năm 1426, vua lệnh Khu mật đại sứ Phạm văn Xảo cùng các tướng Lê Triện, Lê Khả… kinh lược vành đồi núi từ phía nam vòng qua phía tây đến phía bắc đồng bằng sông Hồng. Mục đích chính để ngáng đường tiến của quân Minh từ Vân Nam. Khu mật đại sứ thời Lê Lợi không thống lĩnh quân đội như thời mạt Trần. Như vậy, Xảo làm cán bộ tham mưu trong đoàn quân, có lẽ vì ông am hiểu địa hình và nhân tình các phủ phía bắc hơn đám tướng tá người trại.

Theo Toàn Thư, tháng 9 ta cùng năm, Xảo cùng Khả đánh bại Đô ty Vương An Lão ở cầu Xa Lộc (Vĩnh Phú nay). Tàn quân chạy vào thành Tam Giang. Tháng 10 ta năm 1427, Xảo và Khả đại phá đội quân đang rút chạy hỗn loạn của Mộc Thạnh ở cửa Lê Hoa. Cũng nên nhớ lại, từ mùa xuân năm 1427, Nguyễn Trãi nắm chức Lại bộ Thượng thư kiêm hành Khu mật viện sự. Trường hợp Khu mật đại sứ Xảo chưa nhận vị trí khác thì chức vụ hai người dường như chồng chéo. Nếu hiểu Khu mật đại sứ là đại diện Viện khu mật trong quân thì hiển nhiên Xảo công tác dưới quyền Trưởng quan Nguyễn Trãi và là văn quan cố vấn cho quân đội.

Bản Toàn Thư hiện còn cố ý mô tả hai tướng kinh lộ tham gia chiến trận ở vai trò chỉ huy quan trọng nhất. Sử phẩm Trung Hoa Minh Thực lục(179) hay ẩn khuất hơn như Lam Sơn Thực lục(180) không biết đến hai vị này. Vai trò phụ trong kháng chiến của Hãn-Xảo có vẻ gần sự thực hơn. Tạ Chí Đại Trường từng cho rằng sử quan ngầm đứng về phía họ Trần, tức tập đoàn đồng bằng; nhận định này hoàn toàn chuẩn xác.

Một người như cụ Tạ nói là Lê Quý Đôn (1726 – 1784). Họ Lê trí tuệ uyên bác, công cán hiệu quả nhưng nhân cách tầm thường.[56] Qua Đại Việt thông sử, ông nương theo Toàn Thư nhấn mạnh thêm vai trò lãnh đạo của Hãn-Xảo trong chiến trận, sau đó táo bạo đưa cả hai vào liệt truyện công thần.

“Bình Phục Lễ ban sư chiếu”[57] do Nguyễn Trãi phụng soạn cho biết Bế Khắc Thiệu và Trần Nguyên Hãn cùng dự tính cuộc dấy loạn năm 1430 tại Thái Nguyên, Đèo Cát Hãn và Phạm Văn Xảo cùng âm mưu cuộc nổi dậy năm 1431/1432 tại Mường Lễ. Sau khi trừng trị tội phạm, nhà vua khuyên bầy tôi lấy Nguyên Hãn-Văn Xảo làm răn, phiên trấn lấy Cát Hãn-Khắc Thiệu làm răn. Ức Trai sống cùng thời với Hãn-Xảo, trong tình huống éo le nhất vẫn tuyên bố bộc tuệch “Chớ cậy sang mà ép nề, Lời chăng phải vẫn khôn nghe.” và “Tội ai cho nấy cam danh phận, Chớ có thân sơ mới trượng phu.” Lý do gì chúng ta nghĩ rằng Ông tiếp tay vu khống?

Khắc Thiệu bị bắt, Cát Hãn đầu hàng. Hai đầu mục đều có mặt tại Đông kinh sau biến loạn thất bại. Khẳng định của vua Lê về Hãn-Xảo chắc chắn dựa vào nguồn tin riêng của Ngài đồng thời đối chiếu với lời khai từ hai vị tù trưởng. Lê Lợi là thiên tử, để loại trừ Hãn-Xảo có rất nhiều cách, không nhất thiết phải vu vạ tôi thần về sự phản bội mà mọi người liên quan đều biết.

Trong bốn thủ lĩnh phản nghịch, có đến ba người từng tham dự hội thề Đông Quan năm xưa: Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo, Bế Khắc Thiệu. Theo bài văn hội thề, phía An Nam gồm: Lê Lợi, Trần Văn Hãn, Lê Nhân Chú, Lê Vấn, Trần Ngân, Trần Văn Xảo, Trần Bị, Trịnh Khả, Nguyễn Chích, Trần Lý, Phạm Bôi, Trần Văn An, Bế Khắc Thiệu, Ma Luân.[58] Như vậy, có ba nhóm đại diện toàn cõi An Nam: những người họ Trần đại diện triều cũ, người họ Lê-Trịnh-Nguyễn đại diện bách tính phù Trần, các tù trưởng họ Bế-Ma đại diện phiên trấn. Châu mục Ninh Viễn Đèo Cát Hãn mới quy phục trước đó một tháng vắng mặt trong hội thề. Sự kiện nhiều người phải giả họ Trần như Ngân, Xảo, Bị, Lý, An cho thấy tái lập dòng cũ là điều kiện then chốt để Vương Thông rút quân. Nhằm giữ thể diện thiên triều đồng thời tránh tội cho Tổng binh đương nhiệm, phe kháng chiến đã nhượng bộ đáng kể trong thương nghị.

Nạn nhân ván cờ Minh-Việt là Đèo Cát Hãn. Vua Minh từng yêu cầu Tri châu Ninh Viễn cung ứng 7.000 binh,(Minh Thực lục II, 227) có lẽ để hỗ trợ Liễu Thăng hay Mộc Thạnh đánh trận quyết định với quân Lam Sơn, nhưng Cát Hãn làm ngơ. Khi tiến hành hội thề Đông Quan, dù vừa thần phục chủ mới, Cát Hãn không hiện diện bên cạnh chúa Lam Sơn như các thủ lãnh vùng cao khác. Chú ý nhóm quan viên đi dụ hàng họ Đèo, chúng ta thấy người đứng đầu tên Trần Hồ. Lê Lợi dùng họ Trần trong công việc đặc biệt cho thấy Trần Cảo chính là người đứng tên chiêu dụ. Tất nhiên Cát Hãn biết nhóm Lam Sơn đứng sau vua Thiên Khánh. Rối rắm quyền lực khiến vị đầu mục muốn đứng ngoài tranh chấp giữa các thế lực mạnh hơn. Họ Đèo hành xử vì quyền lợi bộ tộc, tuy nhiên, thái độ “tọa sơn quan hổ đấu” làm sao qua mắt được một thủ lĩnh sắc sảo như Lê Lợi. Sự lấp lửng đó, mặt khác, gợi mở lối đi cho hai người kinh lộ hoài bão lối rẽ chính trị khác.

