[Funland] Lượm lặt tin tức quân sự đó đây, có gì đăng nấy

Biển số
OF-155238
Ngày cấp bằng
4/9/12
Số km
27,417
Động cơ
656,417 Mã lực
Nơi ở
Sắp chuyển
4 kịch bản của cuộc chiến ở Ukraine dưới thời Trump 2.0

Nếu cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại Nhà Trắng, thì chính quyền của ông có thể ngừng ưu tiên hỗ trợ Ukraine để chuyển sang các ưu tiên chính sách khác. Điều này có thể làm giảm ảnh hưởng đòn bẩy của Kiev so với Moskva trong đàm phán, đồng thời có nguy cơ khiến cuộc chiến tiếp diễn hoặc gây ra một cuộc chiến mới trong tương lai.

1729250088394.png


Trong bối cảnh nước Mỹ đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới, có những câu hỏi dai dẳng về chính sách của Mỹ đối với Ukraine nếu ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump tái đắc cử. Trump đã bày tỏ nghi ngờ về sự hỗ trợ tài chính và quân sự của Mỹ dành cho Ukraine. Ứng cử viên “phó tướng” của ông, Thượng nghị sĩ Ohio J. D. Vance, là một trong những người phản đối thẳng thắn nhất việc viện trợ cho Ukraine tại Thượng viện Mỹ. Quả thực, ngày 30/4, Vance là một trong 15 thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa bỏ phiếu phản đối dự luật cung cấp khoản hỗ trợ trị giá khoảng 61 tỷ USD cho Ukraine. Mặc dù chưa tiết lộ kế hoạch chính thức để chấm dứt chiến tranh, nhưng Trump được cho là đã phản ứng tích cực với kế hoạch được Trung tướng nghỉ hưu Keith Kellogg (cựu Chánh văn phòng Hội đồng an ninh quốc gia dưới thời Chính quyền Trump) đưa ra vào tháng 6 vừa qua, bao gồm cả việc từ chối hỗ trợ quân sự cho Ukraine cho đến khi nước này nhượng bộ Nga để chấm dứt thù địch.

Trump đã phát biểu nhiều lần rằng nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024, ông sẽ nhanh chóng tìm cách chấm dứt chiến tranh ở Ukraine, vốn được xem là ưu tiên hàng đầu trong chiến dịch tranh cử của ông. Sau cuộc gặp với cựu Tổng thống Trump hôm 11/7, Thủ tướng Hungary Victor Orban lưu ý rằng cựu Tổng thống Mỹ đã có các kế hoạch chi tiết và chắc chắn cho việc lập tức đóng vai trò trung gian hòa bình ở Ukraine và sẽ không đợi cho đến sau lễ nhậm chức mới làm điều này nếu ông tái đắc cử. Ngày 23/4, Thượng nghị sĩ Vance cho rằng việc Mỹ từ chối hỗ trợ Ukraine sẽ làm tăng khả năng đạt được giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột theo hướng đáp ứng lợi ích của Mỹ. Ông cho biết các nguồn lực và kinh phí dành cho Ukraine có thể được sử dụng tốt hơn vào việc hỗ trợ các sáng kiến trong nước hoặc chống lại Trung Quốc.

Các nỗ lực của Chính quyền Trump 2.0 nhằm ngăn chặn Trung Quốc có thể gây tổn hại đến năng lực tự vệ của Ukraine, trong khi diễn biến của cuộc chiến vào năm 2025 và sau đó sẽ phụ thuộc vào khả năng chấp nhận rủi ro của các bên liên quan. Cách tiếp cận của cựu Tổng thống Trump đối với cuộc xung đột có thể sẽ tương phản với cách tiếp cận của đương kim Tổng thống Biden là duy trì và tăng cường hỗ trợ cho Ukraine nhằm giúp nước này tự vệ tốt hơn và khiến Nga phải trả giá đắt hơn nếu tiếp tục xâm lược. Mục tiêu cuối cùng trong chiến lược của Biden là tăng cường ảnh hưởng đòn bẩy của Kiev đối với Moskva trong các cuộc đàm phán hòa bình và ngừng bắn, đồng thời làm giảm khả năng xảy ra các hành động thù địch mới giữa Nga và Ukraine, điều sẽ cho phép Mỹ phân bổ thêm nguồn lực để ngăn chặn Trung Quốc trong dài hạn – nhất là khi Bắc Kinh có khả năng sẽ thực hiện hành động quân sự chống lại Đài Loan vào năm 2028 hoặc muộn hơn.

1729250159811.png


Tuy nhiên, mặc dù Chính quyền Trump cũng có thể coi Trung Quốc là ưu tiên an ninh quốc gia hàng đầu, nhưng những nỗ lực chống lại các mối đe dọa từ Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có thể buộc Mỹ phải thực hiện các biện pháp làm suy yếu năng lực phòng thủ của Ukraine. Điều này có thể liên quan đến việc Mỹ chuyển hướng dòng tiếp tế từ Ukraine sang châu Á, khiến Kiev nhận được ít vũ khí và khí tài (bao gồm các loại đạn chính xác tầm xa như ATACMS và các loại tên lửa đánh chặn như Patriot PAC-3), cũng như ít sự hỗ trợ về logistics và những khía cạnh khác hơn từ Mỹ. Việc Mỹ giảm hỗ trợ cho Ukraine như vậy sẽ khiến Nga tin rằng vị thế của nước này trong đàm phán sẽ tiếp tục được củng cố theo thời gian, vì Moskva có thể tiếp tục khiến Kiev suy yếu với chi phí thấp hơn. Nếu Trump tái đắc cử tổng thống, thì ngoài việc các bên tham gia chủ chốt khác như Nga, Ukraine, các nước châu Âu và Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận rủi ro, diễn biến của cuộc chiến tại Ukraine sẽ phụ thuộc phần lớn vào việc liệu chính quyền mới ở Mỹ có cho rằng việc hành động để hỗ trợ Ukraine – nhìn từ góc độ an ninh, chính trị và kinh tế – chứa đựng nhiều rủi ro hơn không so với việc không hành động.

