Giải mã khí tài “bịt mắt” radar, Nga “chào hàng” Việt Nam
(Kienthuc.net.vn) - Hệ thống chế áp điện tử hàng đầu thế giới 1L269 Krasukha-2 mà Nga giới thiệu tới Việt Nam có khả năng gây nhiễu hệ thống radar trên máy bay đối phương.
Theo báo chí Nga, phái đoàn của Bộ Quốc phòng Việt Nam cùng với đại diện của Tập đoàn Rosoboronexport đã đến thành phố Novgorod vào giữa tháng 9. Mục đích của chuyến thăm này là đến một trong những xí nghiệp quốc phòng hàng đầu của Nga là Liên hiệp khoa học sản xuất NPO Kvant nằm trong Tập đoàn công nghệ vô tuyến điện tử (KRET).
Theo đại diện cơ quan báo chí của NPO Kvant, phía Việt Nam đã bày tỏ mong muốn tìm hiểu các phương tiện tác chiến điện tử hiện có và triển vọng do NPO Kvant sản xuất. Công ty sẽ có trình diễn các mẫu của các hệ thống tác chiến điện tử cho phái đoàn Việt Nam. Đặc biệt, Kvant sẽ giới thiệu hệ thống chế áp điện tử hiện đại hàng đầu thế giới 1L269 Krasukha-2 tới Việt Nam.
1L269 Krasukha-2 mới ra đời trong vài năm trở lại đây nhằm đáp ứng yêu cầu của Quân đội Nga sau cuộc chiến tranh Ossetia. Khi đó, do các lực lượng tác chiến điện tử đã không tham gia chế áp khí tài radar của Gruzia đã khiến cho Không quân Nga mất các máy bay ném bom Tu-22 và Su-25. Nguyên nhân của việc này có thể là sự thiếu các trạm cơ động để tiến hành tác chiến điện tử ở các đơn vị (từ cấp trung đoàn trở lên).
Hệ thống chế áp điện tử 1L269 có khả năng "bịt mắt" hệ thống radar trên không (máy bay đối phương).
Theo nguồn tin phương tiện truyền thông Nga, trong năm 2009 thì việc thử nghiệm cấp nhà nước với trạm cơ động chế áp vô tuyến điện tử thế hệ mới, mang tên 1L269 Krasukha-2 đã được hoàn thành.
Kinh nghiệm của cuộc xung đột Nam Osetiya đã được tính đến đầy đủ trong khí tài này. Hình ảnh trạm đã xuất hiện trong các tài liệu quảng cáo định hướng cho xuất khẩu, tháng 4/2013 mô hình trạm đã được giới thiệu tại gian hàng triển lãm của Tập đoàn Công nghệ Vô tuyến Điện tử (KRET), cho thấy nó sẽ được giới thiệu ra thị trường xuất khẩu.
Trong hoạt động quân sự hiện đại, tác chiến điện tử ngày càng có ý nghĩa và trọng lượng lớn hơn, là một dạng của cuộc đấu tranh vũ trang.
Nguyên tắc làm việc của trạm chế áp vô tuyến điện tử là dùng nhiễu vô tuyến (nói đơn giản là tạo nhiễu vô tuyến, gây ồn tất cả các kênh thông tin) tác động lên các phương tiện vô tuyến điện tử trinh sát, các hệ thống thông tin liên lạc và điều khiển của đối phương tiềm tàng nhằm thay đổi chất lượng thông tin quân sự lưu chuyển trong đó, bảo vệ các hệ thống, các phân đội quân ta chống các tác động tương tự, cũng như thay đổi điều kiện (tính chất của môi trường) truyền sóng vô tuyến.
Ngày nay, các bộ phận cấu thành của tổ hợp tác chiến điện tử là các tổ hợp chế áp vô tuyến điện tử và bảo vệ vô tuyến điện tử (khí tài 1L269 Krasukha thuộc loại này).
Đối tượng tác động của tác chiến điện tử là các trường điện từ (sóng), các hệ thống và phương tiện vô tuyến điện tử. Để tạo nhiễu vô tuyến có thể sử dụng các phương tiện thụ động và chủ động. Các phương tiện thụ động dựa trên việc sử dụng nguyên tắc phản xạ (phát xạ lại), ví dụ như các vật phản xạ góc hay lưỡng cực. Các phương tiện chủ động sử dụng nguyên tắc tạo lập để hình thành phát xạ (trạm nhiễu và các máy chuyển tải).
Hiện tại, tổ hợp tác chiến điện tử là tổng hợp các hành động và biện pháp được phối hợp của bộ đội được thực hiện nhằm giảm hiệu quả sử dụng vũ khí và chỉ huy bộ đội của đối phương, đảm bảo hiệu quả đã định cho việc sử dụng các phương tiện tiêu diệt đối phương và chỉ huy bộ đội của mình.