Thảo luận gay go về điều kiện rút quân hẳn tác động mạnh đến bộ ba Thiệu-Hãn-Xảo, trong đó hai tướng kinh lộ đại diện trên danh nghĩa cho con cháu họ Trần. Dưới mắt họ, Lê Lợi là tay xảo quyệt, trái lời cam kết tái lập nhà Trần khi quân Minh triệt thoái lại giết luôn quốc chủ Trần Cảo. Liên kết lực lượng vùng cao thông với trung nguyên là phương cách khả dĩ nhất để tranh đua với chủ Đông kinh mới. Trần-Phạm phải trả giá cho hai hành vi: ngây thơ chính trị và ảo vọng quyền lực. Bị Lê Lợi tiến đánh, Cát Hãn ngầm cầu cứu Trung Hoa. Các quan nhà Minh định huy động 6.000 quân giao Đô đốc Mộc Ngang đốc suất sang cứu Ninh Viễn. Tuy nhiên, vua Tuyên Đức bác kế hoạch với lý do Cát Hãn từng né tránh tham gia trấn áp nhóm nổi dậy Lam Sơn. Hoàng đế ngờ rằng họ Đèo ngầm giúp phản nghịch (Minh Thực lục II, 227). Như vậy diễn tiến tình hình không ngoài dự kiến của hai bạn thần, chỉ bất ngờ chỗ vua Minh đã mất hứng thú với Giao Chỉ. Ban đầu, vua Lê chấp nhận Cát Hãn đầu hàng, phong chức Tư Mã. Sau đó, Toàn Thư chép họ Đèo bị xử tử nhưng không nêu lý do. Thái tổ chẳng làm điều gì vô lý, có thể sau cùng Ngài đã rõ về hành động xin viện binh Tàu của vị tù trưởng nên mới ra tay.
 

atlas06

[Tịch thu bằng lái]
Biển số
OF-451932
Ngày cấp bằng
9/9/16
Số km
4,468
Động cơ
232,230 Mã lực
Tuổi
38
Quế Đường cho rằng vào năm Diên Ninh II (1455), vua Nhân tông thương Nguyên Hãn vô tội nên ban chiếu hoàn lại ruộng nương của cải để biểu dương người có công lao cũ. Về Văn Xảo, tác giả Lê triều thông sử cho rằng Nhân tông trả điền sản cho con cháu ông năm Diên Ninh I (1454), Thánh tông lại truy phong thêm chức Thái bảo Thắng Quận công năm Hồng Đức XV (1484). Thực tế, vua Nhân tông ra lệnh đại xá vào năm Thái Hòa X (1453), nhân dịp Ngài bắt đầu thân coi chính sự. Toàn Thư nói rõ ủy lạo của triều đình với các tướng Lê Lễ, Lê Bị, Lê Sát, Lê Ngân, Lê Khả, Lê Khiêm, Trịnh Khắc Phục chứ không nhắc đến Hãn-Xảo. Năm 1484, sử ghi nhận Thánh tông ban đại xá không có điều lệ kèm theo. Dẫu vậy, hành động trả tài sản cho hậu duệ Hãn-Xảo như cụ Lê xác định vẫn có thể có và Toàn Thư bỏ qua chỉ vì chức phận khiêm tốn của hai vị đối với nhóm trọng thần. Tuy nhiên, nếu hành động trả tài sản là thực vẫn không mang ý nghĩa minh định hai người chịu tội oan. Vua chỉ thể hiện lòng nhân, thế hệ sau được miễn trách về hành vi của cha ông họ.

Là nho gia, Bảng nhãn Lê Quý Đôn thừa hiểu động lực triết học-chính trị-văn hóa đằng sau mỗi lệnh đại xá. Ông không thể nhầm lẫn giữa ân xá và minh oan. Suốt đời Lê sơ, chưa bao giờ triều đình xem Trần Nguyên Hãn và Phạm Văn Xảo là vô tội, đơn giản vì không có cơ sở nào để khẳng định như vậy. Khi hồ sơ chứng cứ hãy còn, ai dám đổi trắng thay đen?

Vậy người làm sai lệch chi tiết lịch sử gồm những ai? Vì mục đích gì? Từ bao giờ?

Đó là sử thần nhà Mạc, những ngòi viết muốn hạ uy tín tiền triều để củng cố tính hợp lý của triều đại mới. Mô tả số phận bất công đến bi thảm của quan lại gốc kinh lộ dưới triều vua gốc trại là kiểu “tâm công” nhằm ngăn cản nhân sĩ đồng bằng bỏ vào nam theo nhà Lê trung hưng. Xung khắc giữa người thuộc “nền văn hóa Trung Hoa biến tướng do tiếp xúc với văn hóa bản địa” và người thuộc “nền văn hóa bản địa biến tướng do tiếp xúc với văn hóa Trung Hoa” vẫn chưa được các đời quốc chủ triệt để hóa giải. Đó là nho thần phủ chúa Trịnh, lập công danh bằng cách quấy hôi bôi nhọ cái triều đình thất thế. Điển hình như Lê Quý Đôn khi nắm chức Bồi tụng đã tôn phù Trịnh Sâm bằng cách hạn chế các quan Phủ liêu sang chầu Nội điện. Cũng có nguyên nhân thầm kín khác. Nhiều trí thức quê trung châu, không phải tất cả, thường ca ngợi đồng hương bằng lời có cánh để bù đắp đóng góp khiêm tốn của thành phần mình, địa phương mình, thậm chí thân tộc mình trong kháng chiến.(181) Tâm lý muốn nói quá, nói khống công lênh danh nhân đồng bằng trong các cuộc đề kháng ngoại xâm nổi bật với Hoàng Lê nhất thống chí. Nhà văn lớn Ngô Thì Nhậm được tô điểm thành viên tham mưu quân sự đại tài. Tâm lý này, tiếc thay, thâm nhập cả những nghiên cứu lẽ ra phải tỉnh táo của thế kỷ XX.[59]

Bản thân Quế Đường đưa ra thông tin trái ngược nhau về Hãn-Xảo. Phần Đế kỷ Đệ nhị, ông ghi nhận Khắc Thiệu, Đắc Thái liên kết với Trần Hãn tạo phản;[60] Đèo Cát Hãn thông đồng với Phạm văn Xảo làm loạn.[61] Phần tiểu truyện, ông lại nói Trần-Phạm bị oan.[62] Cách ghi chép cho thấy tác giả tham khảo tài liệu chính thức từ thư khố triều đình để thuật lại hoạt động của Thái tổ. Đến phần liệt truyện, ông xoáy bút linh hoạt hơn, dựa trên ngoại thư, truyền thuyết….Thời đó, tiếp cận tài liệu trong cung không dễ dàng. Tuyệt đại đa số nho gia nơi thôn xóm sẽ điền lấp thông tin khiếm khuyết bằng trí tưởng tượng nặng suy diễn cá nhân. Đáng chú ý là mặc dù bàn chuyện ba trăm năm trước, Quế Đường sử dụng không phê phán hoặc đánh giá tính khả tín của nguồn muộn. Có lẽ ông cũng sẵn nhu cầu hạ thấp vua Lê để vui lòng chúa. Sau Lê Quý Đôn, sản phẩm lượm lặt giả tưởng điển hình là “Tang thương ngẫu lục” của Phạm Đình Hổ (1768 – 1839) và Nguyễn Án (1770 – 1815).[63]
 

atlas06

[Tịch thu bằng lái]
Biển số
OF-451932
Ngày cấp bằng
9/9/16
Số km
4,468
Động cơ
232,230 Mã lực
Tuổi
38
Dù được phóng thích ngay, Nguyễn chưa hoàn toàn tự do. Ông bị bộ phận thẩm vấn truy bức kịch liệt. Bài quốc âm dưới đây có khả năng thể hiện ý chí cứng rắn trước thủ thuật điều tra của “Cẩm y vệ”:

Trần tình VIII

Chớ cậy sang mà ép nề,
(182)Lời chăng phải vẫn khôn nghe.
Co que thay bấy ruột ốc,
Khúc khuỷu làm chi trái hòe.
Hai chữ công danh chăng cảm cóc,
(183)Một trường ân oán những hăm he.
(184)Làm người mựa(185)
cậy khi quyền thế,
Có thuở bàn cờ tốt đuổi xe.

Chúng tôi nghĩ rằng bài thơ ra đời lúc tác giả bị điều tra về vụ Trần Nguyên Hãn hoặc về quan hệ phức tạp của ông thời Minh thuộc. Suốt quá trình phục vụ nhà Lê, Nguyễn hoàn toàn mất thế chỉ trong khoảng hai năm 1430 – 1431. Lê Lợi có vẻ cố tình ngảnh mặt cho cơ quan chuyên trách xác minh sự vô can của Nguyễn để Ngài có thể an tâm sử dụng người. Qua năm 1432, đã thấy ông tiếp tục công việc từ hàn bằng “Bình Phục Lễ ban sư chiếu”; năm 1433 viết “Mệnh giáng Tư Tề vi Quận vương, thứ tử Nguyên Long thừa thống chiếu”. Phận sự dù chỉ soạn văn thư cho hoàng đế và trông coi Tam quán nhưng vẫn là cận thần “Nhập nội Hành khiển”. Chức vụ như thế không phải ai muốn bắt nạt cũng được. Thời Thái tông, khi được trọng dụng, Nguyễn giữ tiếng nói can gián mạnh mẽ trong triều đình; các đại thần từng đồng lòng đề cử Ông vào vai trò thầy dạy vua trẻ. Khi bị lạnh nhạt, Nguyễn sinh hoạt thanh đạm trong cô độc nhưng không ai dám xúc phạm vị lão thần.

