Đây chính là con suối mà A Sính hôm qua nói nếu đi tiếp chừng nửa tiếng thì sẽ hạ trại. Anh em được thể lại hỉ hả khen nhau sáng suốt. Nếu cắm trại ở đây tuy gần nguồn nước, nhưng đất đá ngổn ngang, rất khó tìm được chỗ bằng phẳng để dựng lều nghỉ qua đêm. Không được uống rượu chém gió giữa đại ngàn khói sương hư ảo thì phí cả chuyến đi.
Đoàn quân mệt mỏi lục tục leo xuống. Đặt chân xuống lòng suối, chú TA coi như thoát nạn. Ba lô không rời khỏi vai, chỉ nghỉ ngơi mấy phút, trong khi mấy anh đang nghiêng ngó, bàn tán, chú đã cắm cúi tranh thủ đi trước.
Lúc này em nửa đứng nửa ngồi bên vách suối. Lối đi hẹp, lại dốc nên chỉ trụ được bằng một chân. Có mấy hòn đá để bám tay thì bên dưới bị rỗng, nên em phải bám vào các bụi cây lòa xòa. Phải đạp mấy tảng đá này cho lăn hẳn xuống suối kẻo anh em bám vào thì cả người lẫn đá đều lộn cổ. Cây cỏ sau trận rét gần như chết sạch, chỉ trơ lại một màu vàng.
Qua bờ suối một quãng, đường đi xuyên qua rừng trúc. Có bóng cây che nên đỡ mệt hẳn
Thực ra đoạn đường vừa qua chỉ hơi nguy hiểm thôi chứ không tốn nhiều sức lực, nên chưa cần phải sử dụng nguồn bánh kẹo, pho mai, sô cô la… dồi dào mang theo. Sau hôm đầu tương đối nhàn nên anh em hơi chủ quan, đi đứng có phần đủng đỉnh, cứ vừa đi vừa nghiêng ngó, mà thực ra cũng chẳng có gì để ngắm, đi được một lát lại nghỉ.
Có một ụ đất to như mả thằng ăn mày nằm chắn ngang lối đi, làm anh em phải đi vòng quanh như kiểu xem mặt người vừa nằm xuống lần cuối trước khi đưa tiễn về nơi an nghỉ cuối cùng. Theo tín ngưỡng của một số dân tộc vùng cao, những người chết, kể cả những người đi rừng bị hổ vồ, rắn cắn… cũng được chia cho một phần rừng núi, có cây cổ thụ để linh hồn trú ngụ, có khoảnh rừng làm kế sinh nhai ở thế giới bên kia. Người sống không dám tranh giành với ma những khoảnh rừng đó, vì sợ sẽ bị ma vật chết. Nhờ những tín ngưỡng và luật tục như vậy mà người xưa giữ được rừng. Bây giờ thì chẳng những lâm tặc nó không biết sợ ma, và ngay cả văn hóa rừng của người dân bản địa cũng đã dần dần bị mai một, rừng không còn huyền bí, linh thiêng nên cứ việc phá thôi!
Đang đi giữa hàng quân, bất ngờ mắt A Mịch sáng lên. Chú vội rẽ ngang đến bên một thân cây đổ. Cái gì thế, mọi người hỏi. Nấm hương, A Mịch vừa cười vừa đáp.
Những cây nấm màu nâu, có vân trắng tỏa từ giữa thân ra cánh, mọc dọc theo hai bên thân cây. Thế là sáng mai món mì tôm của mình có nấm hương thần thánh rồi, mọi người đùa.
A Sính cười sung sướng bảo, người ta thu mua ngay tại cửa rừng một cân 700 ngàn đấy. Đắt thế mà cho vào mì tôm, chắc phải bán cho công tử Bạc Liêu hay Rockefeller chứ dân sơn tràng này chẳng dám xơi!
Gần đây, một số địa phương miền núi cũng đang khuyến khích đồng bào trồng nấm hương dần dần thay cho cây thảo quả để giữ đất giữ rừng. Nhưng có lẽ khó. Một phần do nấm hương khó tinh, đâu dễ dàng nuôi trồng đại trà như nấm rơm dưới xuôi, phần nữa do giá cao quá. Đắt thế thì chắc lâm tặc chuyển qua đi ăn trộm nấm hương, thay vì phải đi phá rừng, làm sao mà giữ?
A Mịch ngó nghiêng xem xét. Vừa muốn khoác lù cở đi tiếp, lại vừa nấn ná để tìm thêm. Chú lẩm bẩm nói một mình, lâu nay không ai đi lên đây, cây khô mục nhiều chắc vẫn còn nấm hương quanh đây.
Anh em cười bảo, thôi chú cứ càn quét cho kỹ, bọn anh ngồi chờ một lúc cũng không sao.
Lát sau, hai anh em quay lại sau khi thu hoạch thêm được một ít nấm hương nữa.
Đi tiếp thôi, A Sính nói, xong chú men theo lối mòn được đánh dấu bằng vết chém trên thân cây mà đi. Một vài khúc cây cháy dở, xung quanh có mấy hòn đá nhấp nhô như mấy ông đầu rau. Than, bụi đã bị mưa gió làm bay đi hết. Chắc một đoàn nào dừng lại ăn trưa nơi đây thôi, vì nếu qua đêm thì không có nguồn nước để nấu nướng.
Không còn thấy dấu vết gì của đường đi dưới mịt mùng cây cỏ. Phải luồn qua thân cây nằm ngang này để đi. Khay trứng để trên nóc lù cở, khi A Sính lchui qua bị vỡ mất mấy quả mà không biết, dọc đường chú cứ than, không biết quanh đây có cái gì mà tanh thế!