Tổ hợp Krasukha được nghiên cứu chế tạo và đưa vào trang bị của Quân đội Nga là loại chế áp vô tuyến điện tử (REP) và bảo vệ điện tử. REP là tổng hợp các hoạt động và biện pháp nhằm phá hoại hoặc cắt đứt hoạt động, cũng như làm giảm hiệu quả chiến đấu khi đối phương sử dụng các phương tiện và hệ thống vô tuyến điện tử bằng cách dùng nhiễu vô tuyến điện tử tác động lên các thiết bị thu của chúng.
Chế áp vô tuyến điện tử hiện đại bao gồm: chế áp vô tuyến điện tử, quang điện tử, kỹ thuật vô tuyến và thủy âm. Có thể đảm bảo REP bằng cách tạo ra nhiễu chủ động và thụ động, cũng như sử dụng các loại mục tiêu giả và bẫy các loại.
Trạm chế áp điện tử cơ động 1L269 trong trạng thái hành quân.
Cho đến nay chi tiết về tính năng kỹ thuật của trạm chế áp vô tuyến điện tử 1L269 Krasukha-2 vẫn là thông tin được bảo mật. Theo nguồn tin chưa được kiểm định, một trong các chức năng của 1L269 là chế áp các đài radar quan sát trên không giống như hệ thống radar đặt trên máy bay chỉ huy – cảnh báo sớm (AWACS). Theo các chuyên gia, cự ly hoạt động hiệu quả của tổ hợp này là từ 150-300km.
Tổ hợp gồm module thiết bị với anten parabol lớn quay 360 độ, angten được điều khiển theo góc vị trí (góc phương vị). Toàn bộ module này được đặt trên khung gầm cơ sở xe vận tải bánh lốp BAZ-6910-022. Cabin được trang bị các phương tiện bảo vệ chống phát xạ tần số siêu cao tần. Trên xe có lắp điều hoà không khí Webasto СС4Е có dẫn động điện và lò sưởi không khí độc lập ON-32D-24. Kíp xe 7 người hoặc 3 người cùng trang thiết bị chuyên dùng.
Ngoài mẫu 1L269 Krasukha-2, Nga còn phát triển biến thể 1RL257 Krasukha-4 là trạm dải tần rộng gây nhiễu âm thanh mạnh, module đa năng đặt trên mặt đất gây nhiễu dùng để bảo vệ các công trình cố định chống đài radar trên máy bay chỉ huy, điều khiển và quản lý chiến trường E-8C (Mỹ), chống đài radar trên máy bay chiến đấu, máy bay trinh sát, máy bay không người lái loại RQ-4 Global Hawk hay Predator và đài radar trên vệ tinh trinh sát Lakross.
Các hệ thống chế áp và trinh sát vô tuyến điện tử như loại Krasukha-2/4 là các giải pháp công nghệ cao. Các chuyên gia quân sự độc lập cho rằng, việc chế tạo các tổ hợp tương tự là một bước nhảy vọt lớn trong phát triển các phương tiện tác chiến hiệu quả cao.
1L269 Krasukha-2 trong trạng thái chiến đấu.
Nhiệm vụ cơ bản đặt ra cho các tổ hợp này là bảo vệ một cách có hiệu quả các đơn vị và các mục tiêu cố định chống vũ khí chính xác cao của đối phương, cũng như những phương tiện mang vũ khí, các hệ thống chỉ thị và phát hiện mục tiêu. Ngày nay, khi phần của vũ khí chính xác cao và vô tuyến điện tử trong các đơn vị đang tăng lên thì đây là một nhiệm vụ khá cấp thiết. Thêm vào đó việc tạo ra các hệ thống như vậy có thể tạo ra “cú hích” cho sự phát triển của toàn bộ ngành công nghiệp vô tuyến điện tử Nga.
Chuyên gia quân sự độc lập Anton Lavrov nhận định, tổ hợp Krasukha phải được sử dụng để giải quyết các nhiệm vụ ở cấp chiến dịch - chiến thuật, nhưng quyết định sử dụng tổ hợp phải do Bộ Tổng tham mưu đưa ra. Nghĩa là tổ hợp loại này không có trong biên chế của các lữ đoàn thông thường và các quân đoàn binh chủng hợp thành.
Krasukha là phương tiện tăng cường tổng hợp cho hướng hoặc khu vực quan trọng hơn cả, nơi có nguy cơ cao nổ ra xung đột lớn. Các hệ thống vũ khí này không cần cho cuộc chiến chống thổ phỉ hoạt động bí mật và quân nổi dậy, đây là vũ khí để tiến hành chiến tranh với kẻ thù có công nghệ cao.
