(Tiếp)
Phản ứng của Nga trước viện trợ quân sự của phương Tây cho Ukraine
Đối mặt với sự viện trợ quân sự cho Ukraine từ Mỹ và các nước phương Tây, các lãnh đạo cấp cao và chỉ huy quân sự của Nga đã thực hiện hàng loạt biện pháp đáp trả.
Thứ nhất là sử dụng vũ khí hạt nhân để răn đe. Mỹ và các nước phương Tây không chỉ hỗ trợ quân sự cho Ukraine mà còn áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga. Vì lý do này, các quan chức cấp cao của Nga đã nhiều lần sử dụng vũ khí hạt nhân để răn đe, hơn nữa lực lượng răn đe chiến lược của họ đã bước vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu đặc biệt. Là nước kế thừa sức mạnh quân sự lớn nhất của Liên Xô, Nga có 6.255 đầu đạn hạt nhân đang trong biên chế và không trong biên chế (trong khi Mỹ có 5.550), khiến nước này trở thành kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới. Tên lửa đạn đạo liên lục địa Topol-M của Nga có thể mang 4 đầu đạn hạt nhân với sức công phá 550.000 tấn TNT, một khi được đưa vào sử dụng, nó đủ sức san bằng một thành phố, đồng nghĩa với việc xảy ra chiến tranh hạt nhân.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa Topol-M
Kể từ ngày thứ hai của chiến dịch quân sự đặc biệt, Nga bắt đầu nhấn mạnh đến khả năng răn đe hạt nhân và nhiều lần tuyên bố sẽ không ngần ngại sử dụng vũ khí hạt nhân. Vào ngày 21 tháng 9 năm 2022, Putin nói trong buổi động viên quân sự rằng: "Nếu toàn vẹn lãnh thổ quốc gia của chúng ta bị đe dọa, chúng ta sẽ dùng mọi biện pháp để chống trả. Đây hoàn toàn không phải là một lời nói suông". Cái gọi là "mọi biện pháp" của Putin được hiểu là "có thể sử dụng vũ khí hạt nhân".
Ngày 24 cùng tháng, Ngoại trưởng Nga Lavrov cũng nhiều lần tuyên bố rằng, sau khi sáp nhập 4 khu vực, trong đó có Donetsk vào Nga, mọi luật lệ và chiến lược liên quan đến vũ khí hạt nhân sẽ "áp dụng cho tất cả các vùng lãnh thổ".
Ngày 7 tháng 12, khi Putin tham gia "Hội nghị thường niên của Ủy ban Phát triển Nhân quyền và Xã hội dân sự" qua truyền hình trực tuyến, ông chỉ ra rằng: "mối đe dọa chiến tranh hạt nhân đang gia tăng" và "Nga coi việc sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt và vũ khí hạt nhân là biện pháp phòng thủ, tức là chỉ trong trường hợp bản thân bị tấn công mới tiến hành đánh trả”.
Ngày 19 tháng 1 năm 2023, Medvedev, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga, cảnh báo NATO rằng, sự thất bại của một cường quốc hạt nhân trong một cuộc chiến tranh thông thường có thể dẫn đến sự bùng nổ của một cuộc chiến tranh hạt nhân. Về vấn đề này, Dmitry Peskov, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga và là người phát ngôn Điện Kremlin giải thích tuyên bố của Medvedev: “Điều này hoàn toàn phù hợp với chiến lược hạt nhân của Nga, cho phép Nga thực hiện các cuộc tấn công hạt nhân trả đũa khi sự sống còn của nước này bị đe dọa”. Chiến lược răn đe hạt nhân của Nga luôn giơ “thẻ đỏ” cho Mỹ và các nước phương Tây ủng hộ Ukraine.