Có thân mẫu là quý tộc Trần, tinh thần cao nhã từ trong huyết quản khiến Nguyễn nhìn phương pháp thẩm vấn ngoắt nghéo bằng con mắt kinh tởm. Câu 5 đáp đòn “củ cà rốt”, câu 6 trả đòn “cây gậy” của nhân viên điều tra, những quan lại chắc trình độ chưa cao siêu gì lắm. Ức Trai tự tin đồng thời tin vào minh quân nên chẳng ngại nói rằng có ngày “tốt” lâm thời như ông sẽ đuổi “xe” lâm thời là bọn người đang dở trò bức bách.

Dẫu vậy, Nguyễn vẫn bị tổn thương nhiều.

Mạn thuật X

Tưởng thân hư ảo nổi bằng bèo,
Chí cũ công danh vẫn rã keo.(186)
Viện có hoa tàn chăng quét đất,
Nước còn nguyệt hiện xá thôi chèo.(187)
Lòng người tựa mặt ai ai khác,(188)
Sự thế bằng cờ nước nước nghèo.
Không hết kể chi tay trí thuật,(189)
Để đòi(190) khi ngã thắt khi eo.

Từ Đại Minh về An Nam sau mười năm trôi dạt, Nguyễn từng than thân mình tựa cánh bèo. Lời than xuất hiện mỗi khi sự nghiệp mơ hồ mà việc lui ẩn lại chưa được phép. Như vậy, chí cũ-công danh chính là xử-xuất, hai ý hướng khác nhau và cả hai đều dang dở. Dưới lệnh điều tra, dĩ nhiên Ức Trai tạm thời bị ngừng chức vụ. Về Côn Sơn càng bất khả!

Trong bài thơ nặng nề oán giận, Nguyễn chen hai câu 3, 4 tinh tế khác thường. Ông tránh quét sân bởi ngại chạm đến hoa rụng, ngừng đẩy chèo vì sợ trăng in nước tiêu tan. Người hiền lành đến vậy sao bị cố tình xem như tội phạm? Trên bàn cờ thế do kẻ khác bày sẵn, Nguyễn còn đi được nước nào giữa sự lãnh đạm của quần thần? Tra vấn Ông là ai? Lúc nhúc những kẻ vô cảm, gian xảo và tàn nhẫn! Ai xứng ngồi ghế quan tòa? Ai đáng đứng vành móng ngựa? Chụp mũ “đại nghịch bất đạo” lên một người tránh làm hoa-nguyệt đau thì thật vô liêm sĩ.
 

atlas06

[Tịch thu bằng lái]
Biển số
OF-451932
Ngày cấp bằng
9/9/16
Số km
4,468
Động cơ
232,230 Mã lực
Tuổi
38
Tị hiềm ngấm ngầm trong quan trường rất mạnh. Lúc nào đó, Nguyễn bị mất ghế Đồng trung thư lệnh, tước hầu và quốc tính dù cuộc điều tra chưa dẫn đến kết luận gì. Đến năm 1433, ông chỉ còn là cận thần cạo giấy tên Nguyễn Trãi. Vết tích sự thu bớt chức tước, lấy lại họ vua còn lưu lại trong bài thơ “Thù hữu nhân kiến ký 酬友人見寄”, Đáp bạn gửi tặng:

酬友人見寄


矯矯龍驤萬斛舟
安行每懼覆中流
事堪涕淚非言說
運落風波豈智謀
身外浮名煙閣迥
夢中花鳥故山幽
慇懃堪謝鄉中友
聊把新詩寫我愁

Thù hữu nhân kiến ký


Kiểu kiểu long tương vạn hộc chu
An hành mỗi cụ phúc trung lưu
Sự kham thế lệ phi ngôn thuyết
Vận lạc phong ba khải trí mưu
Thân ngoại phù danh yên các(191) quýnh
Mộng trung hoa điểu cố sơn u
Ân cần kham tạ hương trung hữu
Liêu bả tân thi tả ngã sầu

Đáp bạn gửi tặng

Thuyền muôn hộc như ngựa quý vượt lên mạnh mẽ,
Đi êm ái nhưng luôn sợ bị lật giữa dòng.
Việc đáng rơi nước mắt không lời nào giải thích được,
Vận rơi vào phong ba sao dám dùng trí để lo lường?
Phù danh ở ngoài thân, gác khói xa xăm,
Chim hoa vào giấc mộng, quê nhà lặng lẽ.
Ân cần cảm tạ các bạn trong làng,
Xin tạm đem thơ mới để tỏ nỗi buồn của tôi.

Với Lê Lợi, Nguyễn Trãi mang ơn tri ngộ. Trong vòng 4 năm, kẻ sĩ lang thang đã đạt chức Lại bộ thương thư, chịu trách nhiệm tuyển mộ-điều động quan lại cho vương quốc đang hình thành. Không thể phủ nhận việc sử dụng Ức Trai như một tín hiệu mời gọi nhân sĩ đồng bằng của vua Lê, nhưng đồng thời phải nhìn nhận khả năng xét người sắc bén của Ngài. Cuộc đời Nguyễn Trãi là cuộc hành trình đi tìm vương chủ xứng đáng để tựa vào đó phát huy sở học. Như bao môn đồ Mạnh Kha khác, Nguyễn xem dân là cứu cánh, vua là lựa chọn cá nhân. Lê Lợi bình thản chấp nhận, nâng đỡ người bầy tôi trí thức mới. Hơn mười năm làm việc cho nhà Minh trong đó già nửa thời gian lưu lạc mẫu quốc, Ức Trai với tài nghệ ngôn ngữ thiên bẩm là người kháng chiến duy nhất đủ năng lực truyền tải ý kiến của chúa Lam Sơn đến đối thủ theo cách thức diễn đạt của chính người Trung Hoa.

Lê Lợi mang dáng dấp một chính khách khôn ngoan hiện đại. Chỉ khi nào mọi trao đổi đều vô hiệu ngài mới dùng đến vũ lực. Đảm bảo hai bên Minh – Việt không hiểu lầm ý định của nhau tại những thời điểm gay cấn là nhiệm vụ khó ai thay thế quan Thừa Chỉ. Đóng góp đó khiến Nguyễn xứng đáng để thăng tiến nhanh chóng. Tuy nhiên, chỉ Lê Lợi là bậc vương giả, quan tướng quanh Ngài thì không. Tình cảm nồng hậu đức vua dành cho Ức Trai kết hợp sự hạn chế về giao thiệp giữa nhà thơ với giới quân nhân tạo nên bầu khí quyển ganh ghét ngột ngạt. Cặp thực cho biết tai vạ đến không vì lý do đơn giản như chúng ta suy đoán xưa nay. Để chứng minh vô can với mưu toan của Trần Nguyên Hãn, lời lẽ hẳn chưa phải đến mức cạn kiệt, đầu óc chưa phải tới độ đờ đẫn… vì bộ phận điều tra sẽ vô phương tìm ra chứng cứ ủng hộ mối liên hệ đáng ngờ. Theo thiển ý, họa Nguyên Hãn chỉ là điểm khởi đầu, cái họa chính đày đọa Ức Trai là họa lý lịch và văn tự. Khi tiếp quản văn thư lưu trữ tại Tam ty, phía Lam Sơn phát hiện nhiều chi tiết về hoạt động của Nguyễn thời làm việc cho giặc Minh.

