Lát sau, chừng như hối lỗi vì sự lỡ sỉ nhục nỗi đau của bạn đồng hành một cách hơi lố lăng, cả nhóm nhìn Alex với ánh mắt đầy cảm thông rồi đứng yên chờ ngài xốc ba lô đứng dậy lên đường.
Chú TA sợ bị các anh uốn lưỡi cú diều mà dè bỉu cho cái bản lĩnh nam nhi để quên ở nhà, nên tranh thủ lúc mọi người chưa xuất phát, lò dò đi trước.
Đường đi chui vào rừng già nên cả đoàn theo đội hình hàng dọc, lần lượt từng người bám vách đá leo lên.
Alex đã lấy lại tự tin, quăng mình vượt ghềnh đá.
Nước len lỏi chảy giữa những khối đá ngổn ngang, đọng thành từng vũng lớn trên lòng suối. Thủ lĩnh hí hóp leo có vẻ hơi vất vả. Em vẫn bám sát phía sau. Bỗng thấy hai Thủ lĩnh đang quặp chặt hai bên một mỏm đá từ từ trượt xuống, như ngày xưa còn nhỏ trèo cau, nhích lên được hai nấc lại tuột xuống mất một nấc, cứ thế ngập dần vào vũng nước. Em thắc mắc, sao chú kia không nhấc chân lên nhỉ? Hóa ra do bước sai thế, cả hai chân đều tụt nên không biết lấy chân nào làm trụ để bật lên. Giá như có thêm chân giữa
hay có cây ba-toong mà chống thì tốt hơn. May sao khi mới ngập đến nửa cặp giày đã bật lên được, thành ra chỉ ướt phía ngoài, và bị nước hơi ngấm vào tất một chút thôi. Tính ra, cả 5 anh em, trong các chuyến đi, dù đã hết sức cẩn thận, nhưng chỉ cần một chút sơ sẩy mà tất cả đều đã ít nhất một lần sa chân xuống nước. Năm xưa leo Pu Tả Lèng, Thủ lĩnh còn bị chấn thương xương cụt do ngã ngồi xuống đá. Em thì hơi quá tự tin, tung mình nhảy lên phiến đá gập ghềnh, thế là bị hất xuống suối. Nước cứ thế òng òng tuôn vào cặp ghệt. Dùng túi nylon bó lại, mỗi lúc di chuyển bàn chân cứ bị trượt lên đế giày, đầu các ngón chân húc vào mũi giày đau điếng, nhất là những lúc xuống dốc. Thấy một số cụ truyền đạt kinh nghiệm dùng Kotex lót giầy, nghe bảo hút nước như uống bia. Nhưng đoàn em cứ thấy ghê ghê thế nào, nhất là khi chứng kiến nhiều miếng lót, không biết của các cụ dùng vào việc phụ, hay của các mợ dùng vào việc chính
, vứt rải rác trong rừng. Vì thế trong số các vật dụng đoàn em mang theo không có món này. Sau này cả đoàn quyết nghị, đã lỡ bị ngã thì cứ gieo mông xuống cho chắc, chứ lòng suối đầy đá mấp mô như thế biết chống tay vào đâu. Lỡ chống hụt, đập đầu xuống còn nguy hiểm hơn. Mà lỡ có ướt giày thì cũng cứ thế mà đi.
Những con suối từ Tam Đường đến Bình Lư là sự minh họa tiêu biểu cho hệ thống sông ngòi ở vùng thượng du nước ta, ngắn, dốc và dữ dội. Đất đá bị xô đẩy không thương tiếc từ cao đổ xuống. Những khối đá đủ mọi kích cỡ, có khối lên tới cả vài trăm m3, nằm ngổn ngang dưới lòng suối, nói như Gs Lê Bá Thảo, “tạo nên những nón phóng vật khổng lồ”. Mùa mưa, nước lũ từ thượng nguồn đổ xuống ầm ầm như thác, dội vào vách đá hai bên bờ, đập vào những khối đá giữa dòng, tạo thành những xoáy nước sục sôi, gầm réo. Mùa khô, dòng nước vất vả len qua từng kẽ đá mới tìm được đường nhập vào sông mẹ. Suối Bình Lư chỉ dài khoảng 12 km (không tính các đoạn khởi nguồn từ các đỉnh núi của dãy Tả Yàng Phình), nhưng có độ dốc lên tới 300m, tương đương với độ dốc của dòng sông dài khoảng 360km chảy qua quê em. Vì vậy, em cũng chẳng ngạc nhiên khi con sông Nậm Mu, mà suối Bình Lư nhập vào, phải cõng trên mình một loạt các nhà máy thủy điện, Chu Va, Bình Lư, Nậm Mu, Mường Kim …. đến độ cạn kiệt cả nguồn nước, kiệt quệ núi rừng. Bài toán bảo vệ và khai thác nguồn nước, rừng núi luôn luôn chưa có lời giải đối với rất nhiều các nước đang phát triển. Tưởng rằng quốc gia cất cánh đến nơi mà vỗ mãi vẫn như “Con hạc đầu đình, Muốn bay không cất nổi mình mà bay”. Haizzz!! Thôi, bọn em hết đoạn này là chia tay với sông suối để lên núi đây!