[TT Hữu ích] Những hồi ức của một lính Hải quân

nguyenvuvan

Xe hơi
Biển số
OF-458991
Ngày cấp bằng
5/10/16
Số km
108
Động cơ
204,810 Mã lực
Tuổi
46
‘NHỮNG KÝ ỨC VỀ CÁC KỶ VẬT’

-ÁO NHÁI HẢI QUÂN –



Mùa đông miền Bắc, lạnh lắm.

Biên giới, đất liền: lạnh.

Đại dương với sóng biển – còn lạnh hơn.

Áo bông, áo trấn thủ được quân nhu cấp đại trà, có lẽ thích hợp với biên giới, đất liền. Chứ Hải quân, các đồ đó không tác dụng lắm. Bởi áo bông rộng thùng thình, trên đại dương sóng gió thổi bốn phía, hơi ấm bay mất nhanh lắm.


Và một sự cứu rỗi đã lóe sáng. Đó là tấm áo nhái Hải quân.

Áo này chỉ cấp cho ‘người nhái’ Hải quân. Mặc áo nhái này vào, rồi mới đeo khí tài lặn vào, để rồi lao mình xuống nước.

Tấm áo nhái này mặc ‘xít’ vào người, giữ nhiệt tốt lắm.

Vậy là lính Hải quân nào, mà có ‘một ông anh’ bên trên, thì đều kiếm được cho mình 1 tấm áo nhái thần thánh.

Nhà cháu đã mặc tấm áo này qua 4 mùa đông, và ‘ấm áp như lòng mẹ’!.

Quân phục thì ai cũng có. Nhưng, áo nhái Hải quân, hiếm lắm.

Số phận đã định như thế. Thì từ nay, chiếc áo nhái Hải quân, sẽ có một vị trí xứng đáng, trong góc nhỏ ‘Một thời quân ngũ’ trong căn phòng của nhà cháu.




áo bằng vải dù à cụ
 

Baoleo

Xe tăng
Biển số
OF-320235
Ngày cấp bằng
19/5/14
Số km
1,856
Động cơ
364,682 Mã lực
Một mặt bằng vải ni-lông không thấm nước. Một mặt bằng vải bông để thấm mồ hôi, bạn à.
 

Baoleo

Xe tăng
Biển số
OF-320235
Ngày cấp bằng
19/5/14
Số km
1,856
Động cơ
364,682 Mã lực
NHỮNG KÝ ỨC VỀ CÁC KỶ VẬT’

-CHIẾC ĐÀI VEF 206-


Chiếc đài VEF 206, liên quan mật thiết đến các buổi đọc báo – sinh hoạt ở đơn vị.

Thời nhà cháu còn ở Hải quân, bao giờ cán bộ phụ trách cấp Ban trở lên, cũng phải làm công tác dịch tiếng Việt ở báo, ra tiếng phổ thông để quảng đại quần chúng có thể hiểu được, đặng dễ quán triệt.

Đại loại thế này:

Sau khi 1 cậu tốt giọng đã ê a xong rằng:

-cuộc viếng thăm của ….lờ đờ.. ta, tại Liên bang L.. đã thành công tốt đẹp, thấm đượm tình hữu nghị đặc biệt, thắm tình đoàn kết chiến đấu anh em….

Thì 1 cậu trực ban chỉ huy hôm ấy phải nhẩy ngay lên bục mà giảng giải rằng:

-thắng to rồi. Các cụ nhà ta đã xin được 1 mớ Mig, T.., ship xiếc rồi. Tha hồ mà dùng nhé. Nhưng chớ có CCCP đấy nhá, thằng nào mà “của chùa cứ phá” thì cứ liệu hồn.


Còn nếu mà ê a có đoạn:

-Cuộc hội đàm tại các nước 1 răng, 1 rắc (Iran, Iraq) đã kết thúc tốt đẹp, trên tinh thần hữu nghị..

Thì lại phải dịch thế này:

-Ta đã xin nó, cho khất việc trả nợ tiền mua dầu hồi đánh Mỹ, nó chưa thuận lắm nhưng đã ừ hữ, bảo là còn cân nhắc.

Hôm nào mà đọc phải cái tin về cuộc họp giữa anh sản xuất dép tông mầu gan gà (Thái) và mình mà có đoạn:

-Hai bên đã kết thúc cuộc hội đàm trên tinh thần tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau..

Thì lại phải cắt nghĩa:

-Nó nói, nó nghe. Mình nói, mình nghe. Nhưng còn được cái tốt là nó sẽ về xin ý kiến của Băng K.., còn mình thì sẽ còn phải thỉnh thị đường lối ở K5-Hồ Tây.


Còn sau khi gập anh bạn phương bắc mà thế này thì ban căng rồi:

-hai bên đã tiến hành trao đổi thẳng thắn. Nhân dịp này chúng ta nhắc lại quan điểm a, vấn đề b, chủ trương c…

Lúc này thì đích thân xếp trưởng phải lên quán triệt:

-Gay go rồi. Các cụ nhà mình và nó đã đấm bàn và mẹc xà lù với nhau rồi. Chắc vài hôm nữa sẽ có lệnh hạ tầu rời ụ xuống nước và tiến hành lắp lôi. Thôi, giải tán về chuẩn bị.

- Ai còn chưa rõ lắm, đến giờ nghe đài, các thủ trưởng Ban sẽ giải thích thêm.


Cái đài, mà Thủ trưởng ‘lữ’ nói đến ở đây, chính là cái đài VEF 206, được trên trang bị cho mỗi Ban 1 cái. Và do thủ trưởng Ban đó đích thân quản lý, giữ dùng.

Theo cương vị công tác, nhà cháu cũng được giữ 1 chiếc VEF 206.

Đến ngày ra quân, đích thân thủ trưởng đơn vị, trang trọng tặng ‘nó’ cho nhà cháu trong lễ tiến đưa, với lời căn dặn ân cần :

-Hàng ngày, vào lúc 9 giờ, đồng chí hãy mở đài ra, để nghe tin chiến thắng của đơn vị, được phát trong buổi phát thanh ‘Quân đội nhân dân’ . (Chuyện buổi lễ ra quân này, nhà cháu đã kể rồi).

Nhiều năm liền sau khi ra quân, chiếc đài VEF 206 này vẫn là phương tiện thông tin truyền thông duy nhất trong nhà cháu. Tất nhiên, không còn tiêu chuẩn được cấp ‘pin’ nữa, nên nhà cháu đã tậu 1 cái nắn dòng, để con ‘Véc’ này dùng được điện 220 v.

Nay tuổi đã cao, con ‘Véc’ xứng đáng có một vị trí trang trọng, trong góc nhỏ ‘Một thời quân ngũ’ trong căn phòng của nhà cháu.

 

Baoleo

Xe tăng
Biển số
OF-320235
Ngày cấp bằng
19/5/14
Số km
1,856
Động cơ
364,682 Mã lực
KHI ĐOÀN QUÂN KÉO VỀ MÙA THU ẤY

Báo cáo ‘đồng chí’ bố:
Nhớ về ngày này 62 năm trước đây, ‘đồng chí’ con, sẽ cùng các bạn đồng đội, những người lính thế hệ sau của ‘đồng chí’ bố, sẽ có buổi liên hoan kỷ niệm ngày 10/10.

