Vì sao ngành công nghiệp tên lửa trở thành mục tiêu thanh trừng của ông Tập Cận Bình
Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đang trải qua một làn sóng thanh trừng khác của Chủ tịch Tập Cận Bình (Xi Jinping). Kể từ tháng 7/2023, khoảng 15 quan chức quân sự và công nghiệp quốc phòng đã bị Tập Cận Bình cách chức, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc (Li Shangfu), Chỉ huy và Chính ủy Lực lượng Tên lửa, cùng nhiều sĩ quan cấp cao và lãnh đạo dân sự trong ngành quốc phòng. Vào ngày 27/12, Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Ủy ban thường vụ Quốc hội) đã khai trừ 9 quan chức cấp cao khỏi cơ quan lập pháp của đất nước mà không đưa ra giải thích, làm tăng thêm mối nghi ngờ rằng một âm mưu tham nhũng quy mô lớn, có dính líu một cách dân chủ đến nhiều cấp độ trong quân đội và công nghiệp quốc phòng Trung Quốc, đã bị Tập Cận Bình phát hiện.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc
Chỉ một tuần sau bài phát biểu mừng năm mới của Tập Cận Bình tới PLA, trong đó nhấn mạnh “đấu tranh với cuộc chiến chống tham nhũng khó khăn và kéo dài”, Bloomberg đã đưa tin rằng cuộc thanh trừng của Tập Cận Bình có thể là do tình trạng tham nhũng tràn lan trong Lực lượng Tên lửa, tình báo trích dẫn những câu chuyện đáng báo động từ tình báo Mỹ chẳng hạn như lúng túng trong việc quản lý nhiên liệu tên lửa và trục trặc nắp hầm chứa có thể cản trở việc phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Mặc dù một số nguồn tin phản đối câu chuyện “tên lửa chứa đầy nước” vì lý do tên lửa chạy bằng nhiên liệu lỏng thường để rỗng nhằm ngăn ngừa tai nạn, nhưng bất kỳ hành vi tham nhũng nào ở mức độ có thể gây ảnh hưởng tới khả năng sẵn sàng của tên lửa Trung Quốc đều làm gia tăng nghi ngờ rằng tình trạng tham nhũng ăn sâu đã làm suy yếu khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Trung Quốc và tiềm lực để họ tiến hành các hoạt động quy mô lớn trong tương lai gần.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi chứng kiến mức độ tham nhũng cao trong cơ quan bí mật phụ trách giám sát tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc. Điều này xảy ra không chỉ vì tình trạng hối lộ, trục lợi và đút lót phổ biến trong hệ thống quân đội và mua sắm quốc phòng được giám sát lỏng lẻo của Trung Quốc, mà còn bởi các hệ thống lớn, có ý nghĩa quan trọng về mặt chính trị nhưng hiếm khi được thử nghiệm như tên lửa hạt nhân cũng chính là “cục nam châm” thu hút các hành vi xấu. Những hệ thống này có vai trò không thể thiếu, là công cụ thể hiện sức mạnh chiến lược, được cấp ngân sách lớn để duy trì và vận hành, và hiếm khi bị kiểm tra tính sẵn sàng trên thực tế. Ngoài ra, việc các quan chức hàng đầu được tuyển chọn kỹ lưỡng trong quân đội và ngành công nghiệp quốc phòng bị phát hiện tham nhũng nghiêm trọng có thể cho thấy đội ngũ cán bộ cấp cao ngày càng không tin rằng PLA sẽ phải chiến đấu trong tương lai gần.
