Đây là bài viết của bạn Nguyễn Thế Hoàn, người 2 đần đoạt HCV IMO 2014 và 2015, các cụ có thể tham khảo về quan điểm của người trong cuộc
http://news.zing.vn/Nguoi-2-lan-doat-HCV-Toan-quoc-te-noi-ve-luyen-ga-noi-post572238.html
Người 2 lần đoạt HCV Toán quốc tế nói về 'luyện gà nòi'
Nguyễn Thế Hoàn đã có những chia sẻ thú vị về chuyện đào tạo học sinh "lấy vàng" kỳ thi Olympic quốc tế.
Luyện gà nòi? Đó là cụm từ được nhiều người dùng để nói những học sinh Việt Nam tham dự những kỳ thi Olympic quốc tế. Là cựu thành viên đội tuyển Toán Việt Nam, tôi muốn bày tỏ một vài quan điểm về vấn đề này.
Hàng năm, khoảng 40 học sinh Việt Nam dự thi quốc tế. Sau mỗi mùa thi Olympic, các đoàn học sinh Việt Nam thường đạt kết quả khá tốt. Một số người cho rằng, thành công là do chúng ta “luyện gà nòi” để chạy theo thành tích. Theo tôi, đó là cái nhìn phiến diện về giáo dục.
Đúng là giáo dục có thể thay đội bộ mặt nước nhà, nhưng để làm được điều đó, cần rất nhiều ban ngành cùng vào cuộc, phối hợp với nhau. Chỉ với những tấm huy chương quốc tế đâu có thay đổi được toàn bộ.
Không ít người cho rằng, việc học quá nặng cùng áp lực các kỳ thi, nhồi nhét kiến thức (nhưng thiếu sáng tạo) giúp có những giải cao trên đấu trường quốc tế. Họ so sánh với những cường quốc như Mỹ, Nga, Trung Quốc về cách học và thi: Học nhẹ hơn, không thi cử nhiều, học sinh thoải mái nên đó không phải "luyện gà nòi”.
Nguyễn Thế Hoàn (thứ hai từ phải sang) nhận bằng khen của lãnh đạo Bộ GD&ĐT. Ảnh: Quyên Quyên.
Trực tiếp tham dự kỳ thi Toán quốc tế 2015, tôi làm quen một số bạn có chung niềm đam mê từ khắp nơi trên thế giới. Những gì họ phải trải qua để đến được với kỳ thi này thực sự làm tôi choáng vì quá…. phức tạp
Lấy nước Mỹ làm ví dụ, nhiều người nghĩ, học sinh Mỹ học rất nhẹ nhàng và họ chọn thành viên đội tuyển một cách tự nhiên.
Thực tế, họ phải trải qua nhiều kỳ thi lớn nhỏ. Đầu tiên, tất cả học sinh trung học được phép tham gia Olympic quốc gia, sau đó là kỳ thi AIME kéo dài hơn 3 tiếng. 250 học sinh với số điểm cao nhất, sẽ được tham gia kỳ thi quốc gia lần thứ hai (vòng 2).
Các thí sinh trải qua những vòng thi trước sẽ cùng nhau tập huấn trong trại hè toán diễn ra hơn một tháng. Hơn 20 người có thành tích cao nhất tiếp tục dự thi chọn ra nhóm TST (gồm 4 ngày thi), sau đó là kỳ thi RMM (rumanian master mathematic).
Sáu học sinh có tổng số điểm cao nhất (tính tổng tất cả những vòng thi) sẽ đại diện đội tuyển Mỹ tham dự đấu trường cao nhất của Toán học THPT. Như vậy, so với Việt Namvới chỉ hai vòng thi chính thức và hơn hai tháng tập huấn, tại sao chúng ta là “gà nòi”, còn họ thì không?
Cũng có những ý kiến, "gà nòi" là chỉ cách học lệch, tức là chỉ học tập trung một môn học nào đó mà bỏ bê những môn quan trọng còn lại. Tôi cho rằng, nên gọi hiện tượng này là “học đúng chuyên ngành”.
Hiển nhiên, chúng ta không dốc hết sức lực để theo đuổi những thứ hoàn toàn không hứng thú. Niềm say mê khao khát là động lực chính đáng nhất để theo đuổi thứ gì đó, như vậy chỉ tập trung học cái mình thích, thứ mình sẽ gắn bó sau này thì có gì sai.
Hơn nữa, chúng ta hoàn toàn có cơ hội tiếp cận lại những kiến thức cấp ba ở bậc học cao hơn. Vậy tại sao lại không cho những đầu óc biết ước mơ, sống trong đam mê trong ba năm học ít ỏi bậc phổ thông?
Theo tôi, học toàn diện, nên định nghĩa là ngoài chuyên môn, học sinh nên biết đam mê những kiến thức xã hội, những hiểu biết trong cuộc sống và biết cân bằng giữa những kiến thức khô khan và vận hành thực tế. Chơi thể thao, nghệ thuật cũng nên là một phần của một người học sinh “giỏi toàn diện”.
Nguyễn Thế Hoàn