Những người lính thế hệ sau cha, khi cũng nhau nâng ly, chắc chắn sẽ lại kể về các câu chuyện đánh chiếm thành Huế, tấn công Sài Gòn, chinh phạt Pờ-Nông-Pênh, kiêu hùng chặn đánh giặc Tầu trên ải Bắc.
Nhưng trên hết tất cả, con sẽ lại lẩm nhẩm hát lại vài câu hát, của chú Nguyễn Thành, một đồng đội thời của bố:
'..... Khi đoàn quân kéo về mùa thu ấy
Nhịp trống rung ba mươi sáu phố phường....'
Và sẽ nhớ lại câu chuyện về ‘đồng chí’ bố trong ngày này năm xưa, như con đã viết trước đây:

NGÀY THU ẤY THÁNG MƯỜI, CHUYỆN GIA ĐÌNH TÔI
'..... Khi đoàn quân kéo về mùa thu ấy
Nhịp trống rung ba mươi sáu phố phường....'

Sáng thu ấy, tháng mười, ngày này cách đây hơn sáu chục năm, qua 5 cửa ô, các chiến binh đánh thắng trận Điên Biên, đang rập rập tiến vào Hà Nội.
Trong những người lính ấy, có những người con Hà Nội, lính của trung đoàn Thủ đô.
Những người lính của trung đoàn Thủ đô, đã tạm biệt Hà Nội trong một đêm mưa phùn mùa đông năm 1946, với lời hẹn : sẽ trở về phố xưa.
Và sau 9 năm kháng chiến gian lao, sau trận Điện Biên oai hùng, những người lính Hà Nội còn sống, hôm nay đã trở về, trong đó có cha tôi.

Sáng thu ấy, khoảng 9h, cha tôi cùng đồng đội đã về đến Cửa Nam.

Trong trùng điệp người dân Hà Nội đang đứng vẫy cờ hoa ở ngã tư Cửa Nam, một thiếu nữ lao ra ôm lấy cha tôi :
-Tr...., em ơi, em tôi còn sống. Em về rồi đây này.

Đấy là bác Mỵ, con ông bác ruột của cha tôi, nhà ở ngõ Gia Ngư, hôm ấy ra đón bộ đội mình ở Cửa Nam.

...'Không thể nói:
trời không xanh hơn
và mắt “chị” trong khác ngày thường
Khi đoàn quân kéo về mùa thu ấy
Nhịp trống rung ba mươi sáu phố phường....'

Ngày thu ấy, tháng mười, hơn sáu chục năm trước đây, những người lính của trung đoàn Thủ đô, hôm ấy đã về Hà Nội.:
‘đoàn quân về nhấp nhô như sóng’
để mãi mãi cho Hà Nội ngân nga:
‘khúc ca mở những chiến công đầy’.

Và cha tôi, hôm ấy, cũng đã trở về gia đình, về với phố xưa.
Ngày thu năm ấy, tháng mười, có chuyện của gia đình tôi.

(Trong tấm hình anh em trong gia đình đoàn tụ sau ngày giải phóng này, đứng đầu tiên từ trái sang là ông chú ruột – em ngay sau cha tôi, cha tôi đứng giữa cạnh bác Mỵ)


 

Baoleo

Xe tăng
Biển số
OF-320235
Ngày cấp bằng
19/5/14
Số km
1,856
Động cơ
364,682 Mã lực
CHUYỂN MÙA

Thế là mùa đông đã tràn về trên toàn Bắc phần - lãnh thổ.

Thủa đôi mươi, nhớ về buổi sáng mùa đông, là nhớ đến những cơn gió bấc, cù hơi lạnh vào những đôi tay trần của trung đội tân binh, đang chạy dọc đường làng, miệng hô: "1, 2" để "phù" khói ở tai ra, hòa với làn sương mai.


Là nhớ về mùi hăng hăng cỏ tươi, đang bị mài dưới gót giầy của trung đội, đang hành tiến ra thao trường, theo nhịp:
Vừng đông đang hừng sáng
Núi non xanh ngàn trùng ...xa,



Là nhớ về cặp mắt e lệ bên hàng rào, khi chạm phải ánh mắt đánh ngang của những gã trống choai - Những chàng tân binh, vốn coi cấp tướng cũng chỉ hơn ta vài cái gạch mà thôi.

Mùa đông nay, dẫu cho dù đôi má bồ quân, cặp mắt nai đã từng thảng thốt ngắm trộm ta qua khóm dâm bụt hàng rào, giờ đã bị bão lũ – quan tham – ‘tự diễn biến’ cắt thành lớp lớp dãy chiến hào thời gian, thì thời quân ngũ mãi vẫn luôn là kỷ niệm.

Đây là tấm hình trong mùa đông cuối cùng mặc áo lính. Tấm hình mới tìm được. Tấm hình lần đầu được ‘bốt’.

Thế mới nhận ra, ngôi sao vàng quân hiệu, vẫn luôn cháy đỏ trong trái tim người lính già.

Nào thì ‘bốt’ người lính năm xưa,

Người lính ‘ngày ấy’




Và 'bây giờ'

 

Baoleo

Xe tăng
Biển số
OF-320235
Ngày cấp bằng
19/5/14
Số km
1,856
Động cơ
364,682 Mã lực
CHÂN MỘNG – TRẠM THẢN

Nhà cháu lại có dịp quay trở lại vườn bưởi ở Chân Mộng – Trạm Thản – là trang trại của chị gái một người bạn.
Năm nay, trang trại bưởi được mùa, sản lượng ước tính thu về được tầm 100,000 (một trăm ngàn) quả.




Bác nào thích ăn bưởi. xin liên hệ với nhà cháu, để nhà cháu làm chân ‘shíp –đơ’, đặng kiếm chút tiền lãi, đổi con ngựa già lấy con ‘Mẹc’ trắng.

Bưởi thì cũng thích, nhưng có dịp qua Chân Mộng – Trạm Thản, thì nhà cháu hay để ý ngắm con xe tăng 18 tấn hơn.
Lý do là nó liên quan đến 1 trận đánh của đại đoàn Quân Tiên Phong của ông cụ thân sinh nhà cháu, từ thời 1952 lận.

