Thua keo này bày keo khác
Sau khi cuộc động binh ngày 19-2-1965 thất bại, tướng Lâm Văn Phát, Đại tá Phạm Ngọc Thảo và Trung tá Lê Hoàng Thao đều về trốn trong một căn phố lầu gần chợ An Đông. Hơn 150 sĩ quan đủ các cấp bậc, thuộc nhiều binh chủng khác nhau, đã phải bỏ đơn vị đi trốn hoặc bị bắt giam trong quân lao.
Trong số các sĩ quan bị bắt giam trong quân lao chờ ngày ra toà xét xử, tôi nhớ có Trung tá Lê Văn Tư, Thiếu tá Hồ Văn Thơm, chỉ huy trưởng Cảnh sát dã chiến bót Hoà Hoà v.v… Thỉnh thoảng tôi có vào thăm mấy anh em này để trấn an tinh thần của họ, đồng thời cũng thông báo tin tức diễn tiến chuẩn bị cuộc động binh kế tiếp. “Thua keo này, bày keo khác”. Anh em ai cũng cảm thấy phấn khởi tinh thần. Duy một mình Lê Văn Tư lúc nào cũng khóc hù hù như con mẹ đàn bà đi chợ đánh mất tiền, sợ về nhà bị chồng bợp tai, đá đít!
Chẳng bao lâu sau, tướng Lâm Văn Phát, Đại tá Thảo, và Trung tá Lê Hoàng Thao cũng chia tay, mỗi người trốn một ngả. Tướng Lâm Văn Phát giả trang làm một chức sắc Cao Đài, lên làng đại học Thủ Đức, lẩn trốn trong biệt thự của bà nghị sĩ Nguyệt Minh, vợ của bác sĩ Nguyễn Văn Thơ. Đại tá Thảo vẫn thường thay đổi chỗ lẩn trốn luôn. Khi thì tại phòng số 111 trong cao ốc đường Ngô Đức Kế, sau lưng toà hành chánh quận Nhất, khi thì trốn trong đường Nguyễn Hoàng, khi thì ở đường Hồng Bàng, khi thì ở biệt thự Trang Hai trong làng đại học Thủ Đức… Thảo không bao giờ ở một chỗ nào lâu quá hai, ba ngày. Nhưng có nhiều khi ông lại đột xuất, đi ngờ ngờ ngay giữa nơi thị tứ, trên đường Lê Lợi, trước mặt toà Đô Chánh, rồi thong thả, ung dung như một khách nhàn du vô sự bước vào hẻm Eden, rồi băng qua ngõ nhà sách Xuân Thu, ra đường Tự Do… Nhiều khi tôi với Đại tá Thảo cùng di chuyển trong một xe, do Bảy Mẹo lái, chạy lòng vòng trong đô thành, mà chẳng thấy có dấu hiệu gì bị nhân viên an ninh theo dõi. Tôi thì chẳng ai biết mặt mũi, nhưng Đại tá Thảo, kể từ khi được bổ nhiệm làm tỉnh trưởng Kiến Hoà, đã bị mưu sát hụt, cho đến ngày 19-2 đảo chính bất thành, báo chí nào cũng đăng tải hình ảnh, dân chúng đô thành ai mà chẳng biết mặt, nghe danh. Tôi để ý thấy mỗi khi di chuyển ra ngoài, Phạm Ngọc Thảo đều mang cặp mắt kiếng đen đậm, nhưng cái vóc dáng với cái đầu tóc hớt cao kiểu nhà binh của ông người quen vẫn dễ nhận ra lắm.
Trong cuộc đảo chính kế tiếp, được hoạch định vào ngày 20-5-1965, tôi thấy có một số sĩ quan đã từng tham gia ngày 19-2-1965, nhưng chưa bị lộ tẩy hay chưa bị bắt, hoặc không chịu ra trình diện như tướng Cao Hảo Hớn, Đại tá Vũ Lộ, Đại tá Cao Minh Châu, Đại tá Đặng Như Tuyết, Đại tá Bùi Dinh, Đại tá Cang (Lực lượng đặc biệt và Biệt động quân), Đại tá Nguyễn Phúc chỉ huy trưởng trung tâm huấn luyện Rạch Dừa (sau năm 1975 đã chết trong tù), Trung tá Lê Hoàng Thao, Thiếu tá Trọng, truyền tin sư đoàn 25, Đại uý thiết giáp Nguyễn Văn Hưng v.v…
Đặc biệt kỳ này không có sự tham gia của Thiếu tướng Lâm Văn Phát, và Đại tá Phạm Văn Liễu, vì Đại tá Liễu đã được Trung tướng Nguyễn Chánh Thi tiến cử với Thủ tướng Phan Huy Quát cho làm Tổng giám đốc cảnh sát quốc gia, thay thế Đại tá Trần Thanh Bền. Nhưng ngược lại, lực lượng đảo chính của Đại tá Thảo có thêm tướng Quảng và Đại tá Phạm Văn Phú. Nếu tôi nhớ không lầm, lúc đó ông Phú còn mang lon Đại tá và đang làm phó cho tướng Quảng tư lệnh lực lượng đặc biệt ở Nha Trang. Thoạt tiên tướng Quảng nhận lời, lại còn hứa sẽ móc nối với Đại tá Phú, tư lệnh phó, để tung lực lượng đặc biệt vào tham gia đảo chính cho chắc ăn. Nhưng không dè cuộc động binh ngày 20-5-1965 đã bị nội phản khiến bể từ trong trứng nước, nên một số sĩ quan can dự đã bị bắt ngay. Được tin, tướng Quảng lật đật đổ vấy hết cho Đại tá Phú, khiến ông Phú cũng bị điêu đứng mất một thời gian.
Về phía dân sự, tôi thấy có sự hiện diện và ủng hộ tích cực của linh mục Phansico Nguyễn Bình An, thuộc dòng Đa Minh ở Thủ Đức (sau đã chết vì bệnh). Vì thế tôi không lấy gì làm ngạc nhiên khi thấy thỉnh thoảng Đại tá Thảo mặc đồ giả trang làm một tu sĩ dòng Đa Minh trong một vài cuộc di chuyển. Ngoài ra, vẫn còn có sự tham gia của Nguyễn Bảo Kiếm, vẫn trốn lánh trong xóm đạo Thiên Chúa giáo di cư ở Ngã Ba Ông Tạ, dưới sự che chở và giúp đỡ tận tình của linh mục Nguyễn Quang Lãm, nguyên chủ nhiệm nhật báo Xây DỰNG, vốn là một linh mục nằm vùng cho MTGP.
Trong thời gian làm báo ở Việt Nam, tôi giao thiệp khá thân với linh mục Nguyễn Quang Lãm. Tôi thấy ông dễ chơi hơn cha Trần Du, một người vừa quê một cục lại vừa phách lối, kênh kiệu. Dáng người cha Lãm vừa phải, mặt hơi rỗ huê, đã có thời du học ở Pháp, thuộc loại “Prêtre ouvrier”, thiên Cộng, bút hiệu Thiên Hổ. Sau ngày 30-4-1975, người ta mới biết cha Lãm là người của MTGP và chơi rất thân với Trần Bạch Đằng, có bút danh Nguyễn Trường Thiên Lý (người viết cuốn Ván bài lật ngửa)