Tại sao chúng tôi giả định như thế? Vì ba bài thơ Nguyễn Trãi ca ngợi Nguyễn Huân, Hoàng Tông Tái, Hà Trung còn truyền đến nay. Để dứt khoát quá khứ, Ức Trai nhiều khả năng đã tự tiêu hủy thơ văn liên quan đến người Minh trước khi yết kiến Lê Lợi. Rủi thay, ba sáng tác nói trên mang số phận khác, chúng được giữ lại trong hồ sơ Tam ty bên cạnh ghi chép về quá trình phục vụ của người viết. Thái tổ thông cảm quyền chọn vua của đệ tử Khổng Mạnh, nhưng những người chí thành với thủ tục cắt máu ăn thề sẽ không bao giờ hiểu được hành động đó.
 

atlas06

[Tịch thu bằng lái]
Biển số
OF-451932
Ngày cấp bằng
9/9/16
Số km
4,468
Động cơ
232,230 Mã lực
Tuổi
38
Tình cảnh bị xét lại công-tội, bị quản thúc tại kinh đô được phản ánh trong cặp luận. Có lẽ để giảm bớt áp lực nặng nề, ai đó đã khuyên Ức Trai “đi cửa sau”.

Tự thán V

Thiếu niên trường ốc tiếng hư bay,
Phải lụy vì danh đã hổ thay!
Đám cúc thông quen vầy bậu bạn,
Cửa quyền quí ngại lượm(192) chân tay.
Qua đòi(193) cảnh chép câu đòi cảnh,
Nhàn một ngày nên quyển(194) một ngày.
Tuổi đã năm mươi đầu đã bạc,
Ấy còn bìu rịn(195) lấy chi vay!

Nhà thơ không có ý định cầu cạnh để an thân. Ông chọn thiên nhiên, thơ họa thay vì danh lợi. Nguyễn hâm mộ “danh”, từng vì danh mà lụy, nhưng chưa từng vì danh mà nhục.

Thiệu Bình năm I (1434), Toàn Thư hồi tưởng việc Lê Lợi cấm tái dụng Đinh Bang Bản, Lê Quốc Khí, Trình Hoành Bá…. vì trước kia, sau khi dâng sớ xin giết Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo bọn họ lại vu hãm người có thái độ không vui là bè đảng Trần-Phạm khiến nhiều nạn nhân phải tội tử hay lưu đày. Như thế, vụ xử lý hai quan gốc kinh lộ đã tạo nên không khí khủng bố trong triều đình đương thời. Nguyễn Trãi cùng nhóm với các nhân vật chính nên nằm ngay tâm bão. Hết sức điêu đứng nhưng nhà thơ, dù bị tống ngục, vẫn từ chối “bôi trơn” hay “mẹo vặt” để được thả; khi được phóng thích lại từ chối nốt việc chạy vạy để thoát án ngờ. Ức Trai là người chính trực.

Tuy vậy, ông rất ấm ức về cách đối xử bất công.

Trần tình IV

Lồng lộng trời, tư chút đâu,
Nào ai chẳng đội ở trên đầu?
Trông(196) cửa ngọc, vân(197) yên(198) cách,
Giãi(199) lòng đan, nhật nguyệt thâu.
Chim đến cây cao chim nghỉ đỗ,
Quạt hay thu lạnh quạt sơ thu.(200)Ngoài năm mươi tuổi, ngoài chưng thế,
Ắt đã tròn bằng nước ở bầu.

Hai câu đầu chỉ trời, đồng thời chỉ vua. Tác giả lập lại tín niệm vua cũng như trời, nhìn thấy hết, rất công bằng.

Hai câu 3, 4 cũng như các câu “Nhớ chúa lòng còn đan một tấc,”[65] “Lòng một tấc đan còn nhớ chúa,” [66] đều lấy cảm hứng từ “Luyến khuyết đan tâm phá 戀闕丹心破,”[67] nhớ cửa khuyết lòng son quặn đứt của Đỗ Phủ. Như vậy, hiểu “trông/song” như động từ thuyết phục hơn. “Song cửa ngọc” ít nhiều gần gũi với câu thơ mong chờ vua Trần ban chiếu bổ nhiệm của Nguyễn Ứng Long, cha Ông: “Vọng nhãn đãn huyền thiên khuyết bắc 望眼但懸天闕北,” Mắt trông ngóng chỉ canh cánh nhìn lên cửa khuyết phía bắc. Đối lại, “giãi/dãi” nên hiểu là “bày tỏ, bày ra”. Người đời Minh vẫn có cách nói “trần đan tâm 陳丹心”,[68] bày tỏ lòng son. Đến thế kỷ XIX, khi chưa xuất hiện cách thể hiện mới về lòng trung thành, nhà thơ Ba Giai qua “Hà Thành chính khí ca” vẫn tán tụng tinh thần vì Thánh quân Tự Đức chiến đấu đến cùng của Hoàng Diệu là “Đốt nung gan sắt, giãi dầu lòng son”.[69] Dù “giãi” và “dãi” thể hiện hai khái niệm khác nhau, chúng đều có thể được sử dụng để dịch chữ “trần 陳”, bộc lộđiều gìđó, bằng cách nào đó.

Ức Trai mất tước hầu, bị loại khỏi danh sách công thần, thu hồi thực ấp. Ông đau đớn vì bỗng thấy vua xa xăm sau mây khói, nhưng cũng vì xa rời “vân đài”, “yên các”. Ở đây phảng phất hờn trách. Cửa cung rộng mở, lòng vua lồng lộng công bằng, sao nên nỗi? Bằng hữu của cụm “vân yên cách” chính là “yên các quýnh 煙閣迥”, gác khói xa xăm trong bài “Thù hữu nhân kiến ký” bên trên. Đối lại, “nhật nguyệt thâu” không chỉ mang nghĩa “mặt trời, mặt trăng chứng tri”. “Nhật nguyệt” tượng trưng thời gian, “nhật nguyệt thâu” còn có nghĩa “qua thời gian sẽ thấu hiểu”.

Nguyên nhân tai họa được Ức Trai giải thích bằng hai câu 5, 6. Nguyễn tự trách mình bất thức thời. Bay hết cao chim phải nghỉ, trời sang thu quạt phải dẹp. Gặp rắc rối vì công thành mà thân chưa thoái, lỗi đó do chính Ông. Còn chuyện quạt xếp xó biết qui trách nhiệm vào ai? Lỗi đó do trời trước, do vua sau. Nguyễn nhỏ nhẹ nhưng tủi hờn nằng nặng. Ông dỗi rằng mình không cần “góc cạnh” nữa, vì già rồi, vì đứng ngoài cuộc đời rồi. Lời lẽ hết sức kiềm chế ẩn dấu khủng hoảng tinh thần.

Dường như Thái tổ phải tập trung tinh lực đối phó rối loạn tại biên giới nên chưa đủ thời giờ ngó ngàng đến sự việc. Cơn trầm cảm của Nguyễn dần dần đằm lại khi kề bên thấp thoáng bóng người đẹp.

Tự thán I

Càng một ngày càng ngặt(201) đến xương,
Ắt vì số mệnh, ắt văn chương.
Người hiềm(202) rằng cúc qua trùng cửu,(203)
Kẻ hãy bằng(204) quỳ hướng thái dương.
Chè thuở(205) tiên,(206) thì mình kín(207) nước,
Cầm khi đàn, khiến thiếp thiêu hương.
(208)Non quê ngày nọ chiêm bao thấy,
Viên, hạc chăng hờn lại những thương.

Tạm hiểu như sau: Càng ngày càng nghèo kiết xác. Chắc một phần do số mệnh một phần do văn chương. Người thì e rằng (ta) như cúc quá mùa. Kẻ lại khuyên nên cùng hoa quỳ vọng hướng mặt trời. Khi nấu trà, tự mình đi lấy nước. Lúc gảy đàn cầm, sai người thiếp đốt hương. Ngày nọ, nằm mơ thấy quê nhà. Vượn và hạc chỉ thương chớ chẳng hờn giận.