‘Dân ta nên biết sử ta
Nếu mà không biết thì tra Gú-gồ’
Nhà cháu xin tóm lược trận đánh của đơn vị ông cụ thân sinh nhà cháu, được đăng tải trên Gú-gồ như sau:

“”Để cứu nguy cho mặt trận Tây Bắc, ngày 28/10/1952, Thực dân Pháp tổ chức cuộc hành binh mang tên Lo-ren với một lực lượng lớn bộ binh, dù, cơ giới, pháo binh, công binh tổng cộng khoảng 3 vạn tên đánh lên Phú Thọ, đánh sâu vào hậu phương của ta với nhiều âm mưu thâm độc. Ngày 15/11/1952, sau 2 tuần đánh vào hậu phương của ta, địch vội vã kết thúc cuộc hành quân Lo-ren, rút quân khỏi Phú Thọ.Trên đường rút quân, chúng phải qua địa phận xã Chân Mộng.
Ngày 15/11/1952, Trung đoàn 36 thuộc đại đoàn 308 (Đại đoàn quân Tiên Phong), từ mặt trận Tây Bắc được lệnh đã cấp tốc vượt qua đoạn đường rừng núi dài hơn 200km (chỉ trong 3 ngày đêm), về đến Phú Thọ. .
Trung đoàn 36 đã quyết định tổ chức trận phục kích, chặn đánh địch trên đường quốc lộ 2, đoạn Chân Mộng - Trạm Thản.

07h31‘ ngày 17/11/1952, địch bắt đầu rút đến Chân Mộng, để giữ bí mật trận địa, nhiều tổ cảnh giới của ta đã phải lùi vào sâu hơn, tránh địch để đánh vào lực lượng chủ yếu của chúng đang đi phía sau. 09h43‘ khi một số đồng bào ta bị xua đẩy làm bia đỡ đạn và bộ phận 40 xe của địch đi đầu vượt qua Trạm Thản, trên đoạn đường gần 3 km dầy đặc địch với bộ binh hai bên, giữa là xe chở quân chạy chậm chạp, trung đoàn trưởng lập tức hạ lệnh nổ súng.Trong giây lát cả trận địa ầm ầm tiếng nổ của các loại vũ khí. Địch hoàn toàn bị bất ngờ, hàng chục xe bị bốc cháy, hàng trăm tên ngã gục, đội hình tan tác hoảng loạn. Quân ta từ những cánh rừng hai bên đường tràn xuống xông thẳng vào đội hình xe tăng, thiết giáp, bộ binh diệt hết toán địch này đến toán địch khác. Sau nửa giờ chiến đấu, toàn bộ xe tăng, thiết giáp và bộ binh địch lọt vào trận địa đều bị ta tiêu diệt và bị bắt.

Trận đánh đầu tiên trong ngày 17/11 kết thúc vào khoảng 10h30‘. 15h30‘ địch tổ chức thu lượm số quân bị thương và dọn đường cho xe sau tiếp tục rút cũng trúng mìn của du kích ta khiến một nửa tiểu đội địch tan xác. 17h00‘ chúng định lợi dụng đêm tối bí mật rút chạy với 15 đoàn xe và một tiểu đoàn thiết giáp nhưng đã bị các chiến sĩ của tiểu đoàn 84 truy kích khiến nhiều xe tăng và thiết giáp của chúng bị phá huỷ.
Bọn địch trên một chiếc xe 18 tấn hoảng sợ nhao ra khỏi xe chạy trốn bỏ lại một chiếc xe còn nguyên vẹn.
Trận đánh kết thúc vào lúc 21h00‘ sau khi bọn địch bị ta truy đánh đến gần Phú Hộ và co cụm lại ở đó.””

Chiếc xe tăng 18 tấn thần thánh ấy đây,





Lần nào qua đây, nhà cháu cũng để ý ngắm nhìn chiếc xe tăng ấy, và nhớ đến những bước chân của người cha, năm 1952, đã cùng đồng đội đuổi giặc trên chính cung đường này.
 
Biển số
OF-462216
Ngày cấp bằng
17/10/16
Số km
127
Động cơ
203,560 Mã lực
Tuổi
39
Cháu đọc mà xúc động quá ah. Cảm ơn những chia sẻ của chú ...
 

Baoleo

Xe tăng
Biển số
OF-320235
Ngày cấp bằng
19/5/14
Số km
1,856
Động cơ
364,682 Mã lực
NGÀY 22/12 V/S TÌNH YÊU

Thủa thanh thời, thời mới biết yêu và được yêu, tâm trí lúc ấy chỉ biết nhõn có tang tình. Sớm khuya, hồn cốt, sức lực, tinh tường, đều chỉ chăm chắm hướng về tình tang. Chẳng cần biết đến ngày mai, chẳng thèm tưởng tượng ra tương lai.

---

Rồi thì tuổi trung niên sầm sập đến. Tình tang ngày xưa ấy, cũng đã héo hon đi nhiều. Không thể nói là tình yêu đã cạn kiệt. Nhưng cái dạ dầy nó sôi réo đòi cơm. Các cụ Tây có râu bạn Bác Hồ, đã phán đúng như triết học Mác-Lê rằng: ‘vật chất có trước – tinh thần có sau’!

Nhà dột, niêu cơm bữa có-bữa không, nhìn thấy cái thiếp mời hay lời hẹn ăn liên hoan, ngang như thấy thần chết nhe răng cười hớn hở. Thời ấy mà cái tình tang hồi trước, hay bản thân mình thoáng nghĩ tới ngắm trăng, thì chắc phải lấy ngay thanh củi tạ tự phang vào chân mình hay vụt cho con mẹ ấy vài cái. Đói rã họng ra, trăng sao cái giề.

Toàn bộ thời gian và sức lực, tất cả chỉ còn tập trung vào nhõn 1 cái kim chỉ nam. Ấy là lao đi như rẽ đất- rẽ cát, cặm cụi bới đất-lật cỏ, kiếm ăn lần hồi qua ngày.

---

Hôm nay đã ở tuổi ‘tri thiên mệnh’, răng đã lung lay, cái ăn cũng chẳng còn thiết nữa, thì trí nhớ bắt đầu làm cái công tác thống kê trước khi đi về đoàn tụ với ông bà. Ta chợt nhớ rằng, ừ, đã có lúc, ta đã từng yêu. Cái trí nhớ lúc quên lúc tỉnh, lại nhắc nhở ta rằng, đã có thời ta say đắm, đã có thời ta hăng say. Như để bù lại, hôm nay, ta sẽ chăm chút luống hoa hồng trước cửa, những cánh hoa mỏng manh lao xao trước gió, như thả hồn ta về với suối mơ.

***

Cuộc đời quân ngũ cũng giống thế và cũng khác thế.

Thời tuổi trẻ, với bộ quân phục trên mình và ngôi sao trên mũ, ta ào ạt sông pha, chẳng sá chông gai, không nề gian khổ, chẳng thèm biết đến tương lai. Chỉ biết đến con tầu pháo hạm, chỉ nhớ đến biển xanh và sóng bạc đầu, chỉ yêu những con cá heo vờn theo đuôi sóng hạm tầu.

Anh chàng lính thủy ở hình này, ngày đêm lắc lư theo chiến hạm, nào thèm nghĩ gì đến ngày mai.





---

Rồi cũng đến lúc rời quân ngũ. Hỡi ôi, thời cuộc lúc ấy đã sang trang.

Gần như toàn bộ xã hội lúc đó, mọi người chỉ còn bàn cách đánh quả chui, bàn mua xe Mi pha xanh ngọc, bàn mua áo lông Đức mầu lông chuột.

