Chiến tranh Biên giới 1979: Vì sao Trung Quốc không dám dùng Không quân?
Trong giai đoạn này, Không quân Nhân dân Việt Nam là lực lượng không quân mạnh nhất Đông Nam Á. Kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với hàng loạt chiến công vang dội, Không quân Nhân dân Việt Nam tiếp tục đón nhận thử thách mới.
Tiếp thu máy bay của chế độ cũ
Lúc bấy giờ, không quân ta chỉ có lực lượng khá mỏng, chủ yếu là máy bay tiêm kích, gồm có 4 trung đoàn, trang bị các loại máy bay chiến đấu MiG-17 (Trung đoàn 923 – Đoàn Yên Thế), MiG-19 (Trung đoàn 925) và MiG-21 (Trung đoàn 921 – Đoàn Sao Đỏ và Trung đoàn 927 – Đoàn Lam Sơn) của Liên Xô. Nhưng sau đó, chúng ta đã tiếp quản và khai thác sử dụng 877 máy bay chiến đấu các loại của chế độ cũ, gồm rất nhiều chủng loại: tiêm kích, cường kích, trực thăng, trinh sát, vận tải …
Tiêm kích MiG-21
Thêm 4 trung đoàn không quân nữa được thành lập, trang bị các máy bay tiêm kích hạng nhẹ F-5 (Trung đoàn 935 – Đoàn Biên Hòa), cường kích A-37 (Trung đoàn 937 – Đoàn Hậu Giang), máy bay vận tải C-47, C-119 và C-130 (Trung đoàn 918), máy bay trinh sát L-19, U-17, trực thăng UH-1, CH-47 (Trung đoàn 917 – Đoàn Đồng Tháp).
Lực lượng phát triển mạnh, song nhiệm vụ cũng nặng nề hơn rất nhiều, không chỉ là không chiến bảo vệ vùng trời như trong kháng chiến chống Mỹ, mà còn là tấn công mặt đất, yểm hộ cho các mũi tiến công của bộ binh.
Tiêm kích đánh chặn hạng nhẹ F-5 (Mỹ sản xuất) phục vụ trong không quân ta sau 1975
Chiến tranh biên giới bùng nổ ở hai đầu đất nước. Trên mặt trận Tây Nam, không quân ta đã tham gia chiến dịch hợp đồng binh chủng quy mô lớn với các sư đoàn bộ binh và các trung lữ đoàn xe tăng, pháo binh …
Nhiều loại máy bay chiến đấu hệ 2, mà không quân ta thu được của chế độ cũ, đã phát huy hiệu quả rõ rệt trong nhiệm vụ cường kích, yểm trợ bộ binh. Các máy bay F-5, A-37, C-119, C-130 đã xuất kích với cường độ cao, oanh tạc dữ dội các trận địa, căn cứ, sở chỉ huy địch …trong sự bảo vệ của các biên đội tiêm kích MiG-17, MiG-19 và MiG-21.
Máy bay cường kích hạng nhẹ A-37 (hãng Cessna Mỹ sản xuất) trong biên chế Không quân Nhân dân Việt Nam.
Lại một lần nữa, Không quân Nhân dân Việt Nam tiếp tục lập nên những chiến công hiển hách, góp phần cứu thoát nhân dân đất nước Chùa Tháp khỏi thảm họa diệt chủng Khmer Đỏ.
Trong thời gian này, có một điều đặc biệt là trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, bất chấp các đơn vị bộ binh bị thiệt hại nặng nề, và liên tiếp thất bại trước Quân đội Nhân dân Việt Nam, không quân Trung Quốc không hề dám cất cánh oanh tạc, yểm trợ cho mặt đất. Đó là bởi, Trung Quốc quá lo sợ sức mạnh của lực lượng phòng không – không quân Việt Nam, đã từng đánh thắng cả không lực Mỹ. Trước các phi công Việt Nam đều rất lão luyện trận mạc, giỏi không chiến, không quân Trung Quốc chắc chắn sẽ chuốc lấy thất bại, nên họ không thể liều lĩnh khiêu chiến với những cánh én bạc MiG-21 của Việt Nam.