Trong bối cảnh này, có 4 kịch bản chính về tác động có thể có của Chính quyền Trump 2.0 đối với cuộc chiến ở Ukraine trong giai đoạn từ năm 2025 trở đi:

Kịch bản 1 (dễ xảy ra nhất): Đàm phán ngừng bắn sụp đổ, Mỹ giảm hỗ trợ cho Ukraine, nhưng Ukraine tiếp tục chiến đấu

Theo kịch bản này, nguy cơ Mỹ dưới thời Chính quyền Trump 2.0 giảm hỗ trợ tài chính và quân sự, buộc Ukraine phải đàm phán với Nga. Trump và Putin cũng có thể hội đàm về cuộc chiến. Chính quyền Trump 2.0 nhiều khả năng sẽ hành động trước để giúp Kiev giành ưu thế trong đàm phán, có thể bằng cách giảm thiểu các hạn chế đối với việc cung cấp vũ khí cho Ukraine và việc sử dụng chúng để tấn công lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán cuối cùng sẽ đổ vỡ vì một hoặc cả hai bên tin rằng họ sẽ có ưu thế hơn trong các cuộc đàm phán trong tương lai. Ukraine tiếp tục thúc đẩy việc giành lại thêm nhiều lãnh thổ.

1729250215146.png


Trong khi đó, Nga vẫn nhất quyết sáp nhập lãnh thổ Ukraine và hạn chế sự hỗ trợ của phương Tây, bao gồm cả việc đóng băng cơ hội để Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), với giả định rằng Kiev chắc chắn sẽ không nhận được thêm sự hỗ trợ nào từ Chính quyền Trump hay những đảm bảo an ninh mạnh mẽ hơn từ NATO. Nếu không bên nào sẵn sàng thỏa hiệp về các yêu cầu chính, thì các cuộc đàm phán ngừng bắn sẽ sụp đổ mà không đi đến một thỏa thuận nào. Do đó, Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ sẽ từ chối các gói hỗ trợ bổ sung tiếp theo cho Ukraine, hoặc làm chậm và thu hẹp quy mô của gói hỗ trợ mới, ngừng hỗ trợ về tài chính cũng như các hệ thống và đạn dược quan trọng. Điều này đẩy nền kinh tế Ukraine xuống bờ vực giữa lúc Nga liên tục thực hiện các cuộc không kích và khiến Ukraine mất thêm lãnh thổ trên chiến trường, nhưng Ukraine sẽ tiếp tục kháng cự với nhận định rằng việc châu Âu tăng cường hỗ trợ sẽ cản trở Nga làm leo thang chiến tranh và giúp Kiev có đủ thời gian để nhận được sự hỗ trợ mới từ Washington. Theo phiên bản thay thế của kịch bản này, Ukraine không tham gia đàm phán ngừng bắn với Nga, dẫn đến việc Mỹ giảm hỗ trợ với những hậu quả tương tự.

................
 
Biển số
OF-155238
Ngày cấp bằng
4/9/12
Số km
27,417
Động cơ
656,417 Mã lực
Nơi ở
Sắp chuyển
(Tiếp)

Kịch bản 2 (có thể xảy ra): Đàm phán ngừng bắn sụp đổ, nhưng Mỹ vẫn tiếp tục hỗ trợ Ukraine, củng cố vị thế đàm phán và an ninh của Ukraine

Theo kịch bản này, các cuộc đàm phán ngừng bắn cũng sụp đổ, nhưng Mỹ quyết định duy trì hoặc thậm chí tăng cường hỗ trợ quân sự quan trọng cho Ukraine vì sợ rằng việc ngừng viện trợ sẽ làm suy yếu nghiêm trọng khả năng của Ukraine trong việc duy trì chỗ đứng trên chiến trường, từ đó khuyến khích Nga kéo dài cuộc chiến và đặt ra mối đe dọa lớn hơn cho các nước NATO. Quyết định này cũng được thúc đẩy phần nào bởi lo ngại của Mỹ rằng việc cắt viện trợ cho Ukraine có thể khiến Trung Quốc ngày càng trở nên quyết đoán ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bằng cách gieo rắc nghi ngờ về quyết tâm của Washington trong việc bảo vệ đồng minh trên toàn cầu.

1729250479747.png


Trong nỗ lực buộc Moskva phải chấp nhận chấm dứt vĩnh viễn các hành động thù địch theo đường lối hiện tại và không có hạn chế thực sự đối với chính sách đối nội và đối ngoại của Ukraine, Mỹ cung cấp cho Ukraine những gì họ cần để bảo vệ chính mình và giành lại thêm nhiều lãnh thổ. Kết quả là chiến tranh tiếp diễn, gây tổn thất kinh tế, nhân khẩu học và quân sự ngày càng lớn cho cả Nga và Ukraine. Tuy nhiên, việc Mỹ tiếp tục hỗ trợ đảm bảo với Kiev rằng việc chấm dứt chiến sự cuối cùng sẽ đi kèm với các đảm bảo an ninh mạnh mẽ hơn từ phương Tây, có thể dưới hình thức chính phủ các nước châu Âu đưa lực lượng đến Ukraine để thực hiện vai trò phi chiến đấu và hỗ trợ phòng không, hoạt động như lực lượng tripwire (lực lượng quân sự nhỏ hơn lực lượng của đối thủ tiềm tàng, được thiết kế để báo hiệu cam kết của bên phòng thủ về phản ứng vũ trang đối với hành vi xâm lược trong tương lai mà không gây ra vòng xoáy an ninh – ND) và thu hẹp khoảng cách trong nhiều năm cho đến khi Ukraine gia nhập NATO.

Kịch bản 3 (có thể xảy ra): Các cuộc đàm phán ngừng bắn tạm thời chấm dứt các hành động thù địch, tạo cơ hội để Nga tái khởi động cuộc chiến trong tương lai

Theo kịch bản này, việc Mỹ đe dọa cắt giảm hỗ trợ sẽ buộc Ukraine phải ngồi vào bàn đàm phán. Nga ra tín hiệu sẵn sàng từ bỏ các yêu sách đối với lãnh thổ Ukraine mà nước này không kiểm soát ở khu vực Kherson và Zaporizhzhya để đổi lấy những hạn chế về hỗ trợ của Mỹ đối với Ukraine, bao gồm cả việc đóng băng không chính thức nhưng vô thời hạn nguyện vọng của Ukraine là trở thành thành viên NATO.