Mọi người thầm ghen tỵ nếu ai đó có con Mô kích đỏ lượn vè vè. Và lườm nguýt kẻ nào, sáng ra đã ăn phở nên răng còn giắt tí hành.

Cái quan trọng nhất, trong cặp lồng cơm trưa, thằng nào có miếng giò to, và thằng nào chỉ có vài con cá khô to bằng đầu tăm, để làm mồi.

Trong không khí ấy, nếu mà nói về người lính, có lẽ sẽ bị quy vào diện đưa đi trại tâm thần. Cuộc sống công chức đói nghèo, làm người cựu binh héo mòn đi.

Gần 20 năm sau ngày ra quân, ta không có 1 giây phút nào nhớ rằng : đã có thời ta mặc áo lính.

Không về thăm lại đơn vị, như đã hứa hẹn ngày nào.

Không tìm gập lại đồng đội một thủa, như đã từng dặn lòng.

Thời ấy, gập lại anh em đồng đội mà làm gì, chỉ thêm buồn.


Anh chàng làm công thuê ở hình này, lúc ấy đã là năm thứ 5 sau khi rời quân ngũ, bắt đầu làm cho các bạn ‘giẫy chết’. Người lính thủy năm xưa, không còn cưỡi chiến hạm nữa, mà thường hay dùng con tầu bay để lao đi kiếm cơm.

Thời ấy, bạn Mỹ còn đang cấm vận nhé. Tầu bay sang nhất chỉ có ‘E-bớt’, không có ‘Bô-ing’. Và đêm đêm, các con tầu bay sơn trắng này, phải sang đậu nhờ ở Thái Lan để không vi phạm lệnh cấm vận. Và cuộc sống lần hồi vơi dần khó khăn.






Nhưng không như tình tang trai gái, tình yêu quân ngũ vẫn nằm đâu đó trong sâu thẳm trái tim, như chiếc ba lô và bộ quân phục Hải quân, vẫn được ta nâng niu dưới đáy chiếc tủ bị long bản lề.

----


Năm nay, người cựu chiến binh già sắp kỷ niệm 30 năm ngày ra quân và 72 năm ngày thành lập Quân đội.

Thời thế lại đổi thay.

Các hội đoàn quốc doanh và dân doanh đã thoải mái được tụ họp.

Ta đã được gập các anh em chiến binh đồng đội ở các quán bia hơi thường quy hơn. Và dường như, thời tuổi trẻ, với bộ quân phục trên mình và ngôi sao trên mũ, lại như trở về.

Có bạn lính, sau khi rời quân ngũ, chẳng bao giờ khoác lại bộ binh phục triều đình. Các bạn ấy có lý do riêng của mình.

Nhưng với ta, bộ quân phục là toàn bộ tuổi trẻ, toàn bộ những mơ ước, tương lai và hy vọng của thời thanh xuân. Ta vẫn sẽ luôn luôn khoác lên mình bộ quân phục ấy, mỗi khi có lễ trọng gọi mời.


Bởi không như tình tang trai gái.

Tình yêu quân ngũ, chẳng hề phai trong trái tim người lính già. Hỡi người lính già tuổi ‘tri thiên mệnh’.






Nhiệt liệt chào mừng 72 năm ngày kỷ niệm thành lập quân đội.

Xao xuyến lòng ta khi nhớ về ngày rời quân ngũ cách đây đã 30 năm.

Xin cạn chén.
 

Baoleo

Xe tăng
Biển số
OF-320235
Ngày cấp bằng
19/5/14
Số km
1,856
Động cơ
364,682 Mã lực
Chúc mừng cụ Báo leo và các cụ đã , đang là những anh bộ đội Cụ Hồ.
Cảm ơn lời chúc và những tấm hình của bác Avalon-Bg,
Với Hải quân, Gần Tết, là mùa thay quân, mùa vận chuyển hàng Tết, mùa biển động.
Những tấm hình của bác, lại gợi nhớ cho nhà cháu một thời tuổi trẻ, một thời Hải quân.
 

dangduong

Xe container
Biển số
OF-96407
Ngày cấp bằng
22/5/11
Số km
6,554
Động cơ
445,839 Mã lực
Chúc mừng các quân nhân và cựu binh nhân ngày lính!
 
Biển số
OF-68052
Ngày cấp bằng
10/7/10
Số km
11,950
Động cơ
1,037,543 Mã lực
Nơi ở
Loanh quanh
Bịn rịn phút chia tay lên đường. Thời thế hệ cha ông lên đường ra trận không hẹn ngày về thì cảm xúc còn lớn thế nào hả cụ Báo leo




 

Baoleo

Xe tăng
Biển số
OF-320235
Ngày cấp bằng
19/5/14
Số km
1,856
Động cơ
364,682 Mã lực
Bịn rịn phút chia tay lên đường. Thời thế hệ cha ông lên đường ra trận không hẹn ngày về thì cảm xúc còn lớn thế nào hả cụ Báo leo




Thời nào cũng thế, Mái ấm gia đình luôn là nơi những người lính muốn trở về chứ không phải bất cứ mặt trận hay tiền tuyến vinh quang nào, cụ Avalon-Bg ơi.
Cảm ơn các tấm hình của bác nhé
 

Baoleo

Xe tăng
Biển số
OF-320235
Ngày cấp bằng
19/5/14
Số km
1,856
Động cơ
364,682 Mã lực
SAU 44 NĂM

Năm 1972, sau ngày 16/04/1972, ngày máy bay Mỹ quay lại đánh phá Hà Nội nói riêng và miền Bắc nói chung, các trường cấp 3 ở Hà Nội, lại một lần nữa đi sơ tán.
Nhà cháu theo trại của Bộ Vật tư, đi sơ tán về vùng An Khánh –Hà Tây.

Ở đây, có trường cấp 3 Nguyễn Huệ, trường chuyên của Hà Đông- Hà Tây cũ, sơ tán về.
Lúc này, trường không chỉ có các bạn là học sinh gốc của trường Nguyễn Huệ, mà còn có các bạn Hà Nội, ở các trại khác nhau, sơ tán về khu vực xung quanh trường, cũng vào nhập học.
Ở đó, nhà cháu và các bạn, được 1 cô giáo, vừa mới tốt nghiệp, giảng dạy môn Sử. Lớp học nhà cháu cũng là lớp học sinh đầu tiên của cô giáo.


Chiến tranh đang ở vào thời kỳ ác liệt. Trai tráng hầu như đã ra hết mặt trận. Chỉ còn tụi cuối cấp 3 nhà cháu khi đó, cũng đang ở trong tâm thế sẵn sàng lên đường.
Cuối cấp 3, đã là đoàn viên thanh niên, nhưng dường như, khái niệm tình yêu hầu như không có trong tâm trí của bọn con trai.
Vẫn cởi trần đá bóng mỗi khi trống tiết, vẫn mày tao với bọn con gái.
Tâm trí của bọn con trai lúc đó, là hóng lên bầu trời, đoán xem các tốp phi cơ bay qua, đó là tụi F- 4 cường kích mang bom, hay bọn F- 105 gây nhiễu. Tiếng nổ đó là pháo 57 hay 100. Vệt khói đó là Sam 2 hay trinh sát tầm cao.
Và cuộc chiến Quảng Trị, An Lộc đang diễn tiến như nào.


