GÓC KHUẤT CHIẾN TRANH
Thớt 12:
GÓC KHUẤT ÁI TÌNH
Tút 8: Chuyện tình bên xứ Ba-tư – Quý nhơn phò trợ
Thời làm bạn với Tổng thống Xát-Đam. Tôi có 3 ‘quý nhân’ phù trợ’.
‘Qúy nhân’ thứ nhất là phải kể đến là cụ Thánh A-la. Chắc là nhờ có cụ Thánh, nên tôi mới được phân về đoàn ở thủ đô Baghdad, và lại được ở trong khu Ký túc xá Mạ-mu-đia.
‘
Qúy nhân’ thứ nhì là Ngài Sa-ba.
Ngài Sa-ba là Phó Tổng chỉ huy nhà máy lọc dầu Dora, công trình này mang bí số 74 của quân đội I-Raq. Ngài Sa-ba hơn tôi tầm 15 tuổi. Ngài từng du học ở Mỹ, và hay nhất, Ngài là người theo đạo Thiên chúa, chứ không phải là người theo đạo Hồi hà khắc. Ngài là người yêu mến Việt Nam. Ngay từ năm 1968 khi đi du học ở Mỹ, và đến tận năm 1975 khi đã về I-Raq, Ngài thường xuyên đi đầu trong các cuộc biểu tình ủng hộ nhân dân Việt Nam chống Mỹ. Nên khi gập đoàn Việt Nam đến công trình 74, Ngài dành cho thiện cảm đặc biệt. Với tôi là chỉ huy ở đấy, Ngài luôn dành cho những biệt đãi, phải nói là hơn thông lệ. Ví dụ, ở công trường 74 (cũng như các công trường khác trên đất I-Raq), luôn có những ngôi nhà di động, được nhập khẩu nguyên chiếc, làm bằng gỗ, dùng để làm văn phòng tạm thời cho các đơn vị đến thi công công trình. Công trường 74 có khoảng 12 đơn vị đến thi công từ 12 nước khác nhau. Nhưng ngôi nhà gỗ mà Ngài Sa-ba cấp cho tôi để làm văn phòng, là cùng tiêu chuẩn với các ‘Ca-ra-van’ (tiếng địa phương, chỉ những ngôi nhà gỗ di động) của các nước thuộc nhóm 1 như nhà thầu Anh, hay Tiệp Khắc, cao cấp hơn hẳn những văn phòng tạm thời của các nước thứ 3 khác (Ấn Độ chẳng hạn). Tiện nghi bên trong rất xa hoa. Gồm hai phòng ở hai bên, có thể dùng làm phòng ngủ hoặc phòng làm việc. Chính giữa là khu vực bếp có đầy đủ mọi thứ, như tủ bếp của các ngôi biệt thự ngày nay (năm 2021) và khu nhà vệ sinh xịn xò. Có đến 3 điều hòa lắp cho 3 khu vực kể trên. Tôi còn được cấp 1 con Toyota Pick-up để đi lại trong công trường. Ngài cho phép tôi có thể đến văn phòng của của Ngài bất cứ lúc nào, để trình bầy mọi việc.
‘Qúy nhân’ thứ ba là nàng Dalia. Nàng là cháu gái ruột của Ngài Sa-ba. Năm đó, nàng tầm 22 tuổi, làm kế toán của nhà máy lọc dầu Dora, đặc trách thanh toán cho đoàn Việt Nam. Đương nhiên, nàng cũng theo đạo Thiên chúa, nên ứng xử như những cô nàng châu Âu, chứ không huyền bí như những cô nàng Ả-rập khác.
Tôi kể ra chuyện này, và mong được nàng xá tội.
Số là ngày đầu gập chủ đầu tư (tức là nàng), theo thông lệ của Việt Nam (tôi đoán là trên thế giới cũng thế), tôi có mang tặng nàng chút quà mọn để ra mắt xã giao. Qùa là một chiếc nhẫn mua ở Hàng Đào.
