Tháng 7 có ngày thương binh – liệt sỹ.
Tháng 7 là nhớ về đồng đội, những người đã không về. Nhớ những đồng đội vừa mới ra đi trên con MI, và những đồng đội đã ra đi từ lâu lắm rồi.
Tháng 7, là nhớ về những đồng đội, những cùng thời quân ngũ, nay đã lâu rồi không gặp – chúng ta đã già.
Tháng 7, là thời gian mà ta nhìn thấy nhiều nhất các xe ca mang băng rôn : ‘Về thăm chiến trường cũ’ ngược xuôi trên mọi nẻo đường.
Tháng 7 này, chợt nhớ về các anh.
Tháng 7, nhớ về đồng đội (2)
Đồng đội một thủa
Cách đây ít lâu, nhà cháu có dịp đi qua phà Tân Đệ, con phà nối liền hai tỉnh Nam Định và Thái Bình.
Đó là một buổi trưa hè nóng rát. Cái nóng mùa hè của miền Bắc cộng thêm với độ ẩm cao luôn làm cho con người luôn bức bối, khó chịu.
Không giống như cái nóng ở phương Nam. Nơi đó tuy không có mùa đông, nhưng bù lại độ ẩm không cao, nên người không có cảm giác lúc nào cũng đẫm mồ hôi, vì thế cũng còn dễ chịu hơn cái nóng miền Bắc.
Cái buổi trưa hè nóng ngốt người ấy, phàm là những ai không có việc tối cần thì chẳng dại gì lại thò mặt ra đường. Nhất là lại tự phơi mình như cá khô trên con phà bằng sắt tây cũ rỉ ấy.
Chuyến phà ấy cũng khá vắng người. Có mỗi chiếc việt dã của nhà cháu và vài bác nông dân tranh thủ chạy chợ nhân lúc nông nhàn.
Mặc kệ cậu lái xe ngồi thu lu trong cái hộp diêm sắt sơn diêm dúa bóng lộn ấy, nhà cháu lững thững ra phía sau đuôi phà nhằm hóng hơi nước mát do sóng đuôi của con phà tạo ra.
Vừa hay có một ông xe thồ cuối cùng đang hộc tốc, gò lưng đẩy 1 xe đạp thồ chất đầy hai sọt dưa lê, cuống quýt lao xuống cho khỏi nhỡ phà.
Động lòng chắc ẩn, hà cháu nhẩy xuống, đẩy giúp 1 tay cho cái xe đạp thồ ấy lên kịp phà.
Xong xuôi, ông xe thồ chở dưa lê ấy quay ra định cám ơn nhà cháu. Bỗng nhiên, ông ta sững người lại, rồi lao đến chụp lấy tay nhà cháu:
- Thủ trưởng, em đây, Ngòi đây.
Trời, mày đấy ư ?. Thằng em Ngòi, công vụ của ban đấy ư. Mày tàn tạ thế này rồi cơ à?
Thằng em Ngòi dường như không còn để ý đến ai. Nó cứ túm lấy tay nhà cháu mà lắc mãi:
- Thủ trưởng….
Ôi, bao nhiêu hờn giận, ấm ức, bất mãn kể từ khi ra quân.
Luôn có mặc cảm như bị bỏ quyên, thậm trí suất học ngoại ngữ trong giờ hành chính cũng bị gạt ra rìa.
Chẳng có ai đếm xỉa đến thằng lính- đã từng ưỡn ngực oai phong trước sóng gió đại dương, mà chỉ còn ganh nhau xem: hôm qua ông cốp ấy hắt hơi, thằng c.. kia nó đã mang quà gì đến trước ta. Thế thôi.
Cứ ấm ức, giận hờn, rồi giũ áo, từ quan.
Về hẳn làm phó thường dân loại 3 với đời.
Lòng đã như khép lại một thời áo lính.
Ai ngờ, hôm ấy, trên con phà sắt tây nóng bỏng, còn có 1 ông nông dân lắc mãi tay nhà cháu với đầy tình cảm mến: thủ trưởng….
Mấy từ đồng đội đó nó như làm làm tan chảy những giận hờn, ấm ức bấy lâu. Nó như nhắc nhở rằng: đã có thời ta từng khoác bộ áo lính lên vai, là kiêu bạc, là đáng giá với đời, là nặng sâu nghĩa tình một thủa, đồng đội ơi.
Thằng Ngòi gần như cố nhét cả sọt dưa lê vào xe của nhà cháu: thủ trưởng mang về mà tẩm bổ, thủ trưởng lúc nào cũng làm việc “chí lão”, chóng hại người lắm.
Mặc xác ánh mắt hình viên đạn của cậu lái xe khi nhìn đống dưa lê, cậu lái xe hết làu bàu cậu Ngòi, lại đưa mắt nhìn nhà cháu ra điều nhắc nhở: xếp ơi, các gentlement cổ cồn đeo cà vạt, có xe phanh đánh kít, mở của xe đánh kịch, gót giầy bước ra đánh cộp, có xơi hoa quả thì phải là kiwi, nhấm nháp gooseberry, xoàng thì cũng phải là American peach. Có ai còn dám cầm cái quả dưa lê gớm giếc này nữa, thuốc sâu nó dây vào tay thì có mà toi mùi Baldessarini !
Mặc xác nó, nhà cháu đã lấy hơn 2 chục quả dưa của thằng Ngòi, sau khi đã gần như là dùng vũ lực để ấn vào túi nó chút tiền công tác còm, mang theo cơ số của nhà cháu.
Ngòi ơi, hôm nay, vô tuyến nó đang nói rằng: lợn đang bị dịch tai xanh.
Nhưng kệ bố nó, hôm nay tao sẽ vẫn ra chợ, mua lấy cái chân giò. Biết đâu, nhờ thế mà mày vẫn bán được lứa lợn của nhà mày, đặng dồn ít tiền mà trát nốt cái nhà xây giở đã lâu.
Ngòi ơi, đồng đội một thủa, chú cũng tàn tạ lắm rồi, phải giữ gìn sức khỏe nhé.
(Ảnh sưu tâm - chỉ có tính chất minh họa)