Chào các bác,
Các bác tranh luận sôi nổi quá. Em cũng ủng hộ ý kiến là khi ở tốc độ cao thì phải phanh trước, khi xe gần dừng hoặc bắt đầu hơi rung lên thì cắt côn để khỏi chết máy. Còn khi đi tốc độ thấp thì có thể vừa phanh vừa cắt côn. Khi xuống đèo dốc, cố gắng dùng động cơ để kiểm soát tốc độ của xe, không phanh liên tục. Em thấy một số vụ tai nạn do xe mất phanh khi xuống đèo chắc là do phanh nhiều quá làm nóng má phanh, nên phanh mất tác dụng.
Em mạn phép giải thích về mặt vật lý tại sao lại làm như vậy để một số bác chưa quen tham khảo.
Việc động cơ có tác dụng gìm xe lại hay kéo xe đi tùy thuộc ở số và vòng tua máy. Ở trạng thái "nghỉ" (không số, không ga), động cơ thường quay với tốc độ khoảng 700-800 vòng/phút. Khi xe chuyển động trên đường, chúng ta phải thêm ga để động cơ quay nhanh hơn, khoảng 1200-1500 vòng/phút trở lên. Khi tài xế bỏ chân ga ra, động cơ có xu thế giảm vòng quay về trạng thái "nghỉ".
Động cơ truyền chuyển động của nó lên các bánh xe nhờ bộ phận côn, là nơi tiếp xúc giữa trục động cơ (em tạm gọi thế) và trục bánh xe. Khi tài xế cắt côn, hai bộ phận này tách ra, nên động cơ không truyền lực xuống trục bánh xe. Số càng lớn thì lực kéo (và lực hãm) của động cơ càng nhỏ.
Ở đường bằng phẳng, khi xe vừa chuyển động, động cơ ở số 1, tỉ lệ truyền động từ động cơ đến trục bánh xe nhỏ (một vòng quay của trục bánh xe tương ứng với nhiều vòng quay của động cơ. Theo nguyên lý bảo toàn công trong vật lý (lợi bao nhiều lần về lực thì thiệt bấy nhiêu lần về đường đi) động cơ dễ dàng thắng được lực quán tính và lực ma sát của xe), nên động cơ có tác dụng kéo xe đi khi tài xế nhả côn (kể cả không vào ga, nhưng nhả côn một cách từ từ, nếu không thì sẽ bị chết máy). Nếu tài xế cắt côn trong trường hợp này, lực kéo của động cơ không còn, xe sẽ giảm tốc độ. Do vậy khi đi tốc độ thấp (ở số thấp) ta có thể rà côn thay vì dùng phanh, hoặc dùng đồng thời phanh và côn.
Khi xe đang tăng tốc, động cơ quay nhanh hơn trục bánh xe, nên cũng có tác dụng kéo xe đi, nếu ta cắt côn trong trường hợp này, không còn lực kéo xe đi nữa, xe không thể tăng tốc thêm (chứ không nhất thiết giảm so với vận tốc hiện tại vì xe chạy theo quán tính một đoạn khá dài).
Ngược lại, khi xe đang chạy ở tốc độ ổn định ở số cao, khi tài xế nhả chân ga, động cơ quay chậm dần, trong khi trục bánh xe vẫn có xu hướng giữ nguyên vòng quay do lực quán tính của xe. Vì vậy động cơ xe có tác dụng có tác dụng làm giảm tốc độ quay của trục bánh xe. Tức là động cơ có tác dụng phanh xe lại. Nếu cắt côn lúc này, trục bánh xe sẽ không bị lực hãm của động cơ nên xe sẽ chạy theo quán tính (chứ không không thể tăng tốc được. Tuy nhiên vì đang trên đà giảm tốc, khi cắt côn tài xế có cảm giác như xe tăng tốc trở lại). Do vậy mà nên phanh trước côn sau để tận dụng lực phanh của động cơ.
Khi xe đang xuống dốc, lực tác dụng của dốc kéo xe chạy nhanh hơn. Lúc này nếu để ở số cao, khi ta nhả chân ga do lực hãm của động cơ nhỏ, nó không thắng được lực đẩy của dốc nên xe vẫn tăng tốc. Nếu về số thấp, lực cảm của động cơ tăng lên làm giảm tác động kéo của dốc nên tốc độ của xe được kiểm soát tốt hơn.
Em giải thích hơi nhiều, hy vọng là các bác chưa quen lái xe có thể hiểu được và làm chủ được tốc độ của vợ hai trong mọi tình huống. Khi em học lái, ông thầy em bảo là "mình phải điều khiển xe, chứ không được để xe điều khiển mình", tức là mình phải kiểm soát được tốc độ của nó theo ý mình.