(Tiếp)
Lãnh thổ hải ngoại của Pháp
Đối với Pháp, khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là một không gian địa chính trị có tính liên tục về địa chiến lược và gắn kết về mặt lịch sử. Tuyến đường từ Indonesia đến Madagascar, từ Oman đến Singapore, từ Nhật Bản đến Australia và từ Trung Quốc đến Polynesia là những tuyến đường biển quan trọng kết nối các nhóm dân số và kinh tế lớn nhất của thế kỷ 21. Đó là “tuyến đường an ninh liên tục kéo dài từ Djibouti đến Polynesia thuộc Pháp”.
Lãnh thổ hải ngoại La Réunion thuộc Pháp
Các lãnh thổ hải ngoại của Pháp có dân số tổng cộng là 1,65 triệu người, trong đó hơn 1 triệu người ở khu hành chính La Réunion và Mayotte thuộc Ấn Độ Dương. Sự hiện diện ở cả hai đại dương này mang lại cho Pháp vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) lớn thứ hai thế giới (10,2 triệu km2). Hơn 90% EEZ của Pháp nằm ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó khoảng 60% nằm ở Thái Bình Dương, chủ yếu xung quanh Polynesia thuộc Pháp. Pháp là cường quốc duy nhất của Liên minh châu Âu (EU) hiện diện tích cực ở khu vực, với cả lực lượng quân sự được bố trí trước (FAZSOI ở La Réunion, FANC ở New Caledonia và FAPF ở Polynesia thuộc Pháp), với tổng số hơn 7.000 người.
Tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Pháp là quốc gia châu Âu duy nhất có chủ quyền đối với 7 vùng, khu vực hành chính và cộng đồng (sau đây gọi là lãnh thổ hải ngoại), với 1,6 triệu công dân Pháp: Mayotte, La Reunion, New Caledonia, Wallis và Futuna, Polynesia thuộc Pháp và TAAF (Vùng đất phía Nam và Nam Cực thuộc Pháp). Các vùng lãnh thổ này kéo dài từ Ấn Độ Dương đến Thái Bình Dương, tương ứng với 9 trong số 11 triệu km2 EEZ của Pháp, khiến Pháp có EEZ lớn thứ hai thế giới. Hơn 200.000 công dân Pháp cũng sống ở các quốc gia ven biển Ấn Độ Dương, ở châu Á và châu Đại Dương.
Theo Thỏa thuận Nouméa năm 1988, cuộc tham vấn (trưng cầu dân ý) lần thứ ba về nền độc lập của New Caledonia được tổ chức ngày 12/12/2021. Giống như trong các cuộc trưng cầu dân ý ngày 4/11/2018 và ngày 4/10/2020, công dân New Caledonia bỏ phiếu chống lại chủ quyền và độc lập hoàn toàn. Theo các cam kết được đưa ra ngày 1/6/2021, giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 18 tháng, bắt đầu sau cuộc tham vấn thứ ba, để xây dựng kế hoạch chi tiết chung cho New Caledonia và củng cố vị thế của nước này ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Lãnh thổ hải ngoại New Caledonia
Việc bảo vệ công dân và lãnh thổ có chủ quyền của Pháp, đặc biệt là các EEZ của nước này, là một trong những nhiệm vụ chiến lược của Chính phủ Pháp, với cách tiếp cận cụ thể ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Việc thực hiện chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm giải quyết các mối quan ngại và nhu cầu của các vùng lãnh thổ. Với quan điểm hội nhập khu vực của các lãnh thổ Pháp, ưu tiên được dành cho việc hỗ trợ tăng cường trao đổi kinh tế và giáo dục với các nước trong khu vực; phát triển tiềm năng về tính hấp dẫn và đổi mới của các vùng lãnh thổ, cũng như trong các lĩnh vực kinh tế biển, năng lượng mới và công nghệ kỹ thuật số; tăng cường kỹ năng của các cơ quan và viện nghiên cứu địa phương, thông qua hợp tác khu vực, trong việc chống biến đổi khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh học và quản lý bền vững tài nguyên biển.
Pháp triển khai thực hiện các hoạt động cấp cao để góp phần vào sự ổn định ở Tây Bắc Ấn Độ Dương. Sự hiện diện quân sự của Pháp dựa trên việc tăng cường hợp tác khu vực. Sự hiện diện này nhằm duy trì năng lực can dự và quyền tự do đi lại từ vùng Vịnh đến kênh đào Suez. Lực lượng của Pháp ở Djibouti và Các tiểu vương quốc Arập thống nhất là “chìa khóa” để thực hiện đầy đủ hợp tác quốc phòng và hành động an ninh khu vực.
Lực lượng vũ trang Pháp đảm bảo sự hiện diện mạnh mẽ với hơn 7.000 binh sĩ, điều cần thiết để bảo vệ chủ quyền của Pháp và cùng với các đối tác chính của Pháp đóng góp vào an ninh khu vực. Là một quốc gia Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Pháp cũng mong muốn trở thành lực lượng mang lại sự ổn định và thúc đẩy các giá trị tự do và pháp quyền.