Hồi năm 1988, tôi mua một vốc nhẫn đấy ở Hàng Đào, định sang I-Raq bán kiếm tiền (tất nhiên, chuyện đổ bể và không thành), giá 1 chiếc nhẫn đâu như 5 xu – tương đương 1 chén trà vỉa hè (bây giờ trà chén vỉa hè là 5 ngàn). Chiếc nhẫn đó, hình như làm bằng sắt mạ inox, có mặt nhẫn đính vài hạt thủy tinh, giả làm kim cương, nom cũng lấp lánh, rõ là rất ‘đồ hàng mã’. Thế mà nàng thích lắm và cảm ơn rối rít.
Đến lần gập thứ 3, thì tôi thấy nàng đã vất mọe nó hàng ký lô vàng đeo trên cổ tay và trên mấy ngón tay ngọc ngà ở cả hai tay, đi đâu mất tiêu. Chỉ còn đôi tay để trần, nom……thương lắm!.
Nàng đưa cho tôi chiếc nhẫn ‘hàng mã’ mà tôi tặng hôm đầu, và sẽ sàng bẩu: ‘Put it in for me, my dear’ (Chàng đeo vào tay hộ i..em).
Ối trời, lần đầu tiên được cầm bàn tay mềm mại của công chúa Ả-rập, tôi như thằng sắp chết vì run sợ, lẩy bẩy mãi mới đeo được vào ngón tay cho nàng, bị ăn mấy cái lườm kinh hồn. Tôi sợ một phần là vì nhát gái.
Ấy nhưng mà nỗi sợ lớn nhất, là cái nhẫn ‘hàng mã’ kia, nó bong mọe nó nước mạ hoặc rơi mất mấy hạt thủy tinh, thì đoàn Việt Nam có mà ….ăn cám.
Nhưng nhờ có Thánh A-la phù hộ, nàng chỉ đeo mỗi tháng 1 lần, vào ngày 21 hàng tháng, là ngày mà tôi gập nàng cả buổi sáng để làm lương, còn các ngày khác, nàng cất chiếc nhẫn ‘hàng mã’ kia vào hộp, cho nó…mới!!!
Mà mỗi lần gập nàng, khi ra về, bao giờ trong đống giấy tờ, nàng cũng ý tứ kẹp vào trong đấy một thanh súc-cù-là to tổ bố.
Có điều là đến tay tôi, thanh súc-cù-là chẳng còn thấy vị thơm của ca cao, mà chỉ toàn thấy mùi hương của nàng, ăn kẹo mất cả ngon, phí của giời.!!!
++++ Kể nốt chuyện ‘Vặt lông chim’:
Sau khi tụi Vệ binh Cộng hòa tìm thấy 5 con chim cu gáy đã bị mổ bụng và làm lông sạch sẽ, không còn cách nào khác, tôi đành nhận lỗi và cam kết sẽ phối hợp với ‘kỳ-bia’ I-Raq (tiếng a-ra-bi, ‘kỳ bia’ là thủ lĩnh), để trừng phạt nghiêm khắc những người phạm tội.
Trước hết, tôi yêu cầu cho cậu phó đoàn Việt Nam, dẫn toàn thể quân Việt ra xe ô tô của nhà máy, để trở về Ký túc xá ở Mạ-mu-đia. Còn tôi sẽ ở lại cùng 4 cậu lính phạm tội.
Tôi đồng ý với tụi Vệ binh Cộng hòa là nhốt 4 cậu lính Việt kia vào công ten nơ, chờ tôi lên báo cáo với ‘kỳ-bia’ công trình 74 xuống giải quyết.
Sau khi nghe thấy tiếng ‘tách’ của chiếc khóa bập vào cánh cửa công ten nơ, tôi phóng vội con xe pick-up lên khu văn phòng của nhà máy lọc dầu Dora.
Trên đường vào gập Ngài Sa-ba, tôi va phải cô cháu gái của Ngài. Dalia đang chuẩn bị ra về. Thấy vẻ mặt căng thẳng và phiền muộn của tôi, nàng giơ cả đôi tay mát lạnh, bởi được bọc trong vài ký lô vàng, chặn tôi lại. Tôi kể vắn tắt sự việc cho nàng nghe, đặc biệt nhấn mạnh rằng, tôi đang lo nhất cho mấy cậu lính Việt, đang bị nhốt trong công ten nơ ở cổng ra vào, bên cạnh trạm gác của Vệ binh Cộng hòa. Nói chuyện vội vàng với nàng công chúa, rồi tôi ‘mạ-xa-lam’ (chào từ biệt) nàng, và tôi đâm bổ vào phòng Ngài Sa-ba.