Rất phong độ khi người “nghèo đến xương” Nguyễn Trãi vẫn uống trà, gảy đàn, thưởng trầm với hầu thiếp và mơ về biệt phủ. Cái nghèo hiển hiện sự sa sút của nhà quan. Tại sao ông nghèo? Đổ thừa số mệnh là câu đầu môi của dân Nam nên ta tin rằng Nguyễn nghèo do “văn chương”. Nói cách khác, Ức Trai mất chức tước bổng lộc do tai vạ sinh ra từ công việc bút mực. Ông có hai lựa chọn, một là chấp nhận thất bại lui về, hai là kiên nhẫn chờ vua soi xét để tiếp tục hoạn lộ. Vua đang bận làm tướng nên nhà thơ tạm giữ vai tiên ngoài núi, đợi thời.

Người phụ nữ hiện diện trong buổi thư giãn lịch lãm của chồng là ai? Chắc không sai nếu ta đoán bà là Nguyễn thị Lộ.
 

atlas06

[Tịch thu bằng lái]
Biển số
OF-451932
Ngày cấp bằng
9/9/16
Số km
4,468
Động cơ
232,230 Mã lực
Tuổi
38
Tháng 11 năm Thuận Thiên III (1430), Thái tổ thân chinh Bế Khắc Thiệu và Nông Đắc Thái ở Thái Nguyên. Tháng 3 năm Thuận Thiên IV (1431), bắt hai tù trưởng đưa về kinh.

Lễ mừng chiến thắng là dịp may để Nguyễn bệ kiến. Bốn kỳ “Hạ tiệp” nhiều khả năng ra đời năm Tân Hợi (1431) vì kể chuyện man tù sa lưới đồng thời đề cập thơ ngự chế[70] tại quân doanh. Toàn Thư cũng ghi nhận chi tiết giống như vậy về cuộc hành binh này. (Toàn Thư II, 324-325) Dưới đây là kỳ một trong số bốn kỳ.

賀捷其一


蠢爾蠻酋敢寇邊
積凶稔惡已多年
九重睿念忴遐俗
萬里鑾車冒瘴煙
山戍已聞收魏博
宸奎又見刻燕然
從今四海車書一
盛德豐功萬古前

Hạ tiệp kỳ I


Xuẩn nhĩ man tù cảm khấu biên
Tích hung nẫm ác dĩ đa niên
Cửu trùng duệ niệm linh hà tục
Vạn lý loan dư mạo chướng yên
Sơn thú(209) dĩ văn thu nguỵ bác(210)
Thần khuê(211) hựu kiến khắc yên nhiên(212)
Tòng kim tứ hải xa thư nhất(213)
Thịnh đức phong công vạn cổ tiền.

Mừng chiến thắng – kỳ I

Bọn man tù ngu xuẩn các ngươi sao dám cướp phá biên giới?
Chứa hung dưỡng ác đã bao năm!
Cửu trùng nghĩ ngợi sáng suốt nên thương đến tục miền xa,
Ruổi xe loan xông pha lam chướng.
Nghe nói lính thú đã thu lại đất Ngụy Bác,
Lại thấy thơ ngự chế khắc núi Yên Nhiên.
Đến nay bốn biển dùng cùng cỡ xe, cùng thứ chữ,
Đức lớn công to hơn cả nghìn xưa.

Bài tụng ca rất ước lệ, nhàm chán. Ức Trai phải lên gân để biện hộ bản thân không dính líu đến vụ nổi dậy do Trần Nguyên Hãn xách động.

Ở đây, chúng ta tái ngộ tứ thơ từng gặp trong lời tung hô vua Vĩnh Lạc.

Ca tụng vua Minh: “Cửu trùng chẩn niệm cập hà manh 九重軫念及遐氓,” Trăn trở thương xót từ cửu trùng xuống đến dân phương xa.

Ca tụng vua Lê: “Cửu trùng duệ niệm linh hà tục 九重睿念忴遐俗,” Cửu trùng nghĩ ngợi sáng suốt nên thương đến tục miền xa.

Như vậy, Nguyễn Trãi thuộc về hai trường văn hóa. Một: loại văn hóa xuyên cương vực mà Nguyễn tin rằng có thể ứng dụng tại Giao Chỉ; đại biểu văn hóa đó chính là Minh Thành tổ. Hai: loại văn hóa khu biệt mà Nguyễn cảm nhận rõ rệt khi gảy đàn cầm, bản năng khiến Ông chỉ gảy điệu Nam; đại biểu văn hóa đó chính là Lê Thái tổ. Cả hai câu cùng chuyển ý “ngôn niệm thương sinh 言念苍生”, Lời nói, ý nghĩđều hướng về dân đen của Trương Cửu Linh. Nguyễn chấp nhận Chu Đệ dựa vào lý, phục vụ Lê Lợi dựa vào tình. Nhưng nếu các vua không trọng dụng Nguyễn, kể cả vua Lê, Ông sẵn sàng bỏ đi như tuyên bố trong “Mạn thành kỳ II”, tác phẩm sẽ được phân tích tiếp theo dưới đây.

Lê Lợi có bất bình nếu biết quan Thừa Chỉ sửa lại tí chút dòng thơ tâng bốc vua Minh để ca ngợi Ngài? Chắc là không! Nói cho cùng, nó chỉ tương tự khẩu hiệu “Thánh thượng muôn năm!” hay “Hoàng đế vạn tuế, vạn vạn tuế!”.

Điểm khác nhau giữa hai câu rất tế nhị, nằm ở chữ cuối câu: “manh” và “tục”.

Nguyễn Trãi dùng “manh 氓”, dân thường để chỉ người An Nam, cộng đồng dưới sự cai trị của vua Minh và thừa tiếp văn hóa Trung Hoa. Lại dùng “tục 俗”, người thường hay tập quán, thói quen để chỉ dân Mường Lễ, cộng đồng chịu ảnh hưởng Đại Việt nhưng từ chối văn hóa Đông Kinh. Thế kỷ XV, khái niệm dân tộc, sắc tộc chưa tồn tại. Thức giả thời đó thường dựa vào thực hành văn hóa để biện biệt các cộng đồng người. Nói hai tập nhóm phong tục khác nhau giống như ngày nay ta nói họ khác sắc tộc. Như thế, khi sử dụng “hà manh” thay vì “hà tục” chỉ dân Giao Chỉ, Nguyễn đã không tin đồng bào ông có số phận tách biệt với Trung Hoa.

Theo Lê Quý Đôn, Lê Lợi giết Phạm Văn Xảo vào năm 1431. Trong “Đế kỷ đệ nhị”, phần Thái tổ (hạ), cụ Lê chép rằng Đèo Cát Hãn toa rập với Phạm Văn Xảo gây loạn.
 

atlas06

[Tịch thu bằng lái]
Biển số
OF-451932
Ngày cấp bằng
9/9/16
Số km
4,468
Động cơ
232,230 Mã lực
Tuổi
38
Thái tổ tiếp tục bận bịu với bất ổn ở Mường Lễ. Dường như Ngài miễn xá cho Nguyễn nhưng chưa phục chức.

Còn than thở “mang lụy vào thân”, “Mạn thành kỳ II” thể hiện sự chờ đợi phán xét từ thiên tử.

漫成其二


眼中浮世總浮雲
蝸角驚看日晉秦
天或喪斯知有命
邦如有道亦羞貧
陳平自信能為宰
杜甫誰忴已誤身
世事不知何日了
扁舟歸釣五湖春

Mạn thành kỳ II


Nhãn trung phù thế tổng phù vân
Oa giác kinh khan nhật Tấn Tần(214)Thiên hoặc táng tư tri hữu mệnh(215)Bang như hữu đạo diệc tu bần(216)Trần Bình tự tín năng vi tể(217)Đỗ Phủ thùy linh dĩ ngộ thân(218)Thế sự bất tri hà nhật liễu
Biển chu quy điếu Ngũ Hồ xuân.

Làm chơi – kỳ II

Đời phù phiếm xem như mây nổi!
Sợ thấy cảnh Tấn Tần tranh nhau mỗi ngày trên hai sừng ốc sên.
Ví như trời bỏ quên văn này, biết là do mệnh,
Nếu nước có đạo, cũng đáng thẹn cho cái nghèo.
(Trước như) Trần Bình tự tin đủ sức làm tể tướng,
(Giờ thì) Ai thương Đỗ Phủ đã mang lụy vào thân?
Việc đời ngày nào mới dứt?
(Để) quay thuyền nhỏ về câu cá giữa mùa xuân Ngũ hồ.