Tháng 12 năm 1972 đó, đêm đêm, từng đàn pháo đài bay B-52, với tiếng ù ù như cối xay lúa rền vang trên bầu trời khu lớp học, lao vào ném bom Hà Nội.
Trong từng quầng chớp giật liên tục và chuỗi tiếng nổ không dứt vang lên từ phía trân trời, nơi quê nhà Hà Nội, trong khói lửa chiến tranh ấy, các bài giảng về lịch sử của cô giáo, như dẫn dắt nhà cháu và các bạn, không chỉ trở về các cuộc chiến tranh của cha ông trước đây, mà dường như còn hướng cả về cuộc chiến tranh trước mắt, cuộc chiến tranh mà chính những thằng con trai lứa nhà cháu, sẽ dấn thân vào, và cảm thấy đã đến lúc cần phải lên đường.

Thế rồi, những ngày cuối tháng 12 năm 1972 ấy, chiến dịch Điện Biên Phủ trên không kết thúc. Trường sơ tán giải tán.
Các bạn học cũ ở đâu, nay lại về trường cũ ở đó.
Các học trò chia tay nhau. Và cô giáo cũng chia tay với các học trò.
Rồi nhà cháu và nhiều bạn trai khác, lần lượt nhập ngũ, sống một cuộc đời chiến sỹ.

44 năm đã qua.
Và vào một ngày cuối tháng 12 của năm 2016, lứa học sinh đầu tiên, lại có dịp gập lại nhau bên cô giáo ngày xưa.
Thời gian như bóng câu ngoài khuôn cửa. Điều đó thật đúng với cô giáo ngày xưa, cô vẫn trẻ trung như ngày nào. Chỉ có các cô cậu học trò, bao nhiêu là nước đã chảy qua cầu, giờ, tất cả nom như còn già hơn cả cô giáo.
44 năm được coi như là cả một cuộc đời. Một cuộc đời nhiều giông bão mà lứa nhà cháu đã đi qua. Và hôm nay, tụ tập bên nhau. Lứa nhà cháu lại vẫn như những cô cậu học trò tinh nghịch ngày nào.

Chúc cô giáo và các bạn khỏe nhé. Sang năm 2017, kỷ niệm 45 năm cùng học bên nhau, bên mái trường sơ tán, chúng ta sẽ lại cùng gập nhau và mời cô giáo. Không đến ‘Bia Hải Xồm’ nữa. Mà lên hẳn ‘Bánh tôm Hồ Tây’ cho nó hoành.

 

Baoleo

Xe tăng
Biển số
OF-320235
Ngày cấp bằng
19/5/14
Số km
1,856
Động cơ
364,682 Mã lực
RỬA BÁT ĂN TẾT – CÒN AI NHỚ

Năm nào cũng thế, cứ sáng tinh mơ ngày 30 Tết, bà nội lại gọi:

-Tuanbim đâu, kéo giúp bà cái thùng bát đĩa ra sân giếng nào.

Thùng bát đĩa, đó là một cái hòm bằng gỗ thông, rất chắc chắn, to tầm bằng cái máy sấy Electrolux 7 cân bây giờ. Thực lòng nhà cháu cũng không biết cái thùng gỗ ấy, nguyên thể nó đựng cái gì. Chỉ biết nó nhiều tuổi hơn nhà cháu, có từ thời Pháp. Trong thùng gỗ, chứa toàn bộ đồ gia bảo của gia đình còn giữ lại được, sau ‘cải cách’. Đó là các đồ bát đĩa bằng sứ ‘Giang Tây’ của ‘tầu’.

Ngày thường, cả nhà chỉ có vài cái bát ăn cơm bằng sắt tráng men đã long tróc đôi chỗ. Một và cái bát con bằng sứ ‘Bát Tràng’, cái loại bát mà chẳng hiểu sao, ở đít bát, luôn có một vòng khuyên sần sùi, như để làm trực quan minh chứng cho sự sang trọng của lớp men mầu nước chè nhạt (mà vốn dĩ ý định chế tạo là phải trắng), vốn cũng đã chẳng nhẵn nhụi gì của đồ sứ ‘Bát Tràng’.

Cái vòng khuyên sần sùi ở đít bát ấy, nhà cháu chỉ thấy có tác dụng duy nhất khi đã là lính, được cử đi học kiến trúc. Hồi ấy, phải mài mực ‘tầu’ để vẽ thiết kế. Những thằng lười, thường dùng cái bát có cái vòng khuyên sần sùi này để mài mực. Tuy mài được nửa bát mực rất nhanh, nhưng hậu quả là mực không mịn, rất nhiều cặn, và thường xuyên làm tắc ‘téc-linh’. Lúc con ‘téc-linh’ tắc mực, nó nhỏ cho 1 giọt to tướng trên tờ giấy ‘tờ-rô-ki’ đã ‘đi nét’ được một nửa, các tên lười chỉ còn biết đấm ngực than trời, rồi cặm cụi dùng ‘panh-xơ-lam’ , tỉ mẩn ‘xúc’ từng tí nhọ. Nếu nóng tiết mà ‘xúc’ mạnh tay, bản thiết kế dang dở bị thủng 1 lỗ, thì cứ gọi là đời đen hơn con chó cún, so với nỗi đau bị 2 em cùng tuyên bố ‘đứt’ một lúc. Nỗi đau thủng lỗ trên tờ giấy ‘tờ-rô-ki’ vẽ giở, nó đau hơn cả trăm lần cái chuyện gái xinh kia. Thôi, chuyện nỗi nhọ mực tầu và bỏ gái, năm sau kể tiếp, quay lại câu chuyện rửa bát đã.


Trên mâm bát ăn hàng ngày, ngoài mấy cái bát ăn cơm như đã biên, còn có thêm 1 hoặc 2 cái đĩa, cũng là sứ ‘Bát Tràng’ hoặc là bằng sắt tráng men. Sau rốt, chỉ còn có thêm vài cái bát ô-tô đựng canh, cũng chẳng sáng sủa hơn chút nào.

Bát đĩa dùng hàng ngày chỉ có thế. Bởi cũng chẳng có gì để bầy lên trên.

Quanh đi, quẩn lại cũng chỉ có rau muống mậu dịch, luộc hoặc sào bày trên đĩa. Nước rau luộc dầm sấu hái trộm, hay bát canh rau tập tàng hái ven giậu, múc vào 2 cái bát ô-tô. Vài miếng đậu phụ kho trong cái đĩa sắt tráng men long tróc. Mà đậu phụ kho ‘nước hàng’ vàng óng mật ong, cũng chỉ có vài lần trong tháng, vào những ngày mậu dịch cắt phiếu. Và hôm đó, bà nội lại lẩm nhẩm khấn: ‘ơn Đ....ảng, ơn Chính phủ’ .Còn thường quy, chỉ là vài quả cà muối mặn ngự trên cái đĩa đấy.