1729250529338.png


Moskva cuối cùng sẽ đồng ý ngừng bắn, với tính toán rằng điều đó sẽ dẫn đến việc châu Âu và Mỹ cắt giảm hỗ trợ cho Ukraine, như lập luận của một số chính phủ và phong trào chính trị phương Tây rằng một giải pháp đạt được thông qua đàm phán là trong tầm tay và cần được khuyến khích bằng cách chú ý đến yêu cầu hàng đầu của Moskva là giảm tốc độ hỗ trợ quân sự và đóng băng cơ hội gia nhập NATO đối với Ukraine. Thế nhưng, khi Chính quyền Trump và chính phủ các nước khác trong NATO ngừng cung cấp các loại khí tài đã hứa cho Ukraine, đấu đá chính trị nội bộ sẽ trở nên ngày càng rõ nét bên trong và giữa các quốc gia thành viên NATO. Lệnh ngừng bắn cho phép Nga củng cố các khu vực bị chiếm đóng ở Ukraine và chuẩn bị cho việc tái leo thang chiến tranh vào thời điểm Moskva lựa chọn, có thể chỉ sau vài tháng.

Kịch bản 4 (khó xảy ra): Ukraine trở nên trắng trợn hơn trong các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga, có nguy cơ dẫn tới một đợt leo thang nghiêm trọng và xung đột Nga-NATO

Theo kịch bản này, Kiev tính toán sai lầm và cho rằng cả nguy cơ Mỹ giảm hỗ trợ lẫn nguy cơ Ukraine đầu hàng Nga tại bàn đàm phán đều tồn tại. Kiev tin rằng họ không có sự đảm bảo an ninh chính trị hay vật chất nào có thể ngăn chặn Nga tiếp tục cuộc chiến trong tương lai, chẳng hạn như lực lượng hỗ trợ tripwire của NATO trên lãnh thổ của mình, nói gì đến đảm bảo rằng các nước NATO sẽ cùng nhau bảo vệ các phần lãnh thổ Ukraine theo Điều 5 của Hiệp ước liên minh an ninh phương Tây. Do đó, Kiev ngày càng trở nên liều lĩnh trong việc buộc Nga phải trả giá đắt hơn và thu hút sự ủng hộ mạnh mẽ hơn từ phương Tây, ngay cả khi điều này có nguy cơ dẫn đến sự leo thang các hành động “ăn miếng trả miếng” của Moskva chống lại Kiev hoặc NATO.

1729250570227.png


Kịch bản này có thể liên quan đến việc Kiev bắt đầu một vòng xoáy leo thang các hành động “ăn miếng trả miếng” với Nga, có nguy cơ gây ra xung đột Nga-NATO lớn hơn do sự leo thang có chủ ý hoặc sự lan rộng ngẫu nhiên của cuộc xung đột ở Ukraine. Một trong những nguyên nhân dễ dẫn đến một cuộc xung đột mở rộng như vậy là việc Ukraine tiến hành chiến dịch ám sát mạnh mẽ nhằm vào các quan chức cấp cao của Nga, thậm chí là cả Putin, nhằm gieo rắc sự hỗn loạn và đấu đá chính trị nội bộ ở Nga mà sau đó Moskva sẽ đổ lỗi cho phương Tây. Một vấn đề khác liên quan đến việc Kiev vi phạm các hạn chế của phương Tây đối với việc sử dụng vũ khí của họ ở Nga và tiến hành các cuộc tấn công ngày càng mang tính khiêu khích vào cơ sở năng lượng và các cơ sở hạ tầng khác, kích động Nga tiến hành một cuộc tấn công mạng mang tính hủy diệt hoặc các phản ứng khác gây gián đoạn đối với Kiev hoặc NATO. Tuy nhiên, kịch bản này khó thành hiện thực vì Kiev khó có thể đưa ra tính toán sai lầm rằng các cường quốc phương Tây, đặc biệt dưới thời Chính quyền Trump, sẽ xung đột trực tiếp với Nga, vì Mỹ nhiều khả năng sẽ dứt khoát giảm hỗ trợ cho Ukraine nếu xung đột Nga-NATO sắp xảy ra.
 
Biển số
OF-155238
Ngày cấp bằng
4/9/12
Số km
27,417
Động cơ
656,417 Mã lực
Nơi ở
Sắp chuyển
Philippines được gì từ thỏa thuận với Mỹ và Trung Quốc?

Đối với Philippines, gói viện trợ quân sự mới của Mỹ đưa mối quan hệ sang chế độ “siêu tốc”, trong khi thỏa thuận với Trung Quốc làm giảm căng thẳng ở Biển Đông (quốc tế gọi là biển Nam Trung Hoa).

1729250713465.png


Lần đầu tiên Philippines chủ trì cuộc họp theo cơ chế đối thoại 2+2 giữa các nhà lãnh đạo quốc phòng và ngoại giao của Mỹ và Philippines. Mọi dấu hiệu đều cho thấy cuộc họp cấp cao giữa Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, Ngoại trưởng Antony Blinken của Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Gilberto Teodoro và Ngoại trưởng Enrique Manalo của Philippines là cuộc họp hiệu quả nhất từ trước đến nay. Mỹ đồng ý cung cấp 500 triệu USD dưới hình thức Tài trợ quân sự nước ngoài (FMF) và viện trợ quốc phòng để đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa quân đội và lực lượng bảo vệ bờ biển của Philippines, cũng như củng cố sự hiện diện của Mỹ tại nhiều cơ sở quân sự của Philippines theo Thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng (EDCA).

Hai đồng minh cũng ký kết Thỏa thuận an ninh chung về thông tin quân sự (GSOMIA) mới, hiệp ước chia sẻ thông tin tình báo quan trọng tương tự như hiệp ước giữa các đồng minh của Mỹ là Nhật Bản và Hàn Quốc. Mỹ coi gói viện trợ mở rộng là “khoản đầu tư cả thế hệ mới có một lần” vào việc nâng cao năng lực phòng thủ của Philippines, và hai bên đều vui mừng chào đón liên minh giữa họ chuyển sang chế độ “siêu tốc”.

Hội nghị cấp cao đáng chú ý diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Philippines-Trung Quốc gia tăng ở Biển Đông trong những tháng gần đây. Căng thẳng tăng vọt khi Trung Quốc dùng vũ lực tước vũ khí của quân nhân Philippines trong lúc họ đang làm nhiệm vụ tiếp tế cho tàu BRP Sierra Marde bị mắc cạn ở bãi Cỏ Mây (quốc tế gọi là Second Thomas Shoal) mà hai nước đang tranh chấp gay gắt.

Trung Quốc cho rằng Philippines đang vô tình hoặc dại dột hỗ trợ cuộc chiến tranh ủy nhiệm vốn là một phần của chiến lược ngăn chặn do Mỹ dẫn dắt. Tuy nhiên, thay vì chính thức liên minh với Mỹ để chống lại Trung Quốc, Chính quyền Ferdinand Marcos Jr. lại tìm cách duy trì mối quan hệ cân bằng với siêu cường châu Á này.

