Tuy đã lên định mức từ đầu, nhưng đến hôm cuối cùng cả đoàn vẫn phải đun thêm nước uống cho chặng về, đồng thời hỏa thiêu những gì còn sót lại của thế giới văn minh, trả lại sự nguyên sơ cho núi rừng. Nhờ hai tấm vỉ nhựa đựng trứng nên ngọn lửa bốc cao, trùm lên cả nồi nước, nhân đó cung cấp thêm cho đoàn quân sau mấy ngày mệt mỏi ít hợp chất clorua để lấy sức xuống núi (HCl- hydro clorua, hay CH3Cl - mentyn clorua … phân hủy khi nhựa bị cháy). A Sính đứng nhìn bếp lửa bùng cháy, oai vệ như … Gia Cát Lượng hỏa thiêu Tân Dã năm xưa.
Có lẽ do lịch sử nước ta gắn liền với nền văn minh sông Hồng, vùng châu thổ lắm sông ngòi, đầm lầy nên những võ công oanh liệt thường gắn với sông nước, Bạch Đằng, Chương Dương, Vạn Kiếp…, nếu có diễn ra trên bộ thì cũng dựa vào địa hình hiểm yếu để phục binh như phòng tuyến sông Như Nguyệt hay ải Chi Lăng. Tuy có lửa cháy pháo nổ như Đống Đa, nhưng cũng không hẳn là hỏa công như của Tàu, bởi thế em đành phải mượn sử Tàu để ví von. Công nhận cái khoản bốc phét như thật thì truyện Tàu là số một. Gia Cát Lượng hỏa thiêu Tân Dã, hay Trương Phi một mình một ngựa, đứng giữa cầu Trường Bản, chỉ tiếng thét cũng đủ lui quân Tào … tuyền là bịa đặt cả. Trong thực tế thì chỉ bị 5 ngàn kỳ binh Tào Tháo truy kích mà chủ tớ Lưu Bị, Trương Phi, Khổng Minh, Từ Thứ … cướp đường mà chạy, bỏ mặc cả vợ con, ngựa xe và hàng vạn dân chúng. Sở dĩ Tào Tháo không truy sát Lưu Bị, một phần vì sợ “chó cùng rứt dậu”, nhưng chính là do mục tiêu của Tào Tháo tiến chiếm địa bàn chiến lược Giang Lăng, nơi chứa vũ khí, lương thảo, nên ông thầy bốc phét La Quán Trung mới có cơ hội múa bút một tấc lên trời, tưởng tượng nên một trận hỏa công hoành tráng để dồn công cho Khổng Minh, chứ không lẽ lại miêu tả trận đầu ra mắt của “vạn đại quân sư” mà cả chủ lẫn tớ bỏ chạy như chuột thì cũng kỳ! Hồi em lớn lên là lúc cuộc chiến tranh biên giới giữa ta với TQ nổ ra và diễn ra dằng dai hết quãng đời đi học của em. Vì bị tuyên truyền và giáo dục theo tinh thần Sát Thát nên chẳng bao giờ em tin các quân tử Tàu, tuyệt nhân (Lưu Bị), tuyệt trí (Khổng Minh), tuyệt dũng (Quan Vũ)… là có thật cả. Ấy vậy mà đến tận bây giờ vẫn có quan chức tỉnh nọ (STr) suýt nữa dựng tượng kẻ hữu dũng vô mưu trấn ải biển Đông! Không lẽ đầu các vị ấy chỉ dùng để … trồng cây?
Hồi học ở trường Bắc Đại (ĐHBK), em hay tận dụng các giờ Lịch Sử để “nói đểu” sử Tàu, bởi em toàn chọn các chi tiết độc trong các giáo trình sử ta viết về sử Tàu thời kỳ Nam Bắc không đội trời chung để mà xỉa xói. Các “lảo sư” cãi không lại, tức lắm mà không làm gì được, phải rỉ tai nhau, miệng lưỡi thằng chả lợi hại lắm, đừng cãi nhau với nó! Có lần bàn về Tam Quốc, em bảo, “ngộ” không thích Khổng Minh lẫn nhà Thục Hán, “lảo sư” gục gặc đầu, ngộ cũng không thích, văn chương do đám hủ nho bịa đặt ấy mà, đừng có tin. Thế là thầy trò hỉ hả ngồi nói xấu dòng được coi là chính thống của Tàu suốt buổi, làm em sướng âm ỉ đến tận bây giờ.