Cựu tư lệnh lực lượng tên lửa Lý Ngọc Siêu
Điều này đặt ra câu hỏi liệu Tập Cận Bình có thể đánh giá chính xác mức độ quân đội thực sự sẵn sàng hoàn thành sứ mệnh lịch sử khi được yêu cầu hay không. Việc khai trừ nhiều cán bộ cấp cao chỉ trong vài tháng và cuộc điều tra chống tham nhũng nhằm vào hệ thống mua bán-sáp nhập cho thấy Tập Cận Bình phải giải quyết một vấn đề lớn hơn cả lòng tham: đó là nạn tham nhũng một cách có hệ thống, và có lẽ cả sự thiếu niềm tin vào tầm nhìn của ông về một quân đội hiện đại hóa, đáng tin cậy về mặt chính trị và sẵn sàng hành động. Nó có thể thúc đẩy Tập Cận Bình ưu tiên lòng trung thành và sự phục tùng của các sĩ quan đối với ông hơn mọi thứ khác, bao gồm cả năng lực hoạt động và lý lịch lãnh đạo. Điều này sẽ chỉ khiến thế giới bên ngoài khó dự đoán được các kế hoạch của Tập Cận Bình đối với Đài Loan.
Trọng điểm tham nhũng
Làn sóng thanh trừng hiện nay đặc biệt nhắm vào nạn tham nhũng trong các chương trình mua sắm với chi phí cao, đáng chú ý nhất là trong ngành tên lửa. Hơn một nửa trong số 15 quan chức bị cách chức mà không có lời giải thích chính thức là cán bộ cấp cao lãnh đạo Lực lượng Tên lửa, trong đó một số người phụ trách nhiệm về Ban Phát triển trang bị Quân ủy Trung ương. Những người này bao gồm cựu lãnh đạo cấp cao Chu Á Ninh (Zhou Yaning), Trương Chấn Trung (Zhang Zhendong), Tư lệnh và Chính ủy Lực lượng Tên lửa mới bị khai trừ Lý Ngọc Siêu (Li Yuchao) và Từ Trung Ba (Xu Zhongbo), và các cựu lãnh đạo Ban Phát triển trang bị Lý Thượng Phúc (Li Shangfu) và Nhiêu Văn Mẫn (Rao Wennin).
Từ Trung Ba
Quan sát kỹ hơn tất cả 15 quan chức bị “ngã ngựa” có thể thấy sự nghiệp của họ trong ngành công nghiệp quân sự và quốc phòng của PLA có một điểm chung: Tên lửa. Ngoài sĩ quan quân đội chỉ huy các lữ đoàn tên lửa, chương trình không gian có người lái hoặc chương trình mua sắm vũ khí bao gồm tên lửa (Tướng Không quân Đinh Lai Hàng (Ding Laihang) dường như là ngoại lệ duy nhất), ba lãnh đạo dân sự khác được thông báo cách chức vào ngày 27/12 cũng từng là chuyên gia tên lửa trong sự nghiệp của họ. Lưu Thạch Tuyền (Liu Shiquan), cựu Giám đốc điều hành Tập đoàn Khoa học và Công nghiệp hàng không vũ trụ Trung Quốc (CASIC) và là Chủ tịch Tập đoàn công nghiệp binh khí Trung Quốc (Norinco) trước khi bị khai trừ, khởi đầu sự nghiệp với tư cách là một kỹ sư tên lửa. Ông đã lãnh đạo một số chương trình nghiên cứu tên lửa đạn đạo và viết một cuốn sách vào năm 2003 về xuyên phá hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo. Trước khi nắm quyền lãnh đạo CASIC Lưu Thạch Tuyền từng là Viện trưởng Viện số 4 (còn được gọi là Viện Công nghệ động lực hàng không vũ trụ) chuyên nghiên cứu về động cơ nhiên liệu rắn cung cấp năng lượng cho tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-31 và tên lửa đạn đạo JL-2 được phóng từ tàu ngầm.