Tiếng loảng xoảng từ cuộc sát phạt giữa phe trại đứng đầu bởi Lê Quốc Khí, Đinh Bang Bản và phe kinh nổi bật với Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo văng vẳng vào thơ. Là nạn nhân của đố kỵ, Nguyễn nhìn ra chất nhỏ mọn của cuộc xung khắc. Cái tâm của ông hướng về giá trị học thuật mang tính phổ quát cao hơn giá trị địa phương. Ức Trai chỉ sợ vua quên “văn này”, tức hệ thống tư tưởng-chính trị Nho giáo mà bản thân là thành tố. Còn “đạo” chưa áp dụng rộng khắp thì khốn khó chẳng vì mình bất tài. Người con ưu tú của nền văn minh Lý Trần luôn thao thức về vận mệnh đạo Khổng, cũng kiêm vận mệnh riêng. Sau Hồ Quý Ly, Nguyễn là người ý thức rõ nhất về nhu cầu hiện đại hóa xã hội Đại Việt. Bằng cuộc đời ngắn ngủi của mình, ông cố gắng giữ liền mạch cải cách từ thời Hồ, qua Hoàng Phúc đến Lê Thánh tông. Khó nói Nguyễn thành công hay thất bại. Cách mạng tư tưởng cần nhiều thời gian. Phải mất một thế kỷ, từ khi Lê Quát và Phạm Sư Mạnh đề nghị thay đổi chế độ đến lúc vua Hồng Đức hoàn chỉnh thể chế tập quyền, nho gia mới hoàn tất quá trình biến văn hóa Lý-Trần thành trầm tích lịch sử.

Câu 5 giúp ta đoán bài thơ ra đời không lâu sau khi Nguyễn mất chức phó nhị Tòa Trung thư. Câu 3 và câu 6 cho biết ông chờ kết luận của nhà vua nhưng chưa rõ thuận lợi hay bất lợi. Trước mắt, Ức Trai bị mọi người xa lánh.

Hai chữ “ngũ hồ” trong câu 8 đáng chú ý nhất. Nguyễn Trãi có thói quen mơ về Côn Sơn, ở đây lại chiêm bao chốn khác. Tương truyền, Phạm Lãi sau khi giúp Câu Tiễn trả thù Ngô Phù Sai đã dẫn Tây Thi vào Ngũ hồ rong chơi vì nghĩ rằng khó chung hưởng phú quý với nhà vua xấu tướng. “Ngũ hồ” vọng lên tiếng trách móc của Nguyễn giống như Phạm từng nghi hoặc sự thành tín của chủ mình. Lê Lợi để mặc ông nghèo khó với người thiếp mọn. Cùng bà Lộ tiêu pha phần đời còn sót trên sông nước có vẻ là ý nghĩ viển vông thú vị. Vua bỏ rơi Nguyễn, tức bỏ rơi đạo Nho, vậy đâu cần gì nữa! Nhiều lắm chỉ cần người định kỳ tiếp gạo đến chiếc thuyền con.
 

atlas06

[Tịch thu bằng lái]
Biển số
OF-451932
Ngày cấp bằng
9/9/16
Số km
4,468
Động cơ
232,230 Mã lực
Tuổi
38
Cuối năm Thuận thiên III đầu năm Thuận thiên IV, vua Lê bình định Mường Lễ. Tháng 11 cùng năm, Đèo Cát Hãn ra hàng. Nguyễn phụng mệnh soạn “Bình Phục Lễ ban sư chiếu”. Như thế, Ức Trai đã làm việc lại bình thường vào năm 1432. Bài thơ dưới đây giống như lời tạ ơn khi hoàng đế kéo cái lụy ra khỏi nhà nho khốn khổ.

Trần tình I

Từ ngày gặp hội phong vân,(219)
Bổ báo chưa hề đặng mỗ(220) phân.
Gánh, khôn đương quyền tướng phủ,(221)
Lui, ngõ(222) được đất nho thần.(223)
Ước bề trả ơn minh chúa,
Hết khỏe(224) phù đạo thánh nhân.
Quốc phú binh cường chăng có chước,
Bằng tôi nào thửa ích(225) chưng(226) dân.

Tạm hiểu như sau: Từ ngày gặp minh chúa được cất nhắc. Đến nay chưa báo đáp chút gì. Không đủ sức đảm đương phủ tướng. Nên lui về chuyên việc nho thần. Ao ước đền ơn vua sáng. Bằng cách đem hết sức truyền bá đạo thánh hiền. Nếu chẳng có mưu kế làm nước giàu binh mạnh. Thì tôi đâu có ích gì cho dân!

Ký tên bia Vĩnh Lăng vào cuối năm 1433, Vinh Lộc đại phu Nguyễn Trãi xưng chức “Nhập nội Hành khiển tri Tam Quán sự”. Như vậy, khi được tái bố trí, ghế Đồng Trung Thư lệnh quyền lực đã tuột khỏi tay Nguyễn, bù lại ông nhận danh vọng tối cao trong làng trí thức. Ức Trai văn tài rực rỡ, hiểu biết lý thuyết Nho học nhưng dường như năng lực thực tiễn yếu kém. Vua Lê hẳn đã nêu lý do và Nguyễn đã công nhận bản thân “khôn đương quyền tướng phủ”. Chúng ta sẽ theo dõi hoạt động của Ức Trai dưới triều Lê Thái tông để tìm hiểu thêm. Vài thông tin liên quan đến khả năng quan Thừa Chỉ được Toàn Thư ghi nhận. Trước mắt, Nguyễn hài lòng vì vua xem ông là nho sĩ hàng đầu của vương quốc. Cặp kết nghe như lời hứa: “nếu không điều hành công việc trực tiếp tôi sẽ đóng vai cố vấn, sẽ suy nghĩ và hiến kế làm nước giàu binh mạnh.”
 

atlas06

[Tịch thu bằng lái]
Biển số
OF-451932
Ngày cấp bằng
9/9/16
Số km
4,468
Động cơ
232,230 Mã lực
Tuổi
38
8. Dưới thời Lê Thái tông (trị vì 1434 – 1442)

Tháng 5, Thiệu Bình I (1434), Nguyễn Trãi thảo biểu cầu phong cho Lê Nguyên Long. Bọn Nội Mật viện Nguyễn Thúc Huệ, Học sĩ Lê Cảnh Xước yêu cầu thay đổi vài chữ. Quan Nhập nội Hành Khiển đáp rằng: “Bọn các người là hạng bầy tôi vơ vét, nạn hạn hán này là do các người gây nên cả.” (Toàn Thư II, 336) (227)

Trước đó vào tháng 4, để cầu đảo vua đã sai rước Phật chùa Pháp Vân về Đông Kinh. Nguyễn Thiên Hựu lại đề đạt vua sửa đức, tha tù oan, thả cung nữ. Như vậy, hạn hán đang tác động mạnh đến cuộc sống đương thời. Tuy sử dụng nhiều biện pháp, trời chỉ xuống cơn mưa nhỏ. Ức Trai riêng tìm ra nguyên nhân khác, đó là do tham quan ô lại hoành hành, phá vỡ hài hòa giữa trời-đất-người. Rõ ràng Nguyễn mắng các quan về việc chẳng liên quan đến chữ nghĩa. Huệ-Xước bẩm lại câu chuyện với hai tướng đầu triều là Đại tư đồ Lê Sát và Đô đốc Lê Vấn. Hai vị giận, bảo Nguyễn rằng: “Làm nên nỗi có thiên tai không phải là do lỗi của bọn ấy, lỗi ở vua và tể tướng thôi, sao ông trách nhau quá như thế?”(Toàn Thư II, 336) (228)

Có lẽ thấy mình hơi lố, Nguyễn xin lỗi: “Thúc Huệ chỉ vì chút tài vét thuế mà chiếm chỗ then chốt của thiên hạ, mỗi khi có sổ sách tâu vào đều muốn vơ của dân về cho quan, để mong hợp ý vua, cho nên tôi nhân việc này mà nói ra thôi, không dám chê bàn gì đến vua và tể tướng cả.”(Toàn Thư II, 336) (229)

Lê Sát còn bất bình nhưng giữ nguyên bản tâu của Nguyễn.

