BÀI CA TRÊN ĐỈNH PÒ HÈN
Đêm khuy cô liêu, đức cha tuyên úy hay nhất, người bạn tâm giao phù hợp nhất, những intangible có thể nâng đỡ tinh thần, gột rửa tâm hồn, thanh tẩy tâm linh, làm cho con người trở nên đỡ đơn côi hơn - trong lúc đảm nhận việc trông nom thương binh nặng, chỉ có thể là các bản nhạc được phát trên đài phát thanh. Đêm hôm qua, tầm 1h sáng, nhà cháu cũng bật ra-đi-ô tìm làn sóng FM 100 theo thói quen.
Tình cờ, nhà đài đang phát chương trình của nhạc sỹ Thế Song. Nhạc sỹ Thế Song vốn đã nổi tiếng trong cánh lính Hải quân nhà cháu qua ca khúc: ‘Nơi đảo xa’ -
http://www.nhaccuatui.com/bai-hat/noi-dao-xa-trong-tan.odmFuBdxNfCG.html.
Nhưng đêm qua, nhạc phẩm của ông được nhà đài phát, lại là bài: ‘Bài ca trên đỉnh Pò Hèn’ -
http://baicadicungnamthang.net/bai-hat/bai-ca-tren-dinh-po-hen-3636.html
Ôi, lời bài hát ca ngợi chị Hoàng Thị Hồng Chiêm, như đã đưa nhà cháu quay ngược lại thời quân ngũ, thời chiến tranh đánh quân Trung Quốc chưa xa.
------
Rạng sáng ngày 17-2-1979, khi mặt trời vẫn còn chưa mọc, từ phía bên kia biên giới bỗng rền vang tiếng súng. Trên 600 ngàn quân Trung Quốc xâm lược, đã ồ ạt tấn công toàn tuyến biên giới phía bắc nước ta. Trong trận chiến đấu bảo vệ Tổ Quốc sáng 17-2 ấy, đồn biên phòng Pò Hèn (Móng Cái) là một điểm chiến đấu ác liệt.
Trước thời khắc cuộc chiến tranh biên giới nổ ra chừng một tuần, các khối lâm trường, thương nghiệp... đã được lệnh lùi về tuyến sau. Cửa hàng bách hóa thương nghiệp Pò Hèn - nơi chị Hoàng Thị Hồng Chiêm công tác cũng thế, chỉ còn một ít hàng được giữ ở kho. Mọi người thay nhau lên trông coi, bảo vệ.
Chiều ngày 16-2-1979, chị Chiêm được lệnh lên cửa hàng dọn dẹp một số hàng. Chị tranh thủ ghé qua thăm anh Bùi Văn Lượng, người yêu của chị, đang công tác tại đồn biên phòng Pò Hèn. Sau đó, chị Chiêm quay về cửa hàng bảo vệ hàng hóa ở kho.
Sáng hôm sau quân Trung Quốc bất ngờ tấn công Việt Nam.
Vốn là bộ đội xuất ngũ, đã trở về làm ‘thứ dân’ và hòa lẫn –chìm khuất lấp vào trong triệu triệu ‘dân đen’ nước Việt, nhưng khi quân Trung Quốc nổ súng tấn công, từ cửa hàng, Hồng Chiêm đã chạy lên đồn Pò Hèn, nhặt lấy khẩu AK của 1 chiến sỹ mới hy sinh, sát cánh chiến đấu cùng các chiến sĩ biên phòng. Ở đó, cô mậu dịch viên ‘dân đen’, đã thoắt lại trở về thời mình còn là lính. Chị Chiêm đã dùng AK của liệt sỹ, bắn quân Trung Quốc đến viên đạn cuối cùng. Chị đã dùng ngực mình, chắn thêm cho tổ quốc được một loạt đạn của quân thù.
Toàn thể chiến sỹ và dân quân tại đồn biên phòng Pò Hèn, trước sức tấn công như vũ bão của quân Trung Quốc xâm lược, đều đã đứng vững trên chiến hào tiền duyên - tuyến 1, không lùi nửa bước.
Và tất cả…….Toàn bộ những con dân nước Việt ấy, đều đã anh dũng hy sinh ngay trong ngày đầu tiên của cuộc chiến. Cả chị Chiêm và người yêu là chiến sỹ Lượng, đều đã hy sinh trong trận đánh không cân sức này.