Lưu Thạch Tuyền (Liu Shiquan), cựu Giám đốc điều hành Tập đoàn Khoa học và Công nghiệp hàng không vũ trụ Trung Quốc (CASIC)
Ngô Yên Sinh (Wu Yansheng) và Vương Trường Thanh (Wang Changqing), hai giám đốc điều hành công nghiệp dân sự khác từng lãnh đạo CASIC, cũng từng là kỹ sư tên lửa. Ngô Yên Sinh đã dành một thập kỷ trong chương trình không gian có người lái trước khi được đề bạt lên vị trí lãnh đạo. Vương Trường Thanh từng đứng đầu Viện số 3 của CASIC chuyên nghiên cứu tên lửa, cùng các công nghệ hàng không vũ trụ quân sự khác. Dựa trên quỹ đạo sự nghiệp và tầm ảnh hưởng của những cán bộ này trong cơ sở công nghiệp quốc phòng Trung Quốc, hàng loạt vụ khai trừ trong vài tháng qua dường như tập trung cao độ vào việc loại bỏ sự mục nát trong ngành công nghiệp tên lửa.
Vậy tại sao lại là tên lửa và rocket? Thoạt nhìn, có thể thấy sự bất thường khi chứng kiến tình trạng tham nhũng tràn lan trong ngành mà quân đội Trung Quốc đã gặt hái được nhiều thành công. PLA hiện đang vận hành hạm đội tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất lớn nhất thế giới và đã đạt được những thành công rực rỡ với các công nghệ tên lửa tiên tiến như tên lửa siêu thanh DF-17, hệ thống vũ khí tấn công từ quỹ đạo thấp (FOBS) và tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D, giúp tăng cường khả năng tấn công chính xác tầm xa nhắm mục tiêu vào các khí tài của Mỹ trên biển. Tuy nhiên, tham nhũng sẽ dễ hiểu hơn nêu coi đó là một tính toán hợp lý nhằm cân bằng giữa lợi ích thu về từ tham nhũng với rủi ro bị bắt.
Ngô Yên Sinh cựu giám đốc điều hành CASIC
Thứ nhất, ngành công nghiệp tên lửa, do các doanh nghiệp nhà nước và tổ chức nghiên cứu nhà nước độc quyền, là một trong những danh mục đầu tư quốc phòng được tài trợ nhiều nhất của Trung Quốc. Trong khi vẫn không rõ ngân sách chính xác cho ngành công nghiệp này là bao nhiêu, thì CASIC – với tư cách là đơn vị chính nghiên cứu và sản xuất tên lửa đạn đạo - đã công bố báo cáo tài chính và tiết lộ tổng doanh thu của mình. Năm 2017, tập đoàn nhà nước này đã kiếm được khoảng 2,35 tỷ nhân dân tệ, tăng gần gấp đôi doanh thu năm 2015. Con số này tăng lên gần 4,44 tỷ nhân dân tệ năm 2020. Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC), một doanh nghiệp nhà nước song song về hàng không vũ trụ, chịu trách nhiệm chính về chương trình không gian có người lái và tên lửa dòng CZ, đã thu về 2,42 tỷ nhân dân tệ vào năm 2020, mặc dù con số này vào năm 2017 lớn hơn đáng kể (5,8 tỷ nhân dân tệ). Xét đến sức mua tương đương (PPP) tương đối lớn của Trung Quốc thì nguồn tài trợ cho các chương trình tên lửa ở Trung Quốc rất dồi dào, mang lại khoản tiền lớn cho nhiều bên tham gia.
Tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D
Trên thực tế, ĐCSTQ đã chú ý đến nạn tham nhũng trong phát triển trang thiết bị. Năm 2012, tờ Legal Daily, tờ báo chính thức của Ủy ban Chính pháp Trung ương của ĐCSTQ, cảnh báo rằng một số đại diện quân sự - những sĩ quan được cử đến các nhà sản xuất vũ khí để đảm bảo chất lượng sản phẩm - đã nhận hối lộ từ nơi sản xuất. Năm 2018, tờ PLA Daily – tờ báo chính thức của PLA - cũng đưa tin rằng hệ thống đại diện quân sự có “liên kết lỏng lẻo” trong việc thực thi kỷ luật ở cấp thấp hơn.