1729250754761.png


Trước cuộc họp 2+2, Manila và Bắc Kinh đã đàm phán một thỏa thuận tạm thời về bãi Cỏ Mây đang có tranh chấp nhằm giảm thiểu căng thẳng. Hai bên có cách diễn giải trái ngược nhau về hiệp ước mới, nhưng Philippines dường như đã điều chỉnh lại sáng kiến minh bạch của mình và đồng ý thông báo cho Trung Quốc về các nhiệm vụ tiếp tế ở bãi Cỏ Mây để tránh mọi hành động khiêu khích không cần thiết.

Chắc chắn gói viện trợ quốc phòng mở rộng của Mỹ không đủ để làm thay đổi đáng kể cán cân sức mạnh quân sự trong khu vực. Nhìn chung, Manila hy vọng đạt được thế cân bằng mới ở Biển Đông dựa trên ưu thế tương đối bằng việc tăng cường liên minh với Washington cũng như đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa quân đội.


...............
 
Biển số
OF-155238
Ngày cấp bằng
4/9/12
Số km
27,417
Động cơ
656,417 Mã lực
Nơi ở
Sắp chuyển
(Tiếp)

Chế độ “siêu tốc”

Trước chuyến thăm Manila gần đây nhất, các nhà lãnh đạo quốc phòng và ngoại giao Mỹ đã ghé thăm Tokyo để tham dự cuộc họp 2+2 với các đối tác Nhật Bản. Trước đó không lâu, Nhật Bản và Philippines đã ký kết hiệp ước quốc phòng mới, được gọi là Thỏa thuận tiếp cận đối ứng (RAA), nhằm thúc đẩy khả năng tương tác quân sự giữa hai nước, các cuộc tập trận chung và việc trao đổi hệ thống vũ khí tinh vi. Đầu năm, Washington đã chủ trì hội nghị thượng đỉnh ba bên Nhật Bản-Philippines-Mỹ (JAPHUS) đầu tiên nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng ba bên với mục tiêu là Trung Quốc. Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh “cam kết sắt đá” với hai đồng minh châu Á, đặc biệt giữa lúc căng thẳng leo thang ở Biển Đông và eo biển Đài Loan.

1729250811793.png


Cuộc họp 2+2 lần thứ 4 giữa Philippines và Mỹ đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Manila và Bắc Kinh nhiều lần suýt đụng độ ở Biển Đông. Trong một lần như vậy giữa tháng 6 vừa qua, một sĩ quan hải quân Philippines đã bị mất ngón tay sau vụ va chạm căng thẳng với Hải cảnh Trung Quốc. Trong những lần khác, nhiều tàu hải quân và tàu bảo vệ bờ biển Philippines đã bị hư hại sau khi bị tàu hải cảnh Trung Quốc có kích thước lớn hơn nhiều đâm vào. Đáp lại, ngày càng nhiều chiến lược gia Philippines công khai kêu gọi viện dẫn Hiệp ước phòng thủ chung Philippines-Mỹ để chống lại các chiến thuật ngày càng quyết đoán của Trung Quốc.

Bước vào mùa bầu cử căng thẳng, Chính quyền Biden sắp mãn nhiệm, vốn đang phải chật vật đối phó với các cuộc xung đột công khai ở châu Âu và Trung Đông, dường như không có tâm trạng để gây chiến với Trung Quốc. Tuy vậy, chính quyền này vẫn tìm cách trấn an các đồng minh trong khu vực về cam kết đã đưa ra và về vai trò lãnh đạo của họ trước một Trung Quốc đang trỗi dậy. Theo đó, Blinken và Austin đã quyết định tổ chức cuộc họp 2+2 mới nhất tại Manila, thay vì ở Washington, để thể hiện rõ sự ủng hộ đối với quốc gia Đông Nam Á này.

Đây là chuyến thăm thứ ba của Blinken tới Manila trong 2 năm qua, trong khi Austin cũng lần thứ ba đến thăm thủ đô của Philippines, trong đó có cuộc gặp hết sức thành công với cựu Tổng thống Rodrigo Duterte vào giữa năm 2021. Blinken ca ngợi cuộc gặp gần đây nhất là sự kiện thực sự mang tính lịch sử vì đã tạo ra một kỷ nguyên hợp tác quốc phòng mới giữa hai nước đồng minh. Ông nhận định: “Tôi cho rằng đây thực sự là bằng chứng cho thấy nhịp độ ổn định của các hoạt động can dự cấp cao giữa hai quốc gia bao trùm một loạt vấn đề và mang lại một loạt cơ hội đưa chúng ta xích lại gần nhau – không chỉ về an ninh mà cả về kinh tế – và chúng tôi thực sự trân trọng mối quan hệ đối tác này”. Về phần mình, Austin nhấn mạnh rằng gói viện trợ quốc phòng mới trị giá 500 triệu USD sẽ thúc đẩy hợp tác an ninh với đồng minh hiệp ước lâu đời nhất của Mỹ trong khu vực và cho rằng FMF mở rộng là khoản hỗ trợ an ninh chưa từng có, lớn gấp bội so với những gì Mỹ đã cung cấp cho Philippines trong thời gian gần đây và là động lực quan trọng thúc đẩy quá trình điều chỉnh quốc phòng của Philippines.

Cách tiếp cận cân bằng

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilbert Teodoro cam kết rằng gói viện trợ quốc phòng mới của Mỹ sẽ được giải ngân theo lộ trình hỗ trợ an ninh mà hai bên đã đàm phán, bao gồm nhiều ưu tiên như tăng cường năng lực trong lĩnh vực an ninh mạng, đảm bảo thế trận răn đe đáng tin cậy của Philippines bằng cách tăng cường năng lực hải quân và không quân của Lực lượng vũ trang Philippines, mở rộng các cơ sở và nâng cấp nhiều căn cứ trong khuôn khổ EDCA ở các khu vực phía Bắc và phía Tây Philippines. Teodoro nói thêm: “Mỗi peso hoặc USD được giải ngân cho việc tăng cường năng lực của Philippines trong việc tự vệ và ngăn chặn hành vi xâm lược phi pháp sẽ mang lại lợi thế trước bất kỳ tác nhân đe dọa nào, dù là Trung Quốc hay bất kỳ nước nào khác”. Ông cũng nhấn mạnh rằng các khoản đầu tư mới cũng dành cho các hoạt động phi chiến đấu như viện trợ nhân đạo và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra trong bối cảnh Philippines dễ bị tổn thương sâu sắc trước tác động của biến đổi khí hậu.

