Tình cờ đọc được bài báo trên vnexpress: "nếu ô tô Việt mà rẻ bằng xe SH thì ra đường chỉ bật máy lạnh mà đọc báo". Ý của tác giả là: Nếu giá xe quá rẻ, lượng xe cá nhân sẽ tăng lên, đường sẽ tắc nhiều hơn. Tuy vậy, lại có ý kiến cho rằng: "nhà em ở miền núi, dù mỗi người sở hữu một xe, đường cũng chẳng tắc được, chỉ vì Thủ Đô mà bắt em phải chịu cảnh giá xe cao thì oan quá".
Nhà cháu chợt có ngu kiến như sau có thể giảm tắc đường mà không ảnh hưởng tới miền núi đồng thời lại đóng góp được cho ngân sách khá khá:
Các cụ cũng biết đấy, nguyên nhân gây tắc đường thì có nhiều trong đó cũng có phần là do có quá nhiều xe ô tô. Vậy phải xử lý ra sao? Hãy nhìn vào các nước bạn!
Ví dụ, ở Singapore, để sở hữu một xe đòi hỏi phải tính đến nhiều thứ: giá xe cao, các loại phí cũng ngất trời. Để nuôi một xe ô tô cũng khủng khiếp lắm, hàng tháng chủ xe phải chịu vô vàn loại phí, nếu tính cả tiền nhiên liệu thì chắc chỉ vài tháng là bằng tiền mua một xe. Bởi vậy mới không tắc đường chứ.
Ở Việt Nam thì sao? Cứ coi như đường xá kém nhiều nước bạn, nhưng nếu tìm cách giảm bớt lượng xe ra đường thì cũng đỡ được phần nào tắc đường tại Thủ Đô. Vậy giảm bằng cách nào? Giải pháp của nhà cháu nếu chợt nghe thì cũng có vẻ hơi cực đoan, nhưng nếu các cụ ngẫm kỹ thấy cũng hay hay đấy:
1. Ở thủ đô: hạn chế sở hữu xe riêng và hạn chế xe riêng ra đường bằng cách tăng các loại thuế và phí về ô tô cực cao, cao ngất ngưởng luôn đi + cấm xe tỉnh lẻ vào thành phố + xây dựng các bãi gửi xe lớn ở ngoại thành + quản lý thật chặt các hãng taxi + tăng tiền phạt vi phạm giao thông lên 10 lần.
2. Ở tỉnh lẻ: khuyến khích sở hữu xe riêng bằng cách giảm các loại phí và thuế xuống thật thấp giúp cho nhà nhà có xe, người người có xe.
Tại sao lại như vậy?
1. Ở thủ đô, thuế và phí cao làm giá xe cũng cao, các cụ muốn sở hữu xe mới phải rụt cổ lại. Các cụ có xe rồi, muốn ra đường sẽ vấp phải các loại phí cao (đơn cử như phí phạt cao khủng khiếp khi vi phạm giao thông hay phí gửi xe tại các bãi xe trong nội thành cao ngất ngưởng chẳng hạn), các cụ này cũng phải rụt cổ lại luôn, thế là hạn chế được ô tô cá nhân ra đường, chỉ đem xe ra đường khi thật sự cần thiết chứ những việc như đi chơi, nhậu nhẹt hay em út thì cứ taxi cho nó lành. Cụ nào lách luật đi đăng ký xe mới ở tỉnh lẻ cho rẻ cũng chẳng ăn thua gì, bởi vào đến ngoại thành là phải gửi xe rồi.
2. Ở các tỉnh lẻ, ô tô chưa nhiều nên khuyến khích người ta mua xe mới bằng cách giảm các loại thuế và phí. Lượng xe nhiều nên lượng tiền đóng cho ngân sách chắc sẽ không giảm. Có việc đến thủ đô cứ việc phi đến cửa ngõ rồi gửi xe, bắt taxi hoặc phương tiện công cộng.
Đến đây, chắc hẳn nhiều cụ sẽ có nhiều phản biện:
1. "tôi ở thủ đô, có nhiều việc quan trọng phải đi trong thành phố, sao đi taxi được?" Vâng, việc chính đáng mời cụ dùng xe cá nhân, tuy vậy cần nắm vững luật giao thông không lại tốn phí, còn những việc không quan trọng nên đi taxi hoặc các phương tiện công cộng khác hoặc là xe đạp cho nó bảo vệ môi trường.