Thứ hai, đối với tên lửa phục vụ mục đích hạt nhân, rủi ro bị phát hiện qua các cuộc thử nghiệm hoặc kiểm tra có thể kiểm chứng là rất thấp. Điều này đặc biệt đúng với các ICBM chuẩn bị lấp đầy 320 hầm chứa mới được Trung Quốc xây dựng. Sức răn đe của các vũ khí răn đe chiến lược chạy bằng nhiên liệu lỏng như DF-4 và DF-5, hay DF-31 và DF-41 chạy bằng nhiên liệu rắn, dựa trên mức độ sẵn sàng triển khai của chúng. Với việc Trung Quốc từ lâu đã cam kết không sử dụng vũ khí hạt nhân trước tiên, mức độ sẵn sàng của các hệ thống này tại Trung Quốc còn thấp, làm giảm nhu cầu kiểm tra liên tục mức độ sẵn sàng của chúng. Ngoài ra, không giống như tên lửa Minuteman III của Mỹ, vốn được phóng thử thường xuyên để chứng tỏ khả năng răn đe hiệu quả, ICBM của Trung Quốc chủ yếu được phóng thử nhằm thu thập dữ liệu cho các công nghệ mới.
Tên lửa DF-41
Ví dụ, kể từ năm 2012, DF-41 đã được thử nghiệm khoảng 7-10 lần, tất cả đều nhằm thử nghiệm công nghệ mới như tên lửa đa đầu đạn phân hướng (MIRV) hay khả năng phóng trên ống phóng di động. DF-31 chỉ được phóng thử vài lần, tương tự với tên lửa DF-5B/C đời cũ hơn sử dụng nhiên liệu lỏng kể từ năm 2000. Cuộc thử nghiệm DF-5C được biết đến gần đây nhất là vào năm 2017, trước khi Trung Quốc xây dựng các hầm chứa mới. Điều này có nghĩa là việc phóng thử quy mô đầy đủ khó có thể xảy ra một khi tên lửa bước vào giai đoạn sản xuất và triển khai. Vì vậy, sự kết hợp giữa mức độ tin cậy cao, ngân sách lớn và xác suất việc tên lửa được triển khai để kiểm tra mức độ sẵn sàng là rất nhỏ, tất cả đã tạo ra một trọng điểm tham nhũng.
Đây có vẻ là lời giải thích hợp lý cho vụ tham nhũng liên quan đến tên lửa được Bloomberg đưa tin. Nếu câu chuyện của Bloomberg là sự thật, thì có lẽ các “tên lửa chứa đầy nước” chính là loại tên lửa DF-5 chạy bằng nhiên liệu lỏng, dự kiến lấp đầy 30 hầm chứa tên lửa mới của Trung Quốc. Có thể tưởng tượng ra cảnh các quan chức phụ trách mua sắm và vận hành liên quan đến vụ bê bối này tự trấn an mình rằng việc phóng thử tên lửa DF-5 rất khó xảy ra, vì vậy sẽ không ai để ý nếu tên lửa chưa sẵn sàng hoạt động.
Tên lửa DF-5B và DF-5C
Trong khi đó, dòng vốn đáng kể vẫn liên tục được đổ vào ngành tên lửa, mang lại nhiều cơ hội và động cơ để hút tiền vào túi của những người có liên quan. Khi so sánh, hiếm thấy tình trạng tham nhũng công khai gây tổn hại trực tiếp đến khả năng sẵn sàng hành động trong các hệ thống “có thể kiểm chứng” trong ngành hàng không vũ trụ, như máy bay chiến đấu và máy bay không người lái được sử dụng thường xuyên, tuy nhiên có thể tồn tại các hành vi tham nhũng và hối lộ trong quá trình mua sắm trang bị. Mức độ sẵn sàng cao của các hệ thống này làm tăng khả năng phát hiện những sai sót nghiêm trọng, có thể dẫn đến điều tra về quy trình mua sắm, từ đó có khả năng hạn chế quy mô tham nhũng trong các hệ thống này.
.............