1729250850294.png


Hai bên cũng nhất trí thành lập Nhóm công tác về vai trò, nhiệm vụ, năng lực nhằm tăng cường khả năng tương tác và phối hợp chính sách về các vấn đề quốc phòng. Tuy nhiên, mặc dù đưa ra những lời lẽ đao to búa lớn, nhưng Manila vẫn đang phòng ngừa rủi ro. Trong cuộc gặp mang tính xã giao với các nhà lãnh đạo quốc phòng và ngoại giao Mỹ tới thăm, Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. đã “nói mát” về tình hình chính trị nội bộ đáng lo ngại của Mỹ trước thềm cuộc bầu cử mang tính phân cực. Tổng thống Philippines cho biết ông ngạc nhiên trước việc các quan chức cấp cao Mỹ lại thực hiện chuyến công du trong lúc cần quan tâm đến tình hình chính trị trong nước.

Các đồng minh chủ chốt của Mỹ như Philippines rõ ràng lo ngại về tình hình chính trị bất ổn và sự điều chỉnh chính sách đối ngoại đáng kể sau cuộc bầu cử tháng 11 tới, đặc biệt là nếu Trump trở lại Nhà Trắng. Trong khi đó, gói viện trợ quốc phòng mới của Mỹ dành cho Philippines vừa nhỏ so với khoản viện trợ hàng tỷ USD dành cho các đối tác của Mỹ ở Trung Đông và châu Âu, vừa nhỏ tới mức không thể làm giảm ưu thế quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông.

Nhận thức được những hạn chế của liên minh an ninh với Mỹ, Philippines đang tìm cách ổn định mối quan hệ đầy sóng gió với Trung Quốc. Ngay sau cuộc họp 2+2, Ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo đã xác nhận một thỏa thuận tạm thời với Trung Quốc, được tái khẳng định trong cuộc gặp của ông với người đồng cấp Vương Nghị (Wang Yi) phía Trung Quốc bên lề Hội nghị bộ trưởng ngoại giao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 57 tại Lào.

Mới đây, Philippines đã thực hiện thành công nhiệm vụ tiếp tế ở bãi Cỏ Mây mà không gặp phải bất kỳ sự cố nào, nhưng Manila lại bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc rằng trên thực tế họ đã xin phép để được tiếp tế cho căn cứ quân sự của mình trên cấu trúc địa hình này. Theo Ngoại trưởng Philippines, hai bên chỉ đồng ý trao đổi thông tin, chứ không chấp thuận bất cứ sắp xếp nào dựa trên sự phối hợp hay cho phép từ trước. Bắc Kinh tuyên bố rằng Philippines đã đồng ý thông báo cho Trung Quốc trước và sau khi xác minh tại chỗ.

1729250889584.png


Trực tiếp bác bỏ cách diễn giải của Bắc Kinh về thỏa thuận này rằng đây là sự công nhận trên thực tế yêu sách của Trung Quốc đối với cấu trúc địa hình đang có tranh chấp, Manalo cho biết: “Về vấn đề thông báo, tôi cho rằng thuật ngữ chính xác hơn phải là ‘trao đổi thông tin’, và đó chính là điều chúng tôi đã làm với Trung Quốc”. Ông nói thêm: “Tôi cho rằng thành công tương đối của đợt tiếp tế vừa rồi cho thấy đó là điều chúng tôi cam kết theo đuổi trong các nhiệm vụ tiếp tế tiếp theo, tất nhiên là với điều kiện Trung Quốc cũng tuân thủ thỏa thuận”. Ông cũng nhấn mạnh rằng chính Trung Quốc đã miêu tả sai và diễn giải sai thỏa thuận này vì mục đích tuyên truyền.

Không một ai ảo tưởng rằng thỏa thuận tạm thời này sẽ giải quyết được căng thẳng ở Biển Đông, nhưng rõ ràng tất cả các bên, bao gồm cả Mỹ, đều không muốn căng thẳng leo thang trước cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11 tới.
 
Biển số
OF-155238
Ngày cấp bằng
4/9/12
Số km
27,417
Động cơ
656,417 Mã lực
Nơi ở
Sắp chuyển
Liệu NATO có tấn công Nga?

Vấn đề chiến tranh lớn ở châu Âu hiện trở nên cấp bách hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ giữa thế kỷ 20. Các nhà phân tích phương Tây đã thảo luận nhiều kịch bản xung đột tiềm ẩn khác nhau, và các quan chức đã đưa ra suy đoán công khai về khả năng xảy ra xung đột, thậm chí còn thảo luận về thời gian cụ thể xảy ra xung đột.

Trong bài phát biểu gần đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng hành động của chính phủ các nước phương Tây đã đưa thế giới đến chỗ không thể quay đầu. Đồng thời, niềm tin phổ biến trong các cuộc thảo luận trong nước là nhận thức được các rủi ro thảm khốc của một cuộc đụng độ quân sự trực tiếp với Nga, nên Mỹ và đồng minh với bản năng tự vệ sẽ cố gắng tránh điều này.

1729251538782.png


Những đánh giá như vậy được đưa ra dựa trên giả định rằng cho dù hung hăng và kiêu ngạo, nhưng phương Tây vẫn được dẫn dắt bởi mối tương quan hợp lý giữa lợi ích và phí tổn, bắt đầu từ sự cân bằng quyền lực hiện có. Trong khi đó, những gì xảy ra trước đây cho thấy Mỹ và đồng minh khó có thể theo đuổi tiến trình hành động cân bằng và có tính toán.

Trong suốt những năm 2000 và 2010, Mỹ liên tục lao vào các cuộc phiêu lưu quân sự, rồi sau đó lại đau đớn tìm cách thoát ra. Chỉ cần nhớ lại ví dụ về những lần can thiệp vào Afghanistan, Iraq và Libya là đủ. Tất nhiên, trong tất cả những trường hợp này, rủi ro đối với phương Tây vẫn thấp hơn nhiều so với trường hợp chiến tranh giả định với Nga. Nhưng tỷ lệ thấp hơn một cách đáng chú ý.