Quân Hamas Palestin “khoe” tên lửa SA-7 dọa Ai Cập
(Kienthuc.net.vn) - Với tên lửa vác vai SA-7, lực lượng Hamas có thể đối phó hiệu quả với trực thăng chiến đấu AH-64 Apache của Ai Cập.
Tạp chí
IHS Jane’s Defence Weekly, Lữ đoàn Izz-al-Din al-Qassam, một cánh vũ trang của Tổ chức Hồi giáo Hamas đã tuyên bố họ đang sở hữu tên lửa vác vai SA-7 Grail.
Những tên lửa phòng không vác vai SA-7 đã được trưng bày trong một cuộc diễu binh của Lữ đoàn này, được tổ chức tại thành phố Gaza vào ngày 14/9. Nguồn tin an ninh Palestine cho IHS Jane biết rằng, chương trình phô trương sức mạnh được dự định để gây ấn tượng với người Palestine cũng như Quân đội Ai Cập, đang cố gắng để ngăn chặn nạn buôn lậu vũ khí vào Dải Gaza.
Binh lính Hamas với tên lửa đất đối không vác vai SA-7.
"Các loại vũ khí xuất hiện tại cuộc diễu binh nhằm mục đích nâng cao tinh thần của các thành viên Hamas và những người ủng hộ, và cũng là thông báo gián tiếp để người Ai Cập không tiếp tục quấy rối chống lại phong trào của họ", một nguồn tin an ninh cấp cao của Hamas tại Gaza nói với
IHS Jane’s.
Nguồn tin nói thêm rằng, Ai Cập đã phá hủy 98% các đường hầm buôn lậu vũ khí mà chạy theo biên giới Sinai - Gaza và đã cho trực thăng Apache bay vào không phận Gaza 12 lần kể từ khi bắt đầu cuộc đảo chính ngày 3/7, lật đổ Tổng thống Mohammed Morsi.
"Chúng tôi phát hiện sự xâm nhập của Không quân Ai Cập vào không phận Gaza, việc triển khai các xe bọc thép đến biên giới với Gaza, việc bắt giữ ngư dân Gaza ngoài khơi bờ biển Gaza", Thiếu tướng Jamal Jarah, chỉ huy của lực lượng an ninh quốc gia Hamas, người phụ trách bảo vệ biên giới cho hay. "Hành vi của lực lượng vũ trang Ai Cập là một sự khiêu khích đối với chúng tôi”, ông nói thêm.
Lữ đoàn Al-Qassam ước tính có khoảng 13.000 quân được đào tạo và trang bị đầy đủ. Kể từ cái chết của lãnh đạo Ahmed Jabari hồi tháng 11/2012, các nhóm vũ trang được đặt dưới sự chỉ huy của Marwan Issa, người đã thực hiện tái cơ cấu lực lượng và tăng cường các vũ khí tiên tiến.
"SA-7 là một tên lửa phòng không có thể đối phó với bất kỳ mối đe dọa nào của Không quân Ai Cập”, nguồn tin tình báo cấp cao ở Ramallah nói với
Jane’s. Ông nói thêm rằng Hamas có khoảng 100 tên lửa vác vai SA-7, chúng được lấy từ kho vũ khí của Libya trong cuộc xung đột năm 2011, và sau đó nhập lậu qua bán đảo Sinai tới Gaza. "Hamas không thể có nhiều hơn con số này vì chúng có rất ít và giá thì cao", ông này nói thêm.
Phóng tên lửa vác vai SA-7.
Các nhà phân tích quốc phòng
Jane’s cho rằng, SA-7 sẽ không quá nguy hiểm với Không quân Isarel, nhưng cũng cần triển khai thêm các biện pháp đề phòng.
SA-7 Grail là định danh của NATO dành cho hệ thống tên lửa phòng không vác vai 9K32 Strela-2 do Cục thiết bế KBM (Liên Xô) sản xuất dùng để tấn công tiêu diệt trực thăng, máy bay ở độ cao thấp, tầm ngắn. Đây được xem là loại tên lửa phòng không vác vai được dùng phổ biến nhất thế giới, kể từ khi ra đời năm 1968, nó đã tham gia hàng loạt cuộc chiến tranh. Cho tới tận ngày nay, tuy đã lạc hậu nhưng nó vẫn có trong biên chế hàng chục quốc gia.
Đạn tên lửa SA-7 có thể đạt tầm bắn tiêu diệt mục tiêu tới 3.700m, độ cao diệt mục tiêu 50-1.500m, lắp đầu nổ phá mảnh nặng 1,15kg và dùng đầu tự dẫn hồng ngoại.