Sát-Vấn thuộc dạng tể thần đầy đủ phẩm cách trượng phu, hai ông không đổ lỗi cho trời hay cho khách quan về cơn hạn hán mà tự nhận trách nhiệm điều hòa việc nước trước thuộc cấp. Dù địa vị tột bậc, họ vẫn gọi Nguyễn là “công 公”, ông. Dù giận riêng, họ vẫn nhìn nhận tài năng hàn mặc của quan Thừa chỉ. Hai đại công thần ít học hết sức tôn trọng người nhiều chữ, chính sự phải đạo của họ góp phần gây dựng nước Đại Việt mới thịnh trị. Nên nhớ, nhà thơ Ức Trai đương cơn bực tức gọi đồng liêu là “nhĩ 爾”, mày.

Nguyễn Trãi chuyên soạn thư từ cho vua từ năm 1423. Có lẽ quen nếp từ khi còn kháng chiến, ngự văn đều được Lê Lợi đích thân chỉnh sửa hay gợi ý chỉnh sửa cho phù hợp; lúc này, việc đóng góp văn bản rơi xuống tay Nội mật viện hay Hàn lâm viện vì Thái tông còn nhỏ. Với đại bút như Ức Trai hẳn việc đó rất đau lòng.

Tháng 12, Thiệu Bình I (1434), triều đình họp bàn việc bỏ áo tang Lê Thái tổ. Nguyễn Trãi đề nghị mặc áo trắng thêm 27 ngày nữa.

Tháng 3, Thiệu Bình II (1435), hình quan chiếu luật đề nghị xử chém bảy thiếu niên tái phạm tội ăn trộm. Lê Sát chần chừ vì ngại giết nhiều người. Vua nhờ quan Thừa chỉ tư vấn. Nguyễn Trãi hùng hồn dẫn Kinh Thư và sách Đại Học khuyên vua dùng nhân nghĩa, theo ông pháp lệnh không bằng nhân nghĩa. Sát và Ngân chắc không lạ gì ý tưởng đó; tuy nhiên, họ cần giải pháp cụ thể hơn lời thuyết lý có thể đã được nhà nho Ức Trai giảng giải quá mức cần thiết. Như một thách thức thực tiễn, hai tể thần đề nghị giao tội phạm cho bọn Nguyễn Trãi-Thiên Tước để giáo hóa.(230) Ức Trai tạ rằng: “Chúng là hạng trẻ con ương ngạnh, ranh mãnh, pháp chế của triều đình còn không trừng trị được, huống hồ bọn chúng tôi đức mỏng, cảm hóa thế nào được.” (Toàn Thư II, 350-351)(231)
 

atlas06

[Tịch thu bằng lái]
Biển số
OF-451932
Ngày cấp bằng
9/9/16
Số km
4,468
Động cơ
232,230 Mã lực
Tuổi
38
Ta thấy điều gì ở đây? Chúng tôi thấy bốn điểm nổi bật như sau:

– Nguyễn Trãi rất có uy vọng trong triều đình Lê Thái tông. Ông được hỏi ý kiến về các vấn đề thậm nan giải.
– Hình luật đầu đời Lê hết sức nghiêm ngặt. Trộm tái phạm phải tội tử hình. Có lẽ Lê Thái tổ cần ổn định cấp tốc xã hội rối loạn, thiếu đói thời hậu chiến nên ban luật khắc nghiệt.
– Lê Sát, đại tướng từng giết vô số giặc Minh qua các trận Thi Lang, Khả Lưu, Tây Đô, Xương Giang, Chi Lăng…. lại ngại giết bảy tên trộm. Ông chính là hiền nhân thầm lặng, xa lạ với loại người “khát máu”, tính cách Keith Taylor gán cho các đầu lĩnh khởi nghĩa. Không riêng Lê Lợi, bầy tôi thân tín của Ngài như Lê Sát, Lê Vấn, Lê Ngân đều hiểu phải ngồi trên lưng ngựa để lấy thiên hạ, nhưng không thể từ lưng ngựa cai trị thiên hạ.
– Nguyễn Trãi đậm tính cách nhà truyền giáo, thiếu tố chất của người hoạt động chính trị-xã hội đủ kỹ năng áp dụng quan niệm triết học vào cuộc sống.

Dù Nguyễn Trãi nói và làm chênh nhau, các quan đầu triều vẫn xem Ông là bậc thầy ngoại hạng, họ đồng lòng tiến cử quan Hành khiển Thừa chỉ, quan Trung thư Thị lang Trình Thuấn Du, sáu văn thần khác cùng vài đại thần nữa vào hầu Kinh diên, tức dạy vua học.

Cùng năm Thiệu Bình II (1435), Nguyễn Trãi trình vua xem tác phẩm Dư địa chí.

Tháng giêng, Thiệu Bình IV (1437), vua sai Nguyễn Trãi và Lỗ bộ ty giám Lương Đăng làm loan giá, nhạc khí, dạy tập nhạc và múa.

Nguyễn Trãi dâng bản vẽ khánh đá, tâu rằng: “Kể ra, đời loạn dùng võ, thời bình chuộng văn. Nay đúng là lúc nên làm lễ nhạc. Song không có gốc thì không thể đứng vững, không có văn thì không không thể lưu hành. Hoà bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc. Thần vâng chiếu soạn nhạc, không dám không dốc hết tâm sức. Nhưng vì học thuật nông cạn, sợ rằng trong khoảng thanh luật, khó được hài hoà. Xin bệ hạ yêu nuôi muôn dân, để chốn xóm thôn không còn tiếng oán hận buồn than, như thế mới không mất cái gốc của nhạc.” (232)

Khánh đá là nhạc cụ quan trọng từ thời cổ đại. Khánh đá cùng với chuông đồng từng được Khổng tử nhắc đến khi Ngài bàn về nhạc. Khánh treo thành dãy, tức biên khánh, gồm nhiều mảnh đá mắc trên giá gỗ. Nhạc công dùng búa gỗ gõ vào đá để tạo ra âm thanh. Bản vẽ của Nguyễn Trãi hẳn dùng để chế tạo các phiến đá thuộc biên khánh. Chúng phát ra những nốt nhạc khác nhau nên các phiến đều có trọng lượng, hình dáng, độ dầy mỏng khác nhau. Thiết kế, gia công khánh đá không dễ dàng, đó là công việc tổng hợp của nhà soạn nhạc, nhạc công và nghệ nhân chế tác đá.


Biên khánh đào được từ mộ Hầu tước Cơ Ất (477 TCN – 433 TCN), nước Tằng (Hồ Bắc, Trung Hoa)

Đối với nhà nho, nhạc gồm cả vũ đạo. Khái niệm về nhạc trong lời tâu không do Nguyễn Trãi nghĩ ra, Ông chỉ lập lại ý tưởng của các triết nhân Trung Hoa thời cổ. Sách Lễ ký ghi rằng: “Nhạc cực hòa, lễ cực thuận 乐极咊礼极順,”[72] tận cùng của nhạc là hòa, tận cùng của lễ là thuận. Lại ghi: “Thanh âm chi đạo, dữ chính thông hĩ 声音之道与與政通矣,” [73] Đạo của âm thanh thông với chính trị vậy!(233)

Điểm sáng của Ức Trai là lời tự thú rất lương thiện rằng Ông không đủ khả năng soạn nhạc, hòa âm và phối khí cho dàn nhạc cung đình.

Triều đình biết rõ điều đó nên phân công lý thuyết gia Nguyễn Trãi cùng làm việc với nhà hoạt động thực tiễn Lương Đăng. Tiếc thay, hoạn quan nằm ngoài tứ dân, luôn nhận sự khinh miệt từ nho gia nên hợp tác khó thể thành công.

Tháng tư, Thiệu Bình IV (1437), vua muốn xem thủ chiếu và thi văn của Hồ Quý Ly. Nguyễn Trãi tìm được vài chục bài quốc âm dâng lên.