Sau khi thủng hết câu chuyện, Ngài Sa-ba liền bảo tôi lái xe ô tô đi theo sau xe của Ngài ra công trường.
Ra đến nơi, chẳng hiểu sao, đã thấy 4 ông lính người Việt, mặt buồn như những chú cún con ‘tiền rưỡi’, đã được ra khỏi công ten nơ khóa kín, đang ngồi phệt bên ngoài công ten nơ, bên cạnh là 3 thằng Vệ binh Cộng hòa khoác tiểu liên AK 47, và nàng Dalia kiều diễm. Tất cả đang cười nói gì đó như vừa trúng con ‘lô xiên’.
Nàng công chúa đưa mắt nhìn tôi, nhưng hồn vía tôi lại như đang dồn sự chú ý vào Ngài Sa-ba, nên hình như nàng Dalia kiều diễm có ngúng nguẩy 1 tý, như ra chiều hờn dỗi thì phải.
Ôi …zồi. Ai biết đâu đấy, tôi còn có việc khác phải lo hơn.
Ngài Sa-ba và mấy thằng Vệ binh Cộng Hòa, nói với nhau bằng tiếng A-ra-bi một hồi, sau đó, Ngài Sa-ba quay lại chỗ tôi:
-Hãy bắt mấy cậu phạm tội kia, mang mấy con chim xấu số, ra cánh đồng củ cải ngoài kia, làm lễ an táng theo nghi thức nhà binh.
Không vỗ vai tôi một cách thân tình như thường lệ, mà Ngài Sa-ba chỉ nháy mắt đầy bí hiểm cho mình tôi nhìn thấy, rồi quay lại chỗ tụi Vệ binh Cộng hòa.
Ngài lại nói một hồi, chỉ thấy tụi Vệ binh rập gót, đứng nghiêm, miệng hô ‘Mạ lum’ ba lần (Mạ-lum là ‘Rõ’, hoặc ‘đã hiểu’).
Tôi bắt tay tiễn Ngài Sa-ba, còn khi bắt tay nàng công chúa, thì nhận được một cái cấu nhẹ bằng móng tay của nàng, mà đến hôm nay, tôi mới lờ mờ nhận ra, là cái sự hờn dỗi ấy, chính là bởi sự vô tâm của tôi.
Sau khi cả hai ‘quý nhân’ đã đi khuất, thì tôi, cùng với một thằng Vệ binh Cộng hòa cầm tiểu liên, và 4 chú lính Việt phạm tội, lên đường đi chấp hành lệnh của Ngài Sa-ba.
Công việc xong xuôi, 4 ông lính Việt đứng nghiêm, còn thằng lính Vệ binh đưa AK lên trời, bắn 3 loạt. Do căng thẳng, nên tôi cũng không nhớ là mỗi loạt đạn có mấy viên.
Trên đường về lại Mạ-mu-đia, 4 chú lính Việt ngồi im như thóc, qua kính chiếu hậu, tôi thấy các chú thỉnh thoảng lại lắc tay, dường như kiểm tra xem, đôi tay của mình còn dính trên vai hay không.
Hình minh họa:
-Hình 1:
Nhìn những chó cún con ‘tiền rưỡi’ biết lỗi như thế này, chẳng ai còn muốn phạt roi.
-Hình 2:
Bản đồ thị trấn Mạ-mu-đia và khu ký túc xá của người Việt.
-Hình 3:
Bản đồ nhà máy lọc dầu Dora mang bí số 74 ở thủ đô Baghdad.
-Hình 4: Bản đồ tuyến đường đi từ Mạ-mu-đia đến Dora.
+++ Phần tiếp theo sau:
Chuyện tình bên xứ Ba-tư – Dâng hiến ngàn vàng