Sự thừa nhận gần đây của Tổng thống Mỹ Joe Biden cho thấy điều đó. Ông nói: “Nếu chúng ta để Ukraine thất bại, thì hãy nhớ lấy lời tôi: Bạn sẽ thấy Ba Lan ra đi, và bạn sẽ thấy tất cả những quốc gia dọc theo biên giới thực tế của Nga, từ các nước Balkan tới Belarus, có những điều chỉnh riêng”. Có thể nói “thuyết domino” xưa cũ đã trở lại tâm trí của các chiến lược gia phương Tây.

Sự chia rẽ của phương Tây

Việc các nước phương Tây ngày càng gay gắt với Nga phù hợp với logic “chiến tranh phòng ngừa” trong việc khơi mào xung đột vũ trang. Thay vì kết nối cuộc đối đầu giữa các nước với chủ nghĩa cơ hội hung hăng, mô hình này lại nhìn nhận sự leo thang như là kết quả của những lo ngại về tương lai. Niềm tin rằng tình hình sẽ xấu đi theo thời gian thúc đẩy các quốc gia thực hiện những bước đi ngày càng mạo hiểm, thậm chí là sử dụng vũ lực.

Như một quy luật, các cuộc chiến tranh lớn trong lịch sử đã trở thành kết quả của chính logic phòng ngừa này – mong muốn tấn công trước sự suy yếu được báo trước. Do đó, sự tan rã của hệ thống phong tỏa lục địa đã thúc đẩy Napoleon tấn công Nga. Lo ngại của Đức về triển vọng hiện đại hóa quân sự của Nga là nguyên nhân dẫn đến Chiến tranh thế giới thứ nhất.

1729251579926.png


Có thể thấy được động lực tương tự trên chính trường phương Tây, vốn đã đầu tư đáng kể nguồn lực vào cuộc đối đầu với Nga. Việc Nga không muốn thất bại, mà ngược lại đang tiến dần tới mục tiêu của mình, khiến Mỹ và đồng minh thất vọng. Washington không thúc đẩy tiến tới hòa giải, mà hướng tới tìm kiếm các biện pháp mạnh mẽ hơn.

Do thất bại trong việc thực hiện kế hoạch phá hủy nền kinh tế Nga thông qua các biện pháp hạn chế và gây thất bại chiến lược cho Moskva bằng cách sử dụng lực lượng ủy nhiệm Kiev, phương Tây đang tiến gần hơn đến bờ vực xung đột quân sự trực tiếp với Nga. Đồng thời, họ cũng ngày càng bớt nhạy cảm với hậu quả có thể có của một kịch bản như vậy. Điều này giống như việc các tay cờ bạc ở Mỹ và các nước đồng minh đặt cược ngày càng lớn sau mỗi ván bạc.

Có thể thấy rõ máu phiêu lưu ngày càng tăng trong cuộc tranh luận về việc triển khai quân đội phương Tây tới Ukraine. Hơn nữa, các tướng lĩnh Mỹ dường như có trách nhiệm hơn đã nhập cuộc với các nhà lãnh đạo châu Âu quá khích đang lên tiếng về chủ đề này. Vì vậy, Charles Brown, người đứng đầu Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, đã kết luận rằng việc đưa quân của Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tới Ukraine là viễn cảnh tất yếu.

Sự sẵn sàng chấp nhận rủi ro của quốc gia phương Tây được củng cố bởi các quan điểm trái ngược nhau, nếu không nói là hoang tưởng, về Nga. Họ nhắc đi nhắc lại không mệt mỏi rằng tiềm năng của Moskva đã được đánh giá quá cao, và chiến dịch quân sự đặc biệt khiến Moskva càng suy yếu hơn. Đồng thời, không nhận thức được sự bất hòa, họ biện minh cho việc xây dựng lực lượng bằng cách viện dẫn mối đe dọa ngày càng tăng từ phía Nga.

Sự thiếu nhất quán cũng được thể hiện qua việc miêu tả Nga như một kẻ bành trướng vô độ muốn chinh phục các nước láng giềng, cùng với niềm tin vào việc tuân thủ Điều 5 của Hiệp ước Washington, vốn đảm bảo sự tương trợ đối với các nước thành viên NATO trong trường hợp một trong số họ bị tấn công.

Việc miêu tả Nga như một “con cọp giấy” – hung hãn nhưng yếu đuối – đặt nền móng cho việc gia tăng các biện pháp phòng ngừa nhằm đảo ngược xu hướng đối đầu hiện đang phát triển theo chiều hướng bất lợi cho phương Tây. Hơn nữa, những biện pháp này có thể được thực hiện bên ngoài Ukraine. Bằng chứng cho điều này là ý tưởng được định kỳ đưa vào các cuộc thảo luận của phương Tây – hạn chế Nga tiếp cận vùng Baltic – bỏ qua phản ứng khó tránh trước các mối đe dọa đối với Kaliningrad.

...........
 
Biển số
OF-155238
Ngày cấp bằng
4/9/12
Số km
27,417
Động cơ
656,417 Mã lực
Nơi ở
Sắp chuyển
(Tiếp)

Mọi việc sẽ đi về đâu?

Cho đến nay, các chính trị gia phương Tây vẫn chưa trực tiếp lên tiếng về ý tưởng tấn công quân sự vào Nga. Hiện tại, họ đang nêu ra vấn đề dựa trên giả định rằng Moskva sẽ không dám đáp trả. Hơn nữa, lập luận tiếp tục được đưa ra là NATO và các quốc gia thành viên không muốn một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp. Những lập luận này không loại bỏ được 2 nguy cơ.

Thứ nhất, tin tưởng vào khả năng răn đe hạt nhân, phương Tây có thể đi quá xa – theo đuổi hành động khiêu khích mà sẽ buộc Moskva phải bảo vệ các lợi ích sống còn của mình bằng mọi biện pháp sẵn có. Đề xuất phong tỏa biển Baltic hứa hẹn sẽ gây ra phản ứng như vậy.

Thứ hai, xu hướng ngày càng phiêu lưu mở đường cho sự thay đổi hơn nữa về ranh giới của những gì được cho là có thể chấp nhận đối với Mỹ và đồng minh. Logic đối đầu làm tăng khả năng thay đổi, một phần do sự tích lũy phí tổn phát sinh. Kết quả là các biện pháp sẵn có bắt đầu chi phối mục tiêu được theo đuổi.

1729251706283.png


Một yếu tố khác làm tăng nguy cơ đối đầu là tính tập thể của phương Tây. Tính chất bình đẳng của các mối quan hệ trong NATO thường được nhấn mạnh trong các cuộc thảo luận trong nước, do sự chi phối rõ ràng của Washington. Trong khi đó, chính vị thế chư hầu của các nước châu Âu lại khiến họ quan tâm hơn đến việc leo thang.

