Trước mặt cũng là Tả Yàng Phình, nhưng không phải là núi, mà là tên của bản người Mông, chìm khuất trong mây mù. Theo như em biết thì bản Mông dưới kia chính là nơi đoàn làm phim của hãng Phim truyện Việt Nam về quay bộ phim “Thung lung hoang vắng” năm 2001. Bộ phim kể về những thầy cô giáo miền xuôi lên vùng cao gieo chữ, giúp những đứa trẻ miền núi có được chút hành trang bước vào đời. Dù phải đối mặt với rất nhiều gian khổ khó khăn, lẫn những ngang trái trong mối tình lứa đôi, tay ba tay tư, nhưng các thầy cô giáo vẫn kiên trì bám trụ, tận tụy với sự nghiệp trồng người. Giá em mà như thầy Tành trong phim chắc cũng xin cắm bản với hai người đẹp đồng nghiệp đến trọn đời quá! Công việc thì nhàn hạ, lại có chức Hiệu trưởng oai vệ. Cái trường mà các thầy cô “cắm bản”, thực ra chỉ được gọi là “điểm trường” thôi, vì chỉ được quãng hơn chục học trò, thế mà có hẳn đến ba thầy cô giáo, thành ra hơi phí. Em thấy thầy Tành, Hiệu trưởng, chẳng phải dạy dỗ gì, mà toàn hết đánh kẻng, lợp lại mái nhà bị dột, dỗ con nít theo anh chị đến lớp khóc nhè, lại đi chợ mua rau, buổi tối thì ngồi hút thuốc, uống chè vặt, rỗi việc lại sang phòng cô Dao, cô Minh quanh quẩn tán gái. Để giữ cho trường khỏi tan, khi cô giáo Minh thất vọng vì mối tình đơn phương dành cho thầy không được thầy đáp lại, trong khi thầy dành trọn trái tim cho cô giáo Dao, nên cô Minh bỏ về xuôi, thầy lên lớp không biết dạy gì, bèn ra cái đề bài “tả con trâu hoặc xay ngô” cho bọn học trò muốn làm đề gì thì làm. Thế mà thầy lại để vuột cô Dao vào tay anh Hùng địa chất. Mà cái anh Hùng này kể ra cũng đại tài, một mình lặn lội đi tìm kiếm, thăm dò vỉa quặng lẫn “khoan thềm lục địa” … cô giáo, việc nào cũng giỏi. Rồi con bé Mỵ, học trò cô Dao đem lòng yêu anh Hùng, chứng kiến anh Hùng, cô Dao cùng nhau tắm “nude” bên suối, buồn quá đòi nghỉ học, đến chuyện dân bản cấm con cái đi học vì cho rằng tấm gương cô Dao không đủ sáng để con cái họ noi theo … Thực ra người miền ngược nói chung trong việc yêu đương trước hôn nhân thoáng hơn người Kinh (Đấy là em nói theo truyền thống trước đây thôi, chứ người xuôi bây giờ em không dám chắc). Đến tuổi cập kê, trai gái miền ngược thích nhau thì hẹn nhau “đi sim”, đi chơi hang đá với nhau cả tuần. Đêm đêm chàng trai lấy gậy chọc vào sàn gác hay gõ vào vách theo đúng ám hiệu thì người yêu lại gỡ ván để chàng chui vào, “Anh không có lòng thì thôi/ Anh có lòng thì về/ Ta ở với nhau một đêm”. Đến gần sáng, chàng trai lại gỡ ván chui ra, nhảy xuống sân đi về nhà mình. Bố mẹ cô gái biết, nhưng không cấm cản, bởi đó là tập tục đã có từ ngàn xưa. Cuối những năm 50, đầu 60 của thế kỷ trước, thầy giáo Nguyễn Văn Bôn (anh hùng đầu tiên của ngành giáo dục) lên Mường Tè dạy học, vận động đồng bào dựng lán cho bọn trẻ ở lại trường. Một đêm đi kiểm tra, thầy phát hoảng khi thấy bọn học trò chung chạ như kiểu quần hôn, nhưng bố mẹ chúng coi là chuyện bình thường. Có dân tộc, cứ mỗi lần qua đêm với một chàng trai, hôm sau cô gái lại tìm gỗ, dùng con dao quăng cặm cụi đẽo một “củ” lin-ga, để ngày về nhà chồng mang theo. Cô vợ nào mà đủ một lù cở lin ga thì niềm tự hào và hãnh diện của anh chồng không để đâu cho hết. Nhưng lấy chồng rồi thì tất cả những mối quan hệ trước đó đều phải chấm dứt, nếu còn vương vấn thì mỗi năm đến chợ tình than thở với nhau một đêm rồi ai lại về nhà nấy. Sở dĩ em nói hơi dài, bởi em thấy có vẻ như phim ảnh nước Nam thường đem cái suy nghĩ của người xuôi để vận vào cho người miền ngược. Chuyện cô giáo và người yêu tắm suối, trong mắt bố mẹ học trò có gì ghê gớm lắm đâu mà phải ngăn cấm, sợ con cái học theo?