Thứ hai là ngăn chặn vũ khí và thiết bị do phương Tây hỗ trợ. Đối mặt với sự phong tỏa quân sự của Nga, Mỹ và các nước phương Tây khác đã làm mọi cách để đưa vũ khí và thiết bị viện trợ vào Ukraine. Viện trợ quân sự từ Mỹ và các nước phương Tây khác là giải pháp chính để quân đội Ukraine "tiếp tục sống sót". Nếu tuyến đường vận chuyển viện trợ có thể bị ngăn chặn một cách hiệu quả, chiến dịch quân sự đặc biệt của quân đội Nga sẽ sớm kết thúc. Tuy nhiên, “tuyến vận chuyển” của Ukraine vẫn tồn tại. Hiện tại, sân bay Rzeszów-Jasionka ở Ba Lan hàng ngày đều có các máy bay chở thiết bị quân sự cung cấp cho Ukraine cất và hạ cánh. Sân bay này được triển khai nhiều hệ thống tên lửa phòng không Patriot của Mỹ và cách biên giới với Ukraine khoảng 70 km, là sân bay được bảo vệ nghiêm ngặt nhất ở châu Âu hiện nay.
Đồng thời, vận tải đường sắt đóng một vai trò quan trọng, sự tồn tại lâu dài của vận tải đường sắt ở Ukraine có liên quan trực tiếp đến số lượng quân Nga ít và thực tế là miền Tây Ukraine chưa bị phong tỏa. Ngoài ra, một số “tình nguyện viên” gồm các đơn vị vận chuyển, tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp… đã tham gia vận chuyển một số thiết bị phòng hộ. Tất cả những điều này khiến Nga rất lo lắng và nước này đang tìm kiếm những biện pháp đối phó hiệu quả.
Về vấn đề này, ngoài cảnh báo và răn đe bằng vũ khí hạt nhân, Nga còn quy định tất cả các đoàn xe vận chuyển vũ khí, thiết bị của NATO sau khi vào Ukraine sẽ ngay lập tức trở thành mục tiêu tấn công bằng tên lửa của Nga và Nga sẽ thực hiện tấn công đường sắt, phá hủy các cây cầu, tấn công các sân bay quân sự của Ukraine. Vào ngày 25 tháng 4 năm 2022, quân đội Nga đã sử dụng vũ khí dẫn đường chính xác để phá hủy một số trung tâm đường sắt có ý nghĩa chiến lược quan trọng của Ukraine ở phía tây Kiev, phá hủy cây cầu nối Odessa và Romania để ngăn chặn vũ khí trang bị của các nước phương Tây do Mỹ dẫn đầu vận chuyển đến vùng Donbass.
Chuyên gia quân sự Nga Viktor Baraniec cũng đưa ra gợi ý cho quân đội Nga: Các hướng tấn công chính trong tương lai là các tuyến đường bộ, cầu cống và các trung tâm đường sắt cung cấp viện trợ quân sự từ Ba Lan, cũng như các phương tiện bọc thép của quân đội Ukraine nhập về từ phía tây và di chuyển từ trung tâm đến phía đông. Mục tiêu tấn công quan trọng nhất là cầu đường sắt biên giới bắc qua sông Dniester, cầu treo vùng Odessa và cầu bắc qua sông Stokhod. Vào ngày 16 tháng 12 năm 2022, một phần trong cuộc tấn công quy mô lớn của quân đội Nga là nhằm ngăn chặn các chuyến hàng vũ khí của phương Tây đến Ukraine, hệ thống chỉ huy quân sự của Ukraine và các cơ sở năng lượng hỗ trợ của nước này đã bị tấn công bởi tên lửa có độ chính xác cao, với quy mô lớn.
Cầu đường sắt biên giới bắc qua sông Dniester
Thứ ba là gây thiệt hại nặng cho Starlink. Nga đã tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt trong một năm qua, nhằm cắt đứt hệ thống liên lạc của quân đội Ukraine, quân đội Nga đã khiến binh sĩ Ukraine trở thành mục tiêu sống mà không có sự chỉ huy, từ đó phân chia và kiểm soát chiến trường một cách hiệu quả, đồng thời chế áp quân đội Ukraine thông qua động viên quân sự. Tuy nhiên, quân đội Ukraine có một trợ thủ vô cùng quan trọng, đó là Starlink của Musk người Mỹ. Starlink là mạng Internet có phạm vi phủ sóng cực rộng, nó truyền tải và chia sẻ thông tin qua các vệ tinh được Musk phóng lên vũ trụ. Thiết bị đầu cuối Starlink được trang bị cho các đơn vị chiến đấu cấp tiểu đội và trung đội của quân đội Ukraine, binh sĩ Ukraine có thể dễ dàng tìm thấy vị trí mục tiêu của quân đội Nga, gây ra mối đe dọa lớn cho quân đội Nga.