Các đồng minh của Mỹ lo sợ viễn cảnh Washington vì quá bận tâm đến cuộc cạnh tranh với Bắc Kinh mà thôi quan tâm đến họ và chỉ tập trung vào các vấn đề châu Á. Hiện thân của “câu chuyện kinh dị” này là Donald Trump. Tuy nhiên, châu Âu cũng lo ngại rằng kịch bản này sẽ trở thành hiện thực bất kể nhà lãnh đạo Mỹ có tính cách như thế nào.

Các đồng minh của Mỹ cho rằng thời gian đang chống lại họ. Theo đó, cuộc đối đầu với Nga đóng vai trò quan trọng, giúp biện minh cho việc duy trì sự chú ý của Washington tới chương trình nghị sự châu Âu. Các cuộc tranh cãi tại Quốc hội Mỹ về việc tài trợ cho Kiev hồi đầu năm đã gióng lên hồi chuông cảnh báo, cho thấy Mỹ đang đánh vật với các vấn đề nội bộ.

Theo logic tấn công phủ đầu, các thành viên châu Âu trong NATO có thể kết luận rằng việc kích động một cuộc đối đầu lúc này, khi Mỹ vẫn tham gia cuộc xung đột ở Ukraine và kiềm chế Nga, sẽ tốt hơn việc phải một mình đối đầu với Moskva sau này – kịch bản mà các quốc gia này không loại trừ.

Không ngạc nhiên khi các chính trị gia châu Âu lại là những người đưa ra các đề xuất thể hiện thái độ vô trách nhiệm và cực đoan nhất, chẳng hạn như đề xuất gửi quân tới Ukraine hay mở rộng sự đảm bảo của NATO tới vùng lãnh thổ do Kiev kiểm soát. Động lực nội bộ phương Tây thúc đẩy sự cạnh tranh giành vị thế “chiến binh ngoan cường nhất” chống lại Nga.

Từ kế hoạch đến thực tiễn

Trên thực tế, các nước thành viên NATO đang chuẩn bị cho một cuộc đụng độ quân sự với Moskva. Mô hình mới của lực lượng liên minh, được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh Madrid năm 2022, và các kế hoạch khu vực được chuẩn bị trên cơ sở mô hình đó bao gồm cả việc triển khai một nhóm đáng kể gồm 300.000 người trong vòng 30 ngày, bên cạnh lực lượng quân đội đã đóng quân dọc biên giới Nga.

Cơ sở của đợt triển khai lực lượng này là việc các nước Trung và Đông Âu tích cực mở rộng và hiện đại hóa quân đội. Về mặt này, Ba Lan đặc biệt khác biệt; nước này khẳng định vị thế là pháo đài chính của NATO, giống vị thế mà Bundeswehr nắm giữ trong nửa sau thế kỷ 20. Việc tăng quân số lên 300.000 người nhằm mục đích biến lực lượng vũ trang nước này thành lực lượng bộ binh lớn nhất của liên minh trong số các quốc gia châu Âu.

1729251760691.png


Các thành viên NATO đang công khai thực hành các kịch bản tác chiến tại các địa điểm có thể trở thành chiến trường ở Đông Âu và Bắc Âu, với trọng tâm là việc nắm vững các bài học về xung đột vũ trang ở Ukraine. Để phục vụ mục đích này, một trung tâm đặc biệt đang được thành lập ở thành phố Bydgoszcz, Ba Lan, nhằm đảm bảo hoạt động trao đổi kinh nghiệm thường xuyên giữa quân đội phương Tây và quân đội Ukraine.

Trong một khoảng thời gian dài, mắt xích yếu trong các nỗ lực của phương Tây là khả năng hạn chế của ngành công nghiệp quân sự. Tuy nhiên, các nước thành viên NATO ngày càng chú ý đến việc khắc phục hạn chế này. Sẽ là thiếu suy nghĩ khi cho rằng họ không thể tăng sản lượng theo thời gian, bao gồm cả việc tăng cường quan hệ giữa các công ty châu Âu và tổ hợp công nghiệp-quân sự Mỹ.

Nói về kết quả giữa chừng của các nỗ lực của phương Tây, các chuyên gia thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có ảnh hưởng của Washington trong báo cáo gần đây kết luận rằng NATO đã sẵn sàng cho một cuộc chiến trong tương lai. Kết luận mang tính khoa trương này đi kèm với lưu ý rằng liên minh vẫn cần phải nỗ lực chuẩn bị cho một cuộc đối đầu kéo dài và một cuộc đụng độ với Nga.

Những kết luận thiếu nhất quán như vậy từ phía các chuyên gia rõ ràng nhằm mục đích chính trị – mong muốn xác nhận tính đúng đắn của con đường đã chọn để kiềm chế Moskva, nhưng đồng thời cần huy động các quốc gia thành viên của liên minh chuẩn bị cho những nỗ lực hơn nữa trong lĩnh vực quân sự. Những kết luận đó một lần nữa củng cố logic “tăng tiền cược” trong cuộc chơi.

Tìm kiếm “điểm cân bằng vàng”

Liên quan đến câu hỏi trong tiêu đề bài viết, phân tích cho thấy câu trả lời rất có thể là “Có”. Trong vấn đề này, Nga phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là ngăn chặn leo thang trong bối cảnh khả năng của các nước phương Tây trong việc tiếp nhận các tín hiệu được gửi tới là thấp. Các nỗ lực tuyên truyền về mức độ nghiêm trọng của tình hình đều bị gạt sang một bên hoặc bị xem là biểu hiện của thái độ quyết đoán của Nga.

Trước sự tuyên truyền như vậy, các nước có nguy cơ rơi vào trạng thái bị kích động, từ đó tìm cách buộc kẻ thù phải từ bỏ đường lối mạo hiểm của mình bằng những hình thức thể hiện quyết tâm thậm chí còn mạo hiểm hơn. Cho đến nay, giới lãnh đạo Nga đã vượt qua sự cám dỗ này.

1729251820774.png


Đương nhiên, cần đáp trả các nỗ lực “tăng tiền cược” của phương Tây. Đồng thời, cần tập trung gây thiệt hại cho cả các quốc gia thành viên NATO chứ không chỉ các lực lượng ủy nhiệm của họ (đây là lúc cần đặt trọng tâm vào các “trung tâm ra quyết định” khét tiếng). Các tuyên bố về khả năng chuyển giao vũ khí tầm xa cho các đối thủ của Mỹ, cũng như chuyến thăm của tàu Nga tới Cuba, là những bước đi hợp lý trong vấn đề này.