Chỉ có sáng 30 Tết như sáng nay, nhà cháu mới được nghe lời bà sai bảo, mà như thấy nghe bản nhạc ca ngợi Đoảng ngân nga:

-Tuanbim đâu, kéo giúp bà cái thùng bát đĩa ra sân giếng nào.

Kéo thùng bát đĩa ra sân giếng rửa, là nhà cháu biết rằng sắp được ăn cỗ Tết.
Trong làn khói mờ ảo đẫm mùi mùn cưa cháy, Trong không gian sực nức mùi thơm của nồi nước lá mùi già. Và trong tiếng pháo đì đoàng xa gần, nhà cháu cần mẫn kéo từng gầu nước giếng, rồi thận trọng dỡ từng nùn rơm, bọc ngoài những chiếc bát đĩa đựng trong thùng gỗ, mang chúng đi lau rửa.



Tay nâng niu chiếc thìa sứ, như nâng niu quả mìn KP 2 chưa tháo kíp nổ, vì biết rằng, tí nữa thôi, là nó sẽ được dùng để húp nước măng.

Thận trọng như bê ngòi nổ quả ngư lôi, là lúc xếp mấy cái đĩa ‘Giang Tây’ vào rổ đem phơi. Bởi chỉ vài giờ nữa thôi, trên đó sẽ có khoanh giò thủ, mà thịt ít-mộc nhĩ nhiều.

Nín thở như khi tìm mục tiêu trên mà hiện sóng vi-cô, nhà cháu sẽ sàng đặt mấy cái bát ‘chậu’ Giang Tô lên cái mâm đồng, để tẹo nữa, mẹ múc vào đó bát ‘khoai tây-cà rốt-ninh chân gà’.

Và rồi.......... Tết!!!

Sáng 30 Tết – 2017 hôm nay, nhà cháu cũng dậy từ 4 giờ sáng, không phải để rửa bát, mà để đánh con ngựa già ra sân bay. Đưa tiễn gia đình con trai cùng 2 cháu nội, bay đi Phú Quốc du lịch Tết.





Rửa bát ăn Tết, dường như đã vào quá vãng thật rùi.

Lại lẩn thẩn nghĩ rằng, 56 năm nữa, khi ấy, cháu gái nội 4 tuổi, sẽ bằng tuổi của nhà cháu hôm nay. ‘Bà’ cháu gái yêu U 60, sẽ đọc lại được những dòng này của nhà cháu (nếu như cá mập vẫn chưa cắn đứt hẳn đường cáp quang xuyên biển), chắc chắn cháu gái sẽ kêu to:

-Wow, Tết – what is the matter?. (ôi trời, Tết là cái qoái gì thế!!!)

Rồi với một nụ cười độ lượng giành cho kẻ đã ‘giá hạc-vân du’, cháu gái thoa lại lớp son môi, rồi bắt chuyến tầu điện ngầm, ra phi trường, bay đi Nữu Ước, để kịp giờ tham dự hội thảo: “ Đoảng ta thiên tài thật!!!”.

Oài, những sáng 30 rửa bát đón Tết của tôi ơi. Nó đã mất từ lúc nào rồi. Có bác nào còn nhớ hay không.
 

Baoleo

Xe tăng
Biển số
OF-320235
Ngày cấp bằng
19/5/14
Số km
1,856
Động cơ
364,682 Mã lực
VALENTINE DAY

Hôm nay, thiên hạ đang náo nức chào đón ngày Lễ Tình nhân.

Còn Baoleo tôi, lại khắc khoải nhớ về một cuộc chiến chưa xa.

Ngày ấy, những người lính chúng tôi, không hề biết có ngày Lễ Tình nhân, nhưng những ngày tháng đó, chúng tôi – những người lính, lại thấm đẫm một Tình yêu khác – Tình yêu Tổ quốc.

Ngày Valentine hôm nay, 14/02/2017, theo dự báo thời tiết, Hà Nội sẽ là ngày đẹp trời. Và các quầy hoa sẽ tràn ngập các đôi lứa mua hoa tặng nhau. Mùa xuân năm nay, hãy tặng nhau thật nhiều những bông hoa đẹp, hãy hôn nhau thật say đắm đi, các lứa đôi ơi.

Còn mùa xuân Kỷ Mùi của 38 năm trước, đúng ngày này cách đây 38 năm, gió mùa đông bắc đang về, và cuộc chiến tranh nơi bắc ải sắp nổ ra.

Ngày 14/02/1979, tuyệt đại bộ phận bộ đội ta, trong đó có người lính Baoleo, không hề biết và có khái niệm là: đang có 1 ngày Valentine tồn tại ở trên đời. Những người lính chúng tôi, không hề biết có ngày đó, để tặng hoa người yêu. Yêu là yêu cả 365 ngày, không chỉ yêu có 1 ngày hôm nay. Và khi yêu, chỉ biết tặng nàng dòng máu đỏ - chảy trong bộ quân phục xanh, tặng nàng với cả tình yêu đất nước.
Ngày Tình nhân năm Kỷ Mùi - 1979 ấy, là ngày mà chỉ còn 72 giờ đồng hồ nữa, những người lính thời Baoleo, sẽ kiêu bạc trên biên thùy, chặn đánh quân bành trướng Trung Quốc xâm lược, và súng sẽ nổ trên khắp giải biên cương, trong một buối sáng gió bấc, sương mù.

Năm nay, ngày 14/02/2017, là ngày 18 Tết của năm con Gà, vẫn còn Tết lắm. Đúng y hệt như như năm 1979, ngày 14/02/1979 cũng mới chỉ là 18 Tết Kỷ Mùi mà thôi.

Gửi các bạn tấm hình chợ hoa Hàng Lược năm 1979, năm Kỷ Mùi.



Và 21 ngày sau mồng một Tết Kỷ Mùi năm ấy, những người lính chúng tôi, sẽ đem ngực mình, chặn đánh làn sóng biển người của quân Trung Quốc xâm lược trên toàn giải biên cương phía Bắc. Để hôm nay, các bạn đang yêu và …… vẫn còn yêu được, mang hoa hồng đi tặng tình nhân.

Ba ngày sau ngày lễ Tình nhân của mùa xuân năm Kỷ Mùi ấy, những người lính thời chúng tôi, sẽ nổ súng đánh chặn biên trên toàn cõi biên cương Bắc ải. Những người lính ấy - đồng đội cùng thời của Baoleo, trong trận đánh phản công ở nhà ga Tam Lung – Lạng Sơn, sẽ oai dũng băng qua xác quân thù Trung Quốc xâm lược, truy đuổi đến cùng quân Trung Quốc xâm lăng, như tấm hình số 2, Baoleo gửi tặng các bạn trong stt này.