Trên chiến trường Nga-Ukraine, rất nhiều thông tin chiến đấu được truyền lên đám mây bằng hệ thống này, sau đó đám mây được phân tích để xác định thông tin vị trí mục tiêu của quân đội Nga, từ đó khiến quân đội Ukraine trong khu vực nhiệm vụ tương ứng có thể hoàn thành nhiệm vụ tấn công quân đội Nga. Vào ngày 29 tháng 10 năm 2022, nhóm tàu không người lái và máy bay không người lái của quân đội Ukraine đã tiến hành một cuộc tấn công “tự sát” tầm xa vào các tàu đang neo đậu của Hạm đội Biển Đen của Nga, Starlink đã cung cấp thông tin vị trí.
Đầu tháng 1 năm 2023, điểm đồn trú tạm thời của quân đội Nga đã bị pháo phản lực HIMARS tấn công, đó là thông tin do Starlink cung cấp, khiến 89 người thiệt mạng. Musk vốn đầy tham vọng đã có kế hoạch phóng 42.000 vệ tinh vào không gian để tín hiệu Starlink có thể phủ sóng mọi nơi trên thế giới. Starlink vốn ban đầu được sử dụng cho mục đích thương mại, đã được sử dụng trong cuộc xung đột Nga-Ukraine. "Ở đâu có giáo, ở đó tất sẽ có khiên". Để đối phó với Starlink, nhóm nghiên cứu Nga đã phát triển hệ thống Borshchev, dựa vào hệ thống này để thực hiện các biện pháp đối phó với Starlink.
Khi Starlink của Musk bước vào giai đoạn đầu của chiến trường Nga-Ukraine, Nga đã tìm kiếm biện pháp đối phó nhưng mãi đến tháng 12 năm 2022 mới công bố. Gần đây, hệ thống Borshchev đã được thử nghiệm chiến đấu thực tế trong chiến dịch quân sự đặc biệt. Kết quả cho thấy hệ thống Borshchev có phạm vi phát hiện lên tới 10 km và có thể phát hiện thiết bị đầu cuối Starlink, không chỉ có thể phát hiện kịp thời các trận địa phòng thủ của quân Ukraine, mà còn xác định chính xác vị trí của lính Ukraine và lính đánh thuê.
Thông qua hệ thống này, quân đội Nga đã truyền thông tin về các vị trí cụ thể của binh lính Ukraine và lính đánh thuê cho pháo binh, pháo binh ngay lập tức tấn công các khu vực này. Việc quân đội Nga sử dụng rộng rãi hệ thống Borshchev trên chiến trường để gây thiệt hại nặng nề cho quân đội Ukraine có khả năng sẽ đảo ngược "khoảng cách khác biệt về thông tin" hiện tại giữa Nga và Ukraine. Việc quân đội Ukraine tiếp tục sử dụng Starlink để bộc lộ vị trí bản thân, hay từ bỏ nó để tự cứu mình, sẽ là một lựa chọn đầy khó khăn.
Trên thực tế, Nga đã tìm mọi cách để khắc chế Starlink. Ngoài việc cảnh báo Musk không nên can thiệp vào cuộc xung đột Nga-Ukraine, còn sử dụng hacker để thực hiện các cuộc xâm nhập và từng làm tê liệt hàng trăm vệ tinh Starlink. Đồng thời, Nga còn dùng vũ khí laser bắn hạ các vệ tinh bị bỏ rơi của chính mình để chứng tỏ Nga cũng có thể tấn công các vệ tinh Starlink. Không những vậy, Nga còn tiến hành làm tê liệt toàn diện hệ thống năng lượng trên khắp Ukraine thông qua tấn công hệ thống liên lạc và chỉ huy của quân đội Ukraine, khiến hiệu quả của Starlink bị suy giảm đáng kể./.