Nguyễn Hữu Chỉnh cũng là người "văn võ kiêm toàn". Thử đọc 'Văn Tế Chị' của ông:
Bài Văn tế chị của Nguyễn Hữu Chỉnh:
Than ôi!
Dòng nước chảy về đâu, biết có về Đông Hải vậy chăng? Hồn phách chị ở đâu, biết có về Đông Hải vậy chăng? Hay là nơi bồng hồ lãng uyển, hay là nơi tứ phủ thành đô, ao vàng khơi thẳm, biết là thăng giáng ở nơi nào; bụi còn một chút hình hài đưa về đất cố hương, muôn nước nghìn non, xa khơi cách trở. Ôi! kiếp nhân sinh là thế, như bóng đèn, như mây nổi, như lửa đá, như chiêm bao, giây phút nên không, dù nhẫn trăm năm cũng chẳng mấy.
Thương thay chị, mới hai mươi chín tuổi, cũng là một kiếp hóa sinh. Gửi mình vào tài tử mười ba năm, đã dốc một lời nguyền, song cay đắng có nhau, mà vinh hiển bao giờ chưa được thấy. Rơi máu ở nhân gian năm bảy bận, chỉn còn hai chút gái; vả sữa măng nhường ấy, dù trưởng thành ngày khác cũng rằng không.
Ôi! Tạo vật làm sao, con người thế mà đến điều đau đớn thế! Bên trời góc bể, thân cố có ai, đất khách quê người, bui một chị một em, đã hình đơn bóng chếch.
Bát ngát thay! cành hoa trôi nước, chiếc nhạn về nam. Vậy thì chén đất vàng từ đây, nấm cỏ xanh từ đây, muôn nghìn kiếp cũng từ đây, thăm thẳm biết bao giờ lại thấy vậy chăng?
Giang đình một lá, quải biệt đôi nơi. Chín suối là đâu? Có linh xin hưởng!
Nguyễn Hữu Chỉnh (? - 1787) quê làng Cổ Đan, xã Đông Hải, huyện Chân Phúc, trấn Nghệ An, nay thuộc huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Thuở bé học giỏi, mười sáu tuổi đỗ Hương cống nên thường gọi là Cống Chỉnh, 18 tuổi đỗ Tam trường. Ngoài con người lịch sử, ông là người có tài biện luận, mưu lược, giỏi văn thơ. Sáng tác mang bản sắc rõ rệt, không lẫn với người nào đương thời. Giữa lúc cực thịnh của chữ Hán, ông vẫn dùng chữ Nôm để viết.
Ở bài Văn tế chị, ông không nhất nhất theo đúng kết cấu của thể phú. Tác giả chỉ dựa vào thể phú làm nền, rồi viết theo dòng cảm xúc tự nhiên. Toàn văn như một bài văn xuôi, câu chữ tự nhiên, không gò bó, không gọt giũa. Tình cảm của ông đối với người chị chân thành, gan ruột.
Chị ông lấy Phạm Nguyễn Du (tức Phạm Huy Khiêm), đỗ Hoàng giáp năm 1779, cùng khoa với Phạm Quý Thích, vào cuối đời Hậu Lê. Bà theo chồng và chết nơi quê người, sau rước linh cữu về quê.
Có thể nói, “cùng với Văn tế Trương Quỳnh Như của Phạm Thái, Văn tế chị được coi là tác phẩm có yếu tố văn xuôi nghệ thuật đầu tiên trong lịch sử văn học nước ta” (Nguyễn Lộc, Từ điển văn học, bộ mới, NXB Thế Giới, HN, 2004, trang 1153).
http://baodanang.vn/channel/5433/201210/van-te-chi-mot-tac-pham-doc-dao-cua-nguyen-huu-chinh-2199584/