Trung Quốc sẽ phải trả giá vì cái danh hão “hơn Nga, ngang Mỹ”
Thứ ba 14/05/2013 14:05
ANTĐ - Vừa qua, Tạp chí “Liên Kết” của Nga đã có bài đánh giá về chất lượng động cơ WS-10A lắp đặt trên tiêm kích hạm J-15 của Trung Quốc và đưa ra nhận xét, nếu người Trung Quốc cứ thích đốt cháy giai đoạn thì họ sẽ phải trả giá.
Tạp chí này cho biết, trước đây, Tổng thiết kế dự án J-15 của Trung Quốc - Tôn Thông đã từng tuyên bố, tính năng kỹ thuật và khả năng tác chiến của J-15 đã tiệm cận với tiêm kích hạm F/A-18 trên các tàu sân bay Mỹ và vượt qua tiêm kích hạm Su-33 trang bị trên tàu sân bau Kuznetsov của Nga và MiG-29K/KUB trên các tàu sân bay của Ấn Độ.
Ông này chỉ ra, về lượng bom đạn, bán kính tác chiến và tính năng cơ động đều có thể so sánh với F/A-18. Thế nhưng ông ta đã quên không nói rõ là so sánh với F/A-18 nào? Hiện nay, các tàu sân bay của hải quân Mỹ đều sử dụng phiên bản tiên tiến nhất là F/A-18 E/F Super Hornet có tính năng vượt xa F/A-18 A/B.
Tạp chí “Flight International” còn trích dẫn lời của ông Tôn Thông cho biết, các tính năng của J-15 đều phù hợp với các chỉ tiêu kỹ thuật tiêm kích hạm thế hệ thứ 3, tuy nhiên hệ thống radar, phần mềm tác chiến và hệ thống tác chiến điện tử đều cần phải nâng cấp thêm 1 bước, đặc biệt là sau khi lắp đặt động cơ sản xuất trong nước là WS-10A, bán kính tác chiến của nó đã vượt qua 1000km.
Cần nhấn mạnh là, từ khi J-15 hoàn tất chuyến bay thử đầu tiên năm 2009, tất cả các nguyên mẫu tham gia thử nghiệm đều sử dụng động cơ AL-31F của Nga. Sau đó đến tháng 12/2012, Trung Quốc tuyên bố bắt đầu thay thế động cơ Nga bằng động cơ quốc nội WS-10A “Thái Hàng”.
Tiêm kích hạm J-15 Trung Quốc phỏng chế từ Su-33 của Nga
Đại diện của Công ty sản xuất động cơ Lê Minh thuộc Tập đoàn công nghiệp Hàng không Thẩm Dương tuyên bố, động cơ WS-10A do họ nghiên cứu, chế tạo có trọng lượng 1,6 tấn, lực đẩy 132kN, tỷ lệ lực đẩy trên trọng lượng là 7.5. Còn động cơ AL-31F có trọng lượng 1,57 tấn, lực đẩy 123kN, tỷ lệ lực đẩy trên trọng lượng đốt sau mới đạt 7,87.
Trên thực tế, các công ty sản xuất động cơ Trung Quốc hiện vẫn chưa chế tạo được loại động cơ phản lực có tính tin cậy, hơn nữa khoảng cách giữa 2 lần bảo dưỡng rất ngắn, thời gian vận hành ổn định trước các lần đại tu lớn cũng không dài, vòng đời thực tế của 1 động cơ cũng rất ngắn.
Chính vì vậy, người ta có quyền nghi ngờ “những lời có cánh” của các nhà sản xuất động cơ Trung Quốc khi các công ty chế tạo máy bay của họ vẫn không ngừng phải nhập khẩu động cơ AL-31F và RD-93 mà không dùng loại “động cơ tốt hơn của Nga” do các công ty trong nước sản xuất.
Thực ra, sự phát triển quá nóng của ngành chế tạo động cơ Trung Quốc cũng do sức ép của cái danh hão là “hơn Nga, ngang Mỹ”, nên các chỉ tiêu kỹ thuật đều đòi hỏi rất cao trong khi thực lực công nghệ nước nhà chưa theo kịp. Điều này có thể thấy qua các tham số so sánh 2 loại tiêm kích hạm J-15 Trung Quốc và F/A-18 của Mỹ.
Máy bay J-15 Trung Quốc được phỏng chế từ tiêm kích hạm Su-33 của Nga, có trọng lượng cất cánh tối đa 33 tấn, tối độ tối đa 2700km/h, tầm bay tối đa 3500km, bán kính tác chiến 1200km. Trong khi đó F/A-18 E/F của Mỹ chỉ có trọng lượng tối đa 29,9 tấn, vận tốc tối đa 1900km/h, hành trình tối đa 2300km, bán kính tác chiến 722km.
Tiêm kích hạm Mig-29K của Nga
Với những đòi hỏi về tham số kỹ thuật vượt qua F/A-18, bắt buộc ngành sản xuất động cơ Trung Quốc phải nâng cao các chỉ tiêu của động cơ để đảm bảo tính năng cho J-15, trong khi họ chỉ có một nền tảng công nghệ chắp vá nên thật dễ hiểu vì sao động cơ máy bay Trung Quốc không thể đảm bảo tính tin cậy.
Điều này không chỉ diễn ra đối với J-15 mà còn cả với tiêm kích hạng nhẹ FC-1 (phiên bản bán sang Pakistan là JF-17), tiêm kích bom JH-7, tiêm kích đa năng J-11 và máy bay vận tải hạng nặng Y-20, đặc biệt là các máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 như J-20, J-31 (hiện vẫn đang thử nghiệm bằng động cơ Nga).
Để có được thành quả như ngày hôm nay, ngành công nghiệp động cơ Nga đã có nền tảng 60 năm phát triển liên tục và ổn định. Theo các chuyên gia công nghệ Nga, người Trung Quốc nên biết mình là ai, “khiêm tốn” hơn 1 chút, đừng đẩy sự phát triển của công nghiệp hàng không vượt qua tầm của ngành chế tạo động cơ.
Nếu Trung Quốc không đốt cháy giai đoạn, bắt đầu với những động cơ mức độ vừa phải, xây dựng nền tảng công nghệ vững chãi, rồi mới tính đến chuyện đột phá rào cản kỹ thuật, thì chỉ sau 20 năm nữa họ sẽ có bước tiến lớn trong sản xuất động cơ máy bay. Còn nếu cứ đuổi theo cái danh hão “hơn Nga, ngang Mỹ” thì họ sẽ phải trả giá.