Lực lượng vũ trang Pháp tại lãnh thổ hải ngoại
Pháp duy trì sự hiện diện quân sự thường trực ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, với 5 bộ chỉ huy cấp cao bao trùm toàn bộ khu vực. Các lực lượng này là nền tảng cho hành động phòng thủ của Pháp trong khu vực. Lực lượng này đóng vai trò trung tâm trong các nỗ lực hợp tác, thông qua việc tham gia nhiều hoạt động chung và chương trình huấn luyện, đồng thời đóng vai trò dẫn đầu trong việc sơ tán công dân Pháp cũng như hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai (HADR).
Lực lượng vũ trang của khu vực Nam Ấn Độ Dương (FAZSOI) tạo thành nền tảng triển khai lực lượng ở khu vực này, chịu sự cạnh tranh chiến lược, nơi các đồng minh và đối tác có năng lực hành động hạn chế. Ở Nam Thái Bình Dương, Lực lượng vũ trang New Caledonia (FANC) và Lực lượng vũ trang Polynesia thuộc Pháp (FAPF) cho phép Pháp đảm bảo an ninh cho các vùng lãnh thổ, EEZ và không phận có chủ quyền của mình. Năng lực bảo vệ và giám sát này được mở rộng đến giới hạn lãnh thổ của Melanesia và Polynesia.
Sự hiện diện này góp phần thực hiện các nhiệm vụ khu vực vượt ra ngoài lãnh thổ có chủ quyền của Pháp, hợp tác với Mỹ, Australia và New Zealand để hỗ trợ Diễn đàn các đảo và quốc đảo Thái Bình Dương.
Mạng lưới gồm 18 phái bộ quốc phòng do các tùy viên quốc phòng dẫn đầu, được chính thức công nhận ở 33 quốc gia và khoảng 15 sĩ quan liên lạc và hợp tác, đảm bảo phạm vi địa lý có khả năng bảo vệ công dân và vùng lãnh thổ Pháp cũng như thực hiện các hoạt động hợp tác quốc phòng.
Cuối cùng, mạng lưới cơ quan an ninh nội địa, gồm 7 nhân viên, quản lý và phát triển các hoạt động hợp tác song phương, đa phương và khu vực với 27 quốc gia trong khu vực trong các lĩnh vực chống khủng bố, di cư bất thường và tội phạm có tổ chức, cũng như hợp tác dân sự, an ninh dân sự và quản lý khủng hoảng.
Lực lượng vũ trang Pháp tại lãnh thổ hải ngoại
Lực lượng vũ trang Pháp theo dõi chặt chẽ những thay đổi chiến lược trong khu vực cũng như những thay đổi trong môi trường quốc phòng. Năng lực phân tích đã được công nhận này hỗ trợ cho sự hợp tác với các đối tác quan trọng trong khu vực. Bản chất thường trực của năng lực và cơ sở hạ tầng của Pháp cũng như trình độ chuyên môn của lực lượng nước này ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương chứng tỏ độ tin cậy của sự hiện diện, đóng góp của nước này cho an ninh và sự ổn định khu vực cũng như sự hỗ trợ của nước này đối với các đối tác.
Trong một thế giới toàn cầu hóa, các cường quốc khu vực cảm thấy cần mở rộng ảnh hưởng và khả năng của mình ra ngoài vùng ngoại vi. Để đạt được mục tiêu này, cần cân nhắc xem thời gian và khoảng cách đã giảm đi bao nhiêu theo quan điểm chiến lược. Mong muốn của các cường quốc khu vực về việc nâng cao phạm vi tiếp cận của họ một cách lâu dài chiếm ưu thế trước sự phân chia địa lý của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Pháp tăng cường quan hệ đối tác với Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản, cũng như với các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), nhằm giúp củng cố sự tự chủ chiến lược của họ. Bằng cách này, Pháp tìm cách chống lại việc phá vỡ trật tự quốc tế dựa trên luật pháp và duy trì chủ nghĩa đa phương nhiều nhất có thể.
Pháp ủng hộ việc châu Âu cam kết tăng cường trên nhiều lĩnh vực an ninh hàng hải. Để duy trì những thành tựu của EU trong các dự án MASE (an ninh hàng hải) và CRIMARIO (các tuyến hàng hải quan trọng ở Ấn Độ Dương), được thực hiện với sự hợp tác của Ủy ban Ấn Độ Dương (IOC), Pháp cùng với EU thúc đẩy tính bền vững của cấu trúc an ninh biển khu vực trong khuôn khổ IOC.
Nguy cơ leo thang không kiểm soát là rất cao ở khu vực vốn thiếu cơ chế kiểm soát khủng hoảng này. Để phù hợp với các nguyên tắc và giá trị được thể hiện trong hoạt động quốc tế của mình, Pháp nỗ lực hướng tới một trật tự quốc tế đa phương dựa trên pháp quyền và chia sẻ mục tiêu này với các đối tác quan trọng của mình ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Vì quyền tự do đi lại trên các eo biển quốc tế, Pháp phản đối mọi nỗ lực nhằm tạo ra sự đã rồi, đơn phương sửa đổi các hệ thống hiện có hoặc thách thức luật pháp quốc tế thông qua việc sử dụng vũ lực.
Để duy trì trạng thái cân bằng trước chủ nghĩa đơn phương, Pháp muốn bảo vệ lợi ích của mình về mặt ngoại giao và quân sự, đảm bảo sử dụng hợp lý các không gian biển chung, bắt đầu từ biển cả, đáy biển và quyền tự do đi lại trên các tuyến đường. Trong bối cảnh quốc tế đầy bất ổn, không gian Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là trung tâm của chiến lược này.