2. "lượng người không đổi, nếu nói như cụ chủ thì thủ đô lại tắc vì taxi". Không phải vậy, khi các phí đầu vào cao, giá vé taxi cũng sẽ cao, ra đường là xót tiền nên ai cần thì mới ra. Lượng xe taxi sẽ tăng, nhưng tổng số ô tô ra đường sẽ giảm hơn trước. Ví dụ như trước đây đi nhậu cũng cưỡi xe, đi cua gái cũng cưỡi xe, đi tầm quất cũng cưỡi xe, đi abc xyz gì đó cũng cưỡi xe, vân vân và vân vân, thì nay cứ taxi hoặc phương tiện công cộng hoặc xe đạp mà chiến hoặc ở nhà cho nó lành chứ ra đường là tốn phí xót lắm. Tổng lượng xe ra đường sẽ giảm do hiệu suất sử dụng xe taxi sẽ cao hơn xe cá nhân, nếu dùng xe cá nhân khi đến điểm làm việc sẽ phải đỗ, còn taxi thì chạy liên tục.
3. "tôi đi việc cơ quan, nếu cứ taxi thì sẽ rất tốn tiền". Không phải vậy, cụ cứ tính mà xem. Các cơ quan, công sở ở thủ đô, đâu phải chỗ nào cũng có chỗ cho cụ đỗ xe mà cụ đi được xe cá nhân. Nếu muốn đi xe cá nhân, cụ phải gửi vào bãi gần nhất rồi bắt xe ôm hoặc taxi đến điểm làm việc, tiền gửi xe cộng tiền xe ôm cũng ngang tiền taxi nếu đi từ đầu.
4. "Nói như cụ chủ thì phí đắt sẽ hạn chế người ra đường, các dịch vụ của thủ đô sẽ giảm, kinh tế sẽ chậm phát triển". Không hẳn thế, dịch vụ nào cần thiết thì nó sẽ phát triển theo quy luật của nó. Có giảm chắc chỉ là các dịch vụ như: nhậu nhẹt hay abc xyz gì đó mà thôi (đi uống được cốc bia mà tiền taxi cũng ngang với tiền bia hay đi abc xyz mà tiền taxi gấp đôi thì cũng ở nhà cho lành). Những dịch vụ này giảm chắc kinh tế thủ đô cũng không ảnh hưởng nhiều
5. "Hạn chế xe ô tô cá nhân sẽ tăng lượng xe máy". Điều này cũng chẳng sao, miễn là giảm tắc đường, một người ngồi trên một xe gắn máy sẽ tốn ít diện tích hơn một người ngồi trên một ô tô. Còn những ô tô chở đủ 4 người có nhiều không?
6. "Lượng xe gắn máy tăng sẽ làm tăng tai nạn giao thông". Cũng không hẳn vậy, mức phạt vi phạm giao thông tăng cao, người dân sẽ ý thức hơn, tai nạn sẽ giảm. Dù sao thì hai xe máy va vào nhau thương vong cũng nhẹ hơn là xe máy va vào ô tô.
7. "Chi phí cao nên chỉ người giàu mới sở hữu được ô tô, còn người có thu nhập trung bình thì khó". Đúng vậy, điều này phải chấp nhận thôi, vì sự phát triển chung mà. Còn người giàu, nhiều tiền thì cứ mua nhiều ô tô vào, thuế và phí nộp vào ngân sách sẽ càng nhiều.
8. "Giải pháp này có gì mới đâu, mấy ông ngồi phòng máy lạnh nghĩ ra lâu rồi". Xin thưa, có mới đấy ạ, ngu ý của nhà cháu chủ yếu đánh vào thuế và các loại phí thật cao ở thủ đô.
Chắc sẽ còn nhiều phản biện nữa? Nhà cháu chỉ tạm nghĩ được thế thôi.
Tóm lại giải pháp trên sẽ giúp giảm lượng xe ra đường ở thủ đô, giảm ùn tắc giao thông, giảm các tệ nạn xã hội, tăng sở hữu xe ở các tỉnh lẻ, giúp cho các tỉnh tiến kịp thủ đô. Nguồn thu ngân sách không giảm thậm chí tăng.
Giải pháp trên chắc chắn sẽ ảnh hưởng ít nhiều tới từng cá nhân. Nhưng vì sự phát triển chung của xã hội, thiết nghĩ mỗi con người cần phải bớt đi lợi ích cá nhân một chút. Nếu ai cũng đem lợi ích cá nhân để so sánh thiệt hơn thì kết cục sẽ chẳng khác câu chuyện Hai con dê đi qua một cái cầu. Vác ô tô ra đường chắc cũng chỉ để bật máy lạnh đọc báo mà thôi.
(Vì là ngu ý mong các cụ chém nhẹ tay!)