Em chỉ là 7x đời cuối, nhưng cũng nếm trải nhiều cái sự nghèo khó. Giờ đọc thớt của cụ và bài viết của các cụ khác, tự nhiên thấy bồi hồi quá. Phải nói thật là em cũng còn giữ rất nhiều thói quen và suy nghĩ là kết quả của cái thời ấy. Em xin thử liệt kê xem có các cụ nào giống em:
Một thời cơm không đủ nó, áo không đủ ấm.
Thời đó sẽ sinh ra những thói quen mà không còn phù hợp trong thời hiện tại.
Nhưng các cụ vẫn làm và chắc hẳn thói quen đó sẽ theo các cụ tới khi xuống mồ.
Như cháu, cháu còn giữ hai thói quen ăn.
Thứ nhất là chuối bây giờ ê hề, nếu thích có thể mua hàng ngàn nải đế khắp nhà, nhưng khi ăn chuối, cháu vẫn có thói quen ăn đến tận cái đầu ti cuối cùng của quả chuối, chỗ mà không còn ngọt, hơi có vị chát và ăn sần sật sồn sột.
Thứ 2 là dưa hấu, cắt miếng dưa cả vỏ, cháu vẫn giữ thói quen ăn sâu xuống phần cùi trắng ( chỉ còn khoảng 2mm là đến vỏ).
Những thói quen đó chẳng qua ngày xưa thiếu thốn, chả có chóa gì mà ăn.
Nhớ lần đầu tiên ăn miếng bánh kem, trời, tưởng như tinh hoa của vũ trụ dồn lại trong miếng bánh bằng bao diêm đó.
Nhiều lúc nghĩ lại thời xưa mfa rớt nước mắt.
Cụ nào có gì chia xẻ để ôn lại một thời gian khó.
Em giống cụ cả hai thói quen này. Bây giờ ít người ăn chuối, chả hiểu sao em vẫn thích.
Em thì còn sót lại thói quen mặc cái gì phải thật tã thì mới vứt đi dù kiểu cách đã lỗi thời lắm lắm---ậy thế mà tiếc lắm ý nhé
Em giống cụ cái này, quần áo em mà đem cho thì chả ai thèm mặc nữa.
Em giống cụ ở khoản 1, xỉa 1 đầu rồi bẻ vứt đi, đầu còn lại lần sau dùng tiếp hơi ngắn tí thôi :21:
Em hơi khác cụ tẹo. Gặp cái tăm to em toàn tước đôi, dùng một nửa thôi.
Cụ làm em nhớ đến ngày còn bé thèm đọc sách, mỗi lần đi qua hàng sách em ước ao được đọc.Mượn được ai đó là đọc ngấu nghiến. Bây giờ, sách tràn lan, ebook...lại không còn đọc nhiều như ngày trước(b)
Ngày bé em mơ ước có một quyển truyện để đọc. Bây giờ có điều kiện để mua thì chả muốn đọc nữa, nhìn mấy tác phẩm văn học kinh điển dày cộp như là nhìn thịt mỡ ấy, chưa ăn đã ngán.
Tôi gọi là rang cho sang nhưng làm gì có mỡ???
Chỉ là đun cho cháy cơm nguội có rưới nước mắm... thế mà ngon đến hạt cuối cùng! (có đóng góp tí mì chình thì thôi rồi đáy nồi ơi)
Ôi, cái vụ rang cơm, nhắm mắt vào em vẫn còn thấy mùi cơm rang nước mắm. Ngày đó em toàn rang đến mức giòn tan, bây giờ chả ai làm thế, muốn làm lại thì ngại vì kỳ công quá. Mà em toàn rang cơm bằng bếp điện, dây may so, đang rang thì đứt phải bỏ ra để nối, nhiều đến nỗi một đứa trẻ con như em bị điện giật nhiều đến mức không sợ điện giật nữa.
Quên vụ nữa, em mà đi ăn phở là làm tới giọt nước cuối cùng. Mỗi lần đi ăn lại sụt xịt nhớ hình ảnh mẹ em dẫn con tới quán phở Chất đầu Ô chợ dừa, dẫn con vào gọi một bát cho con rồi mẹ ra ngoài chờ vì không đủ tiền. Thương quá mà cũng đau lòng quá, sao lại có thời khổ thế chứ.
Ngày bé em cực thích đi nhổ răng vì mỗi lần như vậy lại được mẹ cho ăn phở. Cũng một bát con ăn còn mẹ ngồi ngắm
Em cũng có kỷ niệm giống hệt các cụ, có điều khác là papa em chứ không phải mama, nhưng cảm giác cũng y hệt cụ thôi. Và thói quen ăn phở hiện tại của em cũng giống cụ.
Em có thói quen đánh răng bao giờ cũng bóp từ đít lên, dùng hết sạch sành sanh mới vứt...:69:
Cụ giống em thế.
Mama nhà em vẫn giữ được mấy thói quen thời bao cấp: *Đồ nhựa bỏ đi trong nhà như vỏ chai nhựa, dép nhựa cùn toàn tích trữ lại chờ đồng nát đến bán *Vỏ chai thuốc thủy tinh cũng trữ lại, dồn hết vào một cái xô *Mấy mẩu sắt vụn sửa nhà, mớ dây sắt đánh rỉ *Giấy bọc hàng, sách báo cũ Tất tần tật đều nhặt nhạnh, cất ở nhà mà lại phải chờ hàng đồng nát quen mới bán, không bán cho đồng nát lạ vì sợ...ép giá cho nên nhà cửa lúc nào cũng lỉnh kỉnh đồ cũ. Mà nhiều khi cả mớ chai lọ, chổi cùn rế rách bán cũng chỉ đủ tiền mua cho cháu gói bimbim.
Bà cụ nhà em y hệt thế. Nhiều vỏ chai nhựa sữa tắm, dầu gội.... mình vứt đi sọt rác, 1 thời gian sau lại thấy ở cái kho tích trữ của cụ
Mama em cũng giống mama cụ, em thì hiểu tâm lý cụ nên không có ý kiến gì. May mắm nhất cho em là Gấu nhà em có vẻ cũng hiểu được cái vụ này.
em nhớ ngày xưa của em là khi đi học cấp I , đi bên đường ý ... có mấy cây Cúc tần mà có hoa đo đỏ , to to ấy ... em tuyền hái rồi cho lên mồm hút ... ngọt lắm ... các cụ ợ ...
Bây giờ đi đâu mà gặp cái này em vẫn mút đấy ợ. Mà nó không phải cúc tần đâu cụ, nó thuộc họ dâm bụt mà. Cúc tần em chả thấy có hoa bao giờ đâu. Hay quê em với quê cụ gọi tên khác nhau nhỉ.
em thì khổ nhiều lên kể cả đi ăn nhà hàng em ghét nhất ai mà gọi món ra ko ăn để thừa . nguyên tắc của em ăn bằng lào kêu bằng đó ngày xưa đói , bố mẹ tấp cơm với sắn khô mà còn ko đủ ăn ấy là . gấu nhà em kiểu ko bị đói bao giờ lên làm cái dì cũng nhiều em là quán triệt ngay ko phải mình khó tính nhưng ăn bằng lào làm bằng đó . núc có ko tiết núc khó có mà tiết vào mắt . chỉ có mấy thăng quan nó đi ăn nó kêu thừa mứa ra . chí anh em mà đã sinh ra ngeof khổ thì chắc vần đa luôn luôn tiết kiệm
Thừa ăn vứt đi là em ghét nhất trên đời. Không phải là tiếc tiền mà là tiếc công sức và ghét lãng phí cụ nhỉ. Em có đọc một câu chuyện về Cụ Hồ. Cụ Hồ trốn ra nước ngoài, làm phụ bếp (rửa bát) thuê cho bọn tây. Ông đầu bếp là một đầu bếp rất giỏi, nổi tiếng của Pháp và thế giới, đặc biệt là các món bánh. Một lần ông bắt gặp cụ Hồ nhà mình bỏ riêng các phần thức ăn mà khách không ăn ra đĩa sạch, trong khi những người khác thì bỏ vào thùng rác. Ông hỏi, cụ trả lời những phần thức ăn này có thể chuyển cho người nghèo ngoài phố. Chỉ vì hành độngg này mà sau đó ông đầu bếp sau đó chuyển cụ Hồ lên vị trí khác và trực tiếp truyền nghề cho cụ, giống như kiểu đệ tử chân truyền ấy. Tất nhiên là về sau cụ Hồ theo con đường chính trị, nhưng thiết nghĩ những bài học thế này thật đáng để suy nghĩ.
Em xin bổ sung thêm một thói quen ngoài những gì các cụ đã kể ở trên. Đó là ăn cơm cháy. Ngày trước không có mà ăn nên thấy cháy rất ngon. Bây giờ đánh răng nhiều bằng mấy cái thuốc đánh răng của bọn tây thành ra răng không tốt như trước, nên nhiều lúc thấy cháy cũng không thật sự ngon nữa, nhưng ngồi đầu nồi vẫn phải bới cháy lên ăn trước, nhiều khi cơm thừa lại bỏ đi. Ngoài ra, thức ăn cái gì còn một ít toàn cố ăn hết không bỏ đi thì tiếc.
Túm lại, đọc hết thớt này, thấy cứ bồi hồi, rưng rưng. Rồi lại thấy vui vui vì còn nhiều cụ như mình, không đến nỗi là cá biệt. Trước em cứ tưởng em như thế là bị làm sao.