Có thể nói, trong giai đoạn này, Không quân Nhân dân Việt Nam là lực lượng không quân mạnh nhất Đông Nam Á, đủ sức ứng chiến với Không quân Trung Quốc đông đảo hơn rất nhiều lần. Điều quan trọng, là không quân ta mạnh toàn diện cả về không chiến lẫn tấn công mặt đất, hoàn thành xuất sắc cả hai nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế ở nước bạn.
Nhận viện trợ máy bay Su-22
Nhưng ngay cả trong thời điểm đó, các cấp chỉ huy Quân chủng và Bộ Quốc phòng cũng đã tỉnh táo nhận ra: Yếu tố làm sức mạnh của không quân ta tăng mạnh chủ yếu là nhờ các máy bay chiến đấu hệ 2, do chế độ cũ để lại.
Trong bối cảnh đất nước bị Mỹ cấm vận, bao vây kinh tế ngặt nghèo, không thể trông chờ nhiều vào các vũ khí có nguồn gốc Âu – Mỹ. Sớm muộn các máy bay này cũng sẽ bị hỏng hóc, trục trặc, mà phụ tùng sửa chữa, thay thế rất khan hiếm. Cùng với đó, là việc các máy bay tiêm kích MiG-17, MiG-19 đã ngày càng trở nên lạc hậu, bởi chúng chỉ mang pháo tự động, chứ không mang tên lửa không đối không.
Khi phải loại khỏi biên chế các máy bay chiến đấu hệ 2, cùng các máy bay MiG-17 và MiG-19, sức mạnh của Không quân Nhân dân Việt Nam sẽ bị suy giảm nghiêm trọng. Do đó, bên cạnh việc tăng cường bảo dưỡng, sửa chữa các máy bay hệ 2, cần gấp rút chuẩn bị lực lượng thay thế các máy bay này.
Lúc bấy giờ, yêu cầu nhiệm vụ đặt ra không còn nặng về mặt không chiến bảo vệ vùng trời. Bởi lẽ, ngay cả không quân Trung Quốc lớn mạnh hàng đầu thế giới còn phải “kinh sợ” Không quân Nhân dân Việt Nam. Trong trường hợp có không chiến với kẻ thù trực tiếp lúc đó là Trung Quốc, thì các phi công Việt Nam dạn dày kinh nghiệm, với các máy bay tiêm kích MiG-21PF, MiG-21PFM cũng thừa sức “làm cỏ” các máy bay J-5, J-6, J-7 của đối phương.
Máy bay cường kích Su-22 của Không quân Nhân dân Việt Nam
Loại máy bay Việt Nam cần có lúc này, phải là loại máy bay đa dụng, vừa có thể không chiến, vừa có thể tấn công mặt đất để yểm trợ cho bộ binh. Yêu cầu này đã được phía Liên Xô đáp ứng: Trong ba năm 1981-1984, Việt Nam đã nhận được 70 chiếc cường kích Su-22M. Đây là các máy bay có kết cấu cánh cụp cánh xòe, vận tốc tối đa 1.860km/h, bán kính chiến đấu 1.150km, mang được 4.250kg vũ khí các loại gồm tên lửa không đối không, không đối đất, không đối hải, bom và rocket các loại …
Các máy bay cường kích Su-22 vừa có khả năng không chiến tốt thay thế cho MiG-17, MiG-19 cổ lỗ, vừa có khả năng cường kích mạnh, thay cho F-5 và A-37. Không chỉ vậy, cường kích Su-22 còn góp sức rất lớn trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo. Lúc bấy giờ, đây là loại máy bay chiến đấu duy nhất của ta đủ tầm bay ra quần đảo Trường Sa.
Sau chiến dịch chủ quyền CQ-88, trong bối cảnh lực lượng hải quân ta thua kém quá nhiều so với Trung Quốc, 7 máy bay Su-22 đã xuất kích, yểm trợ cho các tàu hải quân đổ bộ công binh, giành lại đảo Len Đao.
(Tri Thức Trẻ)