Tại đồn biên phòng Pò Hèn, trước lúc hy sinh dưới chân cột cờ của Tổ quốc , liệt sĩ Đỗ Sĩ Họa, chính trị viên đồn Biên phòng Pò Hèn đã có câu nói bất hủ khi bọn xâm lược Trung Quốc bao vây đồn, gọi loa chiêu hàng:
-" Người Việt Nam chỉ biết đứng chứ không biết quỳ gối, chúng mày đến đây, chúng mày sẽ chết".
Câu nói của anh Họa, như một mạch nối dài, lời của danh tướng Trần Bình Trọng khi xưa, trên bến sông Thiên Mạc, khi chặn đánh quân Trung Quốc xâm lược năm 1285:
-“Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc”.
Sau chiến tranh biên giới năm 1979, chị Chiêm, anh Họa, và đồn biên phòng Pò Hèn, đều được tuyên dương là anh hùng quân đội.
Năm 1984, năm năm sau ngày chị hy sinh, tên chị được đặt cho một ngôi trường cấp II ở xã Bình Ngọc - Trường trung học cơ sở Hoàng Thị Hồng Chiêm.
Trong sân trường có bức tượng chị Chiêm bằng ximăng đặt trên bệ đá, tay trái cầm khẩu AK, tay phải cầm thủ pháo, mắt nhìn thẳng kiên nghị về phía trước. Đặc biệt bàn chân bức tượng dẫm lên một chiếc mũ lính Tàu, thể hiện sự khinh bỉ quân xâm lược.
Bao năm qua, các thế hệ học trò xã Bình Ngọc đã được học dưới mái trường mang tên chị, thấm đẫm niềm tự hào về người nữ liệt sĩ của quê hương và ngày ngày hát vang lớp học những bài ca ca ngợi tấm gương liệt nữ.
-----------
Ấy thế nhưng, các lờ đờ đã đổi thay.
Vào một ngày ‘xấu trời nhưng Đ…ảng thấy đẹp’ của năm 2010, theo chị thị của lờ đờ bên trên, tấm biển trường mang tên Hoàng Thị Hồng Chiêm đã bị đập bỏ, và được thay thế bằng tấm biển trường với tên là trường THCS Bình Ngọc.
Bức tượng của chị trong sân trường, dẫu lờ đờ ra lệnh đập, nhưng do sức ép của các em học sinh, tuy vẫn còn, nhưng lại bị lờ đờ ra lệnh quét nhiều lớp nước vôi rất dày, đã làm mờ đi dòng chữ ghi tên chị trên thân bệ đá.
Oài, ‘Lờ đờ’ thì có thể đã cố tình quên, nhưng trong lòng những thảo dân nhà cháu, những người con đã hy sinh cho nước Việt, cho dù ở bất cứ cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc nào, từ:
-Danh tướng Trần Bình Trọng hy sinh trên bãi sông Thiên Mạc năm 1285, hay
-Người lính dân tộc thiểu số Bế Văn Đàn, hy sinh khi lấy thân mình làm giá súng trong trận Điện Biên năm 1954, cho tới
-Người lính Hải quân Ngô Huy Hoàng, bị máy bay Mỹ bắn gẫy chân, đã dùng thắt lưng, tự treo mình bên tháp pháo trên con tầu tuần tiễu 79 tấn, ấn nốt băng đạn cuối cùng cho đồng đội rồi mới chịu gục xuống năm 1964, và gần đây là
- Chị Hoàng Thị Hồng Chiêm, một người lính đã giải ngũ về làm ‘thứ dân’, nhưng năm 1979, khi quân Trung Quốc xâm lược tới, đã chặn đánh quân thù tới viên đạn cuối cùng.
-> họ đều là những anh hùng bất diệt. Máu của những liệt sỹ trong cuộc chiến đấu đánh quân Trung Quốc xâm lược năm 1979, cũng vẫn là dòng máu đỏ của dân Việt Nam. Không thể có phân biệt giữa máu đỏ của ‘chiến thắng vĩ đại’ và của ‘vấn đề nhậy cảm’.
Trưa tới, ngày 27 tháng 7, nhà cháu sẽ đến quán cơm vỉa hè, mua lấy 1 ly rượu ‘cỏ’. Nhà cháu sẽ uống, vì những những người đồng đội cùng thời với nhà cháu, những người như chị Chiêm, những người đã ngã xuống trên chiến hào đánh quân Trung Quốc xâm lược năm 1979.
Lờ đờ có thể đã cố tình quên, nhưng thảo dân nhà nhà cháu, mãi luôn nhớ tới những người đồng đội anh hùng.