Tháng năm, Thiệu Bình IV (1437), Nguyễn Trãi tâu xin trả lại nhiệm vụ cùng Lương Đăng thiết định nhã nhạc do sở kiến hai người khác nhau.

Tháng năm, Thiệu Bình IV (1437), Lỗ bộ ty đồng giám kiêm tri Điển nhạc sự Lương Đăng dâng nhạc mới, mô phỏng nhạc nhà Minh. Nhạc có hai loại, loại tấu trên điện đình và loại tấu dưới sân, bao gồm cả tám loại âm thanh (da, bầu, trúc, tơ, gỗ, đất, kim, đá).

Tháng mười một, Thiệu Bình IV (1437), triều đình công bố nghi thức lễ nhạc do Lương Đăng mới định.

Hành khiển Nguyễn Trãi, Tham tri bạ tịch Nguyễn Tuyển, Đào Công Soạn, Nguyễn Văn Huyến, Tham nghị Nguyễn Liễu dâng sớ phản đối. Các quan phê phán lễ nhạc mới không theo đúng quy chế xưa, sai khác so với quy định nhà Minh đương thời, lại pha lẫn phong cách Phật giáo. Hơn nữa, họ cho rằng Lương Đăng là hoạn quan, không đủ tư cách thiết định triều nghi.

Lương Đăng phản ứng hòa nhã, ngỏ ý chờ quyết định của nhà vua. Tuy nhiên Đăng vẫn bị Nguyễn Liễu tấn công kịch liệt, quy kết tội tày trời “chuyên hoại thiên hạ 專壞天下”, một mình làm hỏng thiên hạ. Hoạn quan Đinh Thắng bênh vực đồng nghiệp, đòi chém đầu Nguyễn Liễu. Vụ việc trở nên nghiêm trọng, phải chuyển sang hình quan xử lý. Kết cuộc, Nguyễn Liễu bị thích chữ vào mặt và đày đi châu xa.

Trừ phần bàn luận mang tính kỹ thuật về cái chưa được trong lễ nhạc của Lương Đăng, ý kiến các quan về cá nhân khổ chủ như sau:

“Muốn chế tác lễ nhạc, phải đợi có người rồi hãy làm, được như Chu Công(234) thì sau mới không có lời chê trách. Nay sai kẻ hoạn quan(235) Lương Đăng chuyên định ra lễ nhạc, chẳng nhục cho nước lắm sao!….. Vả lại, Đăng là đứa hoạn quan, thần trộm lấy làm ngờ lắm.”(236)

Nhu cầu xây dựng nghi vệ, lễ nhạc của triều đại mới là có thật và cấp bách. Theo chế độ tập quyền, so với các triều trước, tầm vóc triều Lê lớn lao hơn nhiều. Uy nghi thiên tử, phong độ bách quan cần thiết để giao thiệp với lân bang, cũng để tạo ngưỡng vọng từ dân đen tinh thần còn rã rời sau động loạn. Lương Đăng rõ ràng có năng khiếu mỹ thuật và âm nhạc. Trừ những vị xem Chu Công là mẫu mực, không ai phản đối họ Lương. Dù chưa hoàn hảo, quan Lỗ bộ ty giám đáp ứng được những gì chính quyền cần vào thời điểm đó.

Các học giả Việt Nam như Trần Văn Khê, Trần Quốc Vượng…. đều ủng hộ nhà văn hóa Nguyễn Trãi. Họ cho rằng Ức Trai bảo vệ truyền thống dân tộc còn Lương Đăng sáng tạo kiểu lai căng.

John K. Whitmore đồng ý với hai cụ Trần. Ông cho rằng xung đột xảy ra giữa hai quan điểm, một thiên về truyền thống hơn của Nguyễn Trãi, một mới mẻ hơn của thanh niên Lương Đăng, là sản phẩm từ nhà trường thời Minh thuộc.[74]

Keith Taylor đánh giá theo hướng hoàn toàn khác. Ông nghĩ Lương Đăng không thích tiền lệ mang tính sách vở mà hướng về những gì bản thân thấy là tốt. Có vẻ Taylor nhìn Lương như một nghệ sĩ thực thụ. Vị sử gia dựa vào sự kiện nhà vua trẻ tuổi yêu cầu Ức Trai sưu tầm thơ quốc âm của Hồ Quý Ly để suy đoán rằng Nguyên Long ham thích sự phiêu lưu và tự phát trí tuệ, những tính chất đề kháng nho học chính thống Tống-Minh. Do vậy, quốc vương ngả về phá cách của Lương Đăng thay vì lắng nghe đề xuất uyên bác từ Nguyễn Trãi.[75]

Tạ Chí Đại Trường nhìn thấu suốt tranh cãi này. Ông cho rằng Lương Đăng làm nhạc theo “tinh thần dân tộc có sáng tạo”, không quá Hán hóa như đám nho thần. Quả thật như vậy, nhóm Nguyễn Trãi xem hoạt động thiết trí lễ nhạc của Chu Công Đán là mẫu mực, chê bai họ Lương về cách đánh chuông khi vua ra-vào không đúng quy định cổ, bài bác lối thiết kế và bố trí ngự tọa sai khác điển chế nhà Minh.

Thực tế, Lương Đăng định số tiếng chuông báo hiệu vua ra chầu bằng số hạt chuỗi tràng của nhà sư, lại có bài nhạc mang chủ đề rất lạ là “cứu nhật nguyệt giao thực nhạc 救日月交蝕樂”, nhạc cứu nhật thực nguyệt thực. Đó là dấu vết của văn hóa Đại Việt xưa khiến nhà vua và các đại thần dễ dàng chấp nhận. Có lẽ Lê Thái tông cũng giống Trần Nghệ tông, hai Ngài đều hiểu rằng: “Nam bắc các đế kỳ quốc bất tương tập dã 南北各帝其國不相襲也”, Nam hay bắc đều cóđế vương riêng không phải noi nhau. Tư duy của bậc chủ tể đương nhiên phải khác với tư duy của nho gia vốn được đào tạo để làm bầy tôi người khác.

Nhóm nhà nho không sành soạn nhạc, hòa âm, phối khí nhưng quyết liệt phản đối quan Lỗ bộ ty giám. Họ tự nhận thiếu khả năng định lễ nhạc nhưng khăng khăng đề nghị chờ có người hiểu biết rồi hãy thực hiện. Vì sao thế? Chờ đến bao giờ khi những nghi lễ trang trọng thể hiện sức mạnh nhất thống của triều đại đang lên vô cùng cần thiết? Cụ Tạ đành phải trách nhóm Nguyễn Trãi thành kiến quá quắt, không hiểu cả lý lẽ bình thường.

Điều gì nằm sau thái độ dường như khó hiểu đối với người đời nay của các nho thần? Chúng ta thấy ngay nguồn cơn khi đi vào điểm cơ bản nhất của lý thuyết âm nhạc Trung Hoa.

Người Hoa Hạ cổ liên kết năm thanh “cung, thương, giốc, chủy, vũ” với các khái niệm: “thái cực, thiếu dương, thiếu âm, thái dương, thái âm”, “quân, thần, dân, sự, vật” hay “lách, phổi, gan, tim, thận”… Nhạc không chỉ phản ánh, hỗ trợ vận động hài hòa bên trong cơ thể người mà còn phản ánh, hỗ trợ vận động hài hòa trong xã hội và vũ trụ. Nhờ bản chất “hòa”, “nhạc” ảnh hưởng ngược trở lại “lễ”, củng cố và thúc đẩy trật tự qui định bởi trời hay vua vận hành bình ổn. Với nho sĩ, một người lỡ âm lỡ dương như hoạn quan Lương Đăng không đủ tư cách chế tác lễ nhạc. Nguyễn Liễu mạnh miệng kết tội Lương Đăng “chuyên hoại thiên hạ” từ góc nhìn này. Một kẻ bản thân khiếm khuyết sự “hòa” không thể chủ trì kiến tạo hài hòa.
 
Thông tin thớt
Đang tải

Bài viết mới

Top