Ngày lễ Tình nhân 14/02/2017 năm nay, người cựu chiến binh Baoleo, xin gửi tặng cho các bạn đang yêu và vẫn còn yêu được, một đóa hoa hồng đỏ trong mảnh vườn của người lính già. Xin góp bông hồng đỏ có nhiều lá xanh vào bó hoa hồng, mà các đôi lứa yêu nhau, tặng nhau. Các bạn nhớ cho thêm một vài chiếc lá xanh vào bó hoa hồng đỏ nhé.



Bởi mầu của lá xanh bên nhành hoa đỏ, như gợi nhớ về mầu xanh quân phục và dòng máu đỏ của những người lính chúng tôi, trên biên cương mùa xuân ấy.

Hãy hôn nhau thật say đắm đi, các lứa đôi ơi.
 

nhim07

Xe tăng
Biển số
OF-79400
Ngày cấp bằng
2/12/10
Số km
1,351
Động cơ
430,495 Mã lực
Hôm nay em mới đọc hết bài của cụ, thật xúc động quá.
Bố em cũng từng là lính hải quân từ năm 60 đến 78, cụ là lính thông tin của bộ tư lệnh HQ nên hầu như chỉ trên đất liền. Sự kiện Vịnh bắc bộ năm 64 cụ đang ở Quảng Ninh nhưng có lệnh rút trước đó 1 tuần.
 

Baoleo

Xe tăng
Biển số
OF-320235
Ngày cấp bằng
19/5/14
Số km
1,856
Động cơ
364,682 Mã lực
NGÀY 17 THÁNG 2 NĂM 1979, BẠN CÒN NHỚ

1/ Ngày 17/02/1979 – Ngày thứ nhất.

Ngày 17/02/1979, đó là một ngày thứ bẩy.

Ngày ấy, Baoleo là học viên năm cuối cùng, đang chuẩn bị làm đồ án rồi sẽ nhận lon thiếu uý.

Do được đi tìm tài liệu ở Hà Nội, nên Baoleo đã về nhà 2 ngày trước đó.

Cả ngày hôm đó (17/02) ở Hà Nội không có bất cứ 1 tin tức gì về 1 sự kiện lịch sử đang diễn ra.

Nên nhớ là hồi đó chưa có in tơ nét, phôn thì chỉ có ở cơ quan hay nhà riêng các vị từ cấp vụ trở lên (mà gọi đường dài tỷ như từ HN đi Lạng Sơn vẫn còn phải đăng ký qua tổng đài chứ không gọi được trực tiếp), ti vi chỉ phát theo giờ. Liên lạc với nhau chủ yếu qua thư từ hoặc cần kíp lắm thì mới dám đánh dây thép, kiểu như: vỡ đê, con vẽ đi (vo de-con ve di).

Chỉ có sự kiện duy nhất mà Baoleo linh cảm thấy có sự chẳng lành. Đó là, chiều thứ bẩy hôm ấy, Baoleo ra ga Hàng Cỏ để đón 1 người bạn từ Vĩnh Phú về, nhưng cả ngày hôm đó, các con tầu từ phía bắc (Lào Cay, Lạng) về, đều không có.

Thứ bẩy, ngày 17/02/1979, đang có đợt gió mùa đông bắc, trời rất lạnh và tối rất nhanh. Bầu trời âm u, lạnh giá như đang dồn nén một khối thuốc nổ.

***********

Rồi đúng 6 giờ tối, sau tiếng tút tút, giọng phát thanh viên trên chiếc loa truyền thanh treo ở đầu cửa ô Đồng Lầm – nơi ở của Baoleo, bật lên đanh thép:

-‘…xin đề nghị đồng bào cả nước đón nghe thông báo quan trọng của….. sau ít phút nữa…’

Ngay sau đó đài phát các bản nhạc quân hành, hết mỗi bản nhạc là giọng phát thanh viên lại lặp lại: xin đề nghị đồng bào cả nước đón nghe thông báo quan trọng của…

Dự cảm thấy điều trọng đại, Baoleo trở vào nhà, vặn to triết áp của cái đài truyền thanh Hà Nội, chăm chú đón nghe.

(Ghi chú: loại đài được nghe qua dây điện, tương tự như cáp truyền hình bây giờ. Loại đài này không dùng pin, không có sóng, không bắt được bất cứ đài nào. Đại loại nó là một loại loa truyền thanh phường, nhưng được đài truyền thanh HN mắc vào tận từng nhà cán bộ cốt cán, gần như không thu phí)

Đúng 6h30 tối, giọng phát thanh viên vang to:

-‘…xin thông báo để đồng bào cả nước biết: sáng nay, phía Trung Quốc đã ồ ạt tấn công một số điểm trên biên giới phía Bắc, thuộc các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai……

Phía Trung Quốc đã bị quân và dân ta trừng trị đích đáng. Tin đầu tiên cho biết: ta đã tiêu diệt được x quân địch, y xe tăng, z khẩu pháo…..’.






Tiếp đến là thông báo, hiệu triệu của đủ loại các tổ chức.

Baoleo lạnh người. Cảm giác đầu tiên là bất ngờ đến ngã người. Rồi đến là bàng hoàng. Rồi nghiến răng: Chiến à!!.

Qúa bất ngờ, đến mức sửng sốt. Đã biết là tình hình biên giới phía Bắc căng thẳng từ hơn một năm rồi. Thậm trí bọn học cùng phổ thông đi làm công nhân kỹ thuật ở Tát Sơ Ken về nước bằng chuyến tầu liên vận cuối cùng vào năm 1978, có hỏi rằng:

- ‘Xe tăng TQ nhiều như lá tre sát biên giới, thế mà lính chúng mày chẳng chuẩn bị gì à ???.’

Nhưng trong tất cả các buổi nghe thời sự chính thống, cũng như tin từ nguồn tham mưu con, không có bất cứ 1 tin gì để có thể đoán biết được TQ sẽ tấn công vào dịp 17/02.


Baoleo không còn nghe lọt tai đầy đủ các thông tri trên loa truyền thanh nữa. Chỉ duy nhất còn 1 ý nghĩ trong đầu: thế là lại chiến tranh rồi!!!

Qua các báo cáo tuyên truyền từ trước, cố nhiên là Baoleo không lạc quan tếu đến mức nghĩ rằng: 7 giờ tối ngày 17/02 ấy, lính bộ binh ta đang ngồi uống nước chè bên Manipo, lính cơ khí trung đoàn đang rửa xe tăng bên Bằng Tường.

Nhưng chí ít cũng BỊ tin rằng: chiến sự giờ này đang loanh quanh đường biên, chứ không tin rằng nó đã lùi sâu vào đất ta như thực tế đang diễn ra.





Đúng như phản xạ của người lính, Baoleo lập tức nghĩ rằng: phải trở về đơn vị ngay-lập tức.


Khoảng 9 giờ tối, Baoleo đến nhà mấy thằng cùng khoá để rủ nhau ngày mai cùng về đơn vị.

Đường phố vắng tanh. Không có hò hét, không có quần chúng tụ tập. Dường như thông báo về sự kiện bất ngờ được đọc trên đài truyền thanh tối ngày hôm đó đã đẩy mọi sự ồn ào của phố xá đi. Thay vào đó là sự lặng yên trong từng mái nhà để rồi sẽ tích tụ thành giông bão nay mai.