Các hành động đáp trả cũng có thể bao gồm cả việc bắn hạ các thiết bị bay không người lái đang làm nhiệm vụ trinh sát cho Ukraine trên Biển Đen. Hơn nữa, hoạt động của các thiết bị bay không người lái này là cái cớ hợp lý cho việc ban bố lệnh cấm trực tiếp đối với hoạt động của chúng ở các vùng biển lân cận. Nga cũng có thể củng cố các biện pháp răn đe của mình bằng cách tổ chức các cuộc diễn tập ở Baltic, Địa Trung Hải hoặc Bắc Đại Tây Dương cùng với các quốc gia cũng bị xem là đối thủ của phương Tây.

Đồng thời, việc thực hiện các hành động đe dọa cần được cân nhắc dựa trên kinh nghiệm lịch sử, vốn cho thấy phản ứng trước những hành động này thường là gay gắt chứ không phải nhượng bộ. Điều này làm dấy lên câu hỏi về tính hợp lý của đề xuất được đưa ra trước đó là tiến hành tấn công hạt nhân nhằm mục đích phô diễn. Những hành động như vậy nhiều khả năng gây ra hậu quả trái với dự đoán của kẻ chủ mưu – chúng sẽ đẩy nhanh, chứ không phải trì hoãn, một cuộc đụng độ quân sự trực tiếp với NATO.
 
Biển số
OF-155238
Ngày cấp bằng
4/9/12
Số km
27,417
Động cơ
656,417 Mã lực
Nơi ở
Sắp chuyển
Seoul cho biết quân đội Triều Tiên giúp đỡ Putin là mối đe dọa 'nghiêm trọng' đối với thế giới

Hàn Quốc cho biết 12.000 quân từ miền Bắc đã được triển khai tới Nga.

Tổng thống Hàn Quốc cảnh báo hôm thứ Sáu rằng sự tham gia của Triều Tiên vào cuộc chiến ở Ukraine gây ra "mối đe dọa an ninh nghiêm trọng" cho thế giới.

1729267197927.png


Tổng thống Yoon Suk Yeol đã tổ chức một cuộc họp an ninh vào thứ sáu với các quan chức tình báo, quân sự và an ninh quốc gia chủ chốt để thảo luận về sự tham gia của Bình Nhưỡng vào cuộc tấn công của nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin vào Ukraine.

Theo văn phòng tổng thống , những người tham gia "chia sẻ quan điểm rằng tình hình hiện tại, trong đó mối quan hệ quân sự chặt chẽ giữa Nga và Triều Tiên đã mở rộng vượt ra ngoài phạm vi vận chuyển vật tư quân sự đến việc triển khai quân đội thực tế, gây ra mối đe dọa an ninh nghiêm trọng" đối với Hàn Quốc và cộng đồng quốc tế.

Cơ quan tình báo Hàn Quốc hôm thứ sáu cho biết họ tin rằng Triều Tiên đã bắt đầu triển khai bốn lữ đoàn với tổng cộng 12.000 quân, bao gồm cả lực lượng đặc nhiệm, vào cuộc chiến ở Ukraine.

Riêng người đứng đầu Cục Tình báo Quốc phòng Ukraine cũng chia sẻ đánh giá của cơ quan này rằng hiện có gần 11.000 quân bộ binh Bắc Triều Tiên đang huấn luyện tại Nga để chiến đấu tại Ukraine. "Họ sẽ sẵn sàng vào ngày 1 tháng 11", Trung tướng Kyrylo Budanov nói với The War Zone.

Budanov cho biết quân đội Bắc Triều Tiên sẽ sử dụng thiết bị và đạn dược của Nga. Nhóm đầu tiên gồm 2.600 quân sẽ đến Kursk bên trong nước Nga, nơi Ukraine bắt đầu cuộc tấn công bất ngờ vào cuối mùa hè, nhưng không rõ số quân còn lại của Bắc Triều Tiên sẽ được điều động đến đâu, ông nói thêm.

Vào tháng 6, Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã ký một hiệp ước đối tác chiến lược toàn diện , cam kết cả hai nước sẽ hỗ trợ quân sự cho nhau nếu một trong hai bên bị tấn công.
 
Biển số
OF-155238
Ngày cấp bằng
4/9/12
Số km
27,417
Động cơ
656,417 Mã lực
Nơi ở
Sắp chuyển
Nga 'đang yếu đi', Starmer phát biểu sau các cuộc đàm phán với Biden, Scholz và Macron

Thủ tướng Anh Keir Starmer phát biểu tại Berlin vào thứ sáu rằng chiến tranh đang gây thiệt hại cho Nga — nhưng có rất ít dấu hiệu cho thấy các đồng minh phương Tây lớn sắp tăng cường cam kết quân sự của họ đối với Ukraine hoặc đưa ra lời mời gia nhập NATO.

"Mặc dù tình hình vô cùng khó khăn, nhưng sự thật là Nga đang yếu đi", Starmer nói. "Cuộc chiến này đang ngốn mất 40 phần trăm ngân sách của họ... Tháng trước, Nga đã phải chịu tỷ lệ thương vong hằng ngày cao nhất từ trước đến nay".

1729267711986.png


Starmer đã có mặt tại Berlin để hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron — tất cả các bên đều khẳng định sự ủng hộ của họ vẫn vững chắc trước cuộc họp nhưng không đưa ra bất kỳ đảm bảo mới nào cho Kyiv.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã trình bày Kế hoạch Chiến thắng của mình với các nhà lãnh đạo châu Âu vào tuần này, nhằm mục đích đảm bảo lời mời gia nhập NATO ngay lập tức cùng với viện trợ quân sự bổ sung và nới lỏng các hạn chế về việc sử dụng tên lửa tầm xa được tài trợ vào các mục tiêu bên trong nước Nga.

Phát biểu tại Đại sứ quán Anh, Starmer cho biết các nhà lãnh đạo đã thảo luận về cách "tăng tốc hỗ trợ" cho Ukraine. "Khi Ukraine bước vào mùa đông khó khăn, điều quan trọng là phải nói rằng chúng tôi ở bên các bạn", Starmer nói.

"Chúng tôi hoàn toàn đoàn kết trong quyết tâm của mình và chúng tôi sẽ ủng hộ Ukraine chừng nào còn cần thiết."
 
Thông tin thớt
Đang tải

Bài viết mới

Top