Trên đây là một trong nhiều giải thích về một số từ - ngữ gây khó hiểu, lầm lẫn trong nhạc vàng. Mời các cụ mợ, chúng ta cùng bàn luận và giải thích cho nhau nhiều từ - ngữ khác nữa. Ví dụ như: nguồn gốc của bài hát "Câu chuyện vườn thanh", bài hát "Mai Lệ Xuân".... hay ý nghĩa của những từ, cụm từ như: đăng trình, bông-xô, sơn khê...
Bài hát "Câu chuyện vườn thanh" lấy cảm hứng từ loạt thơ của T.T.Kh (Hai sắc hoa ti-gôn, Bài thơ thứ nhất...). "Hai sắc hoa ti-gôn" là bài thơ nổi tiếng trong Thơ mới, ly kỳ nhất là cho đến giờ không ai biết tác giả là ai, chỉ biết rằng nó được nhà thơ Thâm Tâm giới thiệu năm 1937 và bảo rằng bài thơ được gửi đến cho ông qua đường bưu điện.
Thâm Tâm đã hy sinh năm 1951 nên mọi manh mối cũng bị đứt ở đó.
Loạt thơ của T.T.Kh là lời một thiếu phụ trẻ có yêu một "lãng tử" nào đó nhưng bị bắt lấy chồng già, buồn chán quá nên viết thành thơ.
"Từ ấy thu, rồi thu... lại thu
Lòng tôi còn giá đến bao giờ
.......
Mà từng thu chết... từng thu chết
Vẫn giữ trong tim bóng một người"
(Hai sắc hoa ti-gôn)
Bài thơ "Hai sắc hoa..." đã gây bão trên thi đàn Thơ mới một thời, sau đó T.T.Kh còn gửi cho Thâm Tâm "Bài thơ thứ nhất", trong đó có những hình tượng được nhạc sĩ lấy vào trong bài hát:
"Ở lại vườn thanh có một mình
Tôi yêu gió rụng lúc tàn canh
.....
"Biết đâu tôi, một tâm hồn héo
Bên cạnh chồng nghiêm luống tuổi rồi"
(Bài thơ thứ nhất)
Thực ra "Vườn thanh" nghĩa là gì thì không ai biết chắc, giải thích được cho là đáng tin nhất của nhà thơ Nguyễn Vĩ (từng một thời gian dài ở chung với Thâm Tâm) là T.T.Kh chính là Trần Thị Khánh, người mà Thâm Tâm có yêu nhưng không thành, sau đó đi lấy chồng. Nhà bà Khánh vốn ở đường Sinh Từ Hà nội (phố Nguyễn Khuyến bây giờ). Đường Sinh từ lúc ấy có đền thờ Khổng Tử, bên cạnh đền thờ có một công viên nhỏ tên là "Vườn Thanh giám".
Hai người từng hẹn hò vài lần ở vườn Thanh giám, và khi thất vọng với hôn nhân, nhớ lại chàng thi sĩ Thâm Tâm thì bà Khánh đã viết và đưa hình tượng "vườn thanh" vào thơ.
Nếu biết cả hai bài thơ "Hai sắc hoa ti-gôn" và "Bài thơ thứ nhất" thì sẽ dễ dàng thấy sự tương đồng giữa các hình ảnh trong bài hát:
"Heo hắt trong chờ mong
cay đắng duyên tình mới
Đêm đêm bên chồng già
Và bên bóng một người
Hận tình xót xa nghìn thu
từng thu qua lại thu
hoa cúc bao lần nở
bao cánh lá thu vàng lặng lẽ rơi"
(Câu chuyện vườn thanh)