Trong số mấy thằng cùng khoá hồi đó, có thằng Cương, nhà ở Phan Đình Phùng, có bố là vụ trưởng 1 vụ trong Phủ Thủ Tướng (bây giờ gọi là Văn phòng CP). Đến nhà nó mới được biết thêm 1 số tin: đánh nhau to rồi, ta đang yếu, bị lấn khá sâu ở nhiều điểm trên toàn tuyến BG chứ không như đài đưa tin.

Lạ một điều là kể từ 6h30 tối ngày hôm đấy, tất cả mọi người đều trao đổi với nhau bằng giọng chìm hẳn đi như thì thầm.

Trong phòng khách nhà thằng Cương ‘cốm’, sáng ánh bóng đèn sợi đốt vàng vàng, nom rõ con thạch thùng bò trên tường, mà mấy thằng bọn Baoleo đều như nói thầm lúc đổi gác ban đêm.

Sau này ngẫm lại mới cay, chứ trình độ chính trị lúc ấy chưa nghĩ ra. Trung Quốc đánh ta vào đúng thứ bẩy, tức là trong lúc quốc tế nghỉ 2 ngày.

Nghĩa là đến thứ hai, khi các công sở trên thế giới bắt đầu làm việc lại, thì lúc ấy mọi sự đã rồi. Đúng là thâm Nho như Tầu thật.

Nhưng ngay đêm hôm đó, Baoleo chỉ còn biết có 1 hành động là: ngày mai, trở về đơn vị ngay, cho dù ngày mai là Chủ nhật-ngày nghỉ.

Đêm hôm đó, thao thức suốt đêm, không thể nào ngủ được. Tin tức thì không nghe thêm được gì nữa, vì loa truyền thanh đã hết giờ truyền thanh từ 10h30.

Tự nhủ lòng mình: thôi, thế là phải dẹp hết mọi ước mơ lại rồi. Nào là những mơ ước được đi làm phó TS ở Liên xô, nào sẽ được phân 1 căn hộ lắp ghép trong khu tập thể Trung Tự, rồi sẽ được phân phối cái xe đạp Thống Nhất lẫy lừng.

Trước mắt là chiến tranh, chưa biết kéo dài đến bao giờ, mà mình sẽ có còn được trở về nhà nữa không, khi đã xác định rằng: chí ít mình cũng sẽ đỡ được 1 viên đạn cho mọi người.

Ngày mai sẽ như thế nào nhỉ. Và đó là câu chuyện của ngày mai.

-------

2/ Ngày thứ hai của cuộc chiến tranh.

Ngày thứ hai của cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc (BG PB) lần thứ nhất, ngày 18/02/1979.

Như có tiếng kèn hội quân thúc giục trong lòng, Baoleo và 2 thằng nữa cùng hẹn gập nhau ở Ga Hàng Cỏ để đi tầu chuyến sớm nhất, về đơn vị.

Sáng ngày thứ hai của cuộc chiến, không khí khác hẳn ngày thứ bẩy máu chảy về tim ngày hôm qua.

Mới ngay chiều ngày hôm qua, cũng tại ga Hàng Cỏ này, tuyệt đại dân chúng, trong đó có nhà cháu, còn đang hào hứng, nhàn tản trong một ngày an bình.

Còn hôm nay, ngay từ 6h30 sáng ngày 18/02, nhà ga Hàng Cỏ đã có bộ mặt khác hẳn.

Cũng khác hẳn với vẻ vắng lặng tối hôm qua. Hôm nay hàng vạn cái đài phát thanh ‘mồm’ tranh nhau mở máy, đài ‘mồm’ nào cũng cho rằng mình có nhiều tin hơn đài kia. Tất cả dân chúng như đều hối hả, vội vã với vẻ mặt không thể nghiêm trọng hơn.

Vô vàn các đám người tụ tập lại thành các nhóm khác nhau, tuỳ theo nội dung tin đồn mà nhóm người đó thích. Kính thưa các loại tin.

Chỗ này một tay ăn mặc không ra lính, cũng chẳng ra dân, đang ra tay chém gió:

- ‘úi giời, cứ gọi là bình địa, tên lửa tầm xa của ta san phẳng Côn Minh rồi’.

Chỗ khác, một ông trung niên áo bông, nhưng quần đùi:

- ‘mất hết cả rồi, đến đêm hôm qua mới bám thùng được cái xe tải từ Lạng về đây, nay đang ra đây tìm xem có người nhà nào chạy kịp không’.

Gạt ra ngoài tai các loại thông tin, tốp lính Baoleo hối hả tìm xem có con tầu nào lên hướng Lao Cai để về Vĩnh Phú, về lại trường, về lại đơn vị cơ sở không.

Đến tận 10 giờ sáng, cả tốp tuyệt vọng khi phải thừa nhận rằng: ngày hôm nay, ngày thứ hai của cuộc chiến, sẽ không có bất cứ con tầu nào lên phía bắc, kể cả tầu hàng.

Khó khăn nào cũng phải vượt qua. Tốp lính Baoleo quyết định: bắt xe buýt lên phà Chèm, từ đó đi bộ từ phà Chèm lên Vĩnh Yên, theo đường qua Thanh Tước. Đây là con đường có quãng đường đi bộ ngắn nhất từ Hà Nội đi Vĩnh Yên. May mắn thì có thể đi nhờ được xe tải.

Trong suốt cuộc đời lính, đó là cuộc hành quân bộ dài nhất mà Baoleo đã từng trải qua. Có một điều cảm động, mà đã qua 38 năm, Baoleo nhà cháu đến hôm nay vẫn còn nhớ mãi.

Đó là, từ phà Chèm lên, tụi nhà cháu đi bộ là lên hướng bắc, hướng biên giới. Chính vì thế, các em nhỏ, các mẹ già đều nhìn theo, vẫy tay trìu mến, thậm trí đi theo 1 đoạn, vì đấy là:

- các chú bộ đội đang hành quân lên biên giới!

Mặc giù đích của bọn nhà cháu chưa phải là biên giới, nhưng nhà cháu xin gửi những vinh dự mà nhà cháu được ‘ngộ nhận ké’, cho các đồng đội đang ghì nòng AK nóng bỏng chặn đánh biển người trên biên thuỳ.

Đã qua 2 ngày chiến tranh, chiến sự đã lan đến đâu rồi ???.

Baoleo tôi, những ngày tháng 2 năm 1979

 

nhtutehy

Xe điện
Biển số
OF-25982
Ngày cấp bằng
18/12/08
Số km
3,293
Động cơ
509,379 Mã lực
Tuổi
37
Nơi ở
1 chốn 2 nơi
Website
www.facebook.com
hôm 17/2/2017 em cũng hành quân lên biên giới phía Bắc.
em chờ cụ kể tiếp ngày thứ 3
 
Thông tin thớt
Đang tải

Bài viết mới

Top