Nhiều người cho rằng ăn
mỳ chính gây ung thư, đột biến gen, có hại cho sức khỏe, dẫn đến tẩy chay mỳ chính... Rồi có cả hội chứng nhà hàng Trung Quốc (Chinese Restaurant Syndrome), một số người bảo sau khi ăn nhiều mỳ chính bị nhức đầu, buồn nôn, cồn cào, mệt, tức ngực... phổ biến nhất là giật giật sau gáy. Nhưng thật ra, tất cả các ý kiến trên đều không có BẤT CỨ một cơ sở khoa học nào cả.
Nghe kể là vào năm 1908, giáo sư, nhà hóa học Nhật Bản Kikunae Ikeda ăn bát canh do vợ ông nấu thấy rất ngon, hơn hẳn mọi khi, vị khác lạ nên ông hỏi vợ. Vợ ông nói là cho thêm một ít rong biển vào canh. GS Ikeda đã nghiên cứu và phát hiện ra trong rong biển có chất
Natri Glutamate, chính chất này đã tạo nên vị NGON (UMAMI). Nhờ phát hiện ra Natri Glutamate ông đã trở nên rất giàu có, và xây dựng nên thương hiệu
AJINOMOTO cực kỳ phát triển.
Một số người cho rằng 2 phát minh quan trọng nhất của Nhật Bản trong thế kỷ 20 là mỳ ăn liền và mỳ chính. Bây giờ tuy chúng ta ít dùng mỳ chính, nhưng thành phần chính của gia vị, bột canh, bột nêm... người ta ghi là Monosodium Glutamate. Hay trong bim bim, khoai tây chiên, xúc xích... người ta ghi là chất điều vị, thực chất đó đều là mỳ chính đấy các bạn ah.
Ở Việt Nam cách đây khoảng 30 năm, mỳ chính cực quý do điều kiện kinh tế khó khăn. Muốn biết mỳ chính quan trọng thế nào các bạn cứ thử nấu ít canh rau cải, canh rau ngót... mà không cho thịt, tôm... cũng đừng cho gia vị hay hạt nêm chỉ bỏ chút muối vào thôi xem có ăn nổi không. Sẽ thấy ngang phè phè ra
.
Natri Glutamate (tiếng Anh viết là Monosodium Glutamate (MSG), Việt Nam mình gọi là mỳ chính,
bột ngọt), thực chất chỉ là một muối Natri của acid glutamic. Acid Glutamic là một trong 20 loại acid hữu cơ cần thiết của cơ thể. Hơn nữa Natri Glutamate (mỳ chính) là một chất hoàn toàn TỰ NHIÊN chứ không phải là một chất tổng hợp, có nhiều trong cà chua, phô mai và nhiều loại thực phẩm khác.
Rất rất nhiều nghiên cứu trên động vật đã cho thấy sự an toàn của mỳ chính, đều không gây bất cứ hậu quả tức thời (ngộ độc cấp tính) hay gây hậu quả nào kéo dài. Thậm chí, mỳ chính còn an toàn hơn nhiều so với
MUỐI ĂN mà chúng ta dùng hàng ngày.
Quay trở lại hội chứng nhà hàng Trung Quốc, thuật ngữ này lần đầu được sử dụng vào năm 1968, sau khi có người dùng bữa tại một nhà hàng Trung Quốc ở Mỹ xuất hiện các triệu chứng: nhức đầu, buồn nôn, mệt, tê bì chân tay... và cho rằng những triệu chứng này là do mỳ chính gây ra. Cái này hình như là do ÁM THỊ, chỉ một người nói như vậy, nhiều người cũng bị ÁM THỊ theo cho rằng sau khi mình ăn mỳ chính cũng xuất hiện những triệu chứng tương tự.
Giống như kiểu, bạn đến thăm một người bệnh, sau mới biết người ta bị Lao, rồi lo sợ bị lây bệnh. Tự nhiên thấy mình bị ho, mệt, ăn kém... giống hệt các triệu chứng ban đầu của Lao mặc dù không hề bị lây bệnh.
Sau đó, các bác sĩ nhà nghiên cứu đã tiến hành các thí nghiệm với viên nang (có vỏ bọc bên ngoài để người thí nghiệm không biết bên trong có gì) và nhận thấy. Dù cho một lượng lớn mỳ chính vào viên nang cho mọi người uống nhưng người ta không biết đó là mỳ chính thì đều chẳng gây nên triệu chứng nào.
Có những trường hợp dùng
Placebo (giả dược, thuốc vô hại) nhưng nói là mỳ chính, cũng gây nên những triệu chứng tương tự với những người thử nghiệm.
Tóm lại cho đến nay, các nghiên cứu đều kết luận mỳ chính an toàn dù sử dụng một lượng lớn. Mỳ chính được Cục Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (
FDA) phân loại là một thành phần thực phẩm “tương đối an toàn", cùng nhóm với muối và hạt tiêu. Tuy nhiên cũng tùy người mà tác động của chất trong mỳ chính (mỳ chính hịn nhé) sẽ khác nhau.
Bạn có vấn đề gì với mỳ chính không? Chia sẻ nhé!
Special thanks: Bác sỹ Tiến Thuận (contact: 0912391990) trung tâm International SOS đã chia sẻ.
Tham khảo FDA
Ảnh TripSavvy, Trustworthyfitness, Healingbody