Từ vách đá đi lên, đường hoàn toàn đi trong rừng trúc. Gió hầu như đã đổi sang hướng khác nên chỉ nghe xào xạc trên đầu. Cung này không nhiều người đi nên lối đi đầy lá rụng, rất khó nhận ra giữa bạt ngàn những cây trúc dẻo dai, mọc ken dày.
Không còn những vách đá dựng đứng như dọc đường lên, cả đoàn cứ len lỏi trong rừng mà đi. Đến một chỗ tương đối bằng phẳng, xung quanh rừng trúc mọc dày, có một đám cây, thân được bao bọc bằng mấy lớp rêu như một lớp áo giáp dày, xốp để giúp cây tồn tại giữa thiên nhiên khắc nghiệt, A Sính bảo đây là chỗ cao nhất rồi. Thực sự là mấy anh em hơi bất ngờ, vì trong suy nghĩ, ít ra đỉnh phải là một khối đá hùng vĩ, hay ít ra phải là ... tảng đá con con
, đằng này thấy toàn cây với đất, giống như đỉnh Pu Tả Lèng. Nhưng điều an ủi lớn nhất là đỉnh nãy chưa được các cụ tự cho mình cái quyền đặt chóp đánh dấu với các thông tin tự chế, không ai kiểm chứng.
Mấy anh em mỗi người góp một chân bên tảng rêu nhìn như có "bông hoa nhài cắm bãi cxx trâu"
, tự mình công nhận với mình rằng đã lên đến đỉnh.
Đúng là "lên đỉnh", mặt mũi ai nấy đều có vẻ phởn phơ, thỏa mãn
.
Theo như A Sính nói đây chỉ là ngọn về nhì, tức là "hàm dưới cụ Rùa", còn đỉnh cao nhất kia thì nằm bên cạnh. Chưa ai leo lên đó nên không rõ nó cao bao nhiêu. Còn ngọn này, theo thiết bị của Thủ lĩnh mang theo, gọi là tham khảo thôi chứ chẳng có giá trị gì
, lúc thì thấy chỉ 2648m, lúc thì chỉ 2654m, lúc lại chỉ đến 2663m, nên em nghĩ chắc cao khoảng 2650m- 2660m gì đó cho dễ nhớ.
Về độ cao của các ngọn núi nước ta, em nghĩ chắc chỉ có Phan Xi Pan là chính xác, vì trước đây đã được các nhà khoa học Pháp đo đạc và tính toán một cách công phu, nghiêm túc. Vào những năm 1960s, các nhà khoa học Liên Xô lại được mời sang trắc đạc một lần nữa. Cả hai đều đưa ra con số thống nhất là 3143m nên không ai dám cãi. Còn các đỉnh khác, phần lớn đều do các cụ nghiệp dư tự phong. Các thiết bị của "dân chơi" phần lớn đều dựa trên nguyên lý của khí áp kế để tính toán độ cao, mà khí áp thì phụ thuộc vào môi trường, thời tiết, nhiệt độ ... rất lớn, vì thế sai số là thường. Ngay cả con số 3096m cho ngọn Tả Yàng Phình mà cụ GS Lê Bá Thảo đưa ra trong cuốn sách em nhắc đến trên đây chưa hẳn đã đúng.
Đấy là về lý thuyết, còn nhóm bọn em thực ra leo cho vui thôi. Niềm vui là ở đường đi, chứ không chỉ là đích đến.
Trong các chuyến đi khác, lên được đỉnh coi như cung đường đã gần hết khó khăn. Nhưng chuyến này, "lên đỉnh" chưa hẳn đã xong việc. Đoạn đường xuống núi còn lắm gian nan. Hoặc phải đứng xoay lưng vào vách núi, bám cây tụt xuống. Hoặc úp mặt vào vách leo xuống, không có cách nào dễ hơn cách nào, đều phải treo người vào vách núi tụt xuống. Lúc lên, nếu tinh thần giao động thì có thể bỏ cuộc, ngồi dưới đợi anh em. Nhưng đã trót leo lên lưng hổ rồi, dù có tim đập chân run thì cũng phải cố mà xuống, không lẽ ở lại xây nhà trên núi. Lúc lên còn chưa kịp sợ. Lúc leo xuống, đã ngấm cả độ cao lẫn tiếng gió mây gầm thét, càng nghĩ càng kinh. Hai tay bám chặt những bụi cây bên vách núi, chân quờ quạng dò tìm điểm đặt, lần lần thả người xuống. Lúc này mà sơ sẩy chân tay không còn cơ hội sửa sai. Vẫn như thông lệ, Thủ lĩnh đi tiên phong, tiếp đến Alex và chú TA. Em đang treo người vào một đám cây bên vách núi ngồi đợi thông đường và tìm cách leo xuống, bởi phía trước chú TA vẫn lò dò lần từng bước. Bất ngờ gió mạnh. Vách núi đối diện mà nãy giờ chìm khuất trong mây mù, đột ngột hiện ra lừng lững ngay trước măt. Em hoảng hốt còn hơn cả chiều qua khi ngồi ở lán thảo quá bị ngọn núi bất ngờ dựng đứng sau lưng, bởi khoảng cách quá gần, tưởng như đưa tay ra là chạm phải vách núi kia. Một ý nghĩ vụt lướt qua trong đầu, bây giờ thì em đã hiểu tại sao người dân miền núi lại gọi đấng siêu nhiên lừng lững trước mặt mình một cách tôn kính là Thần Núi. Sau cảm giác sợ hãi căng cứng toàn thân ban đầu, em mới lấy được dũng khí để rút máy ảnh, lúc này đã giấu trong bụng ra. Phần thì một tay phải bám cây, phần thì mây gió vụt qua, nên chỉ ghi lại được đỉnh núi mờ ảo thế này thôi.
Cung đường tuy chỉ cao trong khoảng vài trăm mét leo lên đỉnh "mũi kim" này thực sự ấn tượng, nhiều cảm xúc như tham gia trò chơi cảm giác mạnh.
Thấy Alex và chú TA cứ nhấp nhứ mãi ở điểm vượt không dám trườn qua gờ đá, em bảo để anh xuống trước nào, đợi các chú mãi, anh phải treo mình giữa sương gió thế này thì chết cóng mất. Mà đúng là lạnh thật! Chắc chỉ quãng 3-5 độ C gì đó. Vì theo lý thuyết, cứ lên cao 1000m so với mực nước biển thì nhiệt độ giảm 6.5 độ C, lúc này mấy anh em đang ở độ cao ~2500m, có nghĩa là thấp hơn khoảng 16.5 độ C so với dưới xuôi. Những ngày ấy nhiệt độ HN không quá 20 độ C. Thông thường những lúc vận động mạnh, chỉ cần một chiếc áo dài tay là đủ, hoặc cùng lắm thêm chiếc áo khoác để đỡ gai cào. Nhưng màn vận động lên đỉnh này, mấy anh em phải vận hết mọi y phục của cả chuyến đi. Tấm Long Cổn của em có thể chịu được khi nhiệt độ xuống thấp đến 5 độ C mà lúc này em vẫn rét run chắc do bị gió và ướt. Găng tay ướt như nhúng nước, tê dại cả tay nhưng vẫn phải đeo. Về đến điểm tập kết một lúc lâu mới thấy A Sính dẫn Alex cùng TA lò dò đi xuống.
A Mịch ngồi đợi, rét run cầm cập. Tấm áo khoác của chú chỉ thích hợp khi vận động nóng người. Giờ một mình ngồi trên đỉnh gió hú, nhiệt độ xuống thấp, chịu không thấu, chú phải dùng mấy tấm cách nhiệt quấn quanh người như mấy tấm vải liệm. Vừa lạnh vừa buồn, chú lôi chai whisky dở của mấy anh em ra, một mình ngật ngưỡng uống